1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Báo cáo nghiên cứu khoa học: " VỀ KHÁI NIỆM MỆNH ĐỀ NGHĨA TRONG NGÔN NGỮ HỌC ANH" ppsx

9 1,4K 11

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 9
Dung lượng 279,27 KB

Nội dung

Mệnh đề nghĩa là nghĩa cơ sở được biểu đạt bởi một câu bao gồm 1 một cái gì đó được gọi tên định danh và đang được nói đến như là một lập luận hay một thực thể và 2 một khẳng định hay mộ

Trang 1

VỀ KHÁI NIỆM MỆNH ĐỀ NGHĨA TRONG NGÔN NGỮ HỌC ANH

ON THE CONCEPT OF PROPOSITION IN ENGLISH LINGUISTICS

Nguyễn Xuân Thơm

Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội

TÓM TẮT

Mệnh đề nghĩa là một khái niệm thuộc lôgic học và ngữ nghĩa học Mệnh đề nghĩa là nghĩa cơ sở được biểu đạt bởi một câu bao gồm (1) một cái gì đó được gọi tên (định danh) và đang được nói đến (như là một lập luận hay một thực thể) và (2) một khẳng định hay một xác nhận về lập luận đó Một câu có thể biểu thị hoặc hàm ẩn hơn một (= nhiều) mệnh đề Bài báo trình bày các suy nghĩ về mệnh đề nghĩa của các tác giả Jacob (lấy động từ làm trung tâm) và Halliday (lấy cú làm trung tâm), trên cơ sở đó rút ra các nhận định riêng của chúng tôi (tác giả bài báo-NXT) về nghiên cứu ngôn ngữ nói chung và nghiên cứu ngữ nghĩa nói riêng

ABSTRACT

Proposition is a concept in logics and semantics A proposition is the basic meaning expressed by a sentence, including (1) something which is named or talked about (known as the argument or entity), and (2) an assertion or predication which is made about the argument

A sentence may express or imply more than one proposition This article presents thinkings on

proposition as presented by Jacob (a verb-centered viewpoint) and Halliday (a clause-centered viewpoint), on the basis of which to draw out our own remarks (remarks by the author of the article, NXT) on linguistic studies in general and semantic studies in particular

1 Mở đầu

Từ điển Longman Dictionary of Applied Linguistics (Richard & Platter:1985) định nghĩa mệnh đề nghĩa (proposition) là một khái niệm thuộc lô-gic học và ngữ nghĩa học Mệnh đề nghĩa là nghĩa cơ sở được biểu đạt bởi một câu bao gồm (1) một cái gì đó được gọi tên (định danh) và đang được nói đến (như là một lập luận hay một thực thể)

và (b) một khẳng định hay một xác nhận về lập luận đó Một câu có thể biểu thị hay hàm chỉ một hoặc nhiều mệnh đề nghĩa, ví dụ như câu:

(1) John’s friend, Tony, who is a dentist, likes apples (=Bạn của John, Tony, một anh

chàng nha sĩ, thích ăn táo)

Câu (1) chứa các mệnh đề nghĩa sau:

- John có một người bạn

- Người bạn đó tên là Tony

- Tony là nha sĩ

- Tony thích ăn táo

Như vậy, theo cách diễn giải và ví dụ của các tác giả từ điển “Ngôn ngữ học ứng

dụng” thì mệnh đề nghĩa là thuật ngữ chỉ toàn bộ nghĩa tường minh và ngầm ẩn của câu

Trang 2

Roderick A Jacobs (1993) và M.A.K Halliday (1985) cũng là các tác giả quan tâm nhiều đến mệnh đề nghĩa Dưới đây xin trình bày tóm lược quan niệm của hai ông

2 Roderick A Jacobs

Theo Jacobs, trong cuốn “Ngữ pháp dành cho các giảng viên chuyên ngữ tiếng Anh” (A Grammar for English Language Professionals: 1993) thì người học tiếng Anh cần nắm nghĩa của các phát ngôn tiếng Anh Mặc dù ngữ cảnh của phát ngôn có ảnh hưởng căn bản đến việc giải nghĩa một câu, câu vẫn có cái nghĩa hay cái nội dung mệnh

đề (propositional content) của nó độc lập với ngữ cảnh (Thuật ngữ “câu” (sentence) mà Jacobs dùng hàm chỉ một phát ngôn đơn) Cho một câu sau:

(2) Those plums look good (Những trái mận này trông ngon quá)

Theo Jacobs, câu (2) có thể được hiểu nghĩa theo nhiều cách trong các ngữ cảnh khác nhau; v/d khi nó được một đứa trẻ háu ăn thốt ra (trong khi trông thấy một đĩa mận), nó được lý giải một kiểu (=thèm ăn, muốn được ăn mận ngay), nhưng khi câu này được nói ra từ một chủ cửa hiệu đi mua hàng về nhập kho để bán thì nó lại được hiểu nghĩa theo cách khác (=khách hàng sẽ thích mua và sẽ dễ bán với giá cao) Mặc dù vậy mệnh đề nghĩa của câu (2) luôn là một Nói cách khác, yếu tố ngữ cảnh không can thiệp vào mệnh đề nghĩa của câu Nội dung mệnh đề nghĩa của câu chính là nghĩa cơ sở của câu

Trong phần lớn câu tiếng Anh, bộ phận cốt yếu của nghĩa rơi vào động từ của câu; cái khái niệm mà động từ biểu đạt chính là trọng tâm của mệnh đề nghĩa của câu Ngữ nghĩa học, theo Jacobs, là khoa học nghiên cứu về nghĩa, bao gồm nghĩa chứa trong nội bộ một đơn vị từ vựng, gọi là ngữ nghĩa học nội hướng (word-internal semantics) và các mối quan hệ về nghĩa giữa một đơn vị từ hay một ngữ với các bộ phận khác của câu, gọi là ngữ nghĩa học ngoại hướng (external semantics) Trước hết chúng ta xem xét vấn đề ngữ nghĩa trong nội bộ từ

Các động từ tiếng Anh phần lớn không phải là các động từ chỉ gồm một nghĩa tố đơn giản Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách so sánh nghĩa của một động từ tương đối đơn

giản trong tiếng Anh (trong các thứ tiếng khác, tình hình chưa hẳn đã là như vậy), động

từ “to die” (=chết), có nghĩa “become no longer alive” (=không còn sống nữa) với một vài động từ khác “To die” (chết) rõ ràng là một động từ đơn nghĩa hơn hẳn nếu đem

so với động từ “to kill” (=giết chết) trong tiếng Anh, một động từ vừa bao hàm ý niệm

“không còn sống nữa” lại vừa bao hàm việc xảy ra một sự kiện với sự tham gia của một tham tố gây ra sự chấm dứt sự sống Nói cách khác, “to kill” có nghĩa “to cause to become no longer alive” (=gây ra cái chết) Nhưng “to kill” (=giết chết) không hẳn đã liên quan đến việc phạm pháp Những người lính dũng cảm giết giặc trên chiến trường

để bảo vệ tổ quốc họ là những người được coi là có công trạng lớn Nhưng động từ

“murder” (=sát hại), bên cạnh nghĩa của “to kill” (=giết chết) còn có thêm nghĩa tố tội phạm, Nghĩa của “murder”(=sát hại) trở thành “criminally cause to become no longer alive” (=phạm tội gây ra cái chết) Chúng ta lại tiếp tục so sánh “to murder” (=sát hại) với “to assassinate” (=ám sát), một động từ có cấu trúc ngữ nghĩa phức tạp hơn Động

Trang 3

từ “to assassinate” (=ám sát), bên cạnh việc bao hàm trong nó nghĩa của động từ “to murder” đã nói trên, còn bao hàm thêm hai nghĩa tố (mà Jacobs gọi là hai đòi hỏi (requirements) áp đặt lên việc sử dụng động từ này), đó là (1) nạn nhân (bị sát hại) phải

là một chính khách có tên tuổi, và (2) động cơ của kẻ sát nhân là mang tính chính trị Nghĩa của động từ này trở thành “criminally cause politically prominent individual(s) to become no longer alive due to political motive(s)” (=phạm tội gây ra cái chết cho (các) chính khách có tên tuổi vì động cơ chính trị) Cả một lượng lớn nghĩa tố nhưng được khuôn trong chỉ một động từ! Điều này giải thích cho sự ngô nghê của một câu đại loại như câu (3) dưới đây:

(3) The thief assassinated the houseowner’s dog (=Tên trộm ám sát con chó của gia chủ)

Việc phân tích ngữ nghĩa trong từ là một bộ phân quan trọng của ngữ nghĩa học, song quan trọng hơn là các quan hệ ngữ nghĩa ngoại hướng của động từ với các thành phần khác của câu

Nếu động từ được coi là bộ phận cốt lõi ngữ nghĩa (semantic core) hay là hạt nhân ngữ nghĩa (nucleus) của câu, thì các thành phần khác của câu chỉ đóng vai trò các tham tố (participants) trong tình huống được trình bày Một số tham tố có mặt vì “bắt

buộc” (required), gọi là các tham tố bắt buộc; số khác không bắt buộc phải có mặt, gọi

là các tham tố tuỳ ý (optional) Nếu ta biết nghĩa của một động từ, ta sẽ biết các tham tố

bắt buộc của nó Cho một ví dụ, động từ “to die” (chết) Nếu ta biết nghĩa của động từ này, thì ta biết nó chỉ cần một tham tố bắt buộc, đó là chủ thể của hành động ra đi khỏi cuộc sống Song với động từ “to kill” (giết chết) lại khác vì động từ kill (giết chết) = cause to become no longer alive (gây ra sự chấm dứt cuộc sống), cần tới 02 tham tố, một tham tố là kẻ gây ra sự chấm dứt cuộc sống, kẻ giết (killer) và một tham tố khác là nạn nhân (victim) của hành động đó Các động từ luôn giữ chức năng biểu đạt các mối quan hệ giữa các thực thể mà các tham tố bắt buộc đại diện Trong câu:

(4) The Dean of the Reptile Studies Faculty feared snakes

(Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu Bò sát sợ rắn)

động từ “feared” (sợ) trong câu (4) biểu thị quan hệ giữa chủ nhiệm khoa nghiên cứu bò sát, người phải trải qua cảm giác “sợ” và “snakes” (rắn), loài vật gây ra cảm giác “sợ” cho chủ nhiệm khoa nghiên cứu bò sát

Các loại tham tố phổ biến nhất mà động từ đòi hỏi phải có để biểu đạt nghĩa cuả câu thường có dạng thức của danh ngữ (the Dean of the Reptile Studies Faculty) hoặc đại từ (he, they ), gọi chung là danh ngữ vì chúng có cùng chức năng Các động từ khác nhau đòi hỏi số lượng các danh ngữ bắt buộc khác nhau Như đã nói trên, động từ

“to die” chỉ đòi hỏi một danh ngữ; động từ “to kill“ đòi hỏi 02, trong khi đó động từ “to give” (=đưa cho, trao cho) trong tiếng Anh thì đòi hỏi 03, người đưa, người nhận (quà)

và bản thân món quà Ví dụ:

(5) The Dean of the Reptile Studies Faculty gave Madame Vice Dean a sunflower

(Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Bò sát đưa cho bà Phó Chủ nhiệm Khoa một đoá hoa

Trang 4

hướng dương)

Trong (5), có 03 danh ngữ, gồm (1) chủ nhiệm khoa nghiên cứu bò sát, người đưa quà; (2) bà phó chủ nhiệm khoa, người nhận quà và (3) đoá hoa hướng dương, bản thân món quà Trong tiếng Anh chưa thấy có động từ nào đòi hỏi sự tham gia của trên

03 danh ngữ Số lượng các danh ngữ mà một động từ đòi hỏi kết hợp với nó được gọi là

ngữ trị của động từ ấy Ngữ trị của động từ, cũng giống như hoá trị của các nguyên tố

hoá học, cho biết số lượng chính xác các đơn vị danh ngữ mà nó có thể kết hợp Tất nhiên có những trường hợp động từ đứng riêng không kèm theo bất cứ danh ngữ nào trong khi ngữ trị của nó có thể là 01 hoặc 02 Đó là trường hợp các câu mệnh lệnh, kiểu như:

(6) Stop! (=Dừng lại!)

(Stop trong tiếng Anh là động từ có ngữ trị 02.)

Để cho câu (6) có nghĩa, một tham tố, người nhận lệnh “Dừng lại!” được hiểu là

có tham gia vào hành động được nêu Và khi thực hiện mệnh lệnh, người nhận lệnh có thể tiến hành dừng một thực thể nào đó (có thể là người, có thể là vật)

Trong tiếng Anh, mối liên hệ giữa ngữ trị của động từ và ý nghĩa (sense) của động từ ấy là một quan hệ chặt chẽ Chúng ta có thể quay lại với các khái niệm được biểu đạt bởi các động từ “die”, “kill” và “give” nói trên (“die” đòi hỏi 01 danh ngữ ;

“”kill” đòi hỏi 02 ; “give” đòi hỏi 03) Một phương thức tiếp cận nghĩa như thế trong ngữ nghĩa học có vẻ tương đồng với các phương pháp tiếp cận lô-gic Lý do là động từ

và các danh ngữ không chỉ tạo thành một đơn vị cú pháp, mà còn tạo thành một đơn vị ngữ nghĩa, một đơn vị được đề cập đến như là mệnh đề nghĩa Một mệnh đề nghĩa không nhất thiết tương đương với nghĩa của một câu, bởi vì một câu không nhất thiết chỉ biểu đạt một mệnh đề nghĩa Đơn vị ngữ pháp tương đối trùng khớp nhất với mệnh

đề nghĩa có lẽ là câu đơn hoặc cú (clause), với cấu trúc gồm một động từ, kết hợp với các danh ngữ bắt buộc và các danh ngữ tuỳ ý Nghĩa cốt lõi của cú xuất phát từ nội dung mệnh đề nghĩa mà cú vị ấy diễn đạt, đó là nội dung nghĩa mệnh đề (propositional content)

Từ những trình bày trên chúng ta rút ra:

 Jacobs xuất phát từ bản chất quan hệ cú pháp giữa các thành phần của câu đơn để xem xét mệnh đề nghĩa như một đơn vị thông tin

 Mênh đề nghĩa là đơn vị ngữ nghĩa nằm trong câu đơn Mệnh đề nghĩa là đơn vị nghĩa do câu đơn chuyên chở Chỗ này cho thấy sự khác biệt trong quan niệm của Jacobs với quan niệm của các tác giả từ điển ngôn ngữ học ứng dụng, những người coi mệnh đề nghĩa là nghĩa cơ bản của câu nói chung (bao hàm cả câu đơn lẫn câu ghép)

 Mệnh đề nghĩa là đơn vị ngữ nghĩa cơ sở của câu đơn, độc lập với ngữ cảnh

 Mệnh đề nghĩa là đơn vị ngữ nghĩa bao gồm các khái niệm trong đó có một khái niệm trung tâm và các khái niệm khác liên hệ trực tiếp với khái niệm trung tâm theo các quan hệ mang tính bắt buộc hoặc tuỳ ý

Trang 5

 Trong cấu trúc mệnh đề nghĩa của cú tiếng Anh, khái niệm trung tâm được biểu đạt bởi động từ và các khái niệm liên hệ được biểu đạt bởi các danh ngữ Số lượng các đơn vị danh ngữ mà một động từ đòi hỏi phải kết hợp với nó được gọi là ngữ trị của động từ Ngữ trị của động từ có thể thay đổi trên cấu trúc bề mặt do đặc điểm thức ngữ pháp của cú

3 M.A.K Halliday

M A K Halliday lấy xuất phát điểm từ bản chất thông tin của Cú (Clause) và Đối thoại (Dialogue) để xem xét nghĩa mệnh đề

Bản chất của quá trình đối thoại theo quan niệm của Halliday

Trong đối thoại, thông điệp được chuyển tải giữa người nói và nguời nghe vì đương nhiên trong đối thoại luôn luôn có người truyền đạt (người nói) và người tiếp nhận (người nghe, cử toạ) Trong hành động nói, người nói tự trao cho mình một vai trò nhất định Trong khi tự trao cho mình một vai trò, người nói cũng tự phân cho người nghe một vai trò có tính bổ trợ cho vai trò của mình và mong muốn người nghe chấp nhận Ví dụ, khi người nói đặt một câu hỏi, anh ta tự đặt cho mình cái vai trò tìm kiếm thông tin từ người nghe và mong muốn người nghe đóng vai trò cung cấp thông tin theo như yêu cầu

Halliday cho rằng các vai trò nói năng căn bản nhất của con người chỉ bao gồm hai loại: (1) vai trò trao/ cung cấp (giving) và (2) vai trò đòi hỏi/ bày tỏ nhu cầu (demanding) Người nói có thể cung cấp một cái gì đó cho người nghe (ví như một mẩu thông tin) hoặc đòi hỏi từ người nghe một cái gì đó (ví như cung cấp thông tin) Trong hành động nói, người nói luôn luôn bao hàm sự thể hiện một vai trò kép: Khi trao/ cung cấp (thông tin) người nói muốn phía bên kia “hãy nhận” (receive); và khi đòi hỏi (thông tin) người nói thực hiện hành động đòi hỏi để bộc lộ nhu cầu muốn phía bên kia “hãy trao” (give) Như vậy bản chất của đối thoại là trao đổi Bản chất của hoạt động thị trường cũng là trao đổi Có lẽ sẽ dễ hiểu lập luận của Halliday hơn khi ngầm so sánh trao đổi (thông tin) trong đối thoại với trao đổi (hàng hoá) trên thị trường

Halliday không nói hẳn ra như vậy nhưng rõ ràng là ông có hàm ý rằng trong đối thoại người nói và đối tác của họ (người nghe) cùng tiến hành một loại hoạt động có bản chất tương tự như bản chất của hoạt động trao đổi hàng hoá & dịch vụ trên thị trường Chúng ta hiểu thị trường với nghĩa là giao điểm, là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu một hàng hoá và dịch vụ nào đó tai một thơì điểm nhất định nào đó Một thị trường được gọi

là thăng bằng khi trên thị trường đó cung = cầu Trong đối thoại, người nói không chỉ

tự nguyện tham gia một hành động (trao/ cung ứng hoặc đòi hỏi/ bày tỏ nhu cầu của mình) mà còn mong muốn người nghe hành động theo (tiếp nhận cung ứng hoặc trao/ cung ứng thông tin)

Sơ đồ chức năng lời nói (Halliday: 1985)

Trao đổi hàng hoá

Vai trò trong trao đổi

(a) Hàng hoá và dịch vụ (b) Thông tin

Trang 6

(i) Trao

(=chức năng cung ứng)

Đề nghị

Would you like some tea?

(Anh dùng trà chứ?)

Nhận định

This tea is good (Trà này ngon đấy) (ii) Yêu cầu

(=chức năng thể hiện sự đòi

hỏi)

Mệnh lệnh

Make me a cup of tea (Pha cho tôi một chén trà)

Phát vấn

Is the tea good?

(Trà này ngon không?) Trong trao đổi hàng hoá dịch vụ trên thị trường, cung và cầu (hàng hoá & dịch vụ) làm thành hai mật của thị trường Sự luân phiên trong đối thoại là hai mặt của cuộc đối thoại Quá trình đối thoại trên thực tế chỉ xảy ra khi có vật trao đổi trên thưc tế Vật trao đổi thực tế trong thị trường là hàng hoá Vật trao đổi thực tế trong đối thoại là hàng hoá dịch vụ hoặc thông tin Halliday dẫn giải: nếu bạn nói một điều gì đó với tôi với mục đích muốn tôi làm một điều gì đó cho bạn, ví dụ “kiss me” (=hôn em đi), hoặc chuyển một vật gì đó cho bạn, ví dụ “pass me the salt” (=chuyển cho em lọ muối), vật được trao đổi sẽ là một hành động (hôn), một vật thể (lọ muối), nghĩa là một vật phẩm chứ không phải là một ngôn phẩm, vì cái bạn đòi hỏi không phải là một ngôn phẩm Cái bạn đòi hỏi là một hành động (hôn), một vật thể (lọ muối) và ngôn ngữ chỉ là cái được

đưa vào cuộc để bạn hưởng lợi theo “cầu” (demand) của bạn Halliday gọi đó là cuộc

trao đổi hàng hoá dịch vụ (tác giả bài viết nhấn mạnh) Nhưng nếu bạn nói cái gì đó

với tôi với mục đích muốn tôi nói cái gì đó với bạn, ví dụ “is it Tuesday?” (=Thứ ba rồi phải không anh?) hay “When did you last see your father?” (=Anh gặp ba anh lần cuối cùng khi nào?) thì cái được đòi hỏi theo yêu cầu của bạn lại chính là một ngôn phẩm Ngôn ngữ vì thế vừa là mục đích vừa là phương tiện theo “cầu” (demand) của bạn Cái

mà bạn mong muốn lúc này là một sản phẩm ngôn từ (chứ không phải một hành động

hay một vật thể như trong trường hợp trên) Halliday gọi đây là cuộc trao đổi thông tin

(tác giả bài viết nhấn mạnh) Hai biến thể này của trao đổi, khi gộp lại, cho ta thấy 04

vai trò căn bản của lời nói trong đối thoại, đó là, vai trò đề nghị (offer), vai trò mệnh lệnh (command), vai trò nhận định (statement), và vai trò phát vấn (question)

Theo ý riêng của chúng tôi, ở đây có một sự tương ứng thú vị giữa đối thoại với trao đổi hàng hoá dịch vụ thông thường trên thị trường Trong trao đổi hàng hoá, các đối tác (người mua và người bán, là hai mặt cung và cầu của thị trường) phải có các hành vi chào hàng (offer) và hành vi hỏi hàng (request) Những chức năng này (đề nghị, nhận định, mệnh lệnh, phát vấn) lại được đi kèm bởi một tập hợp các hồi đáp mong muốn (desired responses) như chấp nhận lời đề nghị, thực hiện mệnh lệnh, thừa nhận một nhận định, trả lời câu hỏi được phát vấn

Sơ đồ chức năng lời nói và hồi đáp (Halliday:1985)

Khởi xướng

mong muốn (cuả người nói trước)

Hồi đáp tuỳ lựa chọn (của người trả lời)

Trang 7

Trao (Hàng hoá & dịch vụ)

Yêu cầu

Đề nghị Mệnh lệnh

Chấp nhận Thực hiện

Bác bỏ

Từ chối Trao (Thông tin)

Yêu cầu

Nhận định Phát vấn

Xác nhận Trả lời

Đối kháng Khước từ trả lời Theo Halliday, trong các chức năng của hồi đáp, xét trên lý thuyết, chỉ có các

chức năng hồi đáp hành động phát vấn về căn bản được thực hiện bằng ngôn từ, các hồi

đáp khác có thể thực hiện bằng phương thức phi ngôn ngữ Nhưng ông nói thêm rằng trong thực tế giao tiếp hàng ngày thì tất cả các hồi đáp đều được thực hiện thông qua phương tiện ngôn từ kèm theo các hành vi cận ngôn ngữ

Mệnh đề nghĩa

Căn cứ trên lập luận về bản chất của đối thoại (như chúng tôi tóm tắt trình bày trên), Halliday lập luận: một khi cái được trao đổi là hàng hoá và dịch vụ, khung giải pháp cho người nghe là một khung hẹp, người nghe có nhiều nhất là 04 giải pháp (bằng phương tiện ngôn ngữ hay hành vi cận ngôn ngữ), đó là,

(1) Chấp nhận hoặc (2) Bác bỏ, một đề nghị do người nói khởi xướng; và

(3) Thực hiện hoặc (4) Từ chối, một mệnh lệnh do người nói khởi xướng

Nhưng khi ngôn ngữ được sử dụng như một phương tiện để trao đổi thông tin, nghĩa là khi cái được trao đổi không phải là hàng hoá và dịch vụ mà là thông tin, thì tình hình khác hẳn Thông tin, theo Halliday, sẽ không có chỗ để mà tồn tại nếu không được chuyên chở bằng phương tiện ngôn ngữ, thông qua hình thức của một cú Hệ quả là cú mang cấu trúc nội dung nghĩa mệnh đề Cú trở thành một đơn vị ngôn ngữ có nội dung thông tin, trở thành một đơn vị lập luận, nghĩa là một đơn vị có thể được khẳng định hoặc bị nghi ngờ, phủ định, bị đối kháng, bị phê phán, bị bác bỏ từng phần hay toàn bộ,

bị cho là đáng tiếc, v.v

Halliday định nghĩa khái niệm mệnh đề nghĩa là “chức năng ngữ nghĩa của cú trong trao đổi thông tin” Trong định nghĩa của Halliday, cụm từ “trao đổi thông tin” là cụm từ có ý nghĩa quan trọng, trao đổi thông tin, chứ không phải là trao đổi hàng hoá và

dịch vụ “Chúng ta [ ] dùng thuật ngữ proposition (mệnh đề nghĩa) trong nghĩa thông

thường của nó (= bày tỏ ý nguyện) để nói về một hành vi nhận định hay phát vấn Nhưng sẽ là hữu ích nếu ta có một thuật ngữ tương đương để đề cập đến các hành vi đề nghị và mệnh lệnh Và tình cờ, chúng ta tìm thấy nghĩa thường nhật của “proposition” trong “I’ve got this proposition to put to you” (=Tôi có ý nguyện này muốn bày tỏ với anh); chúng ta sẽ đề cập đến chúng [các hành vi đề nghị & mệnh lệnh] qua thuật ngữ

liên quan đến thuật ngữ “proposition”, đó là thuật ngữ proposal (=đề nghị) Chức năng của cú trong trao đổi thông tin là proposition (=bày tỏ ý nguyện) Chức năng của cú trong trao đổi hàng hoá & dịch vụ là proposal (=đưa ra đề nghị).” (Halliday:1985, tr

71)

Từ những trình bày trên chúng ta rút ra:

Trang 8

 Theo Halliday, mệnh đề nghĩa là đơn vị nghĩa cơ sở của một cú (cú = đơn vị cú pháp tương ứng với một câu đơn) Như vậy cũng như Jacobs, Halliday coi đơn vị chuyển tải nghĩa mệnh đề không phải là đơn vị câu nói chung, bao hàm cả câu đơn lẫn câu ghép Một mệnh đề nghĩa là một đơn vị thông tin được chuyển tải nhờ một đơn vị cú pháp là cú, cú với tư cách một đơn vị trao đổi thông tin

 Về cấu trúc, mệnh đề nghĩa là một tập hợp các khái niệm thành một đơn vị thông tin

có giá trị thông báo, nhờ đó cú thực hiện được chức năng của nó như một thông điệp (clause as message) và như một đơn vị trao đổi thông tin (clause as exchange) trong giao tiếp

 Chức năng ngữ nghĩa của cú được phân biệt trên cơ sở cú như là đơn vị trao đổi thông tin và cú như là kích tố trao đổi hàng hoá dịch vụ Trong trường hợp cú là đơn vị trao đổi thông tin, nghĩa cơ sở của nó là một mệnh đề nghĩa Trong trường hợp cú là kích tố trao đổi hàng hoá dịch vụ, nghĩa cơ sở của nó là một đề xuất (v.d

“Kiss me!” (=Hôn em đi!), tương ứng một đề xuất và được đáp ứng lại bằng một

“dịch vụ” được cung cấp, một nụ hôn)

4 Kết luận

Trong bài viết này chúng tôi đã điểm qua các luận giải của hai nhà ngôn ngữ học, Jacobs và Halliday thuộc trường phái ngôn ngữ học Luân Đôn, về khái niệm mệnh

đề ngữ nghĩa Trên cơ sở ý tưởng của hai ông, chúng tôi thấy:

* Đơn vị cơ bản trong phân tích ý nghĩa thông tin của một phát ngôn tiếng Anh

là động ngữ trong đó yêú tố thông tin trung tâm là hành động hoặc trạng thái (ví dụ: trao, sợ) do động từ biểu thị

* Có một mối quan hệ chặt chẽ giữa cú pháp và ngữ nghĩa Nghiên cứu ngôn ngữ là một nghiên cứu không chịu tự bó hẹp trong một phạm vi mà người nghiên cứu cố tình khuôn lại theo chủ quan của họ Nghiên cứu ngôn ngữ là nghiên cứu động, ít mang tính “địa phương, cục bộ”, và không khô cứng kiểu ngữ pháp là ngữ pháp, ngữ nghĩa là ngữ nghĩa Hình như sau một thời gian dài say sưa với cấu trúc Chủ-Vị, người ta lại quay lại với lô-gíc và ngữ nghĩa nhưng với một phép tiếp cận mới mang tính liên ngành: các vấn đề thuộc cú pháp giúp giải thích các vấn đề thuộc ngữ nghĩa và ngược lại

* Các vấn đề giao tiếp là một vấn đề phức tạp, song chúng không phức tạp đến mức không thể định hình hoặc hệ thống hoá nổi chúng Các vai trò của lời nói là các phương tiện để con người thực hiện trao đổi thông tin Halliday phân biệt giữa (1) cú như là trao đổi thông tin, nghĩa là đưa ra thông tin để đổi lấy thông tin, cái được trao là dưới hình thức ngôn ngữ và cái được nhận cũng là dưới hình thức ngôn ngữ và (2) cú như là kích tố trao đổi hàng hoá dịch vụ, nghĩa là đưa ra thông tin để nhận về một thực thể, một đáp ứng hành động, cái được trao là dưới hình thức ngôn ngữ, cái được nhận là dưới hình thức phi ngôn ngữ Thông tin chỉ tồn tại dưới hình thức ngôn ngữ Hàng hoá (=thực thể) & dịch vụ (=đáp ứng hành động) tồn tại dưới hình thức phi ngôn ngữ Halliday cho ta khái niệm về mệnh đề nghĩa như một đơn vị thông tin được thể hiện dưới hình thức ngôn ngữ trong giao tiếp Mệnh đề nghĩa là đơn vị trao đổi thông tin

Trang 9

* Việc nhận diện các mệnh đề nghĩa bắt đầu bằng việc phân loại các khái niệm được trình bày bởi các mệnh đề nghĩa mà các mệnh đề nghĩa này thường có dạng thức của một cú hoặc một câu đơn, xét về mặt cấu trúc ngữ pháp Điều này có ý nghĩa đối với việc tiếp cận và phân văn bản vì mục đích dich thuật Chúng tôi không nghĩ dịch là một ngành văn học, nguyên tác là nguồn cung cấp cảm hứng cho rằng người dịch và dịch thuật là sáng tác lại Chúng tôi cho rằng dịch là một ngành ngôn ngữ học có liên quan đến chuyển mã ngôn ngữ giữa hai thứ tiếng Về căn bản, tư duy con người là giống nhau, họ chỉ khác nhau ở phương thức biểu đạt tư duy Mỗi ngôn ngữ có một phương thức biểu đạt riêng Nhiệm vụ của người dịch là làm thế nào để chuyển mã (đổi mã) mà vẫn không đổi (giữ nguyên) nội dung Phân tích mệnh đề nghĩa là một công cụ

để tiến đến mục đích đó

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Geoffrey Leech, Style in fiction: A linguistic introduction to English fictional prose, Longman Group Ltd, 1981

[2] Jens Allwood et al, Logic in Linguistics, CUP, 1987

[3] M.A.K Halliday, An Introduction to Functional Grammar, Edward Arnold, 1985 [4] Roderick A Jacobs, A Grammar for English Language Professionals OUP, 1993

Ngày đăng: 22/07/2014, 18:21

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w