Kinh nghiệm sống và biểu tượng thơ Con người tồn tại, trưởng thành được thừa hưởng kinh nghiệm sống của những thế hệ trước và cùng thời. Kinh nghiệm sống của con người là những điều hiểu biết do tiếp xúc với thực tế, do từng trải, do tiếp thu ở người khác mà có được. Kinh nghiệm sống cũng có thể là tâm trạng, tư tưởng về một vấn đề nào đó trong xã hội. Kinh nghiệm sống nhờ trí nhớ lưu giữ. Trí nhớ tích lũy những gì đã qua, nghĩa là những cảm giác, tri giác, suy nghĩ, hành động và đồng thời cũng nhận biết rằng những điều ấy đều thuộc về dĩ vãng. Theo các nhà khoa học, những nghiên cứu thực nghiệm cho thấy ghi nhớ bằng mắt chiếm 80% trí nhớ của con người. Hình ảnh của sự vật, hiện tượng tác động vào thị giác được lưu giữ nhiều hơn. Nhưng thông thường, người ta nhớ về dĩ vãng là nhớ những gì có ích cho hành động hiện tại, còn những gì nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy không giúp ích cho sự sống đều như quên đi, tức là có lựa chọn. Sự sống thực sự là truyền sự sống, chứ không phải là ngưng nghỉ như một bản nguyên thụ động. Những hình ảnh cảm tính về những hiện tượng của thế giới bên ngoài đã tri giác trước đây là cơ sở tạo nên biểu tượng. Biểu tượng là “hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan đã chấm dứt” (1) . Biểu tượng chỉ phản ánh những dấu hiệu đặc trưng của sự vật, hiện tượng, một cách khái quát, lược bỏ đi những nét riêng biệt, cụ thể, chỉ giữ lại những gì chung nhất, tiêu biểu nhất. Thế thì biểu tượng về một cái gì đó sẽ mơ hồ, không đầy đủ so với chính nó ở hình ảnh đang được tri giác trực tiếp. “Tri giác phản ánh một sự vật riêng lẻ tác động vào giác quan chúng ta trong những trường hợp cụ thể nhất định. Biểu tượng là phản ánh khái quát hơn và trừu tượng hơn”. “Biểu tượng cùng với cảm giác và tri giác tạo nên nhận thức cảm tính, hay theo thuật ngữ của Paplốp, tạo nên hệ thống tín hiệu thứ nhất của hiện thực” (2) . Như vậy, biểu tượng là hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan, ngược lại hiện thực khách quan là điều kiện hàng đầu tạo nên biểu tượng. Biểu tượng trí nhớ chỉ phản ánh những dấu hiệu đặc trưng của sự vật hiện tượng một cách khái quát, phản ánh những sự vật hiện tượng trong đời sống khách quan tác động trực tiếp vào các giác quan nhưng nó vẫn là tri giác ở tính trực quan tức là ở nhận thức cảm tính. Nhìn một cây phượng và biểu tượng cây phượng còn lại trong chúng ta là cây phượng kết hợp nhiều cây phượng đã gạt bỏ đi những khác biệt của những cây phượng, chỉ còn lại những gì chung nhất. Quan sát một chiếc ô tô với đầy đủ các chi tiết, bộ phận, màu sắc… nhưng khi không còn chiếc ô tô trước mắt, thì biểu tượng ô tô là một chiếc xe với một số bộ phận đặc trưng của nó. Theo Xêxênốp biểu tượng là “con số bình quân của những tri thức cảm tính về sự vật”. So với tri giác, biểu tượng hình thành ở một trình độ cao hơn, có bao hàm sự đánh giá trên một ý nghĩa thực tiễn nào đó, từ những góc độ khác nhau. Gặp đèn đỏ của tín hiệu giao thông, lập tức trí nhớ bắt chúng ta dừng lại, nó dự báo một bất an, cần chú ý. Vậy thì biểu tượng trí nhớ là hiện tượng được hiểu theo nghĩa biểu vật của từ ngữ: cây phượng, chiếc ô tô, đèn đỏ… Vai trò trọng tâm của danh từ làm hiện lên trong trí nhớ con người những vật được mô tả, liệt kê, cung cấp một cách khái quát, một hình dung chung về kiểu, loại mà không cần biểu hiện cảm xúc, từ ngữ không cần biểu cảm. Trên cơ sở những hình ảnh, sự kiện được trí nhớ lưu giữ, con người tưởng tượng “nhận biết ra các thuộc tính, đối tượng, các mối quan hệ… của thế giới xung quanh, lại được dùng làm chất liệu để chắp nối, tái tạo, xây dựng theo một lôgic mới, một trật tự mới để tạo ra những biểu tượng hoàn toàn mới mẻ. Đó là những biểu tượng sẽ có hoặc không bao giờ có trong xã hội (ví dụ như tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản, biểu tượng về con rồng Việt Nam, v.v ) (3) . Trong thơ biểu tượng là một dạng của biểu tượng bậc cao, mang sắc thái của biểu tượng tưởng tượng. Cây tre trong thơ Nguyễn Duy là biểu tượng cho sự dẻo dai, bền bỉ chịu đựng kiên cường, trường tồn của người Việt. Cây bạch dương trong thơ Êxênhin là biểu tượng cho tâm hồn vẻ đẹp người con gái Nga duyên dáng trẻ trung lôi cuốn… Biểu tượng thơ đa dạng phong phú khi mỗi nhà thơ đều muốn khẳng định và sáng tạo theo cá tính riêng độc đáo của mình. Thơ ca dân gian xây dựng biểu tượng trên cơ sở những hình ảnh thiên nhiên, tự nhiên trong đời sống hàng ngày gần gũi gắn bó với người lao động. Nó là sản phẩm của tập thể. Tập thể ứng khẩu, bổ sung dần, thiếu dấu ấn con người cá thể. Thể hiện tình cảm lứa đôi thắm thiết thơ ca dân gian thường sử dụng biểu tượng trúc - mai, trầu - cau, thuyền - bến, trăng - gió… Các biểu tượng là những hình ảnh cụ thể được nâng cao, ổn định mang tính tượng trưng: - Trúc với mai, mai về trúc nhớ Trúc trở về, mai nhớ trúc không Bây giờ kẻ Bắc người Đông Kể sao cho xiết tấm lòng tương tư! - Vào vườn hái quả cau xanh Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu - Thuyền ơi có nhớ bến chăng? Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. - Bao giờ cho gạo bén sàng Cho trăng bén gió cho nàng bén anh. Trong thơ bác học, trúc - mai, không còn là biểu tượng cho tình cảm trai gái mà như một quy ước tượng trưng cho người quân tử, cho phẩm chất, khí tiết của nhà nho: - Trúc mai bạn cũ hợp nhau quen Cửa mận tường đào chân ngại chen (Nguyễn Trãi) - Non nước có màu lòng khách khứa Trúc mai làm bạn hứng thơ nồng. (Nguyễn Bỉnh Khiêm) Thơ là sản phẩm của xã hội được cá thể hóa cao độ. Mỗi nhà thơ là một thế giới nghệ thuật. Từ ngữ, giọng điệu, hình ảnh, cách nhìn thế giới, cách rung động là riêng biệt không lặp lại. Các biểu tượng hình thành theo những sắc thái biểu cảm khác nhau và chuyển dịch ý nghĩa với thời gian, không gian địa lý, tâm lý dân tộc, cá tính sáng tạo khác nhau. Trong thơ Puskin, Chiếc khăn san màu đen là biểu tượng của tình yêu phản bội, còn Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu nồng thắm và chóng phôi pha. Nhưng hoa hồng trong thơ Aragon là biểu tượng tinh thần chiến đấu của những chiến sĩ đã hi sinh cho dân tộc Pháp chiến thắng (Những đóa hoa hồng Noel). Biểu tượng tự do trong thơ Puskin là biển: “Ngươi gọi ta, đợi chờ… ta bị xích/ Tâm hồn ta cố vùng vẫy uổng công/ Vì nung nấu một khát khao tuyệt đích/ Trên bờ ngươi ta ở lại cực lòng…” (Gửi biển - Thúy Toàn dịch). Với Eluard, Tự do là biểu tượng cho khát vọng và mục đích đấu tranh của nhân dân Pháp trong thời kì đen tối (Chiến tranh thế giới thứ hai). Khát vọng sống, sống và đi vào tranh đấu lại được hóa thân thành biểu tượng Cánh buồm trong thơ Lermôntôp: “Nhưng buồm khao khát cuồng phong/ Dường như trong bão mà lòng yên vui!” (Quân Ngọc dịch). Đến đây chúng ta cũng cần nói đến những giới hạn, những quan niệm chưa rõ ràng giữa hình ảnh, hình tượng, biểu tượng. Xét chung ở bình diện văn hóa, vấn đề phong phú phức tạp hơn nhiều, thu gọn trong văn chương trong thơ ca dễ có khả năng tìm được tiếng nói chung. . Kinh nghiệm sống và biểu tượng thơ Con người tồn tại, trưởng thành được thừa hưởng kinh nghiệm sống của những thế hệ trước và cùng thời. Kinh nghiệm sống của con. Việt Nam, v.v ) (3) . Trong thơ biểu tượng là một dạng của biểu tượng bậc cao, mang sắc thái của biểu tượng tưởng tượng. Cây tre trong thơ Nguyễn Duy là biểu tượng cho sự dẻo dai, bền bỉ chịu. vật riêng lẻ tác động vào giác quan chúng ta trong những trường hợp cụ thể nhất định. Biểu tượng là phản ánh khái quát hơn và trừu tượng hơn”. Biểu tượng cùng với cảm giác và tri giác tạo nên