Mối tâm giao giữa nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với họa sĩ Dương Bích Liên Mặc dù là một trong những người thuộc bộ tứ “Sáng - Nghiêm - Liêm - Phái” danh giá vào bậc nhất làng hội họa Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000, họa sĩ Dương Bích Liên cho đến gần đây nhất vẫn cứ là một ẩn số. Bộ phim Sắc vàng lặng lẽ rất hay và cảm động về họa sĩ, với những thước phim thiên về gợi cảm hơn là tả chân, dường như càng làm tăng vẻ bí ẩn của ẩn số này. Dễ hiểu là những mối quan hệ của ông với các văn nghệ sĩ, trong đó có cha tôi – nhà văn Nguyễn Huy Tưởng – cũng chưa mấy được biết đến. Bài viết này chính là nhằm bổ khuyết vào sự thiếu hụt đó. Sự thiếu hụt mà nếu không biết đến cũng chả làm sao, nhưng nếu biết, chắc chắn sẽ đem lại nhiều cảm nhận thú vị không chỉ về hai ông, mà rộng hơn, về tình bạn giữa các văn nghệ sĩ một thời. Với tất cả sự chênh lệch tuổi tác và sự khác biệt về nghề nghiệp, cha tôi và họa sĩ Dương Bích Liên, có thể nói, là những người bạn tương liên, tương hợp nhất. Cha tôi sinh năm 1912, tuổi Tí. Họa sĩ Dương Bích Liên sinh năm 1924, cũng tuổi Tí, chênh nhau một giáp! Cả hai ông đều là người cầm bút, nhưng một người cầm bút sắt, người kia cầm cọ. Ấy là chưa kể đến sự khác nhau về “địa vị” mà bình thường ra rất dễ trở thành vật cản của tình bạn: Cha tôi thuộc số những người lãnh đạo văn nghệ cấp khá cao. Còn họa sĩ Dương Bích Liên, tôi vẫn nghĩ, đó là một kiểu người nghệ sĩ “thuần túy” nhất. Đến khi xảy ra vụ “Nhân văn Giai phẩm”, cha tôi thôi công tác lãnh đạo, nhưng vẫn ở trong Ban chấp hành Hội Nhà văn và vẫn có vị thế nhất định. Còn họa sĩ Dương Bích Liên như tôi được biết, hình như sau đó cũng chịu nhiều vất vả lắm. Song tất cả điều đó không hề ảnh hưởng đến tình bạn giữa hai ông, một tình bạn trước sau như nhất, thắm thiết, khắc khoải, mặc dầu cái vẻ ngoài lặng lẽ. Không biết về phía họa sĩ Dương Bích Liên thì thế nào, còn với cha tôi, xem ra ấn tượng ban đầu về người bạn họa sĩ tương lai của mình không được tốt, nếu không muốn nói là xấu nữa. Hai ông bắt đầu biết nhau trong chiến dịch Biên giới cuối năm 1950, khi cùng được cử đi tham gia phục vụ chiến dịch – cha tôi với tư cách đại diện Hội Văn nghệ trung ương, họa sĩ Dương Bích Liên là người của báo Vệ quốc đoàn, tiền thân của báo Quân đội nhân dân sau này. Khi ấy cha tôi 38 tuổi, chưa thể gọi là già để quá khắt khe với lớp trẻ, còn họa sĩ Dương Bích Liên cũng đã 24 tuổi, cái tuổi có thể coi là già dặn vào thời bấy giờ. Vậy mà không hiểu sao, cha tôi lại có những nhận xét như sau về họa sĩ: “Đuổi theo pháo binh. Cùng đi với Liên: khó chịu vì cái lầm lì, hơi ích kỷ của anh họa sĩ trẻ tuổi này. Giữa hai thế hệ, có cái gì thật là cách biệt” (nhật ký ngày 22-8- 1950). Cha tôi khó tính, hay ở họa sĩ Dương Bích Liên có cái gì đó khó gần thật? Cha tôi bất công, hay ông đã có cái lý của ông? Những ai từng được biết họa sĩ Dương Bích Liên, dù chỉ qua ảnh, chắc khó có thể quên vẻ mặt của ông. Khuôn mặt ông không có nhiều yếu tố tạo hình như các ông Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, nhưng cũng rất gây ấn tượng. Đó là một khuôn mặt trầm lặng mà biểu cảm, hài hòa thanh thoát nhưng cũng nặng trĩu ưu tư. Vẻ mặt ấy, bảo rằng đăm chiêu cũng được, mà bảo là lầm lì cũng chẳng sai! Những ai từng đọc nhật ký cha tôi, hẳn đều biết ông thường hay khổ tâm về cái vẻ mặt của mình. Mặc dù không hề muốn, đôi khi mặt ông “thuỗn” ra (chữ dùng của nhà văn Nguyên Hồng), trông khá ư là nặng nề, và bản thân ông những lúc ấy vẫn tự trách mình là “mặt nặng” khiến anh em ngại. Những ai từng đọc Nam Cao, hẳn không thể không nhớ “cái mặt không chơi được” của nhân vật Tri, cái mặt ấy chẳng có lỗi gì, nhưng nó vẫn cứ là không chơi được! Cha tôi cũng biết thế lắm về mình, và rất muốn “cải tạo” cái bản mặt đôi lúc khó coi của ông. Lên đường đi chiến dịch, cha tôi muốn sống thật hồ hởi, hòa mình vào với bộ đội, dân công, những con người đơn giản chẳng bao giờ phải bận tâm về mình. Nào ngờ, ghét của nào trời trao của nấy, ông lại gặp phải anh bạn nghệ sĩ đồng hành lầm lì, có lẽ hay băn khoăn về việc sáng tác của cá nhân mình khiến ông đã cho ngay là “ích kỷ”. Nhưng chưa đầy nửa tháng sau, giữa hai ông đã thiết lập một mối giao cảm đặc biệt. Mặc dù khác chuyên môn, lại kém cha tôi nhiều tuổi, họa sĩ Dương Bích Liên không hiểu sao rất hay tâm sự với cha tôi về đủ mọi chuyện – chuyện mình và chuyện người, chuyện sáng tác và chuyện công tác, chuyện về cuộc sống và chuyện về nhân cách con người. Khi thì họa sĩ góp ý với cha tôi về bút pháp, như khuyên ông nên viết một truyện épique [có tính cách sử thi], để rồi cha tôi đáp lại rằng ông thiên về những truyện có tính cách lyrico-épique [sử thi trữ tình]; khi thì hai ông cùng bàn về cái chết của một nhà thơ, mà họa sĩ thẳng thừng nói rằng “chết mà không tiếc”, vì đó là một người “giả dối, thích địa vị”; khi hai ông cùng đứng ngắm một bãi tập kết của quân ta chỉ cách vị trí địch 6 cây số, bộ đội nổi lửa nấu cơm trước khi bước vào trận đánh một mất một còn với giặc, con mắt của họa sĩ và nhà văn cùng rung cảm trước cảnh trời thu bảng lảng, khói tỏa đầy bãi như chiều ba mươi, và họa sĩ đã xúc động thốt lên và nhà văn đã ghi lại: “Mình thấy ấm cả người. Sức con người thật lớn” Kháng chiến thành công, hai ông trở về Hà Nội giải phóng và lại có dịp đi bên nhau ngắm người ngắm cảnh. Ngày Quốc tế lao động đầu tiên sau giải phóng Thủ đô chắc phải tưng bừng lắm. Người người đổ ra đường, chỗ này một đám, chỗ kia một đám, hòa thành những dòng người tíu tít, nhộn nhịp. Hai ông thích thú ngắm nhìn những thiếu nữ Hà Nội mặc áo dài, tha thướt ngay cả khi đạp xe sóng hàng đôi, hàng ba trên đường. Nhưng rồi con mắt hai ông bỗng vấp phải hình ảnh mấy chị nữ cán bộ; các chị có lẽ mặc áo đại cán, loại áo có bốn túi ngang bằng sổ thẳng và thường được may ngắn cho gọn; hình ảnh ấy lẽ ra phải rất thân quen mới phải, nếu là trong khung cảnh kháng chiến đơn sơ, giản tiện, nhưng nay đã về với Hà thành hoa lệ, mọi sự không thể lúi xùi như trước nữa. Và cha tôi đã ngao ngán thốt lên, hay ông ghi lại lời người bạn họa sĩ của ông thì cũng vậy: “Những chị cán bộ áo cũn cỡn trông rất buồn, làm xấu thành phố”. Xin được đặc biệt lưu ý, cha tôi có sự nhận xét này chính là vào ngày Quốc tế lao động 1-5-1955. Bấy giờ vừa mới giải phóng Thủ đô được nửa năm, người dân Hà Nội có thể đã hết còn bỡ ngỡ với những bộ đội, cán bộ về tiếp quản, nhưng vinh dự của kháng chiến thì còn nguyên, giá trị của những người đi kháng chiến về vẫn còn ngời ngời trong con mắt người Hà Nội. Hôm ấy, đài báo chắc chắn nói rất nhiều về người lao động, tôn vinh người lao động và ca ngợi vẻ đẹp (tinh thần) của người lao động, đặc biệt người lao động trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước càng được đề cao. Song, tất cả điều đó không ngăn trở cha tôi và họa sĩ Dương Bích Liên bức xúc về những bộ áo “cũn cỡn, làm xấu thành phố” của mấy chị cán bộ! Số người mặc bộ áo cán bộ đó chắc cũng ít thôi, vì bấy giờ số cán bộ nhà nước, nhất lại là nữ, còn ít lắm; họ có chăng cũng lọt thỏm trong bể người Hà Nội đổ ra đường mừng ngày đại lễ mùng 1 tháng Năm; nhưng cũng như một nét vẽ vụng trên bức tranh lộng lẫy hài hòa, nó đã làm hỏng toàn cảnh! Với tất cả những gì tôi biết về cha tôi và họa sĩ Dương Bích Liên, tôi dám khẳng định hai ông là những người rất trân trọng con người, hơn nữa, với phụ nữ lại càng nâng niu quý trọng. Ở đây cũng vậy, hai ông không hề có ý dè bỉu các chị nữ cán bộ, những người cũng như hai ông vừa trực tiếp góp phần vào công cuộc kháng chiến thắng lợi, và đang gánh vác trọng trách xây dựng một xã hội mới, xã hội mà người dân, không phân biệt sang hèn, đều được tôn trọng. Điều ẩn sau sự bức xúc nói trên, tôi đọc thấy, chính là mong muốn cho mọi người, trước hết là người nữ cán bộ thủ đô, phải biết, và được, mặc đẹp! Cũng xin lưu ý thêm, thời điểm cha tôi chia sẻ cùng họa sĩ Dương Bích Liên quan niệm về cái xấu cái đẹp ấy, diễn ra gần một năm trước khi có phong trào “trăm hoa đua nở” đòi hỏi mọi người, không cứ là nghệ sĩ, phải được tự do phát triển cá tính của mình, từ việc sáng tạo nghệ thuật đến cái ăn, cái ở của mỗi con người * Những năm đầu sau hòa bình hóa ra không diễn ra xuôn xẻ như mọi người mong đợi. Sai lầm trong cải cách ruộng đất; hiệp thương không thành do sự phá hoại tổng tuyển cử của chính quyền Ngô Đình Diệm; những đợt học tập, kiểm thảo liên miên trong phong trào chỉnh huấn nói chung và cuộc đấu tranh tư tưởng trong giới văn nghệ nói riêng, kể từ khi xuất hiện phong trào “Nhân văn Giai phẩm” , tất cả những cái đó đã tác động sâu sắc đến giới văn nghệ và xáo động nhiều mối quan hệ bạn bè giữa các văn nghệ sĩ với nhau. Người ta ngại bộc lộ chính kiến, những điều gan ruột nhiều khi cũng chỉ biết giữ riêng cho mình, sợ nói ra lại có lúc bị đem ra liên hệ. Trong điều kiện đó, thật may giữa cha tôi và họa sĩ Dương Bích Liên vẫn có thể cởi mở với nhau mọi chuyện, bởi, như họa sĩ nói trong một bức thư gửi cha tôi, quan hệ giữa hai ông “cái chính bao giờ cũng lại là quan hệ với nghệ thuật, thành ra dễ chịu biết bao!”. Một ngày giữa tháng 7 năm 1956, cha tôi có cuộc nói chuyện rất tâm can với họa sĩ Dương Bích Liên. Nhật ký của cha tôi thời gian này có không ít những trang trăn trở đầy tâm huyết về nhiều vấn đề của cuộc sống và nghệ thuật, nhưng ít có ở đâu giàu tính nhân văn và giàu chất nghệ sĩ như trường đoạn ông ghi lại cuộc nói chuyện đó. Hai ông lo ngại tâm sự với nhau những cái bất cập của đời sống thành phố: “Cuộc sống mới có một cái gì giả tạo. Tình bạn, tình yêu không còn thắm thiết. Tất cả đều tạm bợ. Không có cái cơ sở để xây dựng, vì cuộc đời bấp bênh”. Hai ông nhìn ra cái bất bình thường trong cái tưởng như bình thường vẫn diễn ra quanh hồ Gươm vào mỗi chủ nhật, khi người ta “gặp nhau, nói chuyện, rồi trở về với tập thể, một thứ tập thể lạnh lùng, khó tính, chưa phải là nơi người ta gửi gắm”, bởi một lí do đơn giản nhưng bấy giờ không phải đã dễ gì nói thẳng ra: “gửi gắm cái hay có thể được, nhưng gửi gắm cái dở, ai đã dám làm?”. Rồi từ chuyện riêng-chung trong cuộc sống thường nhật, hai ông chua chát luận về công việc sáng tác của nhiều đồng nghiệp: “Họ sáng tác cái gì? Những đề tài đã có sẵn, vô thưởng vô phạt, mà nhất định được hoan nghênh: anh công nhân, người đàn bà cắm thẻ nhận ruộng. Có sẵn hết. Thế thì anh ấy đóng góp cái gì. Anh nêu được vấn đề gì khi anh chẳng tìm thấy vấn đề gì nêu cả. Vẽ xong, anh yên tâm là đã phục vụ. Nhưng có phải như thế là người nghệ sĩ không? Hay chỉ là một công chức?” Nhiều chục năm sau, đến thời Đổi mới cuối thế kỷ XX, các nhà lí luận sẽ tìm ra nhiều từ xác đáng, gây ấn tượng để chỉ thứ văn học một thời lúc nào cũng tỏ ra mẫn cán để phản ánh thực tế kịp thời, rằng đó là “văn học quan phương”, “văn học cán bộ”, v.v Vào thời điểm giữa những năm năm mươi đang được nói tới trong bài, cha tôi và họa sĩ Dương Bích Liên vốn không phải là những nhà lí luận ưa tìm tòi thuật ngữ có tính khái quát cao, chỉ đơn giản gọi những người làm thứ nghệ thuật đó là công chức. Mà cũng chỉ là nói riêng với nhau, hoặc cùng lắm ghi vào nhật ký, chứ cũng chẳng lớn tiếng đăng đàn diễn thuyết với ai. Song có điều chắc chắn, cha tôi và họa sĩ Dương Bích Liên đã cương quyết chống sự “công chức hóa” đó, ít nhất là về phần mình: cha tôi xin thôi công tác lãnh đạo văn nghệ để được chuyên tâm sáng tác, còn họa sĩ Dương Bích Liên vào tổ sáng tác của ngành họa, nơi ông được phép lĩnh lương chỉ để có việc vẽ! . Mối tâm giao giữa nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với họa sĩ Dương Bích Liên Mặc dù là một trong những người thuộc bộ tứ “Sáng - Nghiêm - Liêm - Phái” danh giá vào bậc nhất làng hội họa. sau, giữa hai ông đã thiết lập một mối giao cảm đặc biệt. Mặc dù khác chuyên môn, lại kém cha tôi nhiều tuổi, họa sĩ Dương Bích Liên không hiểu sao rất hay tâm sự với cha tôi về đủ mọi chuyện. đem ra liên hệ. Trong điều kiện đó, thật may giữa cha tôi và họa sĩ Dương Bích Liên vẫn có thể cởi mở với nhau mọi chuyện, bởi, như họa sĩ nói trong một bức thư gửi cha tôi, quan hệ giữa hai