Nhân vật trùng tên trong "Âm thanh và cuồng nộ" và "Trăm năm cô đơn" E. Fromm giới thuyết về con người trong nền văn minh kỷ trị như sau: vấn đề của thế kỷ XIX là “Chúa đã chết” (như Nietzsche đã nói), vấn đề của thế kỷ XX là con người đã chết trong một phần của ý thức nhân bản. Sự phản ứng chủ nghĩa duy lý diễn ra trên bình diện tinh thần đã hắt cái bóng lên triết học và nghệ thuật. Như một quy luật tất yếu, tầng lớp văn nghệ sĩ cũng bị “xô dạt bởi những trận cuồng phong xã hội”. Tiểu thuyết hiện đại để phản ánh sâu sắc cuộc sống muôn màu muôn vẻ đó đành phải khước từ cách miêu tả của tiểu thuyết truyền thống. Nằm trong trào lưu của tiểu thuyết hiện đại, hai nhà văn kiệt xuất W. Faulkner và G. Marquez đã cố tìm tòi những thử nghiệm mới trong kỹ thuật viết, góp phần cách tân tiểu thuyết trên nhiều phương diện. Sáng tác của hai ông, đặc biệt trong lĩnh vực tiểu thuyết đã mang lại sự phục sinh kỳ diệu mà bản thân tiểu thuyết phương Tây trước đó chưa thể vươn đến. Dấu ấn hiện đại trong tiểu thuyết được hai tiểu thuyết gia tài hoa này thể nghiệm trên nhiều bình diện thi pháp như đồng hiện thời gian, độc thoại nội tâm dòng ý thức, thủ pháp trùng tên nhân vật, những huyền thoại trong Thánh kinh Bằng kỹ thuật viết độc đáo, hai ông đã mê dụ người đọc, đưa họ vào một khu rừng đầy phù chú của trí tưởng tượng. Về vấn đề nhân vật, tiểu thuyết nhân vật thực sự thuộc về quá khứ, thời hiện đại là số hiệu danh bạ (numéro matricule) vậy nên tên tuổi, tính cách nhân vật không còn quan trọng. Phải thừa nhận rằng sự cá biệt hoá nhân vật, phân biệt nhân vật này với nhân vật khác trong cùng một tác phẩm chính là “tên họ”. Tên họ của nhân vật còn được sử dụng như một dụng ý nghệ thuật của nhà văn gắn với quan niệm của người sáng tác. Trong tiểu thuyết truyền thống, Rabelais đặt tên nhân vật gắn với đặc điểm lúc chào đời: cậu bé Gargantua vừa mới chào đời đã đòi uống làm cho bố cậu phải thốt lên “Que grand tuas!” (Sao mày to họng thế) âm đọc na ná với “Gargantua”, cái tên này mang dấu ấn kỷ niệm của đứa bé to mồm. Với văn hào Balzac ước vọng làm một người “thư ký trung thành của thời đại” cho nên tên họ nhân vật nhằm mục đích khu biệt nhiều hơn và còn mang tính giai cấp, một người có tên “De” bao giờ cũng sang trọng bởi nó gợi đến nguồn gốc quí tộc của nhân vật: De Cante-Croix, De Canalis, De Chaulieu Cách định danh của nhân vật theo kiểu Rabelais hay Balzac không còn là mối bận tâm của các nhà văn hiện đại. Những cơn chấn động tinh thần, số phận con người đang tha hoá một cách khủng khiếp, phải chăng đó là cảm quan chung của thế giới phương Tây hiện đại. Đây đó trên những trang tiểu thuyết phương Tây hiện đại xuất hiện những cái tên như ký hiệu trơ trọi, một K (Lâu đài), một Jozepk (Vụ án)của Kafka, rồi một A với ba dấu chấm lửng (Ghen) của A.R. Grillet Còn với Faulkner và Marquez, nhân vật bắt đầu “mờ hoá” đường viền nhân thân nhằm nâng cao sức phản ánh của hình tượng và vẫy gọi sự đồng sáng tạo từ độc giả. Chính vì vậy mà khi đọc hai tác phẩm Âm thanh và cuồng nộ, Trăm năm cô đơn, nó ám gợi nơi người đọc cảm giác bấp bênh giữa hư và thực, cái thế giới nhân vật trong tác phẩm vừa giống lại vừa không giống với hiện thực bên ngoài, đó là một hiện thực kép. Cả hai tiểu thuyết gia này đều sử dụng môtip trùng tên nhân vật theo chu kỳ khép kín đến vô vọng. Hiện tượng xoá mờ tên tuổi, đường viền lịch sử gây ra một tín hiệu rõ rệt: sự tồn tại của con người và phi lý, tồn tại như những hồ sơ, những con số, những sổ danh bạ Đúng như V. Bêla nhận định: “Thế kỷ XX, cái tôi không còn là thế giới”, cái ngã (Atman) của con người bị đánh cắp, môtip trùng tên nhân vật trong Âm thanh và cuồng nộ, Trăm năm cô đơn mô tả sự phản tỉnh của con người trong thế giới hiện đại với hành trình tìm về bản ngã, sự hiện sinh của con người trong thế giới này. Những nhân vật của Faulkner hiện lên trong tác phẩm Âm thanh và cuồng nộ bằng cả nỗi đau, tính bạo lực, sự ngược đãi và những thiên thần đoạ lạc. Đó là những con rối định mệnh, một số phận không thể nào cứu rỗi được trong định mệnh nghiệt ngã của mỗi kiếp người, đó là bức thông điệp cũng như phong cách độc đáo của Faulkner. Trong phần phụ lục của tác phẩm Âm thanh và cuồng nộ, Faulkner kể về lịch sử của dòng họ Compson trải gần ba trăm năm (1699-1954) nhưng ở bốn chương đầu Faulkner lại xây dựng nhân vật qua ba mảng nhân vật (Benjy, Quentin, Jason) cùng với người kể chuyện khách quan chỉ vỏn vẹn trong bốn ngày của hiện tại (hiểu theo nghĩa hiện tại là trực tiếp tường thuật) lại chứa đựng 30 năm của quá khứ (từ 2-6-1910 đến 8-4-1928) thuộc về thế hệ sau cùng của dòng họ Compson. Trong bức tranh lập thể của dòng họ Compson gồm bảy người thuộc ba thế hệ thì đã lặp lại ba cặp nhân vật trùng tên: Maury cậu và Maury cháu (Benjy), Quentin cậu - Quentin cháu, Jason bố - Jason con. Dĩ nhiên môtip trùng tên nhân vật nằm ngay trong ý đồ nghệ thuật của văn sĩ đa tài này, ông có lần nói: “May mắn cho tôi là những nhân vật của tôi thường tự đặt tên lấy. Tôi không bao giờ phải tìm kiếm tên họ. Đột nhiên họ cho tôi biết họ là ai Nếu có nhân vật nào không tự đặt tên thì tôi không bao giờ đặt tên cho nó”(1). Trong phả hệ của gia đình Compson có một thói quen, một cái tên được đặt cho hai, ba người ở thế hệ kế tiếp nhưng thế hệ trước không một mối dây thần bí nào chiếu ứng lên số phận. Song ở thế hệ thứ ba, mỗi cặp nhân vật trùng tên thì tính chất định mệnh lại ám ảnh các nhân vật trong tác phẩm. Một Maury cậu khoác lác, tinh quái, bòn rút đến cả người vú da đen Dilsey bên cạnh một Maury cháu ngớ ngẩn, điên khùng sống với những ẩn ức của bản năng đến nỗi gia đình phải hoạn để tránh tai hoạ, cuối cùng bị đẩy đến nhà thương điên Jackson. Tiếp đến là nhân vật Jason bố giàu lòng hi sinh nhưng trước cảnh gia đình sa sút đã chìm trong nghiện ngập rồi kết thúc cuộc đời trong cơn say. Tên tuổi của ông bố lại trùng với Jason con, đó là một người Mỹ trung bình với bản chất tàn nhẫn luôn chạy theo đồng tiền bất chấp lương tâm đạo đức. Vòng quay số phận lặp lại từ Quentin cậu đến Quentin cháu. Với Quentin cậu là một con người lưỡng diện, luôn day dứt với những mặc cảm tội lỗi cho đến lúc buộc bàn là vào chân và trầm mình dưới dòng sông. Quentin cháu là phiên bản không đáng có của ông cậu tự tử, nỗi bất hạnh đeo bám cô bé từ lúc “giai đoạn phân bào quyết định giới tính”, Quentin cháu quyết định bỏ trốn đó là hành động phản kháng thực tại và phá bỏ khuôn thước của gia đình Compson. Vòng quay của các số phận trùng tên trong Âm thanh và cuồng nộ như một điệp khúc bất hạnh về bi kịch cô đơn và tha hoá, bi kịch này ở thế hệ sau tăng tiến so với thế hệ trước. Việc tháo gỡ nhân vật thành nhóm người trùng tên gắn liền với thành tựu mỹ học siêu thực và phân tâm học của Sigmund Freud. Sự tàn lụi của dòng họ Compson thể hiện ngay từ cái tên nhân vật, Faulkner đã tài tình lồng ghép bức tranh đổ nát của gia đình trong bức tranh rộng lớn của xã hội, từ đó nhà văn đã đưa ra dự báo mang tính toàn nhân loại. Môtip trùng tên nhân vật của Faulkner được Marquez vận dụng một cách đậm đặc hơn trong cuốn tiểu thuyết sử thi lừng danh Trăm năm cô đơn. Nếu ở Âm thanh và cuồng nộ dòng họ Compson chỉ có ba cặp nhân vật trùng tên thì ở Trăm năm cô đơn của Marquez sự trùng tên nhân vật của dòng họ Buênđya lặp lại trong bảy đời với hai cái tên Hôsê Accađiô và Aurêlianô. Dòng họ Buênđya tồn tại một trăm năm trải dài qua bảy thế hệ. Từ thế hệ thứ nhất gắn liền với cụ tổ Hôsê Accađiô Buênđya. Thế hệ thứ hai gắn với người con trai đầu lòng là Hôsê Accađiô sinh ra trên đường đi tìm làng mới, người con trai thứ hai là ngài đại tá Aurêlianô Buênđya. Thế hệ thứ ba với nhân vật Accađiô là cháu của cụ tổ và là con của Accađiô. Thế hệ thứ tư tiêu biểu là hai anh em sinh đôi Hôsê Accađiô Sêgunđô và Aurêlianô Sêgunđô con của Accađiô. Thế hệ thứ năm là Hôsê Accađiô. Thế hệ thứ sáu với sự ra đời của Aurêlianô Babiliôna gắn với tình yêu loạn luân với bà cô Amaranta Ucsuala. Và thế hệ cuối cùng của dòng họ là đứa bé có đuôi lợn Aurêlianô kết quả của mối tình loạn luân giữa cô - cháu. ở thế hệ thứ bảy đã đưa dòng họ Buênđya đến sự tuyệt diệt, khép lại một thiên sử thi lãng mạn về cái cô đơn. Số phận của dòng họ Buênđya gắn kết với hai tuyến nhân vật cùng tên, nó luôn bổ sung cho nhau hướng đến khát vọng làm chủ cuộc đời. Những Hôsê Accađiô và Aurêlianô là kết quả di truyền của cụ tổ về nỗi cô đơn. Với nhân vật trùng tên Marquez đã đẩy trạng thái cô đơn của con người lên đỉnh điểm và nhân vật trở thành diện mạo vĩnh cửu trong văn học. Bằng việc sử dụng nhân vật trùng tên, Marquez đã thể hiện được nỗi cô đơn thống thiết nhất của con người, và nỗi khổ đau này hiện lên trong tác phẩm như một bản án đồng thời lại là sự trừng phạt. Cũng như Faulkner, Marquez sử dụng kiểu nhân vật trùng tên để dàn dựng lên bức tranh dòng họ lồng trong bức tranh rộng lớn của xã hội tù đọng, lạc hậu rơi vào khủng hoảng bế tắc của đất nước Columbia hay Mỹ Latinh nói chung. Thông qua thế giới nhân vật trong hai tác phẩm Âm thanh và cuồng nộ, Trăm năm cô đơn, thủ pháp trùng tên nhân vật được hai nhà văn sử dụng đậm nhạt khác nhau song nó đều biểu hiện về sự luyến nhớ quá khứ mạnh mẽ, một quá khứ tạo nên mẫu hình về số phận cho con cháu, mà sự đam mê nổi loạn của các nhân vật đều dẫn đến sự cô đơn vô vọng. Sự trùng tên nhân vật qua hai tác phẩm đã khái quát lên tư tưởng triết lý về thân phận con người, con người dù tham vọng đến đâu rồi cũng trả về hư vô; triết lý về sự cô đơn trên nhiều cấp độ người. Nhân vật trùng tên như có chất keo dính quá khứ với hiện tại, ảo và thực và thực hiện liên kết nhân vật theo một định mệnh nghiệt ngã. Định mệnh cô đơn, cô đơn trong xã hội, cô đơn trong gia tộc và trong thẳm sâu tâm hồn của mỗi con người./. . danh Trăm năm cô đơn. Nếu ở Âm thanh và cuồng nộ dòng họ Compson chỉ có ba cặp nhân vật trùng tên thì ở Trăm năm cô đơn của Marquez sự trùng tên nhân vật của dòng họ Buênđya lặp lại trong bảy. nỗi cô đơn. Với nhân vật trùng tên Marquez đã đẩy trạng thái cô đơn của con người lên đỉnh điểm và nhân vật trở thành diện mạo vĩnh cửu trong văn học. Bằng việc sử dụng nhân vật trùng tên, . môtip trùng tên nhân vật trong Âm thanh và cuồng nộ, Trăm năm cô đơn mô tả sự phản tỉnh của con người trong thế giới hiện đại với hành trình tìm về bản ngã, sự hiện sinh của con người trong