Mấy lời về Nguyễn Tuân Đời người thật ngắn ngủi. Đời của một tài năng lại càng qua nhanh hơn, bởi chúng ta đo đếm cuộc đời ấy không phải chỉ bằng năm tháng đã sống, thậm chí cũng không phải bằng những việc đã được làm trọn vẹn, mà còn bằng cả những ý đồ chưa thành hiện thực, bằng việc làm dang dở giữa chừng - biết bao nhiêu việc đáng kể tài năng ấy có thể hoàn thành thêm nữa! Trong những trường hợp ấy, thường người nghệ sĩ đâu có lỗi gì, tất cả đều là do hoàn cảnh mà người đời vẫn tế nhị gắn thêm cái tính từ khách quan. Và đó có lẽ là điều đáng buồn và cay đắng hơn cả. Nguyễn Tuân, một nhà văn tuyệt vời, đã mất. Ông đã mất chỉ ít ngày sau khi vừa tròn 77 tuổi. Người ta sẽ nói với tôi rằng khoảng cách gần gũi giữa hai sự kiện một vui, một buồn ấy chỉ là tình cờ. Cũng có lý đấy. Nhưng trong đời ông đã từng có bao nhiêu chuyện trái ngược, đầy nghịch lý - cả trong cuộc đời riêng cũng như trong các cuốn sách ông đã viết ra. Mỗi cuốn đều thật là bất ngờ, không giống những sách người khác viết, và cũng chẳng giống các sách trước đó ông đã viết. Điều này khiến ngay các nhà phê bình lịch lãm nhất cũng phải lúng túng; và có lẽ vì thế mà những gì người ta đã viết về ông đều đem lại cái cảm giác nói chưa hết. Còn bản thân ông thì luôn luôn trong trạng thái vận động, tìm tòi - tìm tòi cốt truyện, tính cách, các thủ pháp nghệ thuật, tìm tòi lẽ phải và chân lý. Dù sao thì các cuốn sách của Nguyễn Tuân đã và sẽ được vị quan tòa công minh nhất đánh giá đúng - đó là thời gian và người đọc. “Những điều nghịch lý” vốn là một trong số các nhà văn “thành thị” nhất, hay nói rõ hơn là “Hà Nội” nhất, bản thân Nguyễn Tuân lại có gốc gác quê quán ở làng Nhân Mục, ngoại thành Hà Nội; hồi còn nhỏ đã cùng gia đình phiêu bạt ở các tỉnh xa, bắt đầu đến trường ở Nam Định Tuy rất ham mê đọc sách, ham hiểu biết, cậu học sinh Nguyễn Tuân đã bị đuổi khỏi trường vì tham gia bãi khóa. Sau này ông không theo học ở bất cứ trường nào nữa, nhưng đã trở thành một trong những người có học vấn uyên thâm nhất ở Việt Nam. Khi nổi tiếng rồi, mãi ông vẫn không chuyển được về Hà Nội - do bị quy vào tội vi phạm thể lệ cư trú thực dân, ông bị cảnh sát quản thúc ở Thanh Hóa (tiện đây cũng xin nhắc lại rằng khi đại chiến thế giới lần thứ hai vừa bắt đầu, chính quyền thực dân lại “chiếu cố” đưa nhà văn đáng khả nghi này vào “nghỉ” trong tù) Bản thân ông ngay trên đất nước mình có khi cũng không đi nổi được từ tỉnh này sang tỉnh khác, thế nhưng các nhân vật trong truyện Thiếu quê hương của ông thì lại chu du khắp nơi, thỉnh thoảng lơ đãng nhắc đến tên các hải cảng và thủ đô xa lạ. Đây không phải chỉ đơn thuần là một thủ pháp văn học hấp dẫn, mà còn là dấu hiệu cho khát vọng tự do của con người mà lý trí, tài năng đã vượt qua những bức tường ngăn trở của một chế độ sen đầm. Đối với bản thân Nguyễn Tuân vào tháng Tám năm 1945 không còn gì phải phân vân lựa chọn: Đó là cuộc Cách mạng của ông, không có cuộc Cách mạng ấy không thể hình dung được tương lai của dân tộc và số phận của chính mình. Chính vì thế mà khi bọn thực dân Pháp trở lại tấn công nước cộng hòa trẻ tuổi, ông đã cùng với các chiến sĩ bảo vệ Hà Nội rút lui vào rừng sâu. Tại vùng du kích ấy năm 1946 Nguyễn Tuân đã gia nhập Đảng Cộng sản. Hai năm sau Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập tập hợp các lực lượng trí thức yêu nước. Nguyễn Tuân trở thành Tổng thư ký của Hội. Với cuốn sổ ghi chép của một phóng viên, hay với tư cách là thành viên của các đoàn kịch lưu động ông đã đi khắp mọi nẻo đường chiến tranh, ông đã đến cả những vùng địch tạm chiếm. Ông đã hối hả viết, viết về những đề tài thời sự, nhưng bao giờ cũng rất tuyệt. Có lẽ ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên đã xây dựng được hình tượng tập thể, có sức khái quát cao về một dân tộc đang chiến đấu. Tùy bút kháng chiến và hòa bình đã trở thành một trong những cuốn sách hay nhất của ông Mười năm sau khi hòa bình được lập lại Nguyễn Tuân lại lên đường ra tiền tuyến. Trong cuốn sách viết về chiến tranh lần này của Nguyễn Tuân xuất hiện một bình diện mới - ấy là sự lột tả đầy sức thuyết phục bộ mặt của kẻ thù với một sự chân xác tinh vi ông đã miêu tả những tên giặc lái Mỹ bị bắt làm tù binh, chỉ ra tất cả sự nghèo nàn về tinh thần của những kẻ mới hôm qua còn tự xưng là “người hùng”. Công việc đó chẳng lấy gì làm thích thú nhưng cần thiết, bởi vì ở đây nhà văn đã đóng vai người luận tội trong sự phán quyết đối với chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh. Các bút ký thời kỳ này được tập hợp thành cuốn Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Sự chia cắt Bắc Nam trước đây đã thành nỗi đau riêng của Nguyễn Tuân, ông đã góp phần mình vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước không phải chỉ bằng ngòi bút, mà còn bằng lời nói của mình. Ông đã nhiều lần nói chuyện với đồng bào miền Nam qua đài phát thanh Hà Nội. Bài bút ký của ông viết về cảnh quân Mỹ rút về nước thật hào hùng, toát ra niềm tiên cảm về thắng lợi hoàn toàn sắp tới gần. (Đất trời quê từ nay sạch bóng nó). Sau đó ít lâu ngày toàn thắng đã đến, Nguyễn Tuân nói rằng: Trong đời ông có hai ngày hạnh phúc nhất - ngày 2 tháng 9 (ngày tuyên bố Độc lập) và ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Sài Gòn được giải phóng. Nhưng điều chủ yếu đối với ông cũng như đối với mọi người Việt Nam từ bao đời nay, là hòa bình - hòa bình và lao động sáng tạo. Những năm hòa bình ông đi khắp mọi miền đất nước, viết về người làm ruộng và nhà địa chất, về công nhân, các nghệ nhân, thủy thủ. Ông chăm chú theo dõi sự hình thành cuộc sống mới, các tính cách và quan hệ mới giữa người với người. Nếu chúng ta nhìn lên tấm bản đồ vẽ những tuyến đường đi của ông, ta sẽ thấy phần lớn chúng đều dẫn đến nơi sau này sẽ là các công trường quan trọng nhất. Chẳng hạn như ông đã “ngắm nghía” kỹ sông Đà, nơi sẽ mọc lên nhà máy thủy điện khổng lồ do Liên Xô giúp xây dựng, từ khi mới có những người thăm dò địa chất, đo đạc đến làm việc, và chắc là các kết quả lao động của Nguyễn Tuân cũng sẽ rất có giá trị đối với tương lai. Và ông cũng đã gọi tập bút ký “thời bình” của mình bằng cái tên Sông Đà. Chỉ tiếc rằng một vị chức sắc nào đó đã quên mời Nguyễn Tuân đến dự lễ ngăn sông Đà. Nhưng đó cũng chẳng phải là điều gì ghê gớm, bởi nhà văn đã hoàn thành nghĩa vụ của mình như những người thợ xây dựng công trình thủy điện ấy đã hoàn thành Ngày nay chúng ta thường hay tranh cãi về vai trò và ý nghĩa của bút ký chính luận, về sự xâm nhập của thể loại này vào văn xuôi trần thuật. Riêng với Nguyễn Tuân thì ông đã tự giải đáp cho mình về vấn đề này từ lâu rồi. ngay từ buổi đầu của con đường sáng tác ông đã sử dụng thể “tùy bút” thuộc loại “văn xuôi tư liệu” có từ lâu đời. Với Nguyễn Tuân tùy bút đã mang hình thái hiện đại sắc sảo. Đối với ông trong thể loại này cái chính không phải là sự kiện; mà quan trọng nhất đối với ông là con người tham gia sự kiện được miêu tả, là thế giới nội tâm của con người đó. Nguyễn Tuân với tư cách là nhà văn viết về các sự kiện có thật ngoài đời, không phải chỉ hướng tới phần lý trí của người đọc, mà còn nhằm vào tình cảm và sức tưởng tượng của người đọc nữa. Ông có khả năng ngạc nhiên trước những điều bình dị, tìm được cái mới, cái khác thường trong những chuyện đời thường tưởng chừng như đã mòn quen. Đó phải chăng là phẩm chất của một thi nhân thật sự! Ở đây nữa ta lại gặp thêm một điều nghịch lý - một thứ văn xuôi đầy chất thơ Là người yêu say mê cuộc sống, bác Tuân (bạn bè vẫn thường gọi ông như vậy) quen nhìn thấy cả mặt sáng và mặt tối trong đời. Ông công phẫn bác bỏ kiểu viết của một số nhà văn nhìn đời qua cặp kính hồng. Cách đây không lâu, sau Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam mở đầu cho quá trình đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, trong một bài trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ Nguyễn Tuân đã hoan nghênh các nghị quyết của Đại hội. Ông nói tới cái thứ “chủ nghĩa hiện thực phi thực” đã một thời tồn tại trước đây và kêu gọi các đồng nghiệp của mình phải trung thực trong từng chữ một. Ông đã có quyền khuyên như vậy, bởi ông chưa từng giả dối trong bất cứ dòng chữ nào đã viết. Như tất cả chúng ta, khi đi tìm chân lý ông cũng đã gặp lỗi lầm, nhưng chưa bao giờ ông nói dối. Bản thân văn học đối với ông không chỉ là quá trình sáng tạo mà còn là đối tượng nghiên cứu. Chúng ta nhớ đến những bài tản văn của ông về Truyện Kiều của Nguyễn Du, về các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, về các tác phẩm của Tô Hoài và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc thế hệ đi sau. Ông viết về Đô-xtôi-ép-xki và L. Tôn-xtôi (tôi muốn kể thêm là ông đã dịch một số truyện của Sê-khốp) về Lỗ Tấn. Ông yêu thích các sách của bạn bè và giúp các tác phẩm đó đến với độc giả. Ở đây không thể không nhắc tới lời bạt của ông viết cho cuốn tiểu thuyết còn dở dang Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng: Nguyễn Tuân như thể đã hoàn thành ý đồ của người bạn quá cố đưa sáng tác của bạn đến với người đọc hôm nay. Ông còn viết lời nói đầu cho nhiều tác phẩm Việt Nam xuất bản bằng tiếng Nga ở Liên Xô Còn một điều “nghịch lý” nữa. Ông già Tuân, một con người thuần túy của miền nhiệt đới, đã rất yêu tuyết. Tôi còn nhớ hình ảnh ông đứng một mình giữa quảng trường Mai-a-cốp-xki ở Mát-xcơ-va, lòng bàn tay ngửa ra hứng lấy những bông tuyết nhỏ đang rơi. Chắc là đối với ông - một con người với cốt cách dễ say mê, đầy chất nghệ sĩ (tiện đây cũng nên nhớ là hồi trẻ ông đã từng diễn kịch khá thành công, và vài năm trước đây ông còn đóng phim nữa) thì tuyết quả đã là một biểu tượng đáng ghi nhớ nhất của nước Nga mà ông đã yêu hết lòng. Ông đã nhiều lần sang thăm nước chúng tôi, đã viết về Mát-xcơ-va, Lê-nin-grát, Vôn-ga-grát, Ô- đét-xa, Ri-ga. Ông có rất nhiều bạn bè trong giới văn học Liên Xô: An-tô- côn-xki và Xi-mô-nốp, Pô-lê-vôi và E-ren-bua, Lu-cô-nhin, Bô-rôn-đin, Ep- tu-sen-cô, Rứt-khêu, Ac-ca-nốp, Xtơ-ru-gát-xki, Pác-nốp, Phô-nhia-cốp, Rô-giơ-đét-xtơ-ven-xki, Glát-cốp, Xi-đô-rốp, A-khơ-ma-đu-li-na Ông chẳng bao giờ phân chia các nhà văn Liên Xô theo tuổi tác và thể loại; chỉ đơn giản là ông đã yêu các nhà văn chúng tôi, biết chúng tôi sống và viết thế nào. Trong số những người bạn Xô-viết của ông không phải chỉ có các nhà văn, mà còn có các nghệ sĩ, bác học, nhà hoạt động điện ảnh, bác sĩ. Ngôi nhà ở Hà Nội của ông, vào những năm chiến tranh cũng như thời bình, luôn luôn mở rộng cửa đối với chúng tôi. Mỗi nhà văn lớn đều chứa đựng nét gì đó tựa như nhà tiên tri. Tôi không biết đó là một thứ cảm quan trực giác vốn có ở con người tài năng, hay đó là một thứ quà tặng của số phận. Nhưng tôi còn nhớ cách đây rất lâu tôi đã được tận tai nghe lời ông nói với các em học sinh Việt Nam rằng sẽ tới cái ngày mà có ai đó trong số các em sẽ cùng với các bạn Liên Xô bằng lứa tuổi bay vào vũ trụ. Hẳn cũng chẳng cần phải kể thêm chuyện gì sau đó đã xảy ra. Ông vốn rất yêu trẻ, tự mình đã nuôi nấng nhiều con gái, con trai, cháu chắt. Tôi nghĩ rằng ở đây đã hé mở cho ta thấy một mặt nữa trong tính cách của ông, cái phần mà ông vẫn thường tự mình che giấu sau sự châm biếm sâu cay và cử chỉ gay gắt. Ấy là lòng nhân hậu. Đương nhiên không phải tình cờ ông đã ưa thích các truyện cổ tích và đã viết một bài tùy bút tuyệt vời về Han-xơ Kri-xti-an An-đéc-xen. Ông yêu hội họa và hiểu biết kỹ lưỡng về lĩnh vực này. Nhờ ông mà tôi đã làm quen được với nhiều họa sĩ đầy tài năng: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Nguyễn Trung Nhiều người trong số họ đã vẽ chân dung ông già Tuân: Những bức chân dung ấy, tuy rất khác nhau, đều đã ghi lại được ở ông vẻ đẹp đầy sức thu hút và nét dáng bình thản, thâm thúy, thông tỏ mọi sự trên đời này. Và chúng ta cũng mãi mãi ghi nhớ hình ảnh như vậy về ông. MARIAN TKACHOP (Nga) Phan Hồng Giang dịch . Mấy lời về Nguyễn Tuân Đời người thật ngắn ngủi. Đời của một tài năng lại càng qua nhanh hơn, bởi chúng. của ông Mười năm sau khi hòa bình được lập lại Nguyễn Tuân lại lên đường ra tiền tuyến. Trong cuốn sách viết về chiến tranh lần này của Nguyễn Tuân xuất hiện một bình diện mới - ấy là sự lột. viết về cảnh quân Mỹ rút về nước thật hào hùng, toát ra niềm tiên cảm về thắng lợi hoàn toàn sắp tới gần. (Đất trời quê từ nay sạch bóng nó). Sau đó ít lâu ngày toàn thắng đã đến, Nguyễn Tuân