Zarathustra đã nói như thế LỄ HIẾN MẬT Hỡi ôi! Trên trái đất này còn có nơi nào người ta phạm phải những điên cuồng vĩ đại hơn là những kẻ có lòng thương xót? Và trên mặt đất còn có gì gây ra nhiều thống khổ cho bằng cơn điên cuồng của những kẻ có lòng thương xót? Khốn thay cho kẻ nào yêu thương mà lại không có một đỉnh cao vượt lên bên trên lòng thương hại của mình! Một ngày nọ, Quỷ sứ bảo ta như thế này: “Cả Thượng đế cũng có hỏa ngục của ngài: đó là tình yêu loài người nơi Thượng đế”. Và mới đây, ta đã nghe Quỷ sứ bảo như sau: “Thượng đế đã chết; chính lòng thương xót loài người của Thượng đế đã giết chết Thượng đế”. Zarathustra Về những kẻ có lòng thương xót Những ngày, những tháng, những mùa Xuân lại trôi qua trên tâm hồn Zarathustra, hắn chẳng để tâm đến; nhưng mái tóc Zarathustra giờ đây đã bạc phau. Một ngày nọ, Zarathustra ngồi trên một tảng đá trước hang lặng im tĩnh mặc nhìn vào cõi xa xăm - bởi vì từ nơi này, ta nhìn thấy được biển cả, biển cả xa hút bên trên những hố thẳm quanh co khúc khuỷu. Hai con thú tư lự xoay quanh Zarathustra rồi sau cùng dừng lại trước mặt hắn. “Hỡi Zarathustra, chúng lên tiếng hỏi, ngài đang đưa mắt dõi tìm hạnh phúc mình chăng?” Zarathustra trả lời: “Sá gì hạnh phúc! Từ lâu rồi ta không còn khát vọng đến hạnh phúc nữa, ta khát vọng công trình của ta”. Hai con thú tiếp lời: “Hỡi Zarathustra, ngài thốt lên điều ấy như một kẻ đã chán chường hạnh phúc. Ngài không ngủ trong một hồ hạnh phúc màu thiên thanh đấy chứ?” “Đồ hề! Zarathustra mỉm cười trả lời, các ngươi mới khéo chọn ẩn dụ làm sao! Nhưng các ngươi cũng biết rằng hạnh phúc của ta thì nặng nề và chẳng giống với một nguồn suối lỏng: hạnh phúc ấy đẩy xô ta và không muốn để ta ở lại, nó bám chặt vào ta như chất nhựa thông óng vàng nóng chảy”. Lúc bấy giờ, hai con thú tư lự lại xoay quanh Zarathustra và một lần nữa, chúng lại đến trước mặt hắn. “Hỡi Zarathustra! chúng lên tiếng - vậy thì vì lẽ đó mà ngài mãi mãi trở thành vàng óng sậm màu hơn, mặc dầu tóc ngài muốn nhuốm vẻ bạc trắng và kết bằng cây gai? Nhìn xem kìa, ngài đang ngồi trong chất nhựa thông vàng óng của ngài!” “Các ngươi nói nhăng nói cuội gì thế? - Zarathustra vừa cười vừa hỏi lớn. Thực ra, ta đã báng bổ khi nói đến nhựa thông. Điều đang xảy đến cho ta, cũng xảy đến cho tất cả mọi trái cây đang chín. Chính chất mật ngọt trong huyết quản đã làm máu ta thành đậm đặc hơn và cũng làm cho cả tâm hồn ta im lặng u trầm hơn”. “Hỡi Zarathustra, sự việc phải như thế - hai con thú tiếp lời và nép sát thân thể vào Zarathustra. Nhưng ngày hôm nay, ngài không muốn leo lên một ngọn núi cao hay sao? Khí trời thật trong lành tinh khiết và hôm nay người ta phân biệt rõ thế giới hơn bao giờ hết”. Zarathustra trả lời: “Các ngươi nói đúng đó, những lời khuyên của các ngươi thật tuyệt và rất hợp lòng ta: ngày hôm nay, ta muốn leo lên một đỉnh núi cao! Nhưng các ngươi hãy làm sao có được chất mật sẵn sàng cho ta trên đó: chất mật óng vàng thành tầng ong, chất mật vàng, trắng, ngọt ngào, mát lạnh. Các ngươi nên biết rằng, ta muốn cử hành lễ hiến mật trên núi cao”. Nhưng khi Zarathustra đã leo lên đỉnh núi, hắn cho hai con thú tháp tùng theo hắn quay trở về, và nhận ra rằng mình đang cô đơn heo hút trên đỉnh cao. Khi ấy, hắn cười hân hoan và đưa mắt nhìn chung quanh rồi nói như vầy: “Ta đã nói đến những lễ hiến dâng và dâng hiến mật ngọt; nhưng đấy chỉ là một xảo thuật của lời nói ta, và thực ra, đó là một cơn điên hữu ích. Ở đây ta có thể ăn nói tự do hơn là trước những nơi trú ẩn của những ẩn sĩ cô đơn u tịch và những gia súc của các nhà ẩn sĩ. Ta đã nói gì về hành vi hy sinh hiến tế? Ta đang phung phí những gì thiên hạ cho ta, ta là kẻ phung phí với muôn ngàn bàn tay: làm sao ta còn dám gọi điều đó là hy sinh hiến tế! Và khi ta đòi mật, thì thật ra ta chỉ đòi một miếng mồi, những thức uống dịu ngọt lầy nhầy mà những con gấu càu nhàu cùng những loài chim lạ tính khí bất thường ham thích. Ta đã đòi hỏi miếng mồi ngon lành nhất, miếng mồi những thợ săn và thợ chài cần đến. Bởi vì nếu thế giới ví như một khu rừng tối ám đầy loài dã thú, một khu vườn hoan lạc đầy rẫy tất cả mọi thợ săn man rợ, ta thấy chẳng thà giống với một đại dương bao la, sâu thẳm không đáy còn hơn. - Một đại dương lúc nhúc những loài cá muôn màu nghìn sắc và những con cua mà ngay cả các thần linh cũng sẽ thích ham, đến nỗi vì tình yêu đại dương, các ngài sẽ biến thành những thợ chài quăng lưới: thế giới khi đó sẽ phong phú vô vàn những điều kỳ diệu lớn, nhỏ! Nhất là thế giới loài người, đại dương loài người: chính đại dương đó là chốn ta quăng sợi dây vàng và bảo: Hỡi hố thẳm con người, hãy mở rộng! Hãy mở rộng và ném cho ta những con cá, những con cua sắc màu óng ánh của mi! Với miếng mồi ngon nhất, ngày hôm nay ta nhặt hái cho ta những con cá người kỳ tuyệt nhất! Ta đem chính hạnh phúc mình tung tóe, rải rác xa tít mù xa, giữa phương Đông, phương Nam và phương Tây, để xem thử có ít hay nhiều con cá người đã học biết cách trì kéo giãy giụa ở đầu hạnh phúc của ta. Mãi đến khi, cắn nhằm chiếc lưỡi câu sắc nhọn ẩn kín của ta, những con cá bống sắc màu sặc sỡ nhất ở những đáy sâu phải vươn lên đến đỉnh cao của ta, vươn lên đến bên cạnh kẻ dữ tợn nhất trong những kẻ đánh cá người. Bởi vì ta vẫn luôn luôn là thế đó từ nguyên sơ và tận cùng sâu thẳm tâm hồn: trì kéo, lôi cuốn, nâng cao, giáo dưỡng, một người lôi kéo, một kẻ dạy dỗ và một bậc thầy, kẻ mà xưa kia đã chẳng luống công vô bổ khi tự nhủ mình: “Hãy trở thành nguyên tính của mi!” Vậy thời, giờ đây, con người phải leo lên đến bên ta; vì ta đang còn chờ dấu hiệu báo rằng giờ phút đi xuống của ta đã đến: chính ta hãy còn chưa xuống với loài người, như ta phải làm thế. Chính vì vậy, ta đợi chờ ở đây trên những đỉnh cao chớn chở, lòng đầy xảo quyệt chế giễu, không nôn nóng cũng chẳng kiên trì, đúng hơn ta chờ đợi như một kẻ đã quên đi sự kiên trì mình đã học được, - vì hắn không còn kiên trì “thọ khổ” nữa.[1] Vì vận mệnh ta để cho ta có đủ thời gian; có lẽ nó đã quên ta rồi chăng? Hoặc giả, ngồi trong bóng mát sau một tảng đá lớn, vận mệnh ấy đang đuổi bắt những con ruồi? Thực ra, ta hết lòng cảm tạ vận mệnh vĩnh cửu đã chẳng hề đuổi băt hay thúc hối ta, nó đã để ta có thời gian làm những trò hề cùng những điều tàn bạo: đến độ ngày hôm nay ta đã có thể leo lên ngọn núi cao này để bắt cá. Có người nào đã từng bắt cá trên những đỉnh núi cao? Và dẫu điều mà ta ước muốn trên đỉnh núi cao kia có là điên rồ chăng nữa, thì chẳng thà phạm phải một điều điên rồ còn hơn là trở thành long trọng và xanh và vàng vì phải chờ đợi ở chốn đồng bằng, - trào bọt và bị phân thây trong cơn phẫn nộ vì phải chờ đợi, một cơn dông tố thánh thiện đến từ những ngọn núi cất tiếng tru la, như một người không còn kiên nhẫn kêu thét to lên về phía những thung lũng: “Hãy nghe đây nếu không ta sẽ quất đập ngươi bằng những cây roi của Thượng đế!” Không phải vì thế mà ta thù ghét những kẻ hay nổi giận! Ta thấy chúng chỉ đáng cho một chuỗi cười! Chúng phải nôn nóng như thế: những cái trống lớn ồn ào chỉ thốt được nên lời ngày hôm nay hoặc vĩnh viễn không bao giờ thốt nên lời nữa! Nhưng còn ta và vận mệnh của ta - chúng ta không nói cho thời “Hiện tại”, chúng ta cũng chẳng nói cho thời “Vĩnh cửu”: chúng ta có kiên nhẫn để nói, chúng ta có thời gian để nói, thời gian dư dật. Bởi vì một ngày nào đó, nó phải đến và sẽ không thể trôi qua. Cái gì phải đến một ngày nào đó và sẽ không thể trôi qua? - Nỗi Tình cờ vĩ đại của chúng ta, nghĩa là thời Ngự trị vĩ đại và xa xôi của Con người, thời ngự trị của Zarathustra, sẽ kéo dài một nghìn năm. Cái thời xa xôi ấy dẫu có xa xôi miên viễn đến đâu, nào có sá gì! Đối với ta, nó vẫn không vì thế mà kém vững chãi. Ta đứng thẳng, rất vững vàng kiên cố trên hai chân, trên một nền tảng vĩnh cửu, trên những tảng đá nguyên sơ rắn chắc, trên những ngọn núi cổ này, những ngọn núi cao vút hiểm trở nhất, nơi giao ngộ của mọi trận gió, như một đường phân chia, ta cất tiếng hỏi rằng: nơi đâu, ở hướng nào và về đâu? Vậy thì, hãy cười lên, cười to lên đi, sự tàn bạo trong sáng vũ dũng của ta! Hãy ném tung từ những đỉnh cao chất ngất tia chớp của giọng cười giễu cợt của mi! Với lằn chớp đó, mi hãy làm mồi dụ hoặc những con cá người xinh đẹp nhất! Và tất cả những gì thuộc về ta trong tất cả mọi đại dương, sự vật thuộc về riêng ta trong tất cả mọi sự vật, - mi hãy bủa lưới giùm ta, mi hãy đưa dẫn cái đó lên cao kia: đấy là điều ta đang chờ đợi - ta, kẻ hung tợn nhất trong các kẻ thợ chài. Hãy vút ra xa bờ, vút ra xa bờ, hỡi lưỡi câu của ta! Hãy chìm xuống, thâm nhập sâu vào, hỡi miếng mồi làm bằng hạnh phúc của ta ơi! Hãy nhỏ xuống hạt sương êm dịu ngọt ngào nhất của mi, hỡi mật ngọt của lòng ta ơi! Hãy cắn sâu vào, hỡi lưỡi câu, cắn sâu vào bụng tất cả những nỗi buồn rầu ảo não tối đen. Hỡi mắt ta, hãy vút ra xa bờ, vút ra xa bờ! Ôi, biết bao nhiêu đại dương quanh ta, biết bao nhiêu tương lai con người đang khởi đầu phát hiện. Và trên đầu ta - niềm im lặng pha hồng! Niềm im lặng không mây!” [1] “ta chờ đợi như một kẻ đã quên đi sự kiên trì mình đã học được, - vì hắn không còn kiên trì “thọ khổ” nữa”, Nietzsche chơi chữ Geduld: sự kiên trì, kiên nhẫn, và động từ dulden: nhẫn nại chịu khổ, kiên trì chịu khổ. . quanh rồi nói như vầy: “Ta đã nói đến những lễ hiến dâng và dâng hiến mật ngọt; nhưng đấy chỉ là một xảo thuật của lời nói ta, và thực ra, đó là một cơn điên hữu ích. Ở đây ta có thể ăn nói tự. trên đó: chất mật óng vàng thành tầng ong, chất mật vàng, trắng, ngọt ngào, mát lạnh. Các ngươi nên biết rằng, ta muốn cử hành lễ hiến mật trên núi cao”. Nhưng khi Zarathustra đã leo lên đỉnh. Zarathustra đã nói như thế LỄ HIẾN MẬT Hỡi ôi! Trên trái đất này còn có nơi nào người ta phạm phải những điên