Tình hình văn học chữ Hán nửa sau thế kỉ XIX Lời Tòa soạn: Nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Trần Thanh Mại (1911-1965), quê ở Thừa Thiên - Huế. Sinh thời Trần Thanh Mại đã viết nhiều chuyên luận, chuyên khảo, tiểu luận, phần lớn đã được in lại trong sách Trần Thanh Mại - Toàn tập (Hồng Diệu sưu tầm, biên soạn, giới thiệu), 3 tập, Nxb. Văn học, H, 2004 Bản thảo Tình hình văn học chữ Hán nửa sau thế kỷ XIX do nhà văn Hồng Diệu và gia đình cố nhà văn Trần Thanh Mại đã lưu giữ và cung cấp. Trân trọng những đóng góp của nhà khoa học Trần Thanh Mại và tôn trọng tính lịch sử, về cơ bản chúng tôi in nguyên văn bản thảo và giới thiệu cùng bạn đọc. Nếu như thơ văn chữ Hán đã chiếm ưu thế trong văn học phong kiến nửa đầu thế kỉ XIX, thì tình hình ấy vẫn còn được duy trì ở thời kì nửa sau, và hầu như khối lượng thơ văn chữ Hán, số lượng người sáng tác bằng chữ Hán ở thời kì này lại còn tăng thêm. Không những chúng ta có một danh sách tác gia dài dòng hơn, mà danh sách tác phẩm của từng nhà thơ cũng dài dòng hơn; số người đã từng ghi dăm bảy tập thơ văn trong “bản thành tích” của mình không phải là ít, thậm chí có khá nhiều người có những sự nghiệp khá qui mô như Nhữ Bá Sĩ, Nguyễn Tư Giản, Miên Thẩm, Miên Trinh, Phạm Phú Thứ, đến cả Tự Đức nữa. Câu thơ của người đương thời Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán - Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường, nghĩa là: Văn như văn của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì thời Tiền Hán không đáng kể nữa; mà thơ đến như thơ của Tùng Thiện Vương (Miên Thẩm) và Tuy Lý Vương (Miên Trinh) thì thời Thịnh Đường cũng chẳng thấm vào đâu! Nó là một câu thơ huênh hoang, khoác lác, không có thực chất, nhằm đề cao một cách giả tạo vô căn cứ triều đại Tự Đức, nhưng xét cho cùng, nó cũng phản ánh được một sự thật là thời đó người ta làm văn, làm thơ nhiều. Có thể nói trong thời này, không có một tay khoa bảng nào mà không có một tập thơ; các ông hoàng bà chúa thì lại càng thừa thời giờ ngâm vịnh, Mặc vân thi xã của Tùng Thiện Vương, Đông Sơn thi tửu hội của Đoàn Trưng, Đoàn Thực đều hoạt động dưới thời Tự Đức. Hình như chưa lúc nào, ở nước ta, văn học chữ Hán lại nhiều đến thế, đến suýt làm tắc nghẽn dòng văn học tiếng Việt đã có một thời thịnh vượng hồi thế kỉ XVII, XVIII kéo dài sang đến cả nửa đầu thế kỉ XIX. Chúng ta thấy thơ văn tiếng Việt thời kì này đã vắng bóng những ca khúc, những truyện dài hơi. Đó là hậu quả của chính sách đề cao Khổng giáo, đề cao đạo đức phong kiến của nhà Nguyễn phản động bằng cách khuyến khích chữ Hán, cổ lệ lối học từ chương, nhằm mục đích củng cố cái trật tự xã hội phong kiến đã bị xáo lộn trong thời Tây Sơn. Phương chi, trong mấy ông vua nhà Nguyễn, thì Tự Đức thường tự cho mình là hay chữ nhất, và dưới triều y, đã tổ chức thêm những khoa thi đặc biệt như khoa Nhã sĩ, khoa Cát sĩ, đã thiết lập thêm những viện như Viện Tập hiền, Viện Kinh diên để vua và đình thần bàn chính trị, bàn chuyện sách vở, thi thơ, và chủ yếu để xướng họa cùng nhau. Thời xưa, trên mà ưa chuộng, tất dưới đua đòi, cái đó không lạ. Do đó, cũng không nên lấy làm lạ là chất lượng văn học chữ Hán thời này, nhìn chung mà nói, là kém sút, yếu đuối. Nhìn chung mà nói, đây chỉ là một thứ hư văn, khuôn sáo và công thức, đầy hình thức chủ nghĩa, nhai đi nhai lại những khái niệm đạo đức, triết lí có sẵn từ thuở Hán, Đường bên Trung Quốc. Nói lướt nhanh về hình thức, thì thể loại văn học nghèo nàn hẳn đi so với các thời kì trước. Kí sự, tùy bút, truyện kí không còn nữa, hoặc rất hiếm. Thơ, thì trừ Miên Thẩm còn vận dụng nhiều những thể cổ phong, từ, hành, còn thì hầu hết đều chuyên một thể thơ luật Đường. Thịnh hành nhất là thơ họa vần. Thậm chí họ còn lãng phí thì giờ vào việc “tập thành thơ Đường”, nghĩa là làm những bài thơ tám câu mà mỗi câu là của một nhà thơ Đường đã làm sẵn, hoặc làm những bài “thuận nghịch độc”, nghĩa là đọc xuôi cũng được, mà đọc ngược từ cuối trở lên cũng thành bài thơ, hay là những bài đọc xuôi thì là thơ chữ Hán, mà đọc ngược lại thì là thơ tiếng Việt. Những thơ kiểu ấy thì thử hỏi nội dung sẽ nói lên được cái gì? Cho nên, đứng về đại thể mà nói, nội dung thơ văn thời kì này là nghèo nàn, nhạt nhẽo, nếu không phải ngâm trăng vịnh gió thì thù tạc, đón đưa. Tư tưởng là tư tưởng bi quan, tiêu cực, hoặc thoát ly thực tiễn xã hội. Tâm sự người làm thơ là tâm sự bắt chước; nếu có thì đó là tâm sự của kẻ bất mãn cá nhân vụn vặt, thi không đỗ, quan không thăng, bị đàn hặc oan, bị trừng phạt bậy, v.v Tư tưởng triết lí, khoa học, đạo đức thời này khá tối tăm, bế tắc. Trừ một số ít người mà tên họ có thể đếm trên đầu ngón tay, có cơ hội tiếp xúc với cái học phương Tây, đã tỏ ra có cái nhìn tương đối rộng, xa, sáng suốt, như Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Điều, Đinh Văn Điền, đặc biệt như Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch, còn thì ù ù cạc cạc với nhau, như bị bịt mắt bưng tai, quanh quẩn trong hầm kín. Công việc đầu tiên của Phan Thanh Giản khi được giao trách nhiệm trông coi việc khai một mỏ bạc ở Thái Nguyên, là lập đàn và viết sớ cầu thần cho khí vàng tụ lại chỗ mỏ đừng bay mất đi. Lý Văn Phức khi đi sứ sang Phúc Kiến, giao trả những người dân chài Trung Quốc bị bão tấp vào bờ biển ta, nhất định từ chối mọi biện pháp để nói hoặc viết ra tên húy của Minh Mạng cho viên tổng đốc Phúc Kiến viết vào báo cáo gửi lên triều Mãn Thanh, kể cả biện pháp ngồi nhìn cho người ta lần lượt chỉ từng chữ một trong bộ Khang Hy tự điển để đến chữ đúng tên thì chỉ cần gật một cái cho người ta biết. Đến biện pháp ấy, Lý cũng từ chối, không chịu theo, cho rằng để người khác biết tên vua mình là thất trung. Nhữ Bá Sĩ làm văn tế vợ chết trẻ, hứa với linh hồn vợ sẽ lấy ngay vợ khác, để chóng có con trai nó sẽ thờ cúng người vợ đã chết đi! Đại loại, ý thức hệ thuở bấy giờ là như vậy. Cho nên, thơ văn chữ Hán thời kì này, nếu lấy số nhiều mà nói, không có giá trị mấy, không có tác dụng mấy đối với xã hội, và tiếng thơ của phần lớn các nhà thơ cũng tắt liền khi hơi thở họ tắt. Tuy nhiên, nói như thế không phải là nói rằng tất thảy thơ văn chữ Hán của những người thuộc loại hình thức chủ nghĩa trên đây đều đáng vứt bỏ đi hết. Có công tìm tòi chọn lọc, thì chúng ta cũng có được một số bài có ít nhiều tính nhân dân, tính dân tộc, một số bài nói lên được ít nhiều cảm xúc chân thành về thời thế, tình hoài niệm dĩ vãng, tình yêu non sông đất nước, thông cảm với nỗi cực khổ của nông dân, v.v Vũ Phạm Khải (1807-1872) với Ngu Sơn thi tập, Nhữ Bá Sĩ (1788-1867) với tậpPhi điểu nguyên âm, Phan Thanh Giản (1796-1867) với Lương Khê thi văn thảo, Phạm Phú Thứ (1820- 1881) với Giá Viên thi văn tập, Nguyễn Tư Giản (1823-1890) với Thạch Uông thi văn tập, Nguyễn Hàm Ninh (1808-1867) với Tĩnh Trai thi sao, v.v là những người mà thơ văn phản ánh được nhiều khía cạnh nhân đạo chủ nghĩa. . Tình hình văn học chữ Hán nửa sau thế kỉ XIX Lời Tòa soạn: Nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Trần Thanh Mại (1911-1965), quê. tầm, biên soạn, giới thiệu), 3 tập, Nxb. Văn học, H, 2004 Bản thảo Tình hình văn học chữ Hán nửa sau thế kỷ XIX do nhà văn Hồng Diệu và gia đình cố nhà văn Trần Thanh Mại đã lưu giữ và cung. học phong kiến nửa đầu thế kỉ XIX, thì tình hình ấy vẫn còn được duy trì ở thời kì nửa sau, và hầu như khối lượng thơ văn chữ Hán, số lượng người sáng tác bằng chữ Hán ở thời kì này lại còn