Từ hiện tượng học đến triết học hiện sinh Việc đặt câu hỏi về nghĩa của tính, Heidegger đã thức tỉnh nhân loại nhìn vào chính bản thân để đừng Lãng quên hữu thể. Tất nhiên trong triết thuyết của Heidegger còn có nhiều thâm u, bí hiểm nhưng những luận đề ông đặt ra đã có sức ảnh hưởng rất lớn đến triết học, văn học châu Âu thế kỷ XX. Đúng như G. Figal nhận định: “Điều khó phủ nhận là: sau Heidegger, không thể hiểu được triết học châu Âu thế kỷ 20 mà không biết tới Heidegger”. Và “Nếu người ta muốn suy tư khác ông thì trước hết hãy suy tư với ông đã. Quả vậy, không có ông thì triết học hiện sinh của J.P.Sartre khó hình thành cũng như Đạo đức học của E. Lévinas; H.G. Gadamer cũng không phát triển được giải minh học triết học; Michel Fourcault và J. Derrida chắc cũng sẽ viết khác nếu không tiếp cận với ông. Ông cũng là triết gia thế kỷ XX có cái nhìn mới mẻ về lịch sử triết học; nhờ ông mà các tác giả cổ điển như Platon, Aristote, Kant, Hegel được - và cần được - đọc lại theo kiểu mới” (12) . Vậy có thể thấy rằng Husserl và Heidegger đã có một vị trí quan trọng trong việc khơi nguồn một trào lưu triết học mới ở phương Tây mà trong đó nổi bật là triết học hiện sinh. Thực ra tư tưởng hiện sinh đã có từ lâu với các triết gia như Socrate, Thánh Augustin, Pascal, Nietzsche, Kierkegaard… Nhưng với luận triết của Heidegger cộng với điều kiện lịch sử của một phương Tây suy tàn sau đại chiến thì tư tưởng hiện sinh có điều kiện nảy nở với sự xuất hiện liên tiếp nhiều triết gia hiện sinh và tạo nên Chủ nghĩa Hiện sinh ở phương Tây thế kỷ XX. Con đường từ Heidegger đến Sartre là một biến thể đặc biệt. Có lẽ cuốn Tồn tại và Thời gian của Heidegger và Tồn tại và Hư vô của Sartre do nhan đề và nhiều thuật ngữ có điểm tương đồng nên không ít ý kiến cho rằng Sartre viết Tồn tại và Hư vô là tiếp nối phần 2 Tồn tại và Thời gian khiến cho Heidegger không thể viết tiếp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là các ý kiến đều cho rằng Sartre không hiểu Heidegger và “Trên dặm mòn dang dở, Heidegger ngồi lại bên đường, Sartre tiến tới vớ lấy cây gậy dài, kiêu hùng dấn bước, bỏ mặc người thầy lặng lẽ phía sau – Ô Sartre! Ngươi mang cây gậy đi đâu? Ngươi sẽ làm gì đời nó? Ngươi có tôn trọng nó không? Hay ngươi sẽ đẽo gọt lại? ngươi sẽ làm nó tổn thương? Ta rất đau lòng. Người đời sẽ nhìn ngó cây gậy kia… kẻ bảo rằng: cây gậy này của Sartre, người lại bảo rằng cây gậy này của Heidegger…” hay “Nhưng cái điểm điêu linh nhất cho Heidegger ấy là cái chỗ: người đời vẫn cứ tưởng Sartre là kẻ hiểu thấu đáo Heidegger, và đã “vượt Heidegger!” như chính Sartre cũng tự phụ tuyên bố…” (13) . Vấn đề tạo ra khúc mắc là do chính bản thân những người tiếp nhận các tư tưởng đó. Điều này có thể chia làm hai loại: loại thứ nhất là những nhà nghiên cứu triết học có tính hệ thống thấy được điểm khác biệt giữa Heidegger và Sartre, tức là thấy rõ trên tiền đề Heidegger đặt ra Sartre đã triển khai và biến những quan niệm đó theo một hướng khác. Loại thứ hai là số đông gồm nhiều thành phần, họ có thể thấy tư tưởng Sartre nối tiếp và phát triển tư tưởng Heidegger. Điều này có thể do triết luận của Heidegger trừu tượng, cao siêu trong khi cách trình bày của Sartre lại khá cụ thể, dễ hiểu. Một vấn đề quan trọng là Sartre thể hiện tư tưởng ấy qua văn chương. Chính vì thế chủ nghĩa hiện sinh nảy nở với tâm điểm là Sartre. Viết về vấn đề này, Trần Đức Thảo trong Triết lý đã đi đến đâu?có viết: “do Jean-Paul Sartre lấy lại của Martin Heidegger. Nhờ tư tưởng sơ thiển và văn thể phổ thông, Sartre được nhiều ảnh hưởng trong tục lưu, tuy không có giá trị về mặt triết lý” (14) . Trên cơ sở triết học của Heidegger và Sartre, cũng như tiếp thu những nhà nghiên cứu đi trước, ở đây, chúng tôi muốn nhìn nhận sự tiếp biến tư tưởng từ Heidegger sang Sartre và đó cũng là quá trình biến đổi từ Hiện tượng học sang triết học hiện sinh mà Heidegger chỉ đóng vai trò bắc cầu. Cụ thể là Husserl lấy cái tôi thuần túy giải quyết chân lý siêu hình học và chân lý nhận thức qua việc trở về với sự vật. Heidegger lại từ cá nhân để tìm hiểu ý nghĩa của tồn tại và tìm ra tồn tại học phổ quát của thế giới và thời gian. Riêng Sartre lại từ cá nhân để khẳng định cái tôi thuần túy. Như vậy có thể thấy triết học Heidegger nghiên cứu bản chất của tồn tại nghiêng về tâm lý học, siêu hình học. Còn Sartre định nghĩa sự tồn tại và nhìn nhận sự tồn tại của con người cá nhân trong thế giới, nghiêng về xã hội học. Nói cách khác các nhà hiện tượng học tìm hiểu thuộc tính còn Sartre tìm hiểu thực tại của mọi thuộc tính. Từ quan niệm của Husserl về ý thức và tính chủ quan cùng với vấn đề Heidgger đặt ra là tồn tại- tại thế, cùng với nhiều vấn đề Nietzsche đặt ra từ thế kỷ trước và những kiến giải của Kierkegaard về tâm thức và thân phận con người trước cuộc đời, Sartre cho rằng tồn tại con người trong thế giới này là thân xác. Thân xác là cơ cấu bền vững của tồn tại và là điều kiện khả năng ý thức. Vì vậy, con người tồn tại đích thực là khi nó tồn tại độc lập với thế giới bên ngoài. Với Sartre, con người hiện sinh có hai đặc điểm chính: Một là con người tự tạo nên mình, làm mình thành người. Hai là để tạo nên mình con người lựa chọn tự do. Như vậy, Husserl và Heidegger chỉ đặt ra một cái nhìn mới về chủ thể còn Sartre khẳng định vai trò của chủ thể và con người tạo dựng cho thế giới những giá trị của con người gán cho nó. Từ vấn đề Husserl đặt ra hiện tượng có trước bản chất, Sartre cũng khẳng định Hiện sinh có trước bản chất vì chúng ta lựa chọn bản chất của mình bằng cách lựa chọn người mà chúng ta muốn trở thành. Bởi “Trước tiên con người tồn tại, hiện diện, ra mắt, tiếp theo mới thuyết minh cho bản thân… Ban đầu con người không có gì hết, chỉ về sau, con người mới biến thành cái gì đó, thế là con người dựa theo ý chí của mình mà sáng tạo ra bản thân mình” (15) . Vậy nên, con người đảm nhận hành động với ý thức, con người hiện sinh tự do là con người tự do quyết định xuất phát từ hữu thể con người mình. Quan niệm này cũng đã được Heidegger đề cập tới: “Tự do như là tự động tuyệt đối là tự do theo vũ trụ luận - một ý tưởng siêu nghiệm… Trong tự động tuyệt đối không phải là ý chí và quy luật của ý chí, mà là tự mình bắt đầu một trạng thái; trong tự chủ, ngược lại, không phải là một thực thể cá biệt được quyết định” (16) . Sự biến chuyển trong quan niệm của Sartre khi nói về hiện tồn đó là chủ thể nhận thức về mình như đặc thù một cá thể. Hiện tính thể không phải là việc hoàn nguyên của tự tính mà là tồn tại thông qua sự lựa chọn để vượt lên cái thường nhật và trở thành Tính. Trong Tồn tại và Hư vô, Sartre đã chia hai lĩnh vực tồn tại tự nó và tồn tại cho nó như sau: “Cái cho nó nổi lên như sự hư vô hóa cái tự nó và sự hư vô hóa này được lý giải như một dự phóng về cái tự nó. Giữa cái tự nó đã bị hư vô hóa và cái tự nó dự phóng thì cái cho nó là hư vô. Vì vậy, mục đích và cùng đích của sự hư vô hóa mà tôi theo đuổi là cái tự nó. Vì vậy, bao giờ con người cũng ham muốn là cái tự nó mang tư cách là cái cho nó” hay nói đơn giản hơn là: “Tôi chỉ hiện hữu khi tôi sẽ không hiện hữu nữa” (17) . Những chiêm nghiệm, suy tư của Heidegger về Tính cùng với hiện thực con người là một hữu thể đang chết, Sartre đã khai thác triệt để vấn đề cảm thế tính, khả tính, đọa tính… mà Heidegger đã đặt ra. “Với tính cách hữu thể, con người sống động và bí ẩn, độc nhất không thể biết trước được… Heidegger còn thấy cần thiết phải giải minh các trạng huống sinh tồn của con người… Từ đó, lo âu, sợ hãi, cái chết… trở thành phạm trù của chủ nghĩa hiện sinh…” (18) . Theo Sartre, con người luôn phải đối diện với cái chết, cũng như con người từ hư vô trở về hư vô nên cuộc đời con người như một đường hầm không lối thoát. Vì ý thức được điều đó cũng như nhận ra con người là hữu thể cô đơn nên “Lo âu là sự nắm bắt phản tính tự do bởi chính nó”. Con người lo âu vì phải mang trách nhiệm với bản thân. Cuộc tồn sinh là quá trình làm nên mình nên lo âu là bạn đồng hành của con người. Và, khi lo âu kéo dài không có đường giải thoát thì con người rơi vào tuyệt vọng vì con đường trước mắt là hư vô. Tuy nhiên tuyệt vọng không phải là buông xuôi, khuất phục mà con người bắt buộc phải nhập cuộc. Hành trình làm người là một quá trình mâu thuẫn, đau khổ vì không có một thước đo, chuẩn mực để hướng tới. Chính vì con người bị (được) sinh ra để đi đến cõi chết và trong cuộc về với hư vô lại quá trĩu nặng trách nhiệm cũng như sợ hãi nên cuộc đời thật phi lý biết bao. Song, trong cái vòng bắt buộc của phận người ta có quyền lựa chọn để làm nên ta. Vậy, cuộc đời không phải là phận số mà là những lựa chọn, những lựa chọn giúp ta trở thành con người. Chỉ khi hiện sinh, đối mặt với mọi tình huống ta mới biết bản chất của mình. Điểm khác biệt của Heidgger khi đề cập đến khả tính là những tiềm năng vốn có của con người đã được Sartre phát triển cụ thể và gọi là dự phóng. Tức là cái hư vô và cái tự nó làm nên dự phóng và dự phóng có nhiệm vụ cấu tạo nên lịch sử mỗi cuộc đời. Chính vì chỉ lấy bản thân là tâm điểm nên “tai họa là tha nhân”. Vì tha nhân là kẻ khác và không thể hiểu được mình nên mình luôn bị thương tổn hiện hữu. Sự thương tổn này là bi kịch của con người, bởi đời sống trong tha nhân là tự đánh mất mình, mà như thế con người luôn bị tha hóa. Husserl cũng đề cập đến mối quan hệ giữa cá thể và tha nhân, nhưng với ông, ít nhiều chúng ta nắm được ý thức của người khác bằng việc liên thông của những ý thức. Cho nên ý thức của những cá nhân không phải sống bơ vơ, xa lạ với cõi đời mà tình ý hướng sẽ tạo ý thức sống với tha nhân, đó là tính liên chủ thể. Tất cả những vấn đề Sartre đặt ra để làm sáng tỏ thân phận làm người, cụ thể là: Hữu thể là một thảm kịch, là phi lý, là hư vô; con người luôn cô đơn và cái chết luôn hiện diện. Nhưng con người biết bất chấp cái chết để nhập cuộc tự do làm nên lịch sử của mình bằng những dự phóng. Bên cạnh đó, chính cuộc hiện sinh lại làm con người tha hóa vì tha nhân. Từ những luận đề trên, Sartre đã mang đến cho văn chương một luồng sinh khí mới. Từ quan niệm về tự do, Sartre đã cho rằng: “… niềm vui thẩm mỹ sinh ra từ tầm mức ý thức của tôi khi tôi thu hồi và nội hiện các phi ngã cao nhất, bởi vì tôi biến cái đạt ngay thành mệnh lệnh và làm cho nó nổi bật lên: thế giới là nhiệm vụ của tôi, nghĩa là chức năng chủ yếu và tự nguyện ưng thuận của niềm tự do của tôi chính thị là đem đến cho tồn tại đối tượng duy nhất và tuyệt đối là vũ trụ trong một vận hành vô điều kiện” (19) . Vậy sáng tạo nghệ thuật không chỉ là con đường giải thoát khỏi hư vô mà sáng tạo còn là cách thức cao nhất bộc lộ tự do cá nhân. Bên cạnh đó, khi con người phải tự làm nên mình thì sáng tạo còn là sự trải nghiệm. Đó là “cốt yếu đối với sự toàn vẹn của tồn tại” bởi đó là quá trình vừa khám phá thế giới vừa khám phá bản thân vì người ta không có nhiều cuộc đời để sống. Cuộc vượt lên và giải thoát đó vừa tạo nên giá trị văn chương vừa tạo nên giá trị nhân vị. Không chỉ từ quan niệm về con người để trả lời câu hỏi văn học là gì? Sartre còn vận dụng luận thuyết của mình trong sáng tạo nghệ thuật. Những tác phẩm như Buồn nôn, Ruồi… đều bộc lộ tự tưởng của ông trong Tồn tại và Hư vô, đó là: Hiện sinh từ thân phận và hoàn cảnh con người trong thế giới, một thế giới mà trong đó ta bị đẩy vào và chờ đợi ở ta một ý nghĩa. Như vậy cả Heidegger và Sartre cùng ưu tư về hiện hữu; nhưng, Heidegger luận thuyết về cơ chế hoạt động của hiện hữu còn Sartre phân tích và minh chứng thân phận của hiện hữu. Từ cách tư duy của Husserl và Heidegger về ý thức, Sartre nhận ra cái phi lý của đời người. Con đường từ hiện tượng học đến triết học hiện sinh là con đường đi từ phương pháp luận của Husserl đến cách thức lý luận và suy nghiệm của Sartre. Khi hiện thực thời đại trở nên bi đát, thân phận con người trở nên mong manh trước biến động của lịch sử và cái chết đang rình rập khắp nơi thì những vấn đề Sartre đặt ra trở thành tâm thức thời đại; và từ đó triết học, văn học có nhiều bước ngoặt mới. Cuộc khai chiến của Nietzche về việc lật đổ các giá trị đã tạo tiền đề cho phương pháp tìm kiếm nhìn nhận lại các giá trị của Husserl và cũng giúp cho Heidegger nhìn vào chính giá trị của cuộc tồn hữu. Sartre đã tiến thêm một bước, ông chứng minh các giá trị. Cái bí ẩn và không thể biết trước được trong luận thuyết của Heidegger đã được Sartre cụ thể hóa. Tất cả những chiêm nghiệm, suy tư của Heidegger về hiện hữu cũng như lý luận về triết học hiện sinh của Sartre đã thổi vào văn học nhân loại một cách nhìn, một cách suy tưởng về thân phận con người mang giá trị nhân đạo sâu sắc, chúng ta bắt gặp trong Chuông nguyện hồn ai (Hemingway), Ruồng bỏ (Coetzee), Đời nhẹ khôn kham(Kundera)… tất cả triết lý của cuộc sinh tồn. Vậy con đường từ hiện tượng học đến chủ nghĩa hiện sinh cũng là con đường từ triết học đến văn học. Trên con đường ấy có rất nhiều ngã rẽ nhưng cái đích đến cũng chỉ là một - cái đích cao cả nhất - là hướng tới con người . tất cả triết lý của cuộc sinh tồn. Vậy con đường từ hiện tượng học đến chủ nghĩa hiện sinh cũng là con đường từ triết học đến văn học. Trên con đường ấy có rất nhiều ngã rẽ nhưng cái đích đến. trong việc khơi nguồn một trào lưu triết học mới ở phương Tây mà trong đó nổi bật là triết học hiện sinh. Thực ra tư tưởng hiện sinh đã có từ lâu với các triết gia như Socrate, Thánh Augustin,. quá trình biến đổi từ Hiện tượng học sang triết học hiện sinh mà Heidegger chỉ đóng vai trò bắc cầu. Cụ thể là Husserl lấy cái tôi thuần túy giải quyết chân lý siêu hình học và chân lý nhận