Nhạc chương - một thể loại quan trọng của nhã nhạc Khi bàn về Nhã nhạc người ta thường chú trọng nhiều đến thành phần, biên chế các loại dàn nhạc và bộ phận nhạc không lời do các nhạc cụ diễn tấu, mà ít đề cập đến một bộ phận quan trọng của Nhã nhạc là thể loại nhạc có lời. Đó là những khúc hát được quy định nghiêm ngặt trong từng lễ thức của những đại lễ trong triều đình. Có đến hàng trăm khúc hát có lời ca bằng chữ Hán mang nội dung phù hợp với từng cuộc tế lễ do Hàn Lâm Viện của triều đình biên soạn. Khâm Định Đại Nam Hội điển Sử lệ gọi những khúc hát quy định trong các loại nhạc lễ cung đình là Nhạc chương. Mặc dù có dàn nhạc tấu theo, nhưng thực chất, đây là thể nhạc Hát, dàn nhạc chỉ giữ vai trò đệm, như ý kiến của ông Cadière trong lễ Tế Giao năm 1915 đăng trên tạp chí BAVH. Vì vậy, một số tài liệu còn gọi là bài hát, ca khúc, hay ca chương Nhưng để nhấn mạnh về chức năng, tính đặc thù thể loại, (cũng như không gian và phạm vi diễn xướng duy nhất của chúng là các đại lễ cung đình), thì Nhạc chương thuộc về một thể loại hát lễ thuần túy chốn triều đình - Nhã ca,[1] mà tính chất, chức thể tựa như loại Tụng nhạc, một trong năm loại nhạc cung đình thời Tây Chu ở Trung Hoa. Hoặc có thể, có giềng mối với lối Nhạc Phủ đời Hán, Ngụy , được Lê Quý Đôn chú giải như sau : “quan nha có chức vụ chọn lấy những bài thi ca cho phổ vào tiếng đàn tiếng sáo. Người đời sau gọi những thi ca được quan chức trong Nhạc phủ chọn lấy bảo tồn là Nhạc phủ. Đầu tiên Hán Vũ Đế định lễ nghi tế Giao và lập ra Nhạc phủ, cho Lý Diên Niên làm Hiệp luật Đô úy. Nhạc phủ bắt đầu lập ra từ đấy”. [2] Tuy nhiên, đó là giềng mối xa, với Trung Hoa ; còn giềng mối gần, vẫn có người cho rằng Nhạc chương gần với lối tán, tụng trong âm nhạc nhà Phật. Mặc dù vậy, quan niệm nhạc cung đình Việt Nam phỏng theo Nhã nhạc triều Minh bên Tàu, đã trở thành nếp trong mọi suy nghĩ về văn hóa cung đình, nên nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ nhận định này. Theo chúng tôi biết, Âm nhạc Phật giáo không đơn giản chỉ là tụng, niệm như hiện nay . Bằng những sử liệu về âm nhạc Phật giáo Việt Nam xuất phát từ nền nghệ thuật Tiên Sơn, Lê Mạnh Thát cho chúng ta thấy lễ nhạc Phật giáo Việt Nam thế kỷ thứ 5 đã có một thể chế nhạc lễ bao gồm “ca tán tụng vịnh”. Trong đó, cũng có thể truy tìm mối quan hệ giữa Ca vịnh với Nhạc chương, Tán tụng với Nhạc khí, và sự kết hợp : “Bối là một thứ lễ nhạc do phổ tán bằng đồ ống đồ dây mà thành, còn nhạc thì do tấu bằng đồ kim đồ đá mà nên”.[3] Nếu không muốn nói Nhạc chương là linh hồn của cuộc lễ, thì cũng phải thừa nhận chúng là nơi chứa đựng và chuyển tải một phần nội dung chủ yếu của từng lễ thức. Chúng ta đều biết rằng, âm nhạc cung đình chủ yếu để phục vụ lễ lạc, triều nghi. Vì thế, bộ phận nhạc lễ là quan trọng nhất. Trong 7 loại nhạc lễ cung đình triều Nguyễn, thì hơn 5 loại đã là nhạc lễ nghi, mà bản thân tên gọi của chúng đã bao hàm nội dung ý nghĩa, gắn liền với từng cuộc lễ : như Giao nhạc là nhạc dùng trong lễ tế Nam Giao, Miếu nhạc là nhạc dùng trong lễ Tế Miếu v.v Trong mỗi loại nhạc đều được quy định một hệ thống Nhạc chương với bài bản riêng, mà nội dung của mỗi bài đều phải ứng với nội dung của mỗi lễ thức được sắp xếp theo trình tự cuộc lễ. Trong Giao nhạc, Nhạc chương gồm một hệ thống 9 bài (nhã) ca, do ca sinh và nhạc sinh diễn tấu trong 9 lễ thức khác nhau. Hệ thống Nhạc chương của Giao nhạc được bộ Lễ quy định là Thành chương, các chi chương[4] đều mang chữ Thành. Lễ tế Nam Giao dưới thời vua Minh Mạng, 9 chi chương được diễn tấu trong 9 lễ thức sau : 1. Hiển thành chi chương, tấu trong lễ Phần Sài. 2. Cảnh thành chi chương,tấu trong lễ Thượng hương 3. An thành chi chương, tấu trong lễ Nghinh thần 4. Gia thành chi chương, tấu trong lễ Dâng ngọc, lụa 5. Mỹ thành chi chương, tấu trong lễ Sơ hiến 6. Thụy thành chi chương, tấu trong lễ Á hiến 7. Vĩnh thành chi chương, tấu trong lễ Chung hiến 8. Tuy thành chi chương, tấu trong lễ Tống thần 9. Hựu thành chi chương, tấu trong lễ Vọng liệu Các chi chương qua các đời vua có thể có sự thay đổi một vài chi tiết không đáng kể. Cho đến năm 1915, dưới đời vua Duy Tân thứ 9, hệ thống Nhạc chương trong lễ Tế Giao cũng chỉ thay đổi như sau đây : 1. An thành chi chương, tấu trong lễ Nghinh thần 2. Triệu thành chi chương, tấu trong lễ Dâng ngọc,lụa 3. Tiến thành chi chương, tấu trong lễ Dâng thịt tế 4. Mỹ thành chi chương, tấu trong lễ Sơ hiến 5. Thụy thành chi chương, tấu trong lễ Á hiên 6. Vĩnh thành chi chương, tấu trong lễ Chung hiến 7. Doãn thành chi chương, tấu trong lễ Triệt soạn 8. Hi thành chi chương, tấu trong lễ Tống thần 9. Hựu thành chi chương, tấu trong lễ Vọng liệu Khi lễ hoàn tất, vua từ đàn trung xuống trở về Trai cung, Đại nhạc cử và ca sinh tấu khúc Khánh thành để tỏ sự vui mừng việc tế Trời đã hoàn thành. Như vậy, Nhạc chương là một thành tố quan trọng trong các Đại lễ cung đình triều Nguyễn. Nhạc và Lễ gắn bó như hình và bóng, không những chuyển tải một phần nội dung chủ yếu của cuộc lễ, mà còn tạo ra nhịp điệu cho tiến trình bởi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành tố. Nhạc lễ nói chung, Nhạc chương nói riêng, với chức thể đặc hữu, đã gắn kết các thành tố cuộc lễ thành một tổng thể nguyên hợp mang tính sân khấu hóa cao. L. Cadière, người chứng kiến lễ tế Nam Giao năm 1915 có ghi chép về sự phối hợp giữa Nhạc chương với các động tác hành lễ của vua và các thượng thư như sau : “Các đợt cúng bái của vua va các quan cúng tế đều cử cùng với nhạc xướng : lời xướng đầu, một lạy ; lời xướng thứ hai, đứng dậy ; lời xướng thứ ba, lạy xuống ; lời xướng thứ tư, đứng dậy và tiếp tục như thế cho đến lời xướng thứ tám cùng với bốn lạy và bốn lần đứng dậy. Các hướng dẫn lễ nghi đều có ghi trong sách lễ mà tôi được mượn” Vì tính chất đặc biệt này, tác giả đã chú thích, nhắc lại nhiều lần trong bài mô tả của mình, chẳng hạn ở giai đoạn khác của trình tự cuộc lễ : “Câu hát đầu vua bước đến chỗ tế lễ; câu hát thứ hai : vua quỳ ; câu hát thứ ba : vua cất thẻ ngọc vào trong áo ; câu hát thứ tư, năm, sáu : vua dâng lễ ngọc và lụa ; câu hát thứ bảy : vua lấy thẻ ngọc ra và ba câu tiếp : người ta lại đặt các hộp lên bàn thờ ; câu hát thứ mười một : vua lạy ; câu hát thứ mười hai : vua đứng dậy” [5] Các chi chương tấu trong các lễ thức cũng không phải tùy tiện, mà do bộ Lễ quy định. Lời ca của các chương khúc (chi chương) này phải phù hợp với nội dung, ý nghĩa của mỗi lễ thức, được viết bằng chữ Hán theo thể thơ Đường luật, mỗi câu gồm 4 chữ . Trong một cuộc lễ, các thể thức hành lễ có thể lặp lại nhau, nhưng các chương khúc thì mỗi lễ thức đều có một lời ca khác nhau và mỗi cuộc lễ có khoảng 6 - 10 bài. Sách Khâm Định Đại Nam Hội điển Sử lệ có chép lại toàn bộ hệ thống Nhạc chương với tổng số là 126 chi chương. Các chi chương được đánh số và phân thành 3 nhóm nội dung : Nhóm 1 : 79 ; nhóm 2 : 22 ; nhóm 3 : 25. Toàn bộ hệ thống Nhạc chương gồm126 chi chương đặt trong 10 tổ hợp chương mang 10 chữ sau : Hòa, Thành, Bình, Phong, Thọ, Huy, Văn, Phúc, Hy, Khánh. Giao nhạc được quy định diễn tấu tổ hợp chương có chữ Thành. Tuy vậy, không phải chỉ gồm 9 chi chương tấu trong tế Giao đã nêu ở trước, mà có đến 17 chi chương có tên gọi. Nếu kể thêm những chi chương trùng tên nhưng khác nội dung thì phải lên đến 35 bài. (Tổ hợp chương mang chữ Hòa trong Miếu nhạc cũng có tình trạng tương tự : 10 chi chương = 36 bài.) Chi chương Thụy Thành tấu trong lễ Á hiến và chi chương Hy Thành tấu trong lễ Tống thần của tế Nam Giao năm 1915. Tập san Những Người Bạn Cố Đô Huế (B.A.V.H) chép lại chi chương này, có kèm theo chú thích, dẫn giải như sau : “Các hình thức đã làm xong, chúng ta rất vui mừng. Các vị thần lên cao, trăm anh linh trí tuệ đưa tiễn cung kính ! Các vị thần để lại cho chúng ta bằng sự bảo vệ uy quyền của các ngài một nền thịnh vượng vĩnh viễn !” “Bài tấu hi thành chương gồm tám câu. Cách lạy của vua theo nhịp như : câu đầu : Vua lạy ; câu thứ hai : vua đứng dậy và tiếp như thế.” [6] Rất tiếc các sử liệu không để lại bản ký âm của Nhạc chương. Theo Gs. Trần Văn Khê trong Sơ lược Âm nhạc Truyền thống Việt Nam cho biết G. de Gironeourt chỉ ghi rằng trong lúc tế Nam giao, người ta nghe lập đi lập lại 3 nốt mi, sol, la, trên đó bài hát trở đi trở lại chậm rãi và nhấn mạnh như một đoạn kết bài nghiêm của một cuộc tế lễ trang trọng. Theo Nguyễn Đình Sáng trong luận văn Đại học lí luận âm nhạc “ Khảo sát Nhạc Lễ cung đình Huế”, (người đã tiếp xúc với ông La Đăng và ký âm lại bài Mỹ Thành) thì “âm nhạc của ca chương Mỹ Thành được xây dựng trên một trục cố định theo công thức : Mỗi ca từ ứng với một ô nhịp và phần luyến âm tùy theo lời ca để có thể điều chỉnh giai điệu cho phù hợp toàn bộ ca chương có 16 câu nhạc (ứng với 16 câu thơ) nhưng thực ra đều được phát triển trên 2 câu nhạc chính” (câu 1, 2). Trong lễ tế Giao được quy định tổ hợp chương mang chữ Thành, còn ở lễ tế Miếu lại được quy định tổ hợp chương mang chữ Hòa, lễ tế Xã Tắc là chữ Phong, tế Văn Miếu là chữ Văn, lễ Đại triều là chữ Bình v.v mà cuộc tế lễ nào cũng không dưới 5 chi chương được liên kết trong một tổ hợp của Nhã nhạc triều Nguyễn : Dàn nhạc - Ca chương - múa Bát dật. Các vấn đề về nghệ thuật, tổ chức của thể ca hát này sử liệu hầu như không đề cập. Tổng hợp các văn bản về việc xin trang cấp y phục chép trong Khâm Định Đại Nam Hội điển Sử lệ, chúng tôi chỉ biết ngoài nhạc sinh, vũ sinh, thì ca sinh chuyên thể hiện Nhạc lễ trong triều có khoảng 40 người. Được biết, năm 1960 chính quyền miền Nam cũ có tổ chức tế đàn Nam Giao. Có 2 chi chương trong hệ thống Nhạc chương mang chữ Thành được phục hồi với gần 40 ca sinh diễn xướng. Đến nay, chỉ hơn 40 năm, nhưng ở Huế, chỉ còn một người trong số ca sinh ngày trước là ông La Đăng, còn nhớ được giai điệu 1 bài. Đó là chi chương Mỹ Thành được hát trong lễ Sơ hiến của Tế Giao. Không như các loại nhạc cung đình khác, Nhạc chương với chức thể đặc thù : về nội dung của lời ca ; lời bằng chữ Hán ; không độc lập về thể thức, và có thể, âm điệu mang tính ngâm ngợi, tế tụng theo kiểu giai điệu hóa lời thơ chỉ tồn tại bó hẹp trong một không gian diễn xướng duy nhất là tế lễ triều đình, và hẹp hơn nữa là cúng tế dòng tộc, tổ tiên của nhà Vua Vì thế, khi triều Nguyễn với ý thức hệ Tống Nho cùng với cơ tầng văn hóa của nó bước vào giai đoạn suy thoái, âm nhạc cung đình ngày càng mất dần môi trường diễn xướng, một số loại thể phù hợp với cơ chế dân gian thì được lưu truyền, gìn giữ, còn Nhạc chương - một thể tài chính thống, bác học 100% cung đình thì sớm tàn lụi. Th.S Vĩnh Phúc Trường Đại học Nghệ thuật Huế T T À À I I L L I I Ệ Ệ U U T T H H A A M M K K H H Ả Ả O O Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ. Quyển 96-99. Nxb Thuận Hoá, 1996 Những người bạn Cố đô Huế (BAVH).Tập1-6, Nxb Thuận Hoá, 1998 Lê Quý Đôn. Vân đài loại ngữ. Nxb Văn Hoá- Thông tin, 1995 Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề. Những Đai lễ và Vũ khúc của vua chúa Việt Nam. Nxb Hoa Lư. Sài gòn, 1968 Trần Văn Khê. Sơ lược Âm nhạc truyền thống Việt Nam. ĐH Nghệ thuật Huế 1996 (bản dịch của tác giả). Nguyễn Mạnh Thát. Lịch sử Âm nhạc Việt Nam . Nxb Tp HCM, 2001 Nguyễn Đình Sáng. Khảo sát Nhạc lễ cung đình Huế.Luận văn ĐH, Trường ĐHNT Huế, 1999. [1] Lê Quý Đôn. Vân Đài Loại Ngữ. Sđd, Tập 2, quyển 6, tr. 139 [2] Lê Quý Đôn : Vân Đài Loại Ngữ. Sđd, Tập 2, Quyển 5, tr. 124. [3] Lê Mạnh Thát : Lịch sử Âm nhạc Việt Nam. Nxb Tp Hồ Chí Minh, 2001. tr. 295. [4] Khi hành lễ, quan Thông tán thường xướng những chương khúc cụ thể là chi chương. Ví dụ:” Doãn thành chi chương!” hoặc “Hàm hòa chi chương !” Vì vậy, khi gọi tên các bài cụ thể đó, chúng tôi chủ trương dùng chữ Chi chương, hoặc đôi lúc là chương khúc. [5] L. Cadière : Tế Nam Giao - Nghi lễ tế. B.A.V.H, tập 2-1915, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 106,108,112 [6] L. Cadière : Tế Nam Giao-Nghi lễ tế. Sđd , tr. 121, 122 . Nhạc chương - một thể loại quan trọng của nhã nhạc Khi bàn về Nhã nhạc người ta thường chú trọng nhiều đến thành phần, biên chế các loại dàn nhạc và bộ phận nhạc không lời do các nhạc. nhạc, Nhạc chương gồm một hệ thống 9 bài (nhã) ca, do ca sinh và nhạc sinh diễn tấu trong 9 lễ thức khác nhau. Hệ thống Nhạc chương của Giao nhạc được bộ Lễ quy định là Thành chương, các chi chương[ 4]. tính đặc thù thể loại, (cũng như không gian và phạm vi diễn xướng duy nhất của chúng là các đại lễ cung đình), thì Nhạc chương thuộc về một thể loại hát lễ thuần túy chốn triều đình - Nhã ca,[1]