Thượng Chi bàn về tiểu thuyết trên tạp chí "Nam Phong" Trên Nam phong tạp chí, Thượng Chi - tức Phạm Quỳnh - là người bàn luận nhiều nhất về văn chương. Mà với ông thì có lẽ tiểu thuyết lại là vấn đề được quan tâm hơn cả. Ông phát biểu về tiểu thuyết rải rác ở nhiều bài viết, nhưng tập trung là trong tiểu luận Bàn về tiểu thuyết (Nam Phong số 43, 1921) và bài Bàn về bộ tiểu thuyết Vua bể của De Vogue (Nam Phong số 3, 1917). Ông cho biết: tiểu thuyết có từ lâu. Ở nước Tàu, tiểu thuyết thịnh hành từ thời nhà Nguyên. Ở nước Pháp, tiểu thuyết phôi thai từ thế kỷ XIII, XIV nhưng hình thế như ngày nay là mới bắt đầu từ thế kỷ XIX. Ông cho rằng: với thế giới, thế kỷ XIX là thế kỷ của tiểu thuyết. Ông định nghĩa tiểu thuyết “là một truyện viết bằng văn xuôi đặt ra để tả tình tự người ta, phong tục xã hội hay là những sự lạ tích kỳ, đủ làm cho người đọc hứng thú”, “phàm sách gì không phải là sách dạy học, sách lý luận, sách khảo cứu, sách thi ca, thời đều là tiểu thuyết cả, mà tiểu thuyết có khi lại gồm được cả các lối kia”. Ông nói “nghĩa chữ tiểu thuyết trong sách Tàu thời lại rộng hơn ”. Ông nhận xét: “Tiểu thuyết bấy giờ: theo lối tự sự, nói như thường(N.Đ.C nhấn mạnh), cũng có đôi khi viết bằng lối vận văn như trong Kiều”, “còn thể thức thời thực là muôn hình vạn trạng”. Ông bàn về cách lập ý trong khi viết tiểu thuyết: “Tất phải có một cái chủ ý ở trong. Cho nên trước khi kết cấu phải lập ý đã, nghĩa là định cái chủ não ở đâu, rồi mới đặt truyện định răn đời định tả thực định hình dung định diễn tả bao giờ cũng phải có chỗ dụng tâm lập ý, rồi mới nhân đó kết cấu, không thời thành chuyện bông lông không có chủ đích”. Thượng Chi đã bàn tới vấn đề hoàn cảnh và nhân vật trong tiểu thuyết. Về hoàn cảnh, ông quan niệm là “cái hoàn cảnh chung quanh mình, không những là cảnh vật hữu hình mà lại là cái khí vị đặc biệt (N.Đ.C nhấn mạnh) trong cảnh ấy nữa , phải diễn làm sao được cái khí vị riêng của mỗi nơi ấy ”. Theo ông, có hoàn cảnh hữu hình và hoàn cảnh vô hình trong tiểu thuyết. Hoàn cảnh đó sẽ chi phối người đọc và cũng là tiêu chuẩn nghệ thuật của tiểu thuyết. Ông viết: “Làm tiểu thuyết xưa nay có cái tài gây ra một hoàn cảnh để hun đúc thấm nhuần người đọc truyện, khiến cho tự mình sáp nhập với người trong truyện”. Ông cũng chú trọng đến kết cấu của tiểu thuyết mà theo ông, kết cấu “tóm lại là đặt thành một truyện hiển nhiên như truyện thật (N.Đ.C nhấn mạnh) Tài nhà làm tiểu thuyết phần nhiều là ở cái tài kết cấu đó”, “kết cấu khéo là bịa đặt ra một truyện huyền mà vẫn căn cứ ở sự thực, khiến cho người đọc vẫn biết rằng truyện huyền không thực mà không thể không tin Những nhà phê bình Âu Mĩ khen những tay làm tiểu thuyết thường nói là những tay sáng tạo ra cuộc sống”. Thượng Chi cũng đã nhìn thấy hình thức của “tiểu thuyết là muôn hình vạn trạng” và với ông “không phải là không có thể chia ra loại này loại khác” dựa theo sự khác nhau về phương pháp, mặc dù “không nên coi những phương pháp ấy là nhất định”. Hai chữ “phương pháp” được ông nói ở đây “chỉ là cách thức có ý nghĩa thao tác, qui phạm, phép tắc” mà thôi. Thượng Chi còn có nhiều ý kiến khác về tiểu thuyết. Trong bài Bàn về bộ tiểu thuyết Vua bể của De Vogue viết, in từ số 3-1917 (Nam Phong tạp chí) ông đã nói đến đối tượng trung tâm của tiểu thuyết là con người và cuộc sống con người. Ông viết: “Phần nhiều tiểu thuyết đã thành những bài nghiên cứu rất tinh tế về nhân tâm thế sự. Đặc biệt, trong bài Sự giáo dục đàn bà con gái. Luận thuyết. Nam phong số 4-1917) ông còn “mong cho trong văn giới nước ta xuất hiện được một bàn tay làm tiểu thuyết có tài để mô tả cái cảnh đáng kính đáng phục ấy của đàn bà con gái để lưu truyền mãi mãi về sau”. Trong “Điều lệ về cuộc thi” sáng tác thơ văn của báo Nam phong, do Thượng Chi chủ trì, còn nói rõ “Tiểu thuyết phải làm theo lối Âu châu, tự đặt ra, không được dịch hoặc bắt chước chuyện Tàu, chuyện Tây. Phải dùng phép tả thực, không được bịa đặt những việc hoang đường kì quái. Trọng nhất là tả được cái tâm lý người ta cùng các tình trạng xã hội. Không nên đặt những chuyện có thể phương hại đến luân lý và tôn giáo, hoặc quan hệ đến chính trị” (Nam phong số 7 tháng 1-1918). Trong ý tưởng của Thượng Chi, tiểu thuyết cần đi theo hướng tả chân. Bởi thế mà ông đánh giá cao Phạm Duy Tốn qua Sống chết mặc bay: “Trong học giả báo ta, chắc ai cũng đã biết tên ông Phạm Duy Tốn. Ông là một người rất nhiệt tình với văn quốc ngữ và đã biệt lập ra một lối văn riêng, lấy sự tả chân làm cốt. Mỗi bài văn của ông như một tấm ảnh phản chiếu cái chân tướng như hệt. Ông tin rằng văn chương đã tả được hết cái cảnh thực là khắc có cái sức cảm động vô cùng, không cần phải nghị luận xã hội” (Nam phong số 18 tháng 12-1918). Việc lược thuật ý kiến của Thượng Chi về tiểu thuyết như trên là chưa thật đầy đủ, nhưng thiết tưởng cũng đã có thể cho phép nói rằng ở nước ta, trước Thượng Chi, chưa ai bàn về thể loại tiểu thuyết một cách có hệ thống và phong phú như thế. Ở thời trung đại, các cụ bàn nhiều về thơ ca, về văn chương nói chung, chứ hầu như chưa bàn gì về tiểu thuyết. Mặc dù đã có một đôi ý thật đặc sắc ví như trong trường hợp Thập Thanh Thị nói về việc Nguyễn Du xây dựng nhân vật Thúy Kiều là “không cần phải có người thực mới có truyện, song cũng phải có người như thế mới có truyện vậy”. Có tình trạng đó là bởi ở thời trung đại, tiểu thuyết nói chung chưa phát triển. Nếu có thì mới là tiểu thuyết văn vần (truyện thơ), và tiểu thuyết văn xuôi chữ Hán mà cũng còn ít ỏi. Đó là chưa kể đến quan niệm coi thường tiểu thuyết (nhai đàm hạng ngữ: những lời nói nói bên bờ nước hoặc ở trong ngõ xóm) để đến nỗi Nguyễn Du trong khi “đau đáu ta tả nên thiên tuyệt bút Truyện Kiều” (Phạm Quỳnh), không biết thực bụng đến đâu nhưng vẫn đà kết thúc tác phẩm bằng hai câu thơ xem ra có vẻ chua chát: “Lời quê góp nhặt rông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Cuối thế kỷ XIX, năm 1887, Nguyễn Trọng Quản cho ra đời Truyện thầy Lazaro Phiền được các nhà văn học sử hiện nay coi là truyện ngắn mở đầu cho truyện hiện đại bằng văn xuôi tiếng Việt. Trong lời tựa, tác giả đã trình bày quan niệm viết truyện (cũng là tiểu thuyết) rất đáng được ghi nhận. Ông viết: “Tôi có dụng ý lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một chuyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay Đã biết rằng xưa nay dân ta chẳng thiếu chi thơ, văn, phú, truyện nói về những đứng anh hùng hào kiệt, những tay tài cao trí cả rồi đó, mà những đứng ấy thuộc về đời xưa chớ đời nay chẳng còn nữa. Bởi đó tôi mới giám tùy đặt một truyện đời nay là sự thường có trước mắt ta luôn, như vậy thì sẽ có nhiều người sẽ lấy lòng vui mà đọc ”. Có thể xem đây là một lời giới thuyết đầu tiên về tiểu thuyết hiện đại trong đó lộ ra ý thức tự giác: “lấy tiếng thường mọi người hằng nói” để “đặt một truyện đời nay là sự thường có trước mắt ta luôn”. Sang đầu thế kỷ XX, vào năm 1910, Trần Thiện Trung trong lời tựa cho truyệnHoàng Tố Anh hàm oan của mình, đã tiếp tục quan điểm của Nguyễn Trọng Quản, với cách nói khác như sau: “Từ ngày các đấng cao minh trong Lục châu bày diễn dịch các thứ truyện chữ nho ra quốc âm, thì ít thấy có truyện nào nói việc trong xứ mình. Các truyện đang bán đương thời là truyện Tàu. Nay tôi ngụ ý soạn một bổn nói về việc trong xứ mình, dùng tiếng tầm thường cho mọi người dễ hiểu đặng. Ấy là làm thử nên chỗ nào có sơ siểng xin chư vị khán quan dung túng”. Tiếp theo, Phan Kế Bính trong Việt Hán văn khảo đã có giả thuyết về tiểu thuyết trong khi phân biệt truyện ký và ký sự. Nhưng cũng còn rất đơn giản. Với tình hình quan niệm về tiểu thuyết như trên, rõ ràng Thượng Chi là người đầu tiên nói về tiểu thuyết phong phú hơn ai hết. Trên Nam phong tạp chí, một số người như Trần Hữu Khánh, Tùng Đảm (Nam Phong số 60-1922), Vũ Đình Long, Nguyễn Mạnh Bổng đây đó cũng có ý kiến này khác về tiểu thuyết đáng ghi nhận nhưng vẫn không ai nói có hệ thống, nhiều mặt như ông chủ bút của họ. Người đọc có thể chú ý đến lời tựa của Trần Trọng Khiêm cho tác phẩm Kim Anh lệ sửcủa mình trong đó nêu lên sự khác nhau giữa cách viết của tiểu thuyết phương Đông và tiểu thuyết phương Tây. Nhưng so với những điều Thượng Chi đã nói trước đó khoảng 7 năm thì còn sơ sài hơn nhiều. Sau 1932 trở đi, cùng với sự phát triển nhanh chóng, sôi động, và có thành tựu lớn lao của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, các nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Lê Thanh đặc biệt là Thạch Lam đã có nhiều ý kiến mới mẻ, hấp dẫn về tiểu thuyết (1) . Dù vậy, những gì Thượng Chi đã bàn về tiểu thuyết trước đó gần hai chục năm vẫn là sự bề thế và chưa hề lỗi thời. Những vấn đề được Thượng Chi nêu lên về lịch sử phát triển của tiểu thuyết, về đặc trưng thể loại của tiểu thuyết, về ngôn ngữ, hoàn cảnh, nhân vật, nghệ thuật kết cấu của tiểu thuyết, về tính chất vừa hư và thực trong nghệ thuật tiểu thuyết, về tính chất muôn hình vạn trạng của tiểu thuyết đều là những vấn đề cơ bản đích đáng mà sau này sẽ được các chuyên gia lý thuyết văn chương bàn tiếp, kỹ lưỡng hơn, cặn kẽ hơn trong hoàn cảnh nền lý luận văn chương của nước nhà đã phát triển lên một tầm cao mới trong đó có sự thừa hưởng dồi dào hơn lý thuyết văn chương thế giới. Điều cần nói thêm: Thượng Chi không chỉ làm việc giới thuyết, xây dựng lý luận về thể loại tiểu thuyết mà còn ra sức xúc tiến sự ra đời của tiểu thuyết bằng các biện pháp thiết thực, hữu hiệu: tự mình cùng đồng nghiệp dịch đăng trên Nam phong tạp chí nhiều tiểu thuyết hiện đại của phương Tây, đặc biệt là của Pháp, kèm theo những lời giới thiệu, bình luận nhằm giúp người cầm bút Việt Nam làm quen dần với mẫu hình tiểu thuyết hiện đại. Trên Nam phong tạp chí, từ số 7 tháng 1-1918, từng mở “Cuộc thi thơ văn của bản báo” trong đó ý đồ chính cũng là khuyến khích việc sáng tác theo thể loại tiểu thuyết, trước mắt là đoản thiên tiểu thuyết. Nhất thời, cuộc thi chưa thành công vì sự hưởng ứng quá ít. Nhưng vẫn đã tạo đà cho việc sáng tác, đăng tải đoản thiên tiểu thuyết, kể cả tiểu thuyết (2) , hơn 70 tác phẩm trên Nam phong tạp chí với 17 năm tồn tại. Từ những đóng góp của Thượng Chi như trên, có người đã muốn coi ông - tuy không phải là một tiểu thuyết gia - nhưng là một người đạo diễn buổi đầu trong việc hình thành nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, vốn được coi là thể loại chủ công của nền văn học Việt Nam hiện đại chính thức có mặt từ những năm 20 của thế kỷ XX. Nói thế là quá lời hay đúng với sự thật? . Thượng Chi bàn về tiểu thuyết trên tạp chí "Nam Phong" Trên Nam phong tạp chí, Thượng Chi - tức Phạm Quỳnh - là người bàn luận nhiều nhất về văn chương. Mà với ông thì có lẽ tiểu thuyết. giả thuyết về tiểu thuyết trong khi phân biệt truyện ký và ký sự. Nhưng cũng còn rất đơn giản. Với tình hình quan niệm về tiểu thuyết như trên, rõ ràng Thượng Chi là người đầu tiên nói về tiểu thuyết. thuật ý kiến của Thượng Chi về tiểu thuyết như trên là chưa thật đầy đủ, nhưng thiết tưởng cũng đã có thể cho phép nói rằng ở nước ta, trước Thượng Chi, chưa ai bàn về thể loại tiểu thuyết một cách