Phòng Tránh Rủi Ro Té Ngã Té ngã là sự mất thăng bằng ngoài ý muốn khiến cho cơ thể bất ngờ rơi xuống mặt đất, sàn nhà. Với người cao tuổi, té ngã là chuyện thường thấy. Cứ 3 vị trên 65 tuổi thì 1 vị bị té ngã ít nhất một lần trong năm. Tai nạn thường xảy ra tại căn nhà tưởng như quen thuộc, bình an mà họ đã sống nhiều chục năm. Sau khi ngã, dù không có thương tích, các cụ rất sợ di chuyển, trở nên mất tự tin, đời sống thể chất và tinh thần suy giảm mau lẹ, dễ dàng đưa tới mất tự chủ, phải phụ thuộc vào người khác. Gẫy xương hông sau té ngã xẩy ra khoảng 90% các trường hợp. Tại Hoa Kỳ, hàng năm có đến gần 200,000 người cao tuổi gẫy xương hông vì ngã, nhiều người thiệt mạng trong khi điều trị ỏ bệnh viện. Tử vong 5 năm sau thương tích lên khá cao, tới 50%, đặc biệt là ở cụ ông và khi các cụ lại có thêm vài bệnh kinh niên. Nhiều trường hợp té ngã có thể phòng tránh được Nguy cơ Té ngã Nguy cơ đưa tới té ngã có thể là từ môi trường bên ngoài hoặc từ trong cơ thể. A-Nguyện nhân nội tại: 1- Vấn đề sức khỏe Một số bệnh kinh niên như tiểu đường, tai biến mạch máu não, Parkinson, kinh phong, phong thấp, bệnh tim, cao huyết áp là những nguyên nhân thường xuyên gây té ngã. Ðôi khi chỉ một rối loạn nhẹ trong nhịp đập của tim, một lên xuống bất thường của huyết áp, một viêm nhiễm dị ứng của tai trong cũng có thể khiến các cụ thấy chóng mặt, mất thăng bằng đi đứng rồi ngã. 2- Giảm thị lực, không nhìn rõ đường đi và đồ vật xung quanh, vấp rồi té ngã. Thị lực còn có vai trò quan trọng trong sự thăng bằng của cơ thể. 3- Một số thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc trị cao huyết áp, bệnh tim, thần kinh tâm trí, hoặc do dùng nhiều dược phẩm khác nhau cùng một lúc thường đưa tới cảm giác lâng lâng, ngây ngất đi đứng không vững rồi té ngã xảy ra. 4- Giảm sức lực và chức năng của tuổi cao như rối loạn cảm giác ngoài da, cứng khớp xương, teo yếu cơ bắp teo, dáng đi không vững, mất thăng bằng cơ thể. 5- Trầm cảm buồn phiền, sống cô đơn, kém nhận thức, mất định hướng, không tập trung, chậm phản ứng hoặc quá hấp tấp vội vàng cũng là rủi ro gây ra té ngã. 6- Ám ảnh sợ té ngã làm cho các cụ rụt rè không dám di chuyển. 7- Không vận động cơ thể khiến cho các bắp thịt yếu, khớp xương cứng, đi lại khó khăn 8- Tuổi càng cao, rủi ro té ngã càng nhiều, nữ nhiều hơn nam 9- Lạm dụng rượu: rượu có tác dụng ức chế chức năng thần kinh, giảm sự phối hợp các cử động, phản ứng chậm chạp, dáng đi lảo đảo, loạng choạng. 10- Thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không hợp lý đưa tới suy nhược chung của cơ thể. B-Nguyên nhân từ bên ngoài: Ða số té ngã xảy ra khi đang làm các công việc thường lệ trong nhà -Sàn nhà trơn, dây điện, đồ chơi trẻ em vướng chân. -Sàn nhà không bằng phẳng, thảm lỏng lẻo, trơn. -Cầu thang quá cao, bậc thang không vững, không có tay vịn. -Bàn ghế thấp, lung lay, ghế không có dựa lưng, đỡ tay, giường quá cao hay quá thấp -Kém ánh sáng hoặc đèn làm chóa mắt -Ðứng trên ghế với lấy đồ trên cao dễ bị mất thăng bằng cơ thể -Bồn tắm không có tấm thảm chống trơn trượt, cầu tiêu quá thấp ngồi xuống đứng lên khó khăn, không tay vịn -Mang giầy dép lỏng lẻo, gót giầy quá cao, đế giầy bằng chất dễ trượt -Sử dụng gậy chống, xe lăn không đúng cách hoặc không ở trong tình trạng tốt. Khi đã bị té ngã thì tai nạn sẽ trở lại nhiều hơn tới ba lần. Với người không đi lại được, té ngã thường xảy ra khi họ tuột khỏi ghế ngồi hoặc chuyển mình từ ghế sang giường. Ðối phó với té ngã Khi bị té ngã, hãy bình tĩnh đối phó. Nếu thấy rằng có thể bị thương ở chân hay xương sống thì không nên cố ngồi dậy. Bị thương tích ở cột sống mà cử động có thể ảnh hưởng tới não tủy, hậu quả sẽ trầm trọng hơn. Nên nằm yên rồi kêu giúp đỡ. Trái lại, khi trong người không đau đớn, cố ngồi dậy theo cách sau đây: 1- Nếu té nằm ngửa, hãy chuyển sang thế nằm sấp bằng cách: quay mặt về phía định lăn, đầu gối và khuỷu tay hướng về phía đối nghịch, sau đó chuyển chúng qua thân mình về phía đó đồng thời chuyển mình nằm sấp. 2- Khi đã nằm sấp, dùng bàn tay và đầu gối để đẩy cao người lên rồi bò tới phía trước một cái ghế ở gần đâu đó. 3- Đặt bàn tay lên mặt ghế, ngả người xuống để thân mình được tay chống đỡ. 4- Co đầu gối nào mạnh, dùng bàn chân phía đó đẩy người nhổm lên, đầu gối bên kia chống dưới sàn, quay nhẹ người rồi ngồi xuống ghế. Sau khi nghỉ thở một lúc để lấy lại sức rồi sẽ kêu cấp cứu. Phòng tránh té ngã -Ðể tránh té ngã, nên cho bác sĩ hay những cơn chóng mặt, mất thăng bằng đã xẩy ra. Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân rồi điều trị. -Nên đi khám tai khám mắt theo định kỳ để duy trì thính thị giác tinh tường. Bị cườm mắt, cao áp nhãn hoặc mang kính không đúng nhu cầu đều giảm thị lực, đưa tới té ngã. Rối loạn cơ quan tiền đình ở tai trong đưa tới mất thăng bằng cơ thể, té ngã. -Tập luyện cơ thể đều đặn. Ðời sống tĩnh tại đều tăng rủi ro té ngã. Trong khi đó, tập luyện các cử động làm tăng sức mạnh cơ bắp, tăng chức năng của tim, giữ thăng bằng cơ thể đều rất tốt để phòng tránh té ngã. Các chuyên viên Vật lý trị liệu, Chức năng trị liệu có thể hướng dẫn cho các cụ lựa chọn chương trình tập thể dục thể thao thích hợp cho mỗi cá nhân. -Yêu cầu bác sĩ hoặc dược sĩ kiểm soát tất cả dược phẩm đang dùng, loại bỏ hoặc thay thế dược phẩm có thể gây chóng mặt. Dùng thuốc theo lời dặn và không dùng chung thuốc với rượu hoặc uống quá nhiều rượu. - Tạo sự an toàn nhà ở: -Cất bỏ các chướng ngại vật trên lối đi như giầy dép, sách báo, đồ chơi -Cất vật dụng thường dùng ở mức vừa tầm tay để khỏi phải đứng lên ghế cao. -Giường ngủ không cao quá hoặc thấp quá để lên xuống thoải mái -Gắn tay cầm ở bồn tắm và cầu tiêu -Nâng mặt cầu tiêu cao để đứng lên ngồi xuống dễ dàng -Ðặt thảm không trơn trong bồn tắm hoặc chỗ đứng để tắm. -Gắn đèn đủ sáng cho các phòng, hành lang, cầu thang lên xuống -Luôn luôn mang giầy, dù ở trong nhà hoặc đi ra ngoài. -Không mang tất khi đi lại trên sàn nhà hoặc cầu thang gỗ đánh bóng, trơn. -Giữ nhiệt độ phòng ngủ đừng quá lạnh để phòng ngừa khớp xương co cứng vì lạnh trong đêm. -Té ngã khi đứng lên ngồi xuống nhanh có thể ngăn ngừa bằng cách mang tất ôm sát chân để máu khỏi tụ ở hạ chi. -Trước khi đứng dậy, nắm chặt bàn tay, cọ quậy đầu ngón chân để máu dồn về trung tâm cơ thể. Ðứng lên chậm chậm. -Học cách hóa giải cảm giác sợ té như đứng lên từ từ, ngồi ở cạnh giường trước khi đứng dậy, đứng một lúc trước khi cất bước đi, sử dụng gậy chống đúng cách - Tránh các ý nghĩ không hợp lý như: a- Dùng gậy trở nên phụ thuộc vào gậy. Thực ra gậy chống, walker đều giúp cơ thể thăng bằng, thực hiện các động tác thường lệ và di chuyển dễ dàng, giúp ta trở nên độc lập hơn. b- Ngồi lâu đâu còn bị té ngã. Tọa triều, tĩnh tại quá lâu khiến cho xương khớp cứng nhắc, cơ bắp yếu, té ngã dễ dàng khi đi đứng. c- Người già ai chẳng té ngã. Té ngã không là một phần của sự hóa già. Già chỉ là một rủi ro nhỏ trong té ngã. Sự bất cẩn, bệnh hoạn mới là nguyên nhân. Và một số nguyên nhân đó có thể phòng tránh được Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức . Phòng Tránh Rủi Ro Té Ngã Té ngã là sự mất thăng bằng ngoài ý muốn khiến cho cơ thể bất ngờ rơi xuống mặt đất, sàn nhà. Với người cao tuổi, té ngã là chuyện thường thấy thị lực, đưa tới té ngã. Rối loạn cơ quan tiền đình ở tai trong đưa tới mất thăng bằng cơ thể, té ngã. -Tập luyện cơ thể đều đặn. Ðời sống tĩnh tại đều tăng rủi ro té ngã. Trong khi đó, tập. vài bệnh kinh niên. Nhiều trường hợp té ngã có thể phòng tránh được Nguy cơ Té ngã Nguy cơ đưa tới té ngã có thể là từ môi trường bên ngoài hoặc từ trong cơ thể. A-Nguyện nhân nội tại: 1-