Ý kiến thứ hai Sau một tai nạn, chiếc xe “câu cơm” bị hư hại nặng, cần “đại tu”. Thường thì ai cũng nhờ hai ba thợ máy ước lượng tổn thất và chi phí trước khi đồng ý cho sửa. Tương tự như vậy, trước một căn bệnh hiểm nghèo, chắc là bệnh nhân cũng muốn tìm hiểu thêm trước khi quyết định việc điều trị. Sự tìm hiểu thêm này có thể là từ sách báo, Internet, nhưng thường thì với các bác sĩ chuyên môn khác. Việc lấy ý kiến thêm hay ý kiến thứ hai, là chuyện được nói tới khá nhiều ở mọi quốc gia. Ấy vậy mà kết quả thăm dò cho biết hàng năm chỉ có 20% bệnh nhân làm công việc có tính cách hỗ trợ, quyết định về bệnh tình của mình này. Lấy ý kiến thứ hai (hoặc thứ ba…) có thể do bệnh nhân hoặc thân nhân yêu cầu, đôi khi cũng từ bác sĩ, khi vị này có khó khăn trong chữa trị, chẩn đoán. Nhiều bệnh nhân ngần ngại không muốn hỏi thêm ý kiến, e rằng nếu làm như vậy sẽ chạm tự ái, làm buồn lòng vị bác sĩ đang chữa trị cho mình. Cũng có người dễ tính, hoàn toàn tin tưởng ở “ông bà thầy” đã nhiều chục năm giao hảo. Nhưng thực ra các bác sĩ cũng không nề hà gì về việc này. Trong thời gian huấn luyện, họ đã quen với truyền thống “học thầy không tầy học bạn”, tại bệnh viện nhiều khi phải “hội chẩn” mới quyết định. Khi hành nghề, các bác sĩ hỏi ý kiến của nhau là chuyện thường tình. Lý do là y khoa ngày nay quá phong phú về kiến thức bệnh lý cũng như phương thức chẩn đoán, điều trị mà không một bác sĩ nào có thể nắm vững hết được. Ngoài ra, mặc dù có cùng huấn luyện nhưng họ có quan niệm, suy nghĩ khác nhau về cách áp dụng kiến thức của mình trong khi chẩn đoán cũng như điều trị. Có bác sĩ cho làm nhiều thử nghiệm nhưng cũng có bác sĩ chỉ làm vừa đủ rồi dùng kinh nghiệm nghề nghiệp để suy luận chẩn đoán bệnh. Trong điều trị, một số bác sĩ “bảo thủ” chữa vừa đủ cho hết bệnh, tránh tác dụng phụ của dược phẩm, một số bác sĩ khác lại muốn chữa mau chữa mạnh. Đó là tại vì mỗi bác sĩ có một kế hoạch trị liệu khác và không phải bác sĩ nào cũng nghĩ, hành động như nhau trong mọi hoàn cảnh. Người mà bác sĩ gia đình giới thiệu có thể là đồng nghiệp cùng chuyên môn, người được coi như có đủ khả năng để cho ý kiến hoặc tại trung tâm y tế, trường đại học y khoa. Và mặc dù bệnh nhân không có quyền đòi hỏi gặp người mình lựa, nhưng mình cũng không nên được gửi tới người mà mình không tin cậy. Hiện nay, có nhiều cơ sở y tế, các nhà chuyên môn cung cấp dịch vụ tham khảo, góp ý kiến này. Về phương diện quản trị sức khỏe, đôi khi bảo hiểm sức khỏe đòi hỏi có ý kiến thứ hai nếu chi phí điều trị quá cao hoặc họ cho là thử nghiệm, điều trị đó không cần thiết. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể phải tự trả phí tổn tham khảo thêm. Theo các nhà chuyên môn, lấy ý kiến thứ hai hầu như là một quyền của bệnh nhân để bảo vệ sức khỏe mình. Tuy nhiên, trước khi yêu cầu lấy ý kiến thứ hai, thứ ba, nên cùng với bác sĩ điều trị tìm hiểu lại bệnh tình của mình, hỏi tất cả các điều cần hỏi. Trong đa số trường hợp, sau thảo luận này, vấn đề được giải quyết và có thể không cần ý kiến thứ hai. Nếu bác sĩ không đồng ý thì hãy nhớ là không phải vị đó là người độc quyền quyết định. Thời kỳ “một thầy thuốc, một bệnh nhân” đã qua rồi. Ngày nay, một bệnh nhân có nhiều thầy thuốc khác nhau. Hơn nữa, sức khỏe của mình là ưu tiên số một và hãy làm mọi việc mà mình thấy cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Điều quan trọng là khéo léo yêu cầu. Chẳng may gặp vị bác sĩ “bảo thủ, quá tự tin”, nhất định từ chối thì có lẽ cũng nên “giã biệt chia tay” vị này, vì tương quan đôi bên có thể bắt đầu lỏng lẻo. Có nhiều trường hợp mà bệnh nhân cần phải xin ý kiến thứ hai. - Khi chính bác sĩ đang điều trị cho mình nêu ra vì căn bệnh ngoài chuyên môn của vị này. - Khi bác sĩ đề nghị một phẫu thuật không khẩn cấp. Trong trường hợp này, bảo hiểm cũng đòi có ý kiến thứ hai - Khi không được bác sĩ giải thích tường tận về bệnh của mình. - Khi mình không thỏa mãn với lời giải thích của bác sĩ điều trị. - Một bệnh hiếm chưa được hoặc đã được xác định. - Có hơn một phương thức điều trị bệnh được nêu ra. - Bác sĩ điều trị không biết mình đau bệnh gì. - Bệnh nhân muốn có phương thức trị liệu mà bác sĩ của mình không nắm vững. - Khi mang một bệnh trầm trọng, bệnh nhân cần quyết định xem nên chấp nhận hoặc từ chối phương án điều trị mà bác sĩ đề nghị. - Ý kiến thứ hai giúp ta yên tâm là mình đã quyết định đúng. - Lấy ý kiến thứ hai từ các bác sĩ có kinh nghiệm hơn về bệnh của mình. - Ý kiến thứ hai có thể giúp mình và bác sĩ điều trị an tâm về phương án trị liệu đang hoạch định. - Lấy ý kiến thứ hai giúp ta hiểu biết nhiều hơn về phương thức trị liệu mới. - Lấy ý kiến thứ hai đôi khi cần làm đối với vài loại bệnh hoặc kỹ thuật chữa trị, sàng lọc bệnh. Bảo hiểm đôi khi chỉ trả một nửa hoặc không bồi hoàn nếu không lấy ý kiến thứ hai. - Khi sẽ phải trải qua giải phẫu lớn hoặc tái giải phẫu. - Khi gặp khó khăn thảo luận với bác sĩ điều trị. - Không thấy bệnh tình khá hơn với trị liệu đang theo. - Có quá nhiều bệnh một lúc. Khi đã quyết định lấy ý kiến thứ hai, nên xin hồ sơ bệnh lý, kết quả thử nghiệm để mang cho bác sĩ thứ hai coi. Bệnh nhân phải ký nhận đồng ý chuyển hồ sơ. Hiện nay có nhiều cơ sở chuyên môn y khoa cung cấp ý kiến thứ hai mà không cần hồ sơ bệnh lý, kết quả thử nghiệm cũng như ý kiến của bác sĩ đang điều trị. Hoặc có thể chỉ cung cấp kết quả thử nghiệm, X-quang mà không có chẩn đoán và phương thức điều trị để ý kiến thứ hai được vô tư hơn (blind second opinion). Lợi điểm là ý kiến thứ hai không bị ảnh hưởng bởi các dữ kiện trước đó. Khi tới bác sĩ thứ hai, nên chuẩn bị sẵn các điều muốn hỏi như là: - Liệu bệnh của mình có thể có chẩn đoán khác? - Có cách chữa nào khác không? - Kết quả sẽ ra sao nếu trì hoãn hoặc không điều trị? - Rủi ro của điều trị như thế nào? - Điều trị có kéo dài hoặc nâng cao đời sống không? - Bao lâu sau điều trị thì bình phục? - Tại sao ý kiến thứ nhì lại khác với ý kiến trước? Theo các nhà chuyên môn y học, 5 bệnh thường được hỏi ý kiến là giải phẫu nối động mạch tim, cắt bỏ tử cung, chấm dứt thai kỳ vì thai nhi bất bình thường, giải phẫu giãn tĩnh mạch, điều trị u bướu não. Vì các phương pháp này đôi khi được thực hiện khi không cần thiết, kỹ thuật quá phức tạp hoặc chẩn đoán không chính xác. Tóm lại, lấy ý kiến thứ hai có lợi điểm là giúp bệnh nhân có thêm hiểu biết về bệnh tình, về phương thức chữa trị để lựa chọn và nhờ đó họ an tâm tích cực hơn trong việc tự chăm sóc. Trước khi yêu cầu ý kiến thứ hai, nên coi lại xem giữa mình và bác sĩ đã có sự đối thoại, giải thích rõ ràng chưa. Nếu là chưa thì mình cứ nhẹ nhàng hỏi thêm, cho ra lẽ. Thường thường thì các vị lương y cũng không đến nỗi quá khó tính, không muốn mích lòng thân chủ và cũng không muốn mình làm sai y đức. BS. NGUYỄN Ý ĐỨC . mà bác sĩ đề nghị. - Ý kiến thứ hai giúp ta yên tâm là mình đã quyết định đúng. - Lấy ý kiến thứ hai từ các bác sĩ có kinh nghiệm hơn về bệnh của mình. - Ý kiến thứ hai có thể giúp mình và. ý kiến thứ hai, nên xin hồ sơ bệnh lý, kết quả thử nghiệm để mang cho bác sĩ thứ hai coi. Bệnh nhân phải ký nhận đồng ý chuyển hồ sơ. Hiện nay có nhiều cơ sở chuyên môn y khoa cung cấp ý kiến. phương thức điều trị để ý kiến thứ hai được vô tư hơn (blind second opinion). Lợi điểm là ý kiến thứ hai không bị ảnh hưởng bởi các dữ kiện trước đó. Khi tới bác sĩ thứ hai, nên chuẩn bị sẵn