Nghĩ ngợi bên mộ cụ Nguyễn Du

8 647 0
Nghĩ ngợi bên mộ cụ Nguyễn Du

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Nghĩ ngợi bên mộ cụ Nguyễn Du Văn Chinh Bức ảnh mà bạn thấy đây là lăng mộ tổ tiên của cụ Nguyễn Du, nằm ngay cạnh hàng rào phía Bắc nhà tưởng niệm tác giả Truyện Kiều. Lăng mộ tổ họ Nguyễn Tiên Điền Trình độ chụp ảnh của tôi không cho phép lấy vào ảnh được di dít dấu chân trâu, bãi phân bò cùng những vết cọ vai gãi ngứa của trâu bò vào thành lăng mộ như nó bầy ra trước mắt. Tôi ngậm ngùi nhớ thơ Vương Trọng: Tưởng rằng phận bạc đạm Tiên Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây Thơ gây xôn xao dư luận và khi “cây súng rời vai”, Nghệ Tĩnh đã xây mộ, xây luôn khu tưởng niệm Nguyễn Du trên nền cũ nhà quan tể tướng Nguyễn Nghiễm. Nhưng, vẫn là tư duy cắt khúc, quy hoạch đã bỏ tổ tiên Nguyễn Du ra ngoài phúc phận của ông. Tôi thắp nén hương tại lăng mộ tổ Nguyễn Tiên Điền. Vừa lần giở ký ức về giai đoạn lịch sử đến lắm tai ương là Lê Trịnh mà có thời dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền là một trụ cột vừa kinh ngạc nhận ra Nguyễn Du chính là một kết tinh của thế gia này: Vừa hào hoa phong nhã, văn khi cần chí khí thì ngất trời như ngàn Hồng, khi thanh thoát mượt mà thì trong trẻo thướt tha như nước sông Lam, võ khi vua gọi thì cũng cầm quân dẹp loạn; lại cũng vừa dùng dằng do dự khi xuất xứ. Nhưng trước hết hãy đọc lịch sử dòng họ: Thuỷ tổ Nguyễn Du là Nguyễn Thiến, người làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội) không rõ năm sinh, đỗ Trạng nguyên triều Mạc khoa Nhâm Thìn (1532). Năm 1550, Mạc Phúc Nguyên nghe lời dèm pha, ngờ Nguyễn Thiến làm phản, ông vội vã đem hơn 100 gia nhân chạy vào Thanh Hoá đầu hàng vua Lê. Nguyễn Bỉnh Kiêm gửi theo một bài thơ tiễn bạn: Ta giúp con côi vì nghĩa trọng Ông khi xử biến khá cam lòng Rồi cũng đến lúc Trạng Trình rũ áo về thảo am đứng trên Lê Trịnh Mạc Nguyễn mà quy hoạch cho đất nước thêm rộng núi dài sông, nhưng khi hạ bút thế là cụ lấy mình làm thước đo lòng dạ bạn bè. Cụ Nguyễn Thiến vào Thanh, làm đến Thượng thư nhưng ốm mất trong bất đắc chí. Các con của cụ là Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn mà Lê Quý Đôn nhận xét rằng “đều có sức khoẻ, có tài làm tướng” nên, một mặt thì sợ Trịnh Kiểm sát hại, như từng sát hại bố vợ Nguyễn Kim; mặt khác, đang khi trấn thủ Thiên Trường thì Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa thư mời sang thuyền uống rượu rồi dùng mẹo đưa anh em Nguyễn Quyện về lại nhà Mạc. Các con ông cùng con của Nguyễn Miễn hoặc bị sát hại hoặc đang bị thanh trừng, Nguyễn Nhiệm (con Nguyễn Miễn) cùng mấy anh em khác chạy thoát về với nhà Mạc. Trong một trận đối đầu với Trịnh Tùng, Nguyễn Nhiệm đã giết được tướng tiên phong là Chấn Quận công nhưng do quân Trịnh đông quá, ông đã ngã ngựa nằm lẫn trong đám thi thể binh sĩ. Đêm tỉnh dậy giữa sa trường, đã ngẫm nghĩ rồi thay hình đổi dạng mà đi mãi về phương Nam, có lẽ trong đầu Nguyễn Nhiệm có nghĩ đến việc vào Nam theo Nguyễn Hoàng? Sự thật thì khi vào đến Nghi Xuân, thấy lau sậy rậm rạp có sông Lam chắn phía Bắc, có Ngàn Hống sừng sững phía Tây còn mạn Đông là biển rộng, bèn ở lại làm nghề bốc thuốc ở nơi sau là làng Tiên Điền. Có sức khoẻ, Nguyễn Nhiệm khai khẩn đất hoang; lại có nghề bốc thuốc, thuốc hay nổi tiếng khắp vũng, dân quanh vùng ấy gọi ông là ông Nam Dương. Từ cụ Nam Dương tính đến đời thứ 7 là cụ Nguyễn Du, thì 5 đời con cháu “Ông Nam Dương” đều làm quan có công trạng, được phong tước công, hầu: Đời thứ 2: Tham đốc Khánh trạch hầu Nguyễn Chủng Đời thứ 3: Đề đốc Phương trạch hầu Nguyễn Ôn Đời thứ 4: Thiếu phó Phù quận công Nguyễn Thể Đời thứ 5: Nhuận quận công Nguyễn Quỳnh (1675-1735) Cụ Nguyễn Quỳnh (ông nội Nguyễn Du) học giỏi, nổi tiếng văn hay nhưng gặp khoa thi thì hoặc có tang hoặc ốm đau. Sau có ra làm quan nhưng bất đắc chí mà từ quan về soạn Dịch kinh quyết nghị gồm 15 quyển, nay chỉ còn 2 quyển là Từ ấu tân truyện và Đại hiệu chân kinh. Về sau, Trấn thủ Nghệ An mời ông làm quan, ông đã tạ từ bằng bài thơ (dịch): Đường đời rất hiểm nghèo Người đời chỉ sống trăm năm Ngày đủ cơm ba bữa Đêm ngủ trọn năm canh Phú quý là khách Kinh thành Thanh nhàn là tiên trần gian Lặng suy lẽ thịnh suy Tuổi già nên về nơi rừng suối Hai con cụ Quỳnh đều đỗ tiến sỹ là Nguyễn Huệ (1705-1733) và Nguyễn Nghiễm (1708-1776). Gia phả Nguyễn Tiên Điền ghi, Nguyễn Huệ bình sinh hay nói, “thề rằng chỉ một lần nhẩy qua cửa rồng (đỗ Tiến sỹ) thì chết cũng cam lòng.” Năm 1733, ông đỗ Tam giáp tiến sỹ và chết thực. Dân làng Võ Phấn cảm cái chí “tử công phu” thành tài, xây đền thờ cụ để khích lệ trai đinh nối chí học hành, sau đó triều đình sắc phong làm Thượng đẳng phúc thần. Em trai cụ, Nguyễn Nghiễm, đỗ Nhị giáp tiến sỹ còn trước cả anh, năm Tân Hợi (1731) khi đó mới có 23 tuổi. Ông làm quan đến chức Tham tụng (tể tướng) triều Lê Trịnh còn kiêm Trung thư Quốc tử giám, Tổng tài Quốc Sử quán. Nguyễn Nghiễm có biệt tài quản lý đất nước, từ ông khởi lập hộ tịch và hồ sơ bờ cõi để quản lý giang san rành mạch. Tiếp đãi sứ thần nhà Thanh lịch thiệp mà biên cương yên ổn thuận hoà. Năm 1761, phó sứ Thanh là Cố Nhữ Tu có tặng ông bức liễn đề 4 chữ “Dịch thế thư hương” (dòng thi thư đời nối đời). Nguyễn Nghiễm chính là người phát hiện và trọng dụng nhà bác học Lê Quý Đôn (1767) trong kỳ vâng lệnh sát hạch văn võ quan ở Văn trạch các. Từ năm 1773, khi con trai trưởng là Nguyễn Khản (đỗ tiến sỹ năm 27 tuổi, từng dạy học thế tử Trịnh Sâm) vào triều làm Thập nhị bồi tụng, triều đình tặng ông tấm biển đại tự: Nhị thân phụ tử, ví cha con ông như Thân Nhân Trung, Thân Nhân Tín thời Hồng Đức. Con trai thứ 6 của cụ Nguyễn Nghiễm là cụ Nguyễn Nể (1761-1805) là anh cùng mẹ của Nguyễn Du từng giữ chức Phó sứ tuế cống (1790) rồi chánh sứ Khánh sứ 1795 (mừng vua Càn Long truyền ngôi cho con là Gia Khánh) của Quang Trung hoàng đế. Lần Tuế cống, Nguyễn Nể đã làm thơ xướng hoạ với vua Càn Long, được Càn Long ban thưởng một tấm lụa. Lần Khánh sứ, lại được Càn Long đích thân rót rượu mời vì một bài thơ ứng chế trong bữa tiệc với 1.000 cụ già Trung Quốc (thiên tẩu) nhân sự kiện nhường ngôi. Vua Càn Long nổi tiếng tài hoa, từng có câu thơ vịnh cô thôn nữ đi cấy: Thoái nhất bộ kiến thiên thanh (lùi một bước thấy cả trời xanh!) Vậy mà từ ngày 13.2 đến ngày 23.2.1795, suốt 10 ngày dong thuyền đi chơi với Nguyễn Nể cùng các cận thần ngâm vịnh. Kết quả là, Nguyễn Nể được ban tặng nhiều báu vật: Gấm đoạn, ngự trà, gậy tuổi già, ngọc như ý, văn phòng ngự bửu… Cần lưu ý rằng, Càn Long là ông vua từng bẽ mặt vì Quang Trung đánh cho đại bại 20 vạn quan binh của mình. Vì lẽ đó, những vật vua dùng mang biếu tặng cho Nguyễn Nể thì hẳn không thể là việc phù phiếm. Chỉ có thể “ngoại giao” một hai lần nghi thức, không thể không quý thật nhau mà đi chơi với nhau dài ngày như vậy. Mặt khác, trở về nước, Nguyễn Nể được Quang Trung ban thưởng 40 mẫu ruộng, thăng lên Tả Đồng nghị Trung thư sảnh vì đã “đi sứ nước lớn không làm nhục mệnh vua”. Như thế, đủ biết Nguyễn Nể là bậc trí dũng nhường nào! Con trai thứ ba cụ Nguyễn Quỳnh là Nguyễn Trọng đỗ Phó bảng năm 1743, được phong tước Lam Khê hầu, về trí sĩ rất sớm, mở trường dạy học. Hậu duệ của cụ là cụ Nguyễn Mai (1876 - 1954), đỗ tiến sỹ cùng khoa với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp nhưng không ra làm quan. Nguyễn Du sinh ngày 3.1.1766 (các sách trước đều chép sinh năm 1765, gần đây các nhà nghiên cứu đối chiếu Âm Dương lịch mới ra ngày Dương lịch trên, tôi theo thuyết này) mồ côi cha từ năm 11 tuổi, lên 13 thì mồ côi mẹ. Đó là lứa tuổi ngây thơ, rất dễ thương tổn và để lại mặc cảm nặng nề cho đến suốt đời nếu bị hắt hủi ghẻ lạnh. Chỉ có sinh trưởng trong một đại thế gia, trên nền một gia giáo vững vàng, cụ mới thành một văn nhân có tầm văn hoá nhân loại, mới đạt đến bậc trí lự trượng phu dường ấy. Mộ Nguyễn Du Chỉ xét riêng đường quan lộ, Nguyễn Du đã xứng đáng được tôn vinh. Ở đây xin chỉ nói việc có tính chất gia truyền: Chức Cai bạ Quảng Bình mà vua Gia Long giao cho Nguyễn Du về sau thật đúng người đúng việc. Cha thân sinh chính là người khởi lập sổ bạ triều Lê Trịnh. Rồi vua lại cử Nguyễn Du làm Tuế cống chánh sứ. Dưới triều đại của mình, vua Gia Long thực hiện đường lối ngoại giao chư hầu về danh nghĩa, độc lập trên thực tế. Đây là lời lẽ trong tấu thư xin sắc phong: “Hạ thần được chúng dân thần phục, nhưng chưa biết ý trời thế nào?” với hàm ý rất rõ coi nhà Thanh là Thiên triều; nhưng hai ba lần khư khư đòi lấy tên nước là Nam Việt rồi vì nhà Thanh lấy cớ Nam Việt vốn là tên cũ của Bách Việt sợ quần thần đàm tiếu ông mới đồng ý nhận quốc hiệu là Việt Nam để dứt khoát đoạn tuyệt với tên cũ An Nam gắn liền với miệt danh “an phủ sứ” từng bị lệ thuộc Trung Quốc cả ngàn năm. Dùng mềm giữ cứng cỏi cũng là đường lối ngoại giao của Lê Trịnh, của Nguyễn - Quang Trung mà tiêu biểu là Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Nể; đều là cha anh Nguyễn Du. Lịch sử ngoại giao nước nhà không ghi những thành tựu giao tế của Nguyễn Du, nhưng lại để lại cho văn học nước nhà tập thơ quan trọng đưa ông lên tầm nhân loại, tập Bắc hành tạp lục. Có thể nói, dưới mắt Nguyễn Du, không có quan đại phu thượng quốc Khuất Nguyên mà chỉ có con người Khuất Nguyên như một bi kịch của vòng danh lợi đục trong; ông coi Tiểu Thanh như chính con người mình. Thương người ở mọi nơi mọi nước như mình là tư duy nhân văn hiện đại, nhân loại tôn vinh cụ là Danh nhân văn hoá Thế giới là vì vậy. Vâng, chỉ trên cái nền gia phong nào đó, còn người mới quy tụ vào mình cái tinh tuý của văn hoá và tư duy dân tộc. Chỉ khi nào văn nhân đứng trên cái đỉnh cao tư duy - văn hoá dân tộc, mới khả dĩ ăn nói được với tư duy văn hoá thế giới. Mặt khác, trong con người Nguyễn Du chảy một dòng máu do dự dùng dằng xuất xử rất rõ. Kể từ Cụ thuỷ tổ Nguyễn Thiến, các con trai của cụ cho đến đời thứ 7 vấn đề xuất xử bao giờ cũng được đặt ra ít nhất một lần. Nguyễn Nể, Nguyễn Du từng theo vua Lê lên Ải Bắc, sau anh thì theo Nguyễn Huệ- Quang Trung em theo Nguyễn Ánh Gia Long. Nhưng việc mà hai anh em cụ làm, là trên kinh nghiệm gia truyền nối bang giao với Bắc quốc để yên hàn đất nước; không làm nhục quốc thể là được rồi. Chứ không vinh thân phì gia. Khi làm quan ở Huế, chức đã đến Hữu Tham tri bộ Lễ (tòng tứ phẩm) vẫn ở dạng “hộ nghèo”: Thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh Bắc (Mười miệng đói đang gào ở phía Bắc Đèo Ngang) Trước khi đi sứ, vua Gia Long thăng hàm Cần chánh đại học sỹ cho cụ. Đó là hàm lộc tòng nhất phẩm. Chỉ mới đỗ tú tài mà được trọng dụng thế, nhưng cụ chỉ vâng vâng dạ dạ, ba bốn lần từ quan, khi lây bệnh dịch tả thì nương bệnh mà tự vận. Cái chết vừa là bi kịch xuất xử tất yếu, vừa bừng lộ một nhân cách trước áo cơm, hoạn lộ và khí tiết người quân tử. Nhà thờ Nguyễn Du do Hội Khai trí tiến đức quyên góp xây dựng năm 1942 Xét ở khía cạnh này, Nguyễn Du càng là một điển hình toàn diện của dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, để lăng mộ tổ Nguyễn Tiên Điền ra ngoài khu tưởng niệm Nguyễn Du thì người đau lòng nhất, chính lại là cụ Nguyễn Du. Cụ là người nhậy cảm với một khuynh hướng nhân văn cao cả với những di tích, với người xưa: Sè sè nấm đất bên đường Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh Rằng, sao trong tiết thanh minh Mà đây hương khói vắng tanh thế mà? bất kể di tích cố nhân ấy là người nước nào. Khi đi sứ qua sông Mịch La, thấy la liệt thi nhân Bắc quốc đề thơ chiêu hồn, chiêu tuyết, Nguyễn Du vượt hẳn khỏi họ một tầm khái quát: Hồn hỡi hồn hề hồn về làm gì Mặt đất đâu đâu cũng Mịch La Người người ai cũng là Thượng Quan Khi viếng đền thờ Tiểu Thanh tài sắc mà yểu mệnh, ở Hàng Châu, Chiết Giang, Nguyễn Du chạnh thương nàng rồi lại chạnh nghĩ đến phận mình, mai sau: Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như Người như thế không đau lòng trước mộ tổ hoang vu sao được? Vả lại, khi du lịch văn hoá tâm linh đang trở thành một xu thế tất yếu gắn liền với sinh thái, khi các gói sản phẩm lữ hành luôn luôn bị kêu là lửng lép, bỏ ngoài các di tích một đại thế gia như các cụ tổ họ Nguyễn Tiên Điền là một dại dột. 3.1.2009 (*) Bài viết nhân Kỷ niệm 243 năm ngày sinh Thi hào dân tộc Nguyễn Du . Nghĩ ngợi bên mộ cụ Nguyễn Du Văn Chinh Bức ảnh mà bạn thấy đây là lăng mộ tổ tiên của cụ Nguyễn Du, nằm ngay cạnh hàng rào phía Bắc nhà tưởng niệm tác giả Truyện Kiều. Lăng mộ tổ họ Nguyễn. họ Nguyễn Tiên Điền. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, để lăng mộ tổ Nguyễn Tiên Điền ra ngoài khu tưởng niệm Nguyễn Du thì người đau lòng nhất, chính lại là cụ Nguyễn Du. Cụ là người nhậy cảm với một. từ Cụ thuỷ tổ Nguyễn Thiến, các con trai của cụ cho đến đời thứ 7 vấn đề xuất xử bao giờ cũng được đặt ra ít nhất một lần. Nguyễn Nể, Nguyễn Du từng theo vua Lê lên Ải Bắc, sau anh thì theo Nguyễn

Ngày đăng: 10/07/2014, 15:00

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan