Kế sách giữ nước thời Lý-Trần CHƯƠNG III XÂY DỰNG KINH TẾ LÀM CHO DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH, “QUỐC PHÚ BINH CƯỜNG” 4. Bảo vệ sức kéo Trong sản xuất nông nghiệp, nếu như đê điều, mương máng là biểu hiện tác động chủ quan của con người nhằm hạn chế tác hại và lợi dụng thuận lợi của thiên nhiên thì sức kéo lại là nguồn hỗ trợ, tạo nên sức mạnh hợp lực và hiệu quả của lao động cơ bắp. Đã từ lâu, từ thời sơ sử, tổ tiên ta đã biết thuần dưỡng trâu bò, để sử dụng trong cày bừa, chuyên chở. Cũng từ ngày đó, trâu bò đã trở thành người bạn thân thiết, chia sẻ đói no với người dân cày cho đến khi có nền nông nghiệp cơ khí xuất hiện thay thế. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, có thể nói đây là chân lý rút ra từ nhận thức kinh nghiệm truyền đời của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Nhà nước thời Lý - Trần quan tâm đến nông nghiệp không thể không quan tâm đến bảo vệ sức kéo. Sử chép vào thời Lý Thái Tông, năm 1042, nhà vua xuống chiếu “kẻ nào ăn trộm trâu của công xử phạt 100 trượng, một con phạt thành hai con”2. Có thể nghĩ rằng vào đầu thời Lý, ruộng tư tuy đã xuất hiện, nhưng phổ biến vẫn là ruộng công, do đó, trâu bò trên đại thể còn là vật sở hữu của nhà nước hoặc do cộng đồng hương, giáp, xã quản giữ. Do đó, nhà nước quan tâm đến bảo vệ sức kéo “của công”. Sang thế kỷ XII, khi ruộng đất tư đã phổ biến, theo đó sức kéo là trâu bò cũng trở thành của tư nhân. Là của riêng nhưng chúng lại có tác động đến đời sống toàn xã hội như ruộng đất vậy. Hẳn rằng nhận thức được điều này cho nên nhà Lý đã từng hạ chiếu khuyến nông, khai khẩn ruộng hoang hóa, bảo vệ sở hữu ruộng đất tư, đồng thời cũng bảo vệ sức kéo của toàn xã hội. Sử chép, năm 1117 thời Lý Nhân Tông “tháng hai (âm lịch) định rõ lệnh cấm giết trộm trâu”. Hoàng Thái hậu (Ỷ Lan) nói: “Gần đây ở kinh thành, hương ấp có nhiều người trốn tránh lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một con trâu. Trước đây ta đã từng nói đến việc ấy, nhà nước đã có lệnh cấm. Nay giết trâu lại càng nhiều hơn trước. Bây giờ vua xuống chiếu kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp (phục dịch trong quân), vợ xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ (làm việc ở nhà chăm tằm) và bồi thường trâu, láng giềng biết mà không tố cáo phạt 80 trượng”3. Ngăn cấm việc mổ trộm trâu với những hình phạt nặng nề là vậy, nhưng dường như chưa mấy tác dụng. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông lại xuống chiếu: “trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo hình luật”4. Năm 1143 vua Lý Anh Tông lại xuống chiếu “thiên hạ từ nay về sau cứ ba nhà làm một bảo, không được mổ riêng bò trâu, nếu có việc cúng tế phải tâu xin được chỉ rồi mới cho mổ, kẻ làm trái thì trị tội nặng, láng giềng không cáo giác cũng xử cùng tội”5. Trâu bò là nguồn sức kéo quan trọng, đồng thời còn là nguồn thực phẩm và là đồ tế vật. Nhà nước thời này hiểu rõ điều đó, nhưng vẫn đặt yêu cầu của sức kéo lên hàng đầu vì mục đích mở mang nông nghiệp. Do đó, nhà nước đã quản lý việc mổ trâu bò vì những mục đích khác. Qua ghi chép ngắn ngủi của sử cũ, ta còn phát hiện được số lượng trâu bò ở thời này không ít, có phổ biến ở các hộ nông dân. Cảnh “mấy nhà cày chung một con trâu” đã là tai họa cho nông nghiệp, buộc nhà nước phải can thiệp, dùng đến hình thức “tam gia liên bảo” để giám sát lẫn nhau, bảo vệ trâu bò. Tìm hiểu về chủ trương phát triển nông nghiệp nhằm mục tiêu “quốc phú, binh cường” thời Lý - Trần không thể không đề cập đến “ngụ binh ư nông” được nhìn nhận từ góc độ kinh tế. Theo ghi chép cửa sử sách vào năm 1128 đời Lý Thần Tông. nhà vua chủ trương “cho sáu quân thay phiên nhau về làm ruộng theo chế độ xưa”1. Nhà sử học Phan Huy Chú khảo về “lương lộc” của quân lính cho hay về thời Lý “ngoại binh không có lương, cứ luân phiên đến hết phiên canh cho về nhà cày cấy trồng trọt để tự cấp. Nhà Trần theo phép nhà Lý ( ) binh các đạo thì đều chia phiên về làm ruộng, cho đỡ tốn lương”2. Phan Huy Chú còn dẫn lời Ngô Thì Sĩ nói rõ hơn về thời Lý: ngoài quân cấm vệ “lại có chín quân như sương quân: để sai khiến làm mọi việc, mỗi tháng đến phiên một lần gọi là đến canh, hết canh cho về nhà cày cấy hoặc làm công nghệ, tự cấp lấy chứ không được cấp lương. Khi có chiến tranh thì cho gọi ra lệ thuộc vào các tướng. Nếu số quân này không đủ thì chiểu sổ dân ra tòng ngũ. Xong việc lại cho về làm ruộng. Đó là đúng với nghĩa “ngụ binh ư nông”3. Nhiệm vụ tham gia sản xuất nông nghiệp, có lẽ đối với loại gia binh và dân binh khỏi phải bàn vì hai loại này, tuy là binh, nhưng thời bình họ không phải tập trung, chỉ tham gia sản xuất ở hương ấp hoặc các điền trang, thái ấp của vương hầu. Riêng với loại quân thường trực (chính binh) thuộc các “vệ” thời Lý, các “quân”, “đô” thời Trần lại bao gồm hai loại: cấm quân và sương quân còn gọi là ngoại binh (quân canh giữ cổng thành, phục vụ bên ngoài) ở thời Lý; thời Trần gọi là quân túc vệ và quân các đạo (như ngoại binh thời Lý). Theo sử sách, ta lại biết nhà nước thời Lý chỉ cấp lương bổng cho quân cấm vệ hoặc quân túc vệ. Đối với loại quân này: theo Phan Huy Chú được cấp 10 bó lúa mỗi năm làm lương bổng. Nhà Trần cấp cho bao nhiêu không rõ4. Nguồn lương thực nuôi quân không ngoài tô thuế thu của dân. Năm 1092 đời Lý Nhân Tông “định sổ ruộng, thu tô mỗi mẫu ba thăng5 để cấp lương cho quân”6. Về số lượng loại quân này sử chỉ cho biết thời Lý năm 1028 đặt 10 vệ cấm quân, đến năm 1059 tăng lên 16 vệ, thích vào trán ba chữ “thiên tử quân”7, ước khoảng 3.200 người. Số sương quân và quân các đạo (ngoại binh) có nhiệm vụ thay phiên nhau cày ruộng tự túc lương thực, hẳn là với số lượng đông hơn nhiều mà tài liệu chưa cho phép xác định, dù chỉ ước đoán. Điều đó có nghĩa là việc xây dựng một đội quân đông đảo không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Với chính sách “ngụ binh ư nông”, không những nông dân không phải trích ra một lượng sản phẩm lớn đề nuôi quân, mà nông nghiệp không mất đi một nguồn lao động quan trọng (tráng đinh). Hẳn rằng đây cũng là một biện pháp quan trọng của nhà nước Lý - Trần nhằm duy trì một nền nông nghiệp không ngừng phát triển. Khi nghiên cứu chủ trương “ngụ binh ư nông” của nhà nước thời này cũng cần đề cập đến thái ấp, nơi cung cấp, nuôi dưỡng nguồn “gia binh” của vương hầu, đặc biệt ở thời Trần. Ta biết về thời Trần, bên cạnh điền trang là sở hữu riêng của vương hầu quý tộc, nhà nước còn có chế độ ban cấp thái ấp cho họ. Xét về mặt sản xuất nông nghiệp, thái ấp không góp phần tăng diện tích canh tác và về mặt sở hữu vẫn là ruộng đất công. Người được ban cấp chỉ được quyền hưởng tô thuế và huy động nhân lực trong phạm vi thái ấp, giới hạn trong một đời. Sau khi người được ban cấp qua đời, ruộng đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước trực tiếp quản lý hoặc trả lại cho hương ấp quản lý. Tại đây, gia binh của vương hầu làm nhiệm vụ sản xuất và phục dịch lúc thời bình theo chủ trương “ngụ binh ư nông”. Điều cần quan tâm thêm là sự kết hợp giữa thái ấp với quốc phòng. Sự kết hợp này được thể hiện ở hai điểm. Trước hết, dường như khi phong cấp thái ấp, nhà nước phong kiến quý tộc Trần có ý thức giao cho vương hầu tông thất nhiệm vụ trấn giữ những vùng quan yếu của đất nước. Điều này hoàn toàn khác với chế độ phân phong của nhà nước phong kiến phân quyền. Cho đến nay chúng ta chưa có tài liệu để khôi phục diện mạo đầy đủ của thái ấp thời Trần về mọi phương diện. Tuy nhiên qua sự phân bố các thái ấp, ta có thể nắm bắt được ý đồ của nhà nước Trần. Có thể kể các thái ấp8: Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Hưng) của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn; Quắc Hương (Vụ Bản, Bình Lục, Nam Hà) của Thái sư Trần Thủ Độ; Cao Đài (Mỹ Lộc, Nam Hà) của thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải; Tĩnh Bang (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng; Cổ Mai (Thanh Trì, Hà Nội) của Thượng tướng Trần Khát Chân; Dương Xá (Hưng Hà, Thái Bình) của Thái úy Trần Nhật Hạo; Dưỡng Hòa (Duy Tiên, Nam Hà) của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư; Văn Trinh (Quảng Xương, Thanh Hóa) của Thái úy quốc công Trần Nhật Duật; Diễn Châu (Nghệ An) của Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang. Qua sự phân bố các thái ấp, ta thấy nổi lên các vùng chiến lược trọng yếu: vùng biên cương phía bắc (Chí Linh, Đông Triều - Quảng Ninh); vùng cửa ngõ đông bắc (Hải Phòng, Thái Bình); vùng phên giậu phía nam (Thanh Hóa, Nghệ An); vùng bản bộ và phụ cận của quê hương nhà Trần (Nam Hà). Mặt khác, cùng với ban cấp thái ấp, nhà Trần cho vương hầu, quý tộc có quyền tập hợp và điều khiển gia binh, hương binh trong phạm vi thái ấp của mình khi quốc gia hữu sự. Về điều này sử gia Ngô Sĩ Liên nói: “Năm Nguyên Phong (niên hiệu thời Trần Nhân Tông từ 1251 đến 1258, chỉ cuộc kháng chiến lấn thứ nhất- TG) giặc Nguyên sang lấn cướp, các vương hầu đem gia đống và hương binh thổ hào làm quân cần vương”9. Phan Huy Chú viết: “Năm thiệu Bảo thứ 6 (1284), quân Nguyên xâm lược, vua sai các vương hầu và tông thất đều mộ binh và thống lĩnh binh của mình”10. Cần nói rõ thêm, nhà nước quân chủ trung ương tập quyền thời này không cho phép vương hầu tông thất có quân đội riêng. Chỉ khi cần thiết như chống ngoại xâm, loạn lạc, để bảo vệ đất nước và nhà vua, vương hầu mới được quyền tập hợp gia nô, tráng đinh trong phạm vi thái ấp và khu vực ảnh hưởng của mình lập thành những đội quân ứng nghĩa. Xong việc, đám quân này lại giải tán trở về làm công việc sản xuất hoặc phục dịch của mình. Điều này cũng giống như hương binh, chỉ khác là hương binh hoặc do người đứng đầu hương ấp điều khiển hoặc cho phụ thuộc vào các tướng làm nhiệm vụ chiến đấu. Qua hai đặc điểm trên, ta có thể rút ra từ chính sách ban cấp thái ấp của nhà Trần một sự kết hợp chặt chẽ giữa ba mặt chính trị (chế độ quân chủ quý tộc), kinh tế (nông nghiệp) và quốc phòng (chốt ở những vùng chiến lược quan trọng). Đã thành một khâu liên hoàn trong chủ trương chính sách về nông nghiệp của nhà nước thời Lý Trần: phát triển sở hữu tư nhân về ruộng đất, tổ chức khai hoang, trị thủy thủy lợi, bảo vệ sức kéo, ngụ binh ư nông, ban cấp thái ấp. Những chủ trương chính sách trên không ngoài mục đích mở mang nông nghiệp, làm cho dân giàu nước mạnh, bảo đảm “thực túc binh cường” với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu giữ nước. . Kế sách giữ nước thời Lý-Trần CHƯƠNG III XÂY DỰNG KINH TẾ LÀM CHO DÂN GIÀU NƯỚC MẠNH, “QUỐC PHÚ BINH CƯỜNG” 4. Bảo vệ sức. thuộc các “vệ” thời Lý, các “quân”, “đô” thời Trần lại bao gồm hai loại: cấm quân và sương quân còn gọi là ngoại binh (quân canh giữ cổng thành, phục vụ bên ngoài) ở thời Lý; thời Trần gọi là. đầu thời Lý, ruộng tư tuy đã xuất hiện, nhưng phổ biến vẫn là ruộng công, do đó, trâu bò trên đại thể còn là vật sở hữu của nhà nước hoặc do cộng đồng hương, giáp, xã quản giữ. Do đó, nhà nước