Biểu tượng Việt Nam: Rồng ảo hay Trâu thật? Đất nước ta với nền văn minh lúa nước, con trâu đi trước, cái cày đi sau, người nông dân một nắng hai sương đã làm nên thương hiệu nước Việt này. Từ một lần thăm phố Wall Mấy tuần trước, tôi thăm người bạn ở New York với giấc mơ nhìn thấy tượng Thần Tự Do. Khi qua phố Wall (Wall street) nơi có thị trường chứng khoán nổi tiếng, thước đo nền kinh tế toàn cầu, bất ngờ tôi nhìn thấy chú bò bằng đồng to tướng ở công viên Bowling gần đó. Thật lạ, một biểu tượng của văn minh lúa nước nằm giữa những nhà cao tầng của một thành phố hiện đại bậc nhất thế giới. Chú bò hùng dũng này làm bằng đồng, nặng 3200kg, cao 3.3m, dài 4.8m, do họa sỹ điêu khắc Di Modica thiết kế, là biểu tượng của thị trường chứng khoán phồn vinh và thành đạt. Cú giương sừng như sắp húc thể hiện sự sẵn sàng thách đấu và mạo hiểm trong đầu tư. Thành phố Thượng Hải và trong khách sạn M International Singapore cũng có một bản sao tương tự. Khách du lịch rất thích dừng lại sờ mũi, sờ sừng chú bò để cầu may tiền bạc. Hai đứa nhỏ nhà tôi vui vẻ với tượng bò cùng với đám khách nhỏ tuổi khác. Nhìn các con chơi, tôi chợt nhớ về thời thơ ấu của mình. Lúc sinh thời, cha tôi thường mơ ước có con trâu thật khỏe để đi cày. Nhà có vài mẫu ruộng nhưng toàn phải đi thuê. Khi dành dụm đủ số tiền mua một con nghé "tai lá mít, đít lồng bàn" từ Hòa Bình về, cả nhà vui như ngày hội. Chú bò bằng đồng - biểu tượng của sự thịnh vượng trên Phố Wall Niềm vui ấy chả được bao lâu, vì nhà nước có quyết định tất cả nông dân phải vào hợp tác xã, trâu bò cũng phải vào theo. Con trâu mua năm 1960 bằng mấy tấn lúa, khi "hóa giá" cho hợp tác với giá "bèo" như cho. Khi ông đội trưởng đến dắt trâu đi ra chuồng chung ngoài sân kho HTX, mẹ tôi chạy theo, kéo thừng lại, vật vã, khóc lóc. Ảo tưởng về xây dựng CNXH bằng hợp tác hóa nông nghiệp đã đẩy người nông dân và con trâu đến bờ vực thẳm. Trâu vào HTX bị bỏ đói, ốm quắt queo, rồi bị đem ra mổ thịt. Khi bị giáng cái búa vào đầu, con trâu kêu một tiếng thảm thiết, ngã vật xuống, mắt nó như có nước. Cả nhà tôi khóc như mưa Tuổi thơ tôi lớn lên với nắng mưa mùa hè, gió rét đêm đông, đói khát khi mất mùa, buồn vui với cây sáo, mơ ước tới được chân trời khi nhìn mây trôi lững lờ, không phải trên nhung lụa mà nằm trên lưng trâu. Khi lang bạt xứ người, tôi có mang theo một tượng gỗ, có chú chăn trâu thổi sáo, vật kỷ niệm của chính cuộc đời mình. Những sự lựa chọn cho biểu tượng Việt Nam VietNamNet đang có chủ trương chọn lựa một hệ thống các biểu tượng Việt Nam. Có người chọn con cò. Dù xuất hiện trên trống đồng Ngọc Lũ, con cò trông yểu tướng, sự vất vả "lặn lội bờ ao" của một đời người hiện lên trên cánh cò. Hay chọn Thánh Gióng có công dẹp giặc Ân đem lại thái bình cho đất nước. Từ chú bé ba tuổi, bỗng vươn vai lớn lên như thanh niên cường tráng và đi đánh giặc trên lưng ngựa sắt. Rồi sau khi nghiệp lớn hoàn thành, Ngài bay về trời. Nhưng truyền thuyết chỉ là truyền thuyết. Biểu tượng đất nước không thể dựa trên một lịch sử truyền miệng, sự thần thoại hóa hay một giấc mơ không có thật. Đó cũng là một sự lớn lên "đi tắt đón đầu" dễ đi đến kết cục không như mong muốn. Nếu có thăm dò, phần đông người Việt chọn rồng. Con vật không có thật này xuất hiện trong đình, chùa, miếu mạo, kể cả trên các tay ghế của các vị lãnh đạo cao cấp khi tiếp khách nước ngoài. Thời xưa nghèo đói nên người ta mơ ước viển vông. Sau này, ước "bằng chị bằng em" thật nhanh, đốt cháy giai đoạn, tiến thẳng lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải dựa vào con vật nào biết bay(!) Có vẻ rồng là lựa chọn hay hơn cả. Nhưng rồng thật ngoài đời như thế nào thì chịu. Có nhà khoa học gọi là con giun, con mãng xà hay con rắn nước. Chả lẽ lấy một con vật làm biểu tượng cho quốc gia mà chả hiểu "đầu đuôi" nó ra sao? Biểu tượng phải gắn với giá trị thật Có nhiều quốc gia vì lựa chọn con đường phát triển bằng những con đường xa lạ, không có thật, dù ý tưởng đẹp như "rồng bay phượng múa" viết trong sách vở, nên con tầu của họ không thể tới bến đợi. Người ta chỉ có thể phi ngựa giỏi trên những con đường quen. Vào con đường lạ, cả người lẫn ngựa đều phải học nếu không muốn sa xuống vực thẳm. Đất nước ta với nền văn minh lúa nước, con trâu đi trước, cái cày đi sau, người nông dân một nắng hai sương đã làm nên thương hiệu nước Việt này. Chẳng phải là con rồng ảo, con cò ẻo lả, hay những tầu thủy, máy bay, hay những anh cả doanh nghiệp nhà nước nòng cốt thua lỗ, đưa đất nước cất cánh. Chính là nền nông nghiệp sau 1986 được cởi trói với khoán 10. Mấy chục triệu nông dân đã tự biến đổi cuộc đời, tự thoát nghèo, đưa đất nước thoát nghèo. Từ một nước nhập khẩu lương thực để cứu đói, nay Việt Nam đứng hàng thứ 2 hay thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Nguồn tài nguyên đất nông nghiệp trồng cây lương thực sẽ mãi mãi vĩnh hằng với thời gian. Và lúa gạo vẫn là một thứ đảm bảo an ninh quốc gia tốt nhất trong mọi thời đại. Người ta có thể không cần ô tô, tầu hỏa cao tốc, máy điện lạnh hay tivi, nhưng không thể không ăn. Lương thực vốn là mối bận tâm từ thuở "hồng hoang". Mấy năm trước xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu, giá cả tăng vọt, hàng trăm triệu người thiếu đói, gây nên căng thẳng chính trị. Ngày nay, lúa gạo không còn đơn thuần là một sản phẩm nông nghiệp mà trở thành một sản phẩm của thị trường tài chính. Có những chuyện vô văn hóa trên phố phường, lễ hội, người đời lại lên án thói nhà quê "cái cày con trâu" một cách bừa bãi. Thật ra, "con trâu" thời nay bị đẩy ra khỏi cuộc sống cộng đồng làng xã, và chính cộng đồng đó - tự thân nó cũng đang bị rạn vỡ, nên "trâu" mới bị người ta đập búa vào đầu, rồi chết đau đớn trên ngưỡng cửa hội nhập. Bỏ qua yếu tố nông nghiệp trong phát triển để đi tắt đón đầu, dễ mắc lại sai lầm thời HTX duy ý chí. Tại sao chúng ta không lấy nông nghiệp làm một đầu tầu trong phát triển mà cứ phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Liệu rằng mấy chục triệu nông dân kia có đủ tri thức để bắt kịp tiến trình này? Trâu cũng nên được đưa vào danh sách "ứng cử viên" cho biểu tượng Việt Nam Con trâu nên là biểu tượng VN Thời nay, Thánh Gióng ba tuổi không thể giúp đất nước bay theo con ngựa sắt về trời như một ảo giác. Có thể lấy con rồng, một con vật xa lạ mang đầy cảm tính, ảo ảnh, không có thật, để làm biểu tượng và mơ ước bay cao, bay xa. Nhưng bay cao cũng dễ rơi đau, nếu chúng ta không có thực lực, không có tư duy chiến lược với tầm nhìn xa. Đất nước đang đứng trước những thời khắc quyết định mà yếu tố "nông nghiệp" không thể tách rời và phải là một trong những cái nôi để phát triển. Vì thế, con trâu cũng là một "ứng viên" vì nó có thật trên mặt đất. Con trâu cái cày không còn nhiều trên đồng ruộng ngày nay, nhưng nó vẫn là "đầu cơ nghiệp" của người Việt có từ thời dựng nước và đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế hiện nay. Rồng và trâu được coi như hai biểu tượng ảo và thật. Nếu chọn con đường ảo để phát triển thì hãy lấy con rồng làm biểu tượng. Để bước đi vững chãi trên mặt đất, và chiến lược phát triển có thật, dựa vào thực lực của quốc gia, không huyễn hoặc, người viết bài này xin chọn con trâu. Viết tới đây, tôi nhìn lên giá sách có tượng con trâu gỗ, trên lưng là chú bé thổi sáo thanh bình ở giữa thủ đô của nước Mỹ, và nhớ hình ảnh con bò bằng đồng ở New York, Singapore hay Thượng Hải. Không phải bỗng nhiên mà chú bò của nền văn minh lúa nước lại được chọn để làm biểu tượng cho sự phồn vinh và nhiều người Việt mang theo chú trâu đi khắp đó đây khi hội nhập. . Biểu tượng Việt Nam: Rồng ảo hay Trâu thật? Đất nước ta với nền văn minh lúa nước, con trâu đi trước, cái cày đi sau, người nông dân một nắng hai sương đã làm nên thương hiệu nước Việt. lớn trong nền kinh tế hiện nay. Rồng và trâu được coi như hai biểu tượng ảo và thật. Nếu chọn con đường ảo để phát triển thì hãy lấy con rồng làm biểu tượng. Để bước đi vững chãi trên mặt. tri thức để bắt kịp tiến trình này? Trâu cũng nên được đưa vào danh sách "ứng cử viên" cho biểu tượng Việt Nam Con trâu nên là biểu tượng VN Thời nay, Thánh Gióng ba tuổi