Ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp Như vậy, nếu không kể các nhân vật nữ mang dáng dấp “Thiên sứ” như Vinh Hoa (Phẩm tiết), Sinh (Không có vua), Xuân Hương (Chút thoáng Xuân Hương), thì hầu như cả thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đều mang âm hưởng hiện sinh, nhìn từ khía cạnh này hay khía cạnh khác. Hiện hữu ở đây – nói như Sartre – con người không chỉ như anh ta tự quan niệm, mà còn như anh ta muốn, như anh ta tự quan niệm sau khi đã sống, và như anh ta muốn sau khi đã ao ước sống. Mặt khác, trong các truyện ngắn của mình, Nguyễn Huy Thiệp vẫn thường kể về những lựa chọn, quyết định mang “tính chủ thể” của các nhân vật. Những lựa chọn, quyết định như thế mang âm hưởng hiện sinh rất đậm. Hơn nữa, đây đó trong những trang văn của mình, anh thường mô tả các hành động “dấn thân” (5) , và sử dụng các cụm từ “sợ bị bỏ rơi” (6) , “tuyệt vọng” (7) ,… mang nghĩa rất gần với các khái niệm của Sartre và các nhà hiện sinh chủ nghĩa. Từ những phân tích trên đây, có thể đi đến kết luận: có một âm hưởng hiện sinh bàng bạc trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Âm hưởng này không hoàn toàn đồng nhất, nhưng khá gần gũi với các khái niệm, luận điểm triết học của CNHS, nhất là của J- P Sartre. Điều đáng nói là âm hưởng hiện sinh trong sáng tác của anh thường có một sức ám ảnh, một nỗi ray rứt rất lớn lao. 2. Những ám ảnh, ray rứt hiện sinh Độc giả có thể lắng nghe âm hưởng hiện sinh đầy ám ảnh, ray rứt ấy trong tiếng nói của nhà văn qua thế giới nhân vật và giọng điệu của nhà văn với nhiều nội dung, sắc thái khác nhau. Sau đây là một số nội dung, sắc thái mà theo chúng tôi là khá nổi bật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. 2.1. Nỗi lo âu về tình trạng bơ vơ của con người trong cõi hiện sinh, khi mà “Thượng Đế đã chết” – con người “bị kết án tự do” không nơi bấu víu. Sartre từng giải thích “sự bỏ rơi” theo quan niệm của CNHS, rằng, “Dostoievski có viết: “Nếu thượng đế không tồn tại thì tất cả đểu có thể được phép”. Đó chính là điểm xuất phát của thuyết hiện sinh. Mọi thứ đều được phép, con người hoàn toàn tự do, có nghĩa là con người bị bỏ rơi, bởi không có gì bên trong hay bên ngoài anh ta để anh ta dựa vào” (8) . Cũng là một đại biểu của CNHS vô thần, Nietzsche tuyên bố: “Thượng Đế đã chết!” (9) . Tuyên bố của Nietzsche cũng mang đến một cách hiểu tương tự: con người không còn gì để bấu víu và được làm mọi sự. Bơ vơ nơi trần thế, trong kiếp hiện sinh, con người chẳng khác nào một con diều không dây chẳng thể bấu víu, nương tựa vào đâu. Con diều ấy muốn tồn tại buộc phải vượt qua một thử thánh mang tính nghịch lí, cùng lúc thỏa mãn hai yêu cầu: bay bổng lên thật cao, và, không được cắt đứt liên hệ với mặt đất. Nguyễn Huy Thiệp đã thể hiện niềm ray rứt hiện sinh này thật da diết, thấm thía qua hành vi, thái độ của nhân vật Chương, người kể chuyện xưng tôi trong Con gái thủy thần. Từ tuổi thơ thần tiên, huyền thoại, Chương bước vào đời trai tráng, đấu vật thắng đô Thi, bị trả thù suýt nữa thân tàn ma dại. Câu hỏi đặt ra với chàng trai này là: những lúc gặp vận hạn trong đời như thế thì ai cứu mình? Chương đem câu hỏi này hỏi mẹ “Ai cứu con?”. Mẹ Chương đáp: “Mẹ Cả cứu”. Nhưng Mẹ Cả “ở đâu? Ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi lẽ gì?”. Chương đi tìm lời đáp, mất nửa đời người, vẫn tuyệt mù vô vọng. Cuối “Truyện thứ ba” trong Con gái thủy thần, sau cuộc ân ái bất đắc dĩ và “bất lực” với Mây, Chương hoàn toàn tuyệt vọng. Anh ta không thể làm được gì hơn để cứu cô gái này, cũng như không làm được gì hơn để cứu mình. Hình như với Chương, ngày tận thế đã đến: “mái nhà sập xuống đầu tôi, bầu trời sập xuống đầu tôi”, “Tất cả là đổ vỡ và tan nát”. Mẹ Cả giờ đây chỉ còn là một huyền thoại, một linh ảnh ấu thơ. Tôi (nhân vật tên Chương) không thể “mượn màu son phấn” của Mẹ Cả mà “ra đi” nữa rồi. Trong hành trình “đi ra biển” tìm Mẹ Cả – con gái thủy thần – để phòng bất trắc, Chương luôn mang theo bên mình một con dao để tự vệ. Con dao tự vệ ấy là thực; còn hy vọng trông chờ sức mạnh của Mẹ Cả là ảo tưởng. Cũng như thế, những phụ nữ tên Phượng, cô gái tên Mây, nỗi vất vả nhọc nhằn dọc đường đi ra biển mà Chương từng nếm trải là thực; còn Mẹ Cả – con gái thủy thần, trước sau vẫn chỉ là ảo ảnh mà thôi. “Sự kết án tự do” chẳng phải dành riêng cho Chương (Con gái thủy thần) mà còn là dành chung cho con người, nhất là các nam nhân vật chính của Nguyễn Huy Thiệp. Dường như cả nhân loại ở đây đều cùng chung số phận: từ ông tướng Thuấn dạn dày trong chiến tranh vệ quốc, huân chương kháng chiến lấp lánh trên ngực, nay về hưu ở với gia đình con trai (Tướng về hưu) đến anh chàng Hiếu hòa nhập vào dân quê, vỡ lòng những bài học vào đời (Những bài học nông thôn); từ anh sinh viên tên Ngọc đầu quân vào toán thợ xẻ bặm trợn của ông Bường để lăn lộn, cọ xát với đời (Những người thợ xẻ) đến thằng bé sáu tuổi bị phó mặc một mình trong căn nhà hoang với những ám ảnh kinh hoàng (Đời thế mà vui), rồi “thằng hình nhân mặt đẹp”phải lăn lộn trường đời, để tìm cơ may thực hiện “khát vọng làm người” của nó (Cún),… cả một thế giới nhân vật, dù khác nhau về cảnh ngộ, tình huống, đều nhất quán một nguyên tắc chung: phải tự lựa chọn, tự hành động để tự cứu lấy mình đồng thời phải sống dấn thân, để tự rút ra những bài học cần thiết cho mình. Không ai cứu giúp họ được, cũng không ai sống, làm việc, lựa chọn thay cho họ được. Đó là âm hưởng hiện sinh vô thần. Nó có sức ngân vọng như trong một bản nhạc mà những nốt thăng, nốt trầm quen thuộc là các triết lí về: lựa chọn, hành động, dấn thân, chân lí, niềm tin và ngụy tín… Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng trả lời câu hỏi: Con người, liệu có thể trông chờ vào sự cứu giúp siêu nhiên nào không? Huyền thoại về trâu đen (Chảy đi sông ơi) là thật hay chỉ là một “ngụy tín”? Đặt cạnh những câu chuyện đen tối, độc địa và hãi hùng trong cuộc đời theo lời kể của lão trùm già chột mắt có tên là Thịnh, truyền thuyết này trong truyện ngắn càng bộc lộ rõ tính ảo tưởng của nó. Dù là ảo tưởng đẹp thì trong những trường hợp này, cái đẹp siêu nhiên ấy đã phô bày hết tính yếu ớt, bất lực của mình. Đi tìm sự thật về huyền thoại trâu đen, chàng thanh niên trong truyện bị những người đánh cá đêm đột ngột, vô lý ném xuống dòng sông cuộn xoáy, không thể bấu víu vào đâu. Ai cứu anh ta? Trâu đen đến cứu chăng? Không. Những người đánh cá đêm sẽ cứu chăng? Không. (Vì kiêng kị, người ta “không cứu những ai chết đuối”). Thần linh và người ác, kẻ xấu đều đã ngoảnh mặt làm ngơ. (May mà có một người tốt bằng xương bằng thịt đến cứu, nhưng người này về sau lại chết đuối không một ai đến cứu chị). Trâu đen đã chết! Với nhân vật tôi – người bị đồng loại, những kẻ đánh cá đêm độc ác, lạnh lùng dìm xuống nước, sống chết mặc kệ – lúc đó chỉ còn một điều này là có thực: “Nước chảy rất xiết, nước chảy bao giờ cũng xiết. Có điều phải cố mà bơi cho đến được bờ…”. Mấy chục năm sau, con sông vẫn chảy, bến Cốc vẫn còn, nhưng người tốt – vị ân nhân, nữ anh hùng đã cứu sống “tôi” – thì không còn. Câu hỏi “Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?” xoáy vào tâm can nhân vật chính trong âm điệu của bài hát ngày nào – “Chảy đi sông ơi” – nghe thật ngọt ngào mà biết bao bi thiết. Với nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, Trâu đen đã chết, Mẹ Cả đã chết. Đó phải chăng là tình huống mà thế giới hiện sinh đặt ra để “kết án tự do” đối với con người? Nó na ná như cái tình huống “Chúa đã chết” với Nietzsche, và với các môn đệ của chủ nghĩa hiện sinh vô thần vậy. Con người buộc phải “tự do” gánh vác lấy thân xác và linh hồn của chính mình mà đi giữa cuộc đời. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn tô đậm bi kịch bị “kết án tự do” bằng cách miêu tả con người trong thực tại như là những chủ thể sống cô độc, bị Chúa Trời “bỏ rơi”. Nhân vật Chương trong Con gái thủy thần, sau khi đã sống, đã ao ước sống, đã dấn thân trong thế giới hiện sinh non nửa đời người, than thở: “Tôi vui một mình, buồn bã một mình, mơ mộng một mình…Tôi chỉ con gái thủy thần chờ đợi”.Chương là ai? Liệu có ai biết đến sự hiện hữu của chàng trai này không? Nhân vật này hơn ai và hơn bao giờ hết ý thức được sự cô đơn hay tình trạng “bị bỏ rơi” của mình. . âm hưởng hiện sinh trong sáng tác của anh thường có một sức ám ảnh, một nỗi ray rứt rất lớn lao. 2. Những ám ảnh, ray rứt hiện sinh Độc giả có thể lắng nghe âm hưởng hiện sinh đầy ám ảnh, ray. Ám ảnh hiện sinh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp Như vậy, nếu không kể các nhân vật nữ mang dáng dấp “Thiên sứ” như Vinh Hoa (Phẩm tiết), Sinh (Không có vua),. niệm của Sartre và các nhà hiện sinh chủ nghĩa. Từ những phân tích trên đây, có thể đi đến kết luận: có một âm hưởng hiện sinh bàng bạc trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Âm hưởng này không