Hội Chứng Trước Khi Kinh Ra Phụ nữ khổ hơn đàn ông. Hầu chồng, nuôi con, mang nặng đẻ đau. Rồi mỗi tháng có kinh, nếu không mang bầu. Trước khi kinh ra mỗi tháng, không mấy phụ nữ thoát được những triệu chứng khó chịu, như vú căng và đau, nhức đầu, đau bắp thịt, đầy hơi, mệt mỏi, tâm tính thay đổi. Những triệu chứng khó chịu này thường nhẹ thôi, không làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày, và được gọi là “hội chứng trước khi kinh ra” (premenstrual syndrome, hay gọi tắt PMS). Đến 75% phụ nữ có kinh đều mỗi tháng, ít nhiều, bị “hội chứng trước khi kinh ra”. Song một số phụ nữ (3%-7%), trước khi kinh ra, khổ sở hơn thế, khiến nhà cửa mất vui, công việc xáo trộn, bạn bè khổ lây. Họ bị “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra” (premenstrual dysphoric disorder), nặng hơn so với “hội chứng trước khi kinh ra”. Như vậy, “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra” là một dạng bệnh nặng của “hội chứng trước khi kinh ra”. “Hội chứng trước khi kinh ra” và “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra” hay bị các bác sĩ bỏ quên, không nghĩ đến. Triệu chứng Trong vòng một hai tuần trước khi có kinh (thường nhất, 5-7 ngày trước khi có kinh), người có “hội chứng trước khi kinh ra” hay “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra” chịu những xáo trộn: - Cảm thấy sầu buồn, vô vọng, kém tự tín. - Tinh thần căng thẳng. - Buồn vui thất thường. - Dễ nóng giận, bẳn gắt. - Không còn ham thích những hoạt động hàng ngày. - Khó tập trung tư tưởng. - Mau mệt, năng lực sút giảm. - Khẩu vị thay đổi, ăn khỏe bất thường, hoặc đặc biệt thèm một thức ăn nào đó. - Khó ngủ hoặc ngược lại, ngủ nhiều. - Có cảm tưởng bị tràn ngập hoặc không thể tự kềm chế (sense of being overwhelmed or out of control). - Có các triệu chứng thể chất: vú căng và đau, nhức đầu, đau khớp, bắp thịt, cảm giác người như căng phình (bloating), lên cân. Sự định bệnh dựa vào lời kể bệnh của bạn, cũng như những tiêu chuẩn định bệnh kể trên. Hiện chưa có thử nghiệm nào có thể giúp ta chẩn đoán được căn bệnh. Bạn có thể giúp bác sĩ định bệnh bằng cách hàng ngày, ghi chép tỉ mỉ các triệu chứng của mình trong hai kỳ kinh nguyệt liên tiếp, và cho bác sĩ biết đích xác những ngày nào mình không hề có triệu chứng, những ngày nào triệu chứng xuất hiện. Nguyên nhân Nguyên nhân đích thực gây “hội chứng trước khi kinh ra” hay “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra” chưa được hiểu rõ. Nhiều phụ nữ mang bệnh, nếu đột ngột mãn kinh sớm (dù chưa đến tuổi mãn kinh) do cắt buồng trứng, hoặc vì dùng thuốc, các triệu chứng của họ thuyên giảm rất nhiều. Người ta nghi trong chu kỳ kinh nguyệt (menstrual cycle) của người phụ nữ mang bệnh, hẳn có chỗ nào trục trặc, so với các phụ nữ khác. Một số yếu tố khiến triệu chứng dễ xảy ra. Đây là một hiện tượng chỉ xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt, nên chỉ các phụ nữ trong hạn tuổi còn sinh nở, có kinh đều, bệnh mới đến thăm. Theo một khảo cứu, bệnh nặng nhất cho những phụ nữ trong khoảng tuổi 25 đến 35. Nhiều khảo cứu cho thấy có sự liên quan giữa “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra” và bệnh sầu buồn (depression). Đến 80% phụ nữ mang bệnh “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra”, sau trong đời thế nào cũng có lúc sầu buồn. Ngược lại, nhiều người mang bệnh sầu buồn thấy bệnh trở nặng hơn vào lúc kinh sắp ra. Phụ nữ có người trong gia đình mang bệnh sầu buồn, hoặc chính mình từng sầu buồn sau khi sanh nở (postpartum depression), cũng dễ bị “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra”. Chữa trị Sự chữa trị gồm nhiều cách, tùy mức độ của căn bệnh. 1. Những cách chữa không dùng thuốc: Trong những trường hợp nhẹ, không đến đỗi nào, có lẽ chúng ta chưa phải dùng đến thuốc. Việc tiên liệu được trước, và đáp ứng một cách thích đáng sẽ khiến các triệu chứng của căn bệnh nhẹ hơn rất nhiều. Ta làm chủ tình hình, hơn để căn bệnh làm chủ, và làm khổ ta. Ông xã cùng các cháu, và cả bằng hữu nữa, cần hiểu rõ về “hội chứng trước khi kinh ra” và căn bệnh “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra”, để thông cảm với người phụ nữ, và nâng đỡ tinh thần họ vào những ngày khó ở. (Mỹ họ còn thành lập những nhóm hỗ trợ các phụ nữ bị “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra”, giúp người phụ nữ có tài liệu để tìm hiểu về căn bệnh, đồng thời cung ứng hỗ trợ về mặt tinh thần). Tuy chưa có bằng chứng nào cho thấy tại ăn uống thiếu thốn nên mới bị những triệu chứng như vậy trước lúc có kinh, song ăn uống thất thường, không đầy đủ có thể khiến các triệu chứng nặng thêm. Trong tuần lễ trước lúc có kinh, bạn nên giảm thiểu việc dùng cà-phê, rượu, các thức ăn chứa nhiều mỡ, muối. Bạn nên dùng thực phẩm chứa chất đường phức hợp (complex carbohydrates, như cơm, bánh mì, ), thay vì dùng nhiều chất đường tinh nhuyễn (refined sugars). Một thực phẩm ít mỡ, nhiều rau trái, kiểu thực phẩm của các vị kiêng ăn thịt (high-fiber, low-fat, vegetarian diet) rất tốt. Nếu bạn hút thuốc lá, bỏ thuốc lá đi thôi, bạn ơi. Thể dục cũng tốt lắm, nhất là các thể dục năng động (aerobic exercises), có tác dụng nâng cao tinh thần, đồng thời giúp bạn bớt thấy nặng nề. Vú căng, đau, bạn có thể dùng loại nịt vú vừa vặn, đừng chật quá để đỡ khó chịu. Trong nền triết lý Đông phương của chúng ta, sự tĩnh tâm, lời cầu nguyện cũng giúp thoa dịu nhiều vấn đề lắm, kể cả những triệu chứng của bệnh “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra”, nếu chúng không quá nặng. Bạn thử năng đi chùa, nhà thờ, tụng kinh, cầu nguyện vào những ngày trong người khó ở xem sao, nhờ Đấng Toàn Năng thêm sức mạnh cho bạn. 2. Chữa bằng thuốc: Nếu các triệu chứng nặng, bạn khó chịu nhiều, ảnh hưởng đến gia đình và công việc, ta dùng thêm thuốc để chữa. Rất nhiều thuốc được sử dụng vào việc chữa căn bệnh. Tylenol và các thuốc “chống viêm không có chất steroid” (nonsteroidal antiinflammatory drugs) như Advil, Motrin, Pamprin, Midol, Aleve, Naprosyn, có thể giúp bạn bớt nhức đầu, đau khớp và bắp thịt, cũng như đau vú. Các thuốc Advil, Motrin, Pamprin, Midol, Aleve, Naprosyn, cũng có tác dụng trị chứng đau bụng dưới trước khi ra kinh (dysmenorrhea). Các khảo cứu cho thấy, một thuốc khác cùng loại, có tên Ponstel (mefenamic acid), dùng 10-12 ngày trước khi có kinh (với lượng 250 mg ngày 3 lần), cũng giúp chống đau, nhức đầu, và ngoài ra, còn làm giảm sầu buồn, căng thẳng và bẳn tính. Người bạn vẫn nặng nề, khó chịu, lên cân vì cơ thể giữ nước (fluid retention) ư, dù bạn đã cố ăn nhạt, bạn cần thêm chút thuốc lợi tiểu để rút bớt nước ra khỏi cơ thể. Spironolactone là thuốc lợi tiểu tốt, khi dùng vào mục đích này. Sau 1-2 tháng thử những cách trên, vẫn không ăn thua, ta nghĩ đến việc dùng các thuốc tinh thần. Gần đây, Cơ quan Quản trị Thực và Dược phẩm (Food and Drug Administration, viết tắt FDA) chấp thuận cho dùng thuốc fluoxetine vào việc này. Thuốc fluoxetine uống liên tục mỗi ngày, hoặc chỉ cần vào những ngày có triệu chứng. Ngoài fluoxetine, nhiều thuốc khác cùng loại cũng có thể dùng chữa “rối loạn tâm thần trước khi kinh ra”. Ta cũng có thể thử thuốc uống ngừa thai (loại có nhiều chất estrogen hơn chất androgen trong viên thuốc), nhất là khi bạn có triệu chứng về thể chất nhiều hơn những triệu chứng tâm thần. Một số thuốc, GnRH agonists (leuprolide, goserelin, nafarelin) và danazol, có tác dụng khiến kinh tạm thời không ra, giúp triệu chứng thuyên giảm rất nhiều. Các thuốc này gây nhiều phản ứng phụ (như nóng mặt, buồn vui thất thường, xốp xương), không nên dùng quá 6 tháng. Vài khảo cứu cho thấy Calcium, với lượng 1.200 mg mỗi ngày, có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu trước khi kinh ra; đây là cách chữa trị ít tốn kém, ít gây tác dụng phụ chúng ta nên thử. Vài khảo cứu cho biết sinh tố B6 cũng giúp trong nhiều trường hợp bệnh. 3. Nhờ đến bác sĩ tâm thần: Nếu bác sĩ đã hết sức song các triệu chứng vẫn không ngớt làm phiền bạn, và cuộc sống của bạn xáo trộn dữ quá, đến lúc ta nhờ bác sĩ chuyên khoa tâm thần (psychiatrist) tiếp tay. Bác sĩ tâm thần được huấn luyện đặc biệt để chữa những bệnh tâm thần nặng, khó chữa, kể cả những trường hợp “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra” vượt quá khả năng chữa trị của người “bác sĩ chính” (“pimary care physician”, danh từ thời buổi HMO, chỉ vị bác sĩ chính chăm sóc sức khỏe cho bạn, mà ta hay gọi là bác sĩ gia đình). Công tâm mà nói, người phụ nữ ngày nay đa đoan công việc quá. Việc nhà (có khi cùng chồng gánh vác, có khi gánh vác một mình), việc bương chải ngoài xã hội (trông coi nhiều công việc quan trọng không kém nam giới). Nhiều phụ nữ còn phải chăm sóc cho những vị lớn tuổi. Trăm dâu đổ đầu tằm, bao nhiêu những căng thẳng, chẳng trách rất nhiều vị phụ nữ đâm sầu buồn, và sự sầu buồn được xem có những tương quan mật thiết với bệnh “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra”. Đây là những yếu tố bác sĩ cần để ý khi chữa “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra” cho người phụ nữ đau khổ vì căn bệnh. Bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Chuyên Khoa Nội Thương . trước khi kinh ra . Như vậy, “rối loạn tinh thần trước khi kinh ra là một dạng bệnh nặng của hội chứng trước khi kinh ra . Hội chứng trước khi kinh ra và “rối loạn tinh thần trước khi kinh. hội chứng trước khi kinh ra (premenstrual syndrome, hay gọi tắt PMS). Đến 75% phụ nữ có kinh đều mỗi tháng, ít nhiều, bị hội chứng trước khi kinh ra . Song một số phụ nữ (3%-7%), trước khi. kinh ra hay bị các bác sĩ bỏ quên, không nghĩ đến. Triệu chứng Trong vòng một hai tuần trước khi có kinh (thường nhất, 5-7 ngày trước khi có kinh) , người có hội chứng trước khi kinh ra