Để tiếp tục thúc đẩy tiến trình PTBV, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH và ứng phó với BĐKH, trong thời gian tới, một mặt cần tiếp tục phủ xanh những vùng đất bị suy
Trang 1ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA CÁC KHOA HỌC LIÊN NGÀNH
-
NGUYỄN ĐỨC LƯƠNG
NGHIÊN CỨU PHỤC HỒI HỆ SINH THÁI RỪNG NGẬP MẶN NHẰM TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI XÃ NGA THỦY, HUYỆN NGA SƠN,
TỈNH THANH HÓA
LUẬN VĂN THẠC SỸ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Hà Nội – 2020
Trang 2ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA CÁC KHOA HỌC LIÊN NGÀNH
-
NGUYỄN ĐỨC LƯƠNG
NGHIÊN CỨU PHỤC HỒI HỆ SINH THÁI RỪNG NGẬP MẶN NHẰM TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠI XÃ NGA THỦY, HUYỆN NGA
SƠN, TỈNH THANH HÓA
LUẬN VĂN THẠC SỸ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Chuyên ngành: BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Mã số: 8900201.01QTD
Người hướng dẫn khoa học 1: GS.TSKH Trương Quang Học
Người hướng dẫn khoa học 2: PGS.TS Nguyễn Quốc Huy
Hà Nội – 2019
Trang 3LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi Các số liệu, kết quả nêu trong Luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác
Tôi xin cam đoan rằng mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện Luận văn này đã được cảm ơn và các thông tin trích dẫn trong Luận văn đã được chỉ rõ nguồn gốc
Tác giả
Nguyễn Đức Lương
Trang 4LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới giáo viên hướng dẫn khoa
học, Thầy giáo GS.TSKH Trương Quang Học và PGS.TS Nguyễn Quốc Huy là
những người đã nhiệt tình hướng dẫn, góp ý, chỉnh sửa và động viên trong suốt quá trình thực hiện luận văn của tôi
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo, cán bộ Khoa Các Khoa Học Liên Ngành - Đại học Quốc Gia Hà Nội đã giảng dạy, truyền đạt kiến thức, tạo điều kiện
và hướng dẫn hoàn thành chương trình học tập và thực hiện luận văn
Tôi cũng xin cám ơn Ban chủ nhiệm và các thành viên thực hiện đề tài:
"Nghiên cứu giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển bền vững rừng phòng hộ ven biển tỉnh Thanh Hóa", mã số: ĐTĐL.CN-34/17 Cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của
các cán bộ và người dân xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa – những người đã cung cấp thông tin giúp tôi hoàn thiện luận văn này
Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới gia đình, bạn bè và những người luôn động viên, khích lệ tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn
Tác giả
Nguyễn Đức Lương
Trang 5
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN i
LỜI CẢM ƠN ii
MỤC LỤC iii
DANH MỤC BẢNG iv
DANH MỤC HÌNH v
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU VÀ CHỮ VIẾT TẮT vi
MỞ ĐẦU 1
CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU 5
1.1 Cơ sở lý luận 5
1.1.1 Một số khái niệm 5
1.1.2 Tính hệ thống và liên ngành trong nghiên cứu biến đổi khí hậu 7
1.1.3 Khung lý thuyết nghiên cứu 8
1.2 Tổng quan tài liệu nghiên cứu 9
1.2.1 Nghiên cứu trên thế giới 9
1.2.2 Nghiên cứu tại Việt Nam 15
1.2.3 Tổng quan khu vực nghiên cứu 23
CHƯƠNG II: PHẠM VI, CÁCH TIẾP CẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 27
2.1 Phạm vị nghiên cứu 27
2.2 Cách tiếp cận 27
2.2.1 Tiếp cận hệ sinh thái 27
Trang 62.2.2 Tiếp cận liên ngành 27
2.2.3 Tiếp cận kết hợp Trên xuống – Dưới lên (dựa vào cộng đồng) 28
2.2.4 Tiếp cận về phát triển bền vững 28
2.3 Phương pháp nghiên cứu 28
2.3.1 Phương pháp hồi cứu, kế thừa số liệu (Desk study) 29
2.3.2 Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa khu vực 30
2.3.3 Phương pháp điều tra XHH 31
2.3.4 Phương pháp tham vấn chuyên gia 31
2.3.5 Phương pháp xử lý số liệu 32
CHƯƠNG III: KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 33
3.1 Đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội xã Nga Thủy 33
3.1.1 Đặc điểm điều kiện tự nhiên 33
3.1.2 Đặc điểm kinh tế - xã hội, các hoát động sinh kế của địa phương 38
3.1.3 Định hướng phát triển KT-XH của xã Nga Thủy giai đoạn 2015-2020 43
3.2 Nghiên cứu hiện trạng hệ sinh thái rừng ngập mặn của xã Nga Thủy 44
3.2.1 Cấu trúc hệ sinh thái RNM 44
3.2.2 Chức năng của rừng ngập mặn 48
3.2.3 Nghiên cứu sự thay đổi của RNM trong thời gian qua 59
3.3 Nghiên cứu xác định nguyên nhân suy giảm hệ sinh thái rừng ngập mặn Nga Thủy 61
3.3.1 Nguyên nhân trực tiếp 61
3.3.2 Nguyên nhân gián tiếp 68
3.3.3 Nguyên nhân do biến đổi khí hậu 69
3.4 Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng hợp để phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn 74
Trang 73.4.1 Rà soát, đánh giá hiện trạng một số quy hoạch phát triển rừng ngập mặn đến
khu vực nghiên cứu 74
3.4.2 Nghiên cứu định hướng sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn 78
3.4.3 Đề xuất các giải pháp để phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn xã Nga Thủy 82
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 88
TÀI LIỆU THAM KHẢO 91
PHỤ LỤC
Trang 8DANH MỤC BẢNG
Bảng 1.1 Phân bố diện tích rừng ngập mặn trên thế giới 10
Bảng 1.2 Tổng hợp diện tích rừng toàn quốc 17
Bảng 3.1 Đặc trưng khí hậu tại trạm Thanh Hóa – năm 2016 34
Bảng 3.2 Bảng lượng mưa tại trạm Thanh Hóa – năm 2016 35
Bảng 3.3 Biên độ triều lên và triều xuống tại trạm Lạch Sung năm 2015 36
Bảng 3.4 Một số loài cây ngập mặn thực thụ chủ yếu cho vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa 45
Bảng 3.5 Mật độ và sinh trưởng của cây ngập mặn thân gỗ tại các ô điều tra 47
Bảng 3.6: Trạng thái rừng ngập mặn ứng với mật độ và độ tàn che 49
Bảng 3.7: Tham số giảm sóng (r) tại các trạng thái rừng khác nhau 49
Bảng 3.8 Mực nước biển dâng theo kịch bản RCP4.5 52
Bảng 3.9 Bảng điều tra vai trò RNM 58
Bảng 3.10 Diễn biến diện tích rừng ngập mặn xã Nga Thủy 59
Bảng 3.11 Hiện trạng RNM tại huyện Nga Sơn 60
Bảng 3.12 Mức độ sử dụng làm củi đốt 68
Trang 9DANH MỤC HÌNH
Hình 1.1: Khung lý thuyết nghiên cứu 8
Hình 1.2 Phân bố rừng ngập mặn trên thế giới 9
Hình 1.3 Diễn biến rừng ngập mặn toàn quốc qua các thời kỳ 18
Hình 1.4 Mối quan hệ giữa HST/ĐDSH và đời sống xã hội 19
Hình 3.1 Sơ đồ vị trí xã Nga Thủy 33
Hình 3.1 Bần chua hỗn giao với Trang tái sinh 46
Hình 3.2: Rừng Bần chua hỗn giao với Trang tại xã Nga Thủy 47
Hình 3.3 Tương quan hệ số giảm sóng Kt và chiều dài đai rừng ngập mặn 50
Hình 3.4 Chức năng chắn sóng của RNM 51
Hình 3.5 Các hoạt động sinh kế ở RNM 57
Hình 3.6 Chuỗi giá trị của hệ sinh thái rừng ngập mặn 59
Hình 3.7 Bản đồ hiện trạng rừng RNM ven biển huyện Nga Sơn 61
Hình 3.8 Phá rừng nuôi tôm thâm canh gây hậu quả nghiêm trọng về mặt sinh thái 62
Hình 3.9 Đánh bắt tôm cá trong rừng ngập mặn 64
Hình 3.10 Cây Bần chua bị chết phần ngọn non do thời tiết lạnh 71
Hình 3.11 Rừng trồng Bần chua suy thoái tại xã Nga Thủy 72
Trang 10DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU VÀ CHỮ VIẾT TẮT
Chữ viết tắt Nghĩa thực
Bộ NN & PTNT Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ TN & MT Bộ Tài nguyên và Môi trường
COP Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu
IPCC Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu
PRA Bộ công cụ đánh giá có sự tham gia của cộng đồng
UNFCCC Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu
Trang 11MỞ ĐẦU
1 Tính cấp thiết của đề tài
Việt Nam trải qua một thời gian dài chiến tranh và sau đó nỗ lực rất lớn trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội và những thành quả phát triển đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận Tuy nhiên, mặt trái của nó là môi trường bị ô nhiễm, ĐDSH
bị thất thoát và HST rừng bị suy thoái Nhận thức được giá trị của rừng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, cũng như trong việc ứng phó với thiên tai trong thời gian trước kia và ứng phó với BĐKH trong thời gian ngày nay, nhiều chương trình trồng rừng rộng lớn, liên tục đã được thực hiện và đã góp phần quan trọng để nâng cao độ che phủ rừng ở Việt Nam Tuy nhiên, chất lượng rừng còn thấp, ĐDSH vẫn tiếp tục bị suy thoái và những dịch vụ do HST cung cấp chưa được đầy
đủ, đã đặt đất nước ta trước những thách thức mới
Hệ sinh thái rừng ngập mặn có một vai trò hết sức to lớn: Là nơi cung cấp một lượng lớn hàng hoá và dịch vụ cho con người; là nơi lưu giữ những nguồn gen cho tương lai; nơi cung cấp thức ăn và chỗ sinh sản cho rất nhiều loài động vật có giá trị sinh thái và môi trường cao Đồng thời, rừng ngập mặn cũng là trạm dừng chân và là nơi cư trú của rất nhiều loài chim nước di cư Rừng ngập mặn bảo vệ các nguồn nước ngọt chống lại sự nhiễm mặn, bảo vệ đất đai khỏi sự xói mòn bởi sóng và gió Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn đã và đang được coi như một trong những biện pháp nhằm thích ứng với những hệ quả của biến đổi khí hậu Hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng chịu những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp
từ biến đổi khí hậu và ngược lại Trước những tác động qua lại đó, hệ sinh thái rừng ngập mặn có thế phát triển và tồn tại trên đúng một vị trí nếu tốc độ bồi lắng trầm tích (nâng cao thể nền) của khu vực tương ứng với mực nước biển dâng Ngoài ra,
hệ sinh thái này cũng có thể lấn biển nếu tốc độ bồi lắng lớn hơn mức nước biển dâng; ngược lại rừng ngập mặn sẽ tiến sâu vào đất liền nếu không có hệ thống công trình (đê biển ) ngăn cản hoặc dẫn đến suy thoái
Rừng ngập mặn ở xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa trước đây có chất lượng rừng tốt, rất phong phú về số lượng loài cây, về hệ sinh thái, về nơi cư trú
Trang 12của các loài thủy sinh có giá trị kinh tế cao, đã đem lại nguồn lợi và sinh kế tốt cho người dân địa phương Tuy nhiên do quá trình khai thác chặt phá rừng bừa bãi, khai thác các nguồn lợi hải sản dưới tán rừng không được kiểm soát và xây dựng các khu đầm nuôi tôm không hợp lý đã làm cho rừng ngập mặn ở đây bị suy thoái nghiêm trọng cả về diện tích và chất lượng Hiện tại, những diện tích rừng còn sót lại vẫn đang tiếp tục bị đe doạ tàn phá và suy thoái do liên quan tới những lý do nêu trên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái, sản xuất và đời sống các cộng đồng địa phương
Để tiếp tục thúc đẩy tiến trình PTBV, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH và ứng phó với BĐKH, trong thời gian tới, một mặt cần tiếp tục phủ xanh những vùng đất bị suy thoái và mặt khác cần khuyến khích những giải pháp phục hồi HST rừng ngập mặn của xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là trồng rừng với các loài bản địa, để tăng giá trị ĐDSH và đồng thời đẩy
mạnh công tác bảo tồn, tôi chọn đề tài “Nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái rừng
ngập mặn nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa” cho luận văn tốt nghiệp
Hơn nữa trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu đề tài, thu thập tài liệu, thông tin, lập kế hoạch thực hiện, phân tích số liệu, viết luận văn là một quá trình học hỏi
từ thực tế sau khi tôi đã được trang bị các kiến thức trên lớp Đây là quá trình tự học hỏi, học hỏi thông qua trải nghiệm, học hỏi từ nhiều kênh khác nhau, từ những người dân địa phương đến các cán bộ trực tiếp làm việc Là cơ hội tốt để tôi củng cố thêm những kiến thức về BĐKH
2 Mục tiêu nghiên cứu
- Xác định được thực trạng, nguyên nhân gây suy giảm hệ sinh thái rừng ngập mặn xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa
- Đề xuất được giải pháp tổng hợp để phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn tại khu vực nghiên cứu
3 Nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội xã Nga Thủy
Trang 13- Nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, hoạt động kinh tế - xã hội đến
hệ sinh thái rừng ngập mặn xã Nga Thủy
- Nghiên cứu thực trạng hệ sinh thái và dịch vụ HST của rừng ngập mặn xã Nga Thủy
- Nghiên cứu nguyên nhân suy giảm hệ sinh thái rừng ngập mặn (bao gồm nguyên nhân trực tiếp – direct causes và sâu xa – indirect causes) xã Nga Thủy
- Đánh giá các giải pháp phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn từ trước đến nay tại xã Nga Thủy
- Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng hợp để phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm tăng cương tính chống chịu khí hậu theo cách tiếp cận dựa trên HST trong bối cảnh biến đổi khí hậu
4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn là phục hồi HST rừng ngập mặn và tính chống chịu khí hậu
4.2 Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi không gian: Xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa
- Phạm vi thời gian: Từ tháng 2 đến tháng 08 năm 2018 Các số liệu về thời tiết, khí hậu, sự thay đổi của RNM được hồi cứu theo tài liệu có được trong một vài năm gần đây
- Phạm vi chuyên môn: Luận văn đề cấp tới 3 vấn đề: i) Cấu trúc, chức năng, của HST RNM; ii) Nguyên nhân gây suy giảm hệ sinh thái rừng ngập mặn; iii) Các giải pháp tăng cường tính chống chịu/dịch vụ HST RNM
5 Giả thuyết nghiên cứu
Điều kiện tự nhiên, các hoạt động kinh tế xã hội và biến đổi khí hậu tại khu vực
xã Nga Thủy (xâm nhập măn, các hiện tượng thời tiết cực đoan theo mùa như bão,
lũ, lũ quét, hoạt động sản xuất của dân cư…) đang có những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm hệ sinh thái rừng ngập mặn tại xã Nga Thủy Luận văn hướng
Trang 14tới áp dụng cách tiếp cận khoa học trong xác định các nguyên nhân làm suy thoái HST cũng như những nguồn lực tăng cường khả năng chống chịu trước các tác động của BĐKH Từ đó, luận văn hướng tới đề xuất các giải pháp hiệu quả phục hồi HST nhằm tăng cường khả năng chống chịu, góp phần ứng phó với BĐKH và PTBV cho địa bàn nghiên cứu
6 Kết cấu luận văn
Luận văn có cấu trúc theo quy định, gồm các phần chính sau:
Phần mở đầu: Đây là phần nêu lên tính cấp thiết cấp thiết nghiên cứu này, lý
do tại sao cần nghiên cứu, đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu và đối tượng, phạm vi nghiên cứu Bên cạnh đó đưa ra giả thuyết cho nghiên cứu này
Chương 1: Cơ sở lý luận và tổng quan nghiên cứu Chương này đưa ra một số
khái niệm đề cập trong luận văn, thống nhất về cách hiểu một số khái niệm Phần này cũng đề cập đến tính liên ngành trong nghiên cứu BĐKH Khung lý thuyết cho nghiên cứu này được tóm tắt và sơ đồ hóa toàn bộ tiến trình thực hiện Ngoài ra, phần rất quan trọng của chương này đó là tìm hiểu, xem xét các nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như địa bàn nghiên cứu Các kết quả nghiên cứu đó như thế nào, điểm nào chưa làm, để nghiên cứu này không bị trùng lặp Cũng từ đó xem có thể kế thừa các kết quả nghiên cứu đã công bố
Chương 2: Đối tượng, phạm vi, địa điểm, cách tiếp cận và phương pháp nghiên
cứu Chương này mô tả chi tiết các phương pháp nghiên cứu đã thực hiện, cách tiếp cận đã sử dụng Cũng như mô tả về phạm vi về thời gian, không gian, quy mô, địa bàn nghiên cứu Cho biết các đối tượng nghiên, những ai đã tham gia trong quá trình nghiên cứu, yếu tố nào được nghiên cứu
Chương 3: Kết quả và thảo luận Đây là chương mô tả chi tiết kết quả nghiên
cứu, các phát hiện trong quá trình nghiên cứu Bên cạnh đó là các bàn luận, thảo luận, nhận định, đánh giá về các phát hiện
Kết luận và khuyến nghị Đây là phần tóm tắt từ kết quả nghiên cứu Từ kết
quả nghiên cứu đưa ra các kết luận, nhận định ngắn gọn của nghiên cứu Từ đó đưa
ra một vài khuyến nghị cho địa phương và các bên liên quan nghiên cứu này
Trang 15CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1 1 Cơ sở lý luận
1.1.1 Một số khái niệm
BĐKH: Biến đổi khí hậu là sự biến đổi về trạng thái của hệ thống khí hậu, có
thể được nhận biết qua sự biến đổi về trung bình và biến động của các thuộc tính của nó, được duy trì trong một thời gian dài, điển hình là hàng thập kỷ hoặc dài hơn BĐKH có thể do các quá trình tự nhiên bên trong hệ thống khí hậu hoặc do tác động thường xuyên của con người, đặc biệt tăng hiệu ứng nhà kính làm thay đổi thành
phần cấu tạo của khí quyển (IPCC, 2007)
Rừng ngập mặn là những quần xã thực vật hình thành ở vùng ven biển và cửa
sông những nơi bị tác động của thủy triều ở vùng nhiệt đới và Á nhiệt đới Trên thế giới có nhiều tên gọi khác nhau về rừng ngập mặn như “rừng ven biển”, “rừng ở vùng thủy triều” và “rừng ngập mặn” (FAO, 1994) Ở Việt Nam, hầu hết các nhà khoa học đều thống nhất tên gọi chung là “Rừng ngập mặn” (Ngô Đình Quế, Võ Đại Hải, 2012)
Hệ sinh thái là một phức hợp động của các quần thể động vật, thực vật và vi
sinh sinh vật, và môi trường vật lý đóng vai trò như một đơn vị chức năng Con người
là một phần không thể tách rời của các HST (MA, 2003) Các HST có sự khác nhau rất lớn về quy mô và Dịch vụ hệ sinh thái được định nghĩa là lợi ích mà con người
thu được từ các hệ sinh thái
Dịch vụ HST được chia làm 4 loại Dịch vụ cung cấp là các sản phẩm con người thu được từ các HST như lương thực, nhiên liệu, sợi, nước ngọt, nguồn gen Dịch vụ
điều tiết là những nguồn lợi mà con người thu được từ hoạt động điều tiết của các
quá trình của HST bao gồm duy trì chất lượn không khí, điều tiết khí hậu, kiểm soát
xói lở, điều tiết dịch bệnh ở người, lọc nước Dịch vụ văn hoá là những lợi ích phi
vật chất mà con người thu được thông qua sự làm giàu về tinh thần, phát triển nhận
thức, suy nghĩ, sáng tạo và trải nghiệm về mỹ học Dịch vụ hỗ trợ là những dạng dịch
vụ cần thiết cho việc sản xuất tất cả các loại dịch vụ khác, ví dụ như oxy, hình thành đất
Trang 16Các dịch vụ HST được xem xét một cách tổng hợp trong quan hệ giữa chúng với nhau, với các yếu tố khác và với phúc lợi của con người Hiểu được yếu tố làm biến đổi HST là một vấn đề quan trọng trong việc đưa ra những vấn đề can thiệp giúp
có thể có được những kết quả tích cực cho các HST và các dịch vụ của chúng
Phục hồi hệ sinh thái: là quá trình hỗ trợ sự phục hồi của một HST đã bị suy
thoái, hư hại, hoặc bị phá hủy (Society of Ecological Restoration, 2010) Thực tiễn phục hồi sinh thái bao gồm các hoạt động như kiểm soát xói mòn, tái trồng rừng, sử dụng các loài bản địa, loại bỏ các loài ngoại lai và cỏ dại, tái phủ xanh khu vực bị tác động, trồng các loài bản địa, cũng như cải thiện môi trường sống và phạm vi đối với các loài chính "Phục hồi sinh thái" là thuật ngữ chỉ việc ứng dụng trên thực tiễn chuyên ngành “Sinh thái học phục hồi” (Restoration Ecology)
Tính chống chịu: là khả năng của một hệ thống chịu được các nhiễu loạn mà
không bị phá vỡ và chuyển sang một trạng thái biến đổi về chất khác Một hệ thống
có khả năng chống chịu có thể hấp thu các nhiễu loạn, thay đổi hoặc điều chỉnh, sau đó tái tổ chức và vẫn giữ được các cấu trúc cơ bản và cách vận hành của nó (Trương Quang Học, 2013)
Ứng phó với BĐKH: Là các hoạt động của con người nhằm thích ứng và giảm
nhẹ BĐKH Như vậy, ứng phó với BĐKH gồm hai hợp phần chính là thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ BĐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008)
Giảm nhẹ BĐKH là các hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008)
Thích ứng với BĐKH là sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi, nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương
do dao động và biến đối khí hậu hiện hữu hoặc tiềm tàng và tận dụng các cơ hội do
nó mang lại (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008)
Thích ứng và giảm nhẹ BĐKH đóng vai trò quan trọng và là nền tảng cơ bản
để giải quyết các vấn đề của BĐKH Các khái niệm về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH cho thấy giảm nhẹ BĐKH sẽ giảm tất cả các tác động (tích cực và tiêu cực) của
Trang 17BĐKH và do đó giảm các cơ hội thích ứng; trong khi đó thích ứng BĐKH có thể phát huy các tác động tích cực và giảm các tác động tiêu cực của BĐKH
1.1.2 Tính hệ thống và liên ngành trong nghiên cứu biến đổi khí hậu
Theo báo cáo tổng hợp “BĐKH 2007” của IPCC, chiến lược giảm nhẹ BĐKH cũng như chiến lược thích ứng đều là hợp phần của chính sách ứng phó với BĐKH
Do đó, nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH, nguy cơ tổn thương nhằm có giải pháp ứng phó kịp thời là rất cần thiết Để thích ứng với BĐKH cần phải lường trước được tác động của BĐKH sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đối với từng đối tượng cụ thể Mà muốn đánh giá được tác động của nó cần phải xác định được kịch bản của BĐKH Những tính toán này càng chính xác bao nhiêu thì công tác ứng phó với BĐKH (nhằm thích ứng và giảm nhẹ BĐKH) càng hiệu quả bấy nhiêu
Sự phát triển của khoa học đã chứng minh những ưu thế của hướng tiếp cận chuyên ngành về tính rõ ràng, về khả năng phục vụ việc nghiên cứu chuyên biệt Vì vậy, nghiên cứu triển khai về BĐKH cần phải đặt dưới sự liên kết của nhiều ngành khoa học khác nhau Việc nghiên cứu BĐKH có thể được chia thành 3 nhóm nhiệm
vụ lớn: (i) Bản chất, nguyên nhân và cơ chế vật lý của sự BĐKH; (ii) Đánh giá tác động của BĐKH, tính dễ bị tổn thương do BĐKH và giải pháp thích ứng; (iii) Giải pháp, chiến lược và kế hoạch hành động nhằm thích ứng và giảm thiểu BĐKH Xét trên quy mô toàn cầu, về logic, việc nghiên cứu BĐKH cần phải được thực hiện một cách tuần tự theo các bước trên (Trương Quang Học, 2007, 2011a)
Trang 181.1.3 Khung lý thuyết nghiên cứu
(Nguồn: Nguyễn Đức Lương, 2018)
Hình 1.1: Khung lý thuyết nghiên cứu
Xác định địa điểm nghiên cứu
Xác định mục tiêu nghiên cứu
Xác định vấn đề nghiên cứu
Hiện trạng tài nguyên ĐKTN, KT-XH
Sử dụng đất
Văn bản
Hồ sơ Thống kê
Biến động RNM
- Nguyên nhân suy giảm
- Mối quan hệ chính sách đến quản lý
Vai trò/
chức năng RNM
- Phỏng vấn cán
bộ và người dân trong xã; -Thống kê các hình thức quản
Tiếp cận từ dưới lên
Trang 191.2 Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.2.1 Nghiên cứu trên thế giới
1.2.1.1 Phân bố và diện tích rừng ngập mặn trên thế giới
Năm 2010, các nhà khoa học cho biết, sau khi phân tích dữ liệu từ Hệ thống vệ tinh chụp ảnh Trái đất (Landsat) của NASA, họ ước tính RNM còn tồn tại chiếm 12,3% diện tích bề mặt Trái đất (tương đương khoảng 137.760 km²) và phân bố trên
123 nước trên thế giới Các rừng ngặp mặn phân bố trong phạm vi rộng ở các vùng biển ấm Vị trí xa nhất của RNM ở Bắc bán cầu là vịnh Agaba thuộc Hồng Hải (300B)
và Nam Nhật Bản (320B); ở Nam bán cầu là Nam Autralia (380N), đảo Chatham và phía Tây New Zeyland (440N)
(Nguồn: Spalding và nnk, 2010)
Hình 1.2 Phân bố rừng ngập mặn trên thế giới
Sự phân bố rừng ngập mặn hiện nay có ba kiểu chủ yếu: Kiểu thứ nhất là khác nhau trong các loài cả về phân loại và số lượng loài giữa Châu Phi, Châu Á và Châu
Mỹ Kiểu thứ hai đều giảm về số lượng loài theo vĩ độ tăng lên, hầu hết đi kèm với nhiệt độ Kiểu thứ ba giảm tính đa dạng loài đi cùng với lượng mưa giảm dần và khô hạn tăng dần
Dù cây rừng ngập mặn phần lớn là cây nhiệt đới và cận nhiệt đới nhưng đôi khi chúng cũng có mặt ở vùng bờ biển lạnh hơn, đặc biệt là ở Úc, bờ biển đông của Nam
Trang 20Mỹ, vùng nam bán cầu Châu Phi, Trung Quốc và phía Nam của Nhật Bản trong vùng cực Bắc Ở vùng cửa sông và châu thổ ven sông thuộc khí hậu ẩm cận xích đạo, cây ngập mặn có thể tạo thành cánh rừng, cây cao khoảng 40 đến 60 mét Cây rừng ngập mặn có thể phân bố ở dọc các ghềnh đá, bãi cát được che chắn, trên các đảo san hô,
ở các điều kiện này thường các dải có chiều rộng thường không quá vài trăm mét Có một số nơi có thể tìm được RMN ở trong đất liền như Tây Bắc của Úc, Senegal, Madagascar và Caribbean, Papua New Guinea…(Saeger, 2002) Chúng được xem là
di tích các quần xã rừng ngập mặn còn sót lại sau hàng ngàn năm từ khi biển lùi Những thực vật rừng ngập mặn này có khả năng thích nghi chứ nếu không chúng không thể bám trụ lâu như vậy
Ở vùng cửa sông và châu thổ ven sông thuộc khí hậu ẩm cận xích đạo, cây ngập mặn có thể tạo thành rừng, cây cao khoảng 40m đến 60m Cây ngập mặn có thể phân
bố ở dọc các ghềnh đá, bãi cát được che chắn, trên các đảo san hô, ở các điều kiện này thường các dải có chiều rộng thường không quá vài trăm mét Có một số nơi có thể tìm được cây ngập mặn ở trong đất liền như vùng Tây Bắc của Úc, Senegal, Madagascar và Caribbean,…(Saeger, 1996) Chúng được xem là di tích các quần xã rừng ngập mặn còn sót lại sau hàng ngàn năm từ khi biển lùi Những cây ngập mặn này có khả năng thích nghi cao với điều kiện môi trường nếu không chúng sẽ không tồn tại được
Bảng 1.1 Phân bố diện tích rừng ngập mặn trên thế giới STT Khu vực Diện tích (km 2 ) Tỷ lệ (%)
Trang 21đã xuất bản cuốn World Atlas of Mangroves, cho biết diện tích rừng ngập mặn còn lại khoảng 152,762 km2, phân bố trên 10 khu vực Trong đó khu vực Đông Nam Á có diện tích lớn nhất 51.049 km2, chiếm 33,4% Vùng Đông Á diện tích thấp nhất với 215 km2, chiếm 0,1%
Dựa vào địa hình, rừng ngập mặn có thể chia thành 3 loại (Cintron và Novelli, 1984):
- Rừng ven sông: phân bố ở các bãi bồi dọc theo bờ sông, thường bị ngập khi triều cao nhất và lộ bãi triều khi triều thấp
- Rừng ven rìa: phân bố ở các vùng đầm lầy dọc ven biển, chịu tác động trực tiếp của cả triều và sóng biển
- Rừng thuộc loại lưu vực: Phân bố tài vùng đất trũng, ít bị ngập do triều cao vào mùa khô và ngập nước do triều cao vào mùa mưa
1.2.1.2 Nghiên cứu về khả năng phòng hộ của rừng ngập mặn
Ngoài những giá trị to lớn về kinh tế như cung cấp nguồn lợi thủy hải sản, đa dạng sinh học RNM còn có chức năng đặc biệt quan trọng là “chắn sóng” bảo vệ dải đất ven biển, sinh kế người dân ven biển, phòng hộ ven biển Vấn đề cần quan tâm là với mỗi trạng thái RNM thì mức độ giảm sóng là bao nhiêu, với cấu trúc rừng như thế nào thì đảm bảo phòng hộ ven biển Trong hầu hết các công trình nghiên cứu
về RNM đều được đề cập tới vai trò phòng hộ bảo vệ môi trường, trong đó có vai trò chắn sóng biển của RNM Có thể đề cập tới các tác giả như: Gayathri Sriskanthan (1994), Yoshihiro Mazda và nnk (1997, 2005), Harada và nnk (2000), Hiraishi và Harada (2003), Kandasamy, K., Narayanasamy, R (2005), Fritz, H M., Blount, C (2006), Latief, H., Hadi, S (2007) Cụ thể:
Gayathri Sriskanthan (1994) kết luận, giống như các bãi trầm tích, RNM có vai trò như đê chắn sóng của rạn san hô và làm phân tán năng lượng và độ lớn sóng biển Chúng góp phần quan trọng trong việc duy trì tính toàn vẹn của dải ven biển (dẫn theo Phan Nguyên Hồng, 2004)
Trước đây các công trình nghiên cứu tập trung chủ yếu vào khả năng của RNM chắn sóng tạo bởi gió và thủy triều Còn khả năng chắn sóng thần chủ yếu được tiến hành trong những năm gần đây sau trận sóng thần gây thiệt hại kinh hoàng ở Ấn Độ
Trang 22và nhiều nước Đông nam Á năm 2003 (Latief, H., Hadi, S., 2007)
Yoshihiro Mazda và nnk (1997) đã nghiên cứu tác dụng làm giảm chiều cao sóng biển khi đi sâu vào các đai rừng RNM 6 năm tuổi với chiều rộng đai rừng 1,5km có thể làm giảm chiều cao sóng từ 10m ở ngoài biển, còn 0,05m khi vào đến
bờ Còn khi nghiên cứu tác dụng của RNM trong việc chống lại sóng thần, tác giả đã đưa ra kết luận là tác động của thủy lực của sóng thần lên những khu RNM không thể tính toán bằng các phương pháp nội suy từ thủy triều và sóng biển (Yoshihiro Mazda và nnk., 2005)
1.2.1.3 Nghiên cứu sự suy thoái ĐDSH và các nguyên nhân
ĐDSH là nguồn tài nguyên quý giá nhất chỉ có trên Trái đất chúng ta, có vai trò rất lớn đối với tự nhiên và đời sống con người Đa dang sinh học mà trước hết là các dịch vụ HST là có sở cung cấp và đảm bảo sự thịnh vương cho loài người trong suốt quá trình phát triển đã qua, hiện nay và mãi mãi trong tương lai
Trong các nghiên cứu về “Đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ (MA)”, dịch vụ
hệ sinh thái được định nghĩa là lợi ích mà con người thu được từ các hệ sinh thái Tuy nhiên, sự xuống cấp của các dịch vụ hệ sinh thái nói trên đang gia tăng một mức báo động (MA 2005) Sự suy giảm nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường trong các hệ sinh thái làm giảm khả năng cung cấp các hàng hoá và dịch vụ cho con người hay nói cách khác là giá trị của các hệ sinh thái đang bị suy giảm Khái niệm dịch vụ
hệ sinh thái đã mở đường cho việc xác định giá trị của bất kì một hệ thống sử dụng đất và hệ sinh thái cũng như tính toán được những tác động của con người, thiệt hại
từ thiên tai tới những nguồn tài nguyên này
Đã có một thời, con người ngạo mạn khi tưởng rằng bằng cách nào đó chúng ta có thể tiến lên mà không có đa dạng sinh học hay đa dạng sinh học chỉ là việc phụ: sự thật
là chúng ta cần đa dạng sinh học hơn bao giờ hết trên một hành tinh của 6 tỷ người và
sẽ là của 9 tỷ người vào năm 2050 (Ban thư ký Công ước ĐDSH, 2010)
Tuy nhiên, do các nguyên nhân khác nhau các hệ sinh thái bị tác động và khai thác quá mức, ĐDSH đang bị suy thoái nghiêm trọng
Diện tích rừng – HST có mức ĐDSH cao, nhất là rừng nhiệt đới bị thu hẹp một
Trang 23cách báo động Trong vòng 80 năm gần đây, khoảng 45% diện tích từng nguyên sinh trên Trái đất đã biến mất, chủ yếu do bị chặt phát trong thế kỷ trước Theo đánh giá của FAO gần đây, mỗi năm khoảng 13 triệu ha rừng trên toàn thế giới đã bị mất Trong giai đoạn 2000 – 2005, diện tích rừng bị mất thực hàng năm (the annual net loss) là 7.3 triệu ha (tương đương 0.18 % diện tích thực trên toàn thế giới)
Tốc độ diệt chủng của các loài ngày một tăng theo một con số gấp 1.000 lần tỷ
lệ tuyệt chủng cơ sở Cứ mỗi năm, khoảng 18.000 – 55.000 loài bị tuyệt chủng và số loài bị tiêu diệt sẽ tăng tới 25% vào năm 2050 Chỉ tính riêng rừng nhiệt đới bị phá huỷ, hàng năm đã có khoảng 27.000 loài bị tiêu diệt Ước tính có khoảng 60.000/265.000 loài thực vật, 728 loài bò sát, lưỡng cư (5%), 472 loài cá đang bị đe doạ và có nguy cơ diệt chủng (Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học, 2010)
1.2.1.4 Nghiên cứu giải pháp phục hồi HST
Phục hồi HST rừng đóng vai trò quan trọng trong cải thiện sinh kế và sức khỏe con người Những lợi ích này bao gồm nâng cao năng lực thích ứng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện sinh kế của người dân phụ thuộc vào HST rừng, trao quyền cho cộng đồng (ITTO/IUCN, 2009)
Các hình thức phục hồi HST rừng bao gồm: (i) cải tạo; (ii) phục hồi chức năng
và (iii) phục hồi (Lamb và Gilmour, 2003; Nellemann và Corcoran, 2010)
Việc bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên nói chung, ĐDSH và các HST nói riêng đã là những nội dung và nguyên tắc được thông qua trong Chương trình Nghị sự 21 từ năm 1992 tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Môi trường
và phát triển tại Rio de Jainero (UN,1992), được khẳng định trong Chương trình Hành động Phát triển bền vững tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững tại Jonhannesburg năm 2002 (UN, 2002) và mới đây lại được thể hiện trong Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc Rio+20 vào tháng 6/2012 tại Rio de Jainero “Tương lai chúng ta mong muốn” (UN, 2012) về phát triển nền kinh tế xanh gắn với bảo vệ và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên
và các HST và trong báo cáo tổng kết gần đây nhất của UNEP (2012) “Viễn cảnh môi trường toàn cầu 5 (Geo 5) – Môi trường cho tương lai chúng ta mong muốn”
Trang 24Bảo tồn ĐDSH có vai trò đặc biệt quan trong duy trì các dịch vụ HST mà con người phụ thuộc vì sự phát triển của chính mình (Millennium Ecosystem Assessment, 2005) Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mất môi trường sống là nguyên nhân trực tiếp làm mất mát các loài, vì vậy cơ chế để trả lại giá trị đa dạng loài là phục hồi HST hoặc môi trường sống (SER Science and Policy Working Group, 2010) Hơn nữa, phục hồi không nhất thiết phải đạt tới giá trị nguyên sơ của ĐDSH
và dịch vụ HST như trong các HST nguyên sinh (Benayas và nnk., 2009) và cũng có rất nhiều ví dụ thuyết phục về các chương trình phục hồi sinh thái đã trả lại ĐDSH, bao gồm sự phục hồi của các loài và các HST bị đe dọa (Lindenmayer và nnk., 2010)
Vì vậy, phục hồi HST bị suy thoái là cách thức hữu hiệu để phục hồi những dịch vụ của chúng bằng những cách tiếp cận khác nhau, trong đó, cách tiếp cận dựa trên HST cho quản lý là một trong những cách thức thực hiện hữu hiệu nhất (UNEP, 2012) Những nghiên cứu toàn cầu về phục hồi và bảo tồn dịch vụ HST chỉ ra rằng, bảo tồn và phục hồi là hình thức đầu tư chi phí thấp, lợi nhuận cao để duy trì dịch vụ HST Nghiên cứu đánh giá hàng ngàn dự án phục hồi HST trên thế giới, từ vùng sa mạc, rừng mưa nhiệt đới đến HST thủy vực và ven biển của UNEP (Nellemann và Corcora, 2010) chỉ ra rằng, công tác phục hồi HST không những có thể thực hiện được, mà còn được chứng tỏ là hình thức đầu tư có lợi nhuận cao trên khía cạnh tiền tiết kiệm xã hội, thực hiện mục đích to lớn để xóa bỏ đói nghèo và đạt được sự bền vững Cũng cần nhấn mạnh lại rằng, lợi ích mà con người thu được từ những dịch vụ HST trên toàn cầu ước tính khoảng 72 nghìn tỷ USD, tương đương với GDP của thế giới trong một năm (Nellemann và Corcora, 2010) Vì vậy, đầu tư cho công tác phục hồi HST chính là để đảm bảo cuộc sống bền vững cho các thế hệ mai sau của chúng
ta
Kết quả đánh giá của 89 dự án phục hồi HST lớn trên toàn thế giới đã rút ra kết luận rằng, phục hồi sinh thái làm tăng giá trị ĐDSH và dịch vụ HST tương ứng là 44% và 25% (Benayas và nnk., 2009) Sự gia tăng trong các dịch vụ HST và ĐDSH
có mối liên quan chặt chẽ Trong một cuộc khảo sát của các nhà quản lý ở Mỹ trong tổng số 317 dự án phục hồi các dòng sông có gần hai phần ba tin tưởng rằng, các dự
án đã hoàn toàn thành công Đồng thời, một loạt các điều tra cho thấy, mức độ sẵn
Trang 25sàng chi trả và hỗ trợ rất cao cho công tác phục hồi, tăng lên đến 78% số người được phỏng vấn Qua đó cho thấy nhận thức cao và rủi ro thấp cho các khoản đầu tư theo thông tin phản hồi của công chúng (Sodhi và nnk., 2010)
Từ những nghiên cứu của mình, Nellemann và Corcora (2010) đã đưa ra 11 khuyến nghị để phục hồi có hiệu quả hệ sinh thái như sau: (i) ưu tiên bảo tồn các điểm nóng ĐDSH và dịch vụ HST, ngay cả khi một phần đã bị suy thoái, nhằm khẩn trương ngăn chặn để không suy thoái hơn nữa và triển khai kế hoạch khôi phục; (ii) đảm bảo rằng đầu tư vào phục hồi phải được kết hợp với quản lý HST lâu dài trong
cả vùng được phục hồi và khu vực xung quanh, để đảm bảo quá trình phục hồi dần dần; (iii) dự án cơ sở hạ tầng gây thiệt hại cho một HST phải chi trả kinh phí để phục hồi lại HST đó đạt mức tương tự như ở những nơi khác trong một quốc gia; (iv) áp dụng phương pháp tiếp cận đa ngành cùng các bên liên quan để thực hiện việc đầu
tư cho phục hồi HST đảm bảo thành công; (v) đảm bảo rằng các dự án phục hồi HST
đã tính đến điều kiện thế giới đang thay đổi (như BĐKH, áp lực sử dụng đất đai, toàn cầu hóa…); (vi) công tác phục hồi cần được thực hiện theo các cấp độ, từ việc tăng cường phục hồi ở những điểm nóng, sau đó đến khu vực với quy mô lớn hơn, cường
độ cao hơn nhằm khắc phục những biến đổi về suy thoái đất đai; (vii) phải đảm bảo rằng việc phục hồi HST được thực hiện bằng những kiến thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn được cập nhật đầy đủ; (viii) áp dụng phục hồi HST như một lựa chọn chính sách tích cực để giải quyết đồng bộ những thách thức về sức khỏe, cung cấp nước, quản lý chất lượng nước và nước thải, bằng cách cải thiện lưu vực sông và vùng đất ngập nước; (ix) áp dụng phục hồi HST như một lựa chọn chính sách tích cực để phòng chống và giảm nhẹ thiên tai do lũ lụt, sóng thần, bão hoặc hạn hán; (x) tăng cường sử dụng việc phục hồi HST như là một biện pháp cho việc thu giữ cacbon, thích ứng và giảm nhẹ BĐKH; (xi) cải thiện tình hình an ninh lương thực thông qua việc phục hồi HST
1.2.2 Nghiên cứu tại Việt Nam
1.2.2.1 Phân bố và diện tích rừng ngập mặn
a) Phân bố rừng ngập mặn vùng ven biển Việt Nam
Theo nghiên cứu của Phan Nguyên Hồng (1991,1993, 1999) RNM Việt nam
Trang 26được chia ra làm 4 khu vực, mỗi một khu vực có địa hình, khí hậu, thủy văn khác
nhau, do đó đặc điểm rừng ngập mặn từng vùng cũng khác nhau:
- Khu vực 1: Ven biển Đông bắc, từ mũi Ngọc đến mũi Đồ sơn;
Bờ biển Đông bắc có địa hình chia cắt phức tạp, có nhiều đảo chắn ở ngoài, tạo nên các vịnh ven bờ và các cửa sông hình phễu, phù sa được giữ lại tạo thuận lợi cho cây ngập mặn sinh sống Cho nên hệ thực vật ngập mặn ở đây tương đối phong phú gồm những loài chịu mặn cao, không có các loài ưa nước lợ điển hình, trừ các bãi lầy nằm sâu trong nội địa
- Khu vực 2: Ven biển đồng bằng Bắc bộ, từ mũi Đồ sơn đến mũi Lạch Trường; Khu vực này nằm trong phạm vi bồi tụ chính của sông Hồng, sông Thái Bình
và các phụ lưu Hình dạng và xu thế phát triển không đồng nhất do xuất hiện cả quá trình bồi tụ và xói lở Thời gian có nước lợ ở cửa sông kéo dài, độ mặn thấp Với đặc điểm như vậy nên quần xã cây ngập mặn gồm những loài ưa nước lợ trong đó, loài
ưu thế nhất là bần chua phân bố ở vùng cửa sông (Kiến Thụy, Tiên Lãng) Dưới tán của bần là sú và ô rô tạo thành tầng cây bụi; ở một số nơi sú và ô rô phát triển thành từng đám
- Khu vực 3: Ven biển Trung bộ, từ mũi Lạch trường đến mũi Vũng Tàu;
Bờ biển khu vực này là một dải đất hẹp chạy song song với dãy Trường Sơn Địa hình phức tạp, có chỗ núi ăn ra sát biển (Quảng Bình, Quảng Trị), có chỗ tác động của biển khá nổi bật, tạo nên các cồn cát di động cao to hoặc các vụng, phá Do đó khu vực này sóng lớn, bờ dốc nói chung, không có rừng ngập mặn dọc bờ biển Chỉ ở phía trong các cửa sông, cây ngập mặn mọc tự nhiên, thường phân bố không đều
- Khu vực 4: Ven biển Nam bộ, từ mũi Vũng tàu đến mũi Nải – Hà tiên
Vùng ven biển Nam Bộ có địa hình thấp và bằng phẳng Hai hệ thống sông lớn
là Đồng Nai và Cửu Long có nhiều phụ lưu và kênh rạch chằng chịt, hàng năm đã chuyển ra biển hàng triệu tấn phù sa cùng với lượng nước ngọt rất lớn Nhìn chung, các điều kiện sinh thái ở đây thuận lợi cho các thảm thực vật ngập mặn sinh trưởng
và phân bố rộng Hơn nữa khu vực này gần các quần đảo Malaysia và Indonesia là
Trang 27nơi xuất phát của cây ngập mặn Do đó thành phần của chúng phong phú nhất và kích thước cây lớn hơn các khu vực khác ở nước ta
Đỗ Đình Sâm, Nguyễn Ngọc Bình, Ngô Đình Quế, Vũ Tấn Phương (2005) nghiên cứu tổng quan rừng ngập mặn ở Việt Nam đã xây dựng nên bản đồ phân bố rừng ngập mặn Việt Nam
b) Diện tích rừng ngập mặn vùng ven biển Việt Nam
Năm 1943, diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam là 400.000 ha, từ đó đến năm
2000 diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam đã giảm một cách rõ rệt với nhiều lý do qua từng thời kỳ, cụ thể ở Bảng 1.2:
Bảng 1.2 Diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam, năm 1943 - 2018
Trang 28(Nguồn: Phạm Trọng Thịnh, 2019)
Hình 1.3 Diễn biến rừng ngập mặn toàn quốc qua các thời kỳ
Như vậy, sau 70 năm diện tích rừng ngập mặn đã mất đi trên 60% diện tích từ 400.000 ha (năm 1943) xuống còn 160561 ha (năm 2018), theo đó cấu trúc rừng cũng
bị thay đổi
1.2.2.2 Nguyên cứu sự suy thoái ĐDSH và nguyên nhân
Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà ĐDSH của Việt Nam đã bị suy thoái trầm trọng Diện tích rừng, hệ sinh thái có ĐDSH cao nhất đã giảm từ 72% (1909) xuống 43% (năm 1941) xuống 28% (1995) Trong gần 5 thập kỷ qua, diện tích rừng ngập mặn đã giảm 80%, khoảng 96% các rạn san hô bị đe doạ huỷ hoại nghiêm trọng Trong những năm gần đây, với nhiều cố gắng của nhà nước và cộng đồng, diện tích che phủ của rừng đã được nâng lên: 33,2% (2000), 35,8% (2003) và 39,1% (2009) Tuy nhiên, rừng nguyên sinh/rừng giầu vẫn có xu hướng giảm sút chỉ còn khoảng dưới 10% (Alexander và nnk., 2000, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2005)
Các kết quả điều tra cũng cho thấy, các giống loài động vật và thực vật ở nước
ta do nơi cư trú nhất là rừng bị tàn phá, do nguồn nước bị cạn kiệt và do khai thác quá mức nhất là nạn săn bắt đã làm cho ĐDSH bị suy thoái Trong sách đỏ IUCN (2004) đã ghi 289 loài và Sách đỏ Việt Nam (2004) đã ghi 1.056 loài là những loài đang bị đe dọa toàn cầu (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2005)
Trang 29Nguyên nhân của sự mất, chia mảnh và suy thoái của rừng rất khác nhau và
có thể chia thành 2 nhóm: nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp Tuy nhiên, yếu tố quan trọng làm suy giảm tính ĐDSH của rừng là do con người Sự lấn chiếm của đất nông nghiệp vào đất rừng, chăn thả gia súc quá mức, canh tác nương rẫy, quản lý không bền vững, các sinh vật ngoại lai xâm lấn, phát triển cơ sở hạ tầng (làm đường, nhà máy thủy điện, đô thị hóa, khai thác mỏ, khai thác dầu khí), cháy rừng
do nhân tác, ô nhiễm, biến đổi khí hậu đều làm cho rừng nhất là tinh đa dạng của nó
bị suy giảm Sự suy thoái trên làm giảm tính thích ứng của các HST rừng Điều này
đã làm cho các HST rừng phải đương đầu với sự thay đổi ngày càng tăng của các điều kiện môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trương Quang Học (Chủ biên),
2003, Trương Quang Học, 2008)
(Nguồn: Trương Quang Học và cs, 2012)
Hình 1.4 Mối quan hệ giữa HST/ĐDSH và đời sống xã hội
1.2.2.3 Nghiên cứu về khả năng phòng hộ của rừng ngập mặn ở Việt Nam
Trang 30Ở nước ta, từ lâu con người đã biến đến tác dụng chắn sóng của RNM, trong các công trình nghiên cứu về RNM đa số đều đề cập đến tác dụng chắn gió, chắn sóng của các đai RNM Có thể kể đến các công trình nghiên cứu về khả năng chắn gió, chắn sóng của các đai RNM như: Phan Nguyên Hồng và cs (2005), Vũ Đoàn Thái (2005), La Thị Cang (2005), Vương Văn Quỳnh (2010), Nguyễn Hải Hòa (2011), Trịnh Văn Hạnh và cs (2011), Chu Văn Cường (2012), Đoàn Đình Tam (2012), Nguyễn Văn Ngoãn (2013) Cụ thể:
- Phan Nguyên Hồng và cs (2005) cho biết, bão và sóng biển làm vỡ hoặc sạt
lở đê, gây thiệt hại to lớn tới sản xuất và cuộc sống người dân ven biển chủ yếu ở những vùng không có RNM hoặc có RNM nhưng đã bị chặt phá chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác Những nơi có diện tích RNM đủ lớn cấu trúc hỗn loài thì tính mạng và tài sản của người dân được bảo vệ Theo tác giả, bảo vệ RNM ven biển phải ưu tiên hàng đầu để giảm tác hại từ thảm họa thiên nhiên như sóng biển, triều cường
- Kinh nghiệm của các nước rút ra qua cơn sóng thần khủng khiếp ngày 26/12/2004 ở Nam và Đông Nam Á cho thấy: Nơi nào mà RNM và vỉa san hô còn tương đối nguyên vẹn thì tổn thất không lớn (Phan Nguyên Hồng, 2005) vì RNM có thể cản sóng cao từ 10 - 15m còn rạn san hô ngăn cản sóng lừng
- Vũ Đoàn Thái (2005) khi nghiên cứu khả năng chắn sóng, bảo vệ bờ biển qua một số kiểu cấu trúc RNM trồng ven biển Hải Phòng cho biết, qua các trận bão số 2,
6 và số 7 (2005) tác dụng chắn sóng của một số kiểu rừng trồng đã làm giảm đáng
kể độ cao sóng trong bão Tại thời điểm đo đối với rừng Trang (5, 6 tuổi), đai rừng rộng 650m và rừng Bần chua (8, 9 tuổi) có độ rộng tương ứng là 920m và 650m, độ cao sóng sau rừng giảm từ 77 - 88% Mức độ giảm độ cao sóng trong bão khi qua các đai rừng phụ thuộc vào kiểu cấu trúc RNM và hướng sóng truyền
1.2.2.4 Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ở Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để định hướng cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH, trong đó bao gồm công tác phục hồi HST rừng, gắn với phát triển kinh tế-xã hội và nhiều các văn bản luật, văn bản dưới luật để triển khai thực hiện trên thực tế Phục hồi HST và phát triển rừng đã được thể
Trang 31hiện trong các văn bản luật như Luật Bảo vệ môi trường (ban hành năm 1993, sửa đổi 2005), Luật Đa dạng sinh học (2009), Luật Bảo vệ và phát triển rừng (ban hành năm 1991, sửa đổi năm 2005), đồng thời được đề cập trong các chiến lược phát triển như Định hướng chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam (2004), Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (2012), Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (2012), trong chiến lược phát triển ngành như Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (2012), Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 (2007) Những văn bản pháp lý này là cơ
sở quan trọng trong việc chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH và phục hồi HST
Trong cuốn Kế hoạch hành động bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn Việt Nam đến 2015 thuộc dự án ngăn ngừa xu hướng suy thoái môi trường biển Đông và Vịnh Thái Lan, hợp phần rừng ngập mặn Việt Nam GS TSKH Đỗ Đình Sâm cùng các tác giả khác đã cho rằng: Gần đây vấn đề thoái hoá môi trường biển và ven bờ vùng biển Đồng và vịnh Thái Lan đã trở nên nghiêm trọng nên việc bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn là vô cùng cần thiết với các hoạt động cụ thể như:
- Rà soát, bổ sung các quy hoạch hiện có trên quan điểm hệ sinh thái Phân chia
rõ rệt diện tích rừng sản xuất và rừng phòng hộ
- Thiết lập cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến tài nguyên rừng ngập mặn
- Lập kế hoạch phục hồi rừng ngập mặn theo từng giai đoạn 5 năm, xác định rõ địa điểm và phương thức, giải pháp phục hồi có hiệu quả (Đỗ Đình Sâm và cs, 2005) Nghiên cứu giải pháp trồng cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ đê ven biển Thanh Hóa và Ninh Bình” đã cho rằng đối với các vùng bãi có sóng to, chưa ổn định, khi trồng cây ngập mặn phải xây dựng các công trình tạm chắn sóng để làm giảm sóng, tạo điều kiện cho cây mới trồng đạt tỷ lệ sống cao, đồng thời ươm cây trong bầu đạt tiêu chuẩn cần thiết về cả chiều cao, đường kính gốc và độ tuổi rồi mới đem trồng trên bãi ngập mặn thì mới đạt hiệu quả
Trịnh Văn Hạnh và cs (2011) đã nghiên cứu về diễn biến diện tích rừng ngập mặn và đường bờ tại Gò Công Đông - Tiền Giang và đề xuất giải pháp khôi phục
Trang 32rừng ngập mặn, hạn chế xói lở đối với từng loại rừng Đối với các khu rừng tự nhiên, tạo hành lang cho cây tái sinh ở bìa rừng phía biển bằng hạn chế các hoạt động khai thác thủy sản diễn ra ở khu vực này, đặc biệt là mùa tái sinh của các cây tiên phong, mặt khác có thể chủ động đốn tỉa một số cây già cỗi theo các vạt rừng so le nhau để trồng cây mới thay thế Đối với các khu rừng đã trồng cây ngập mặn thuần loài các năm trước, phải tiếp tục trồng loài cây này để mở rộng đai rừng về phía biển và trồng
bổ sung các loài hỗn giao xen lẫn; với các bãi bồi đang trong quá trình bồi tụ chưa
có rừng ngập mặn cần tiến hành trồng các loài cây thích hợp với điều kiện cụ thể của bãi triều vào mùa vụ hợp lý
Ví dụ nghiên cứu về phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Cần Giờ
Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thiên nhiên Thế giới đầu tiên ở Việt Nam Đó là phần thưởng lớn cho nỗ lực tái sinh lại rừng ngập mặn Cần Giờ vốn đã bị phá trắng gần như toàn bộ do chất độc khai quang của Mỹ và nạn phá rừng sau chiến tranh
Sau 30 năm, rừng sinh thái ngập mặn Cần Giờ đã bắt đầu hình thành và phát triển theo hướng bền vững với diện tích rừng đã phủ xanh hơn 31 nghìn ha, trong đó
có gần 20 nghìn ha rừng trồng, hơn 11 nghìn ha được khoanh nuôi tái sinh tự nhiên
và các loại rừng khác, trong đó có hơn 20.000 ha được trồng theo chương trình của nhà nước (Lê Xuân Tuấn và cs, 2008) Quá trình phục hồi thành công hệ thực vật rừng ngập mặn đã góp phần tạo ra môi trường sống cho các loài động vật trên cạn, dưới nước phát triển về chủng loài lẫn số lượng Rừng ngập mặn Cần Giờ với hệ thống sông rạch chằng chịt, các bãi bồi, ao đầm, rừng – đầm nhận nước từ sông Sài Gòn, Đồng Nai – giàu chất dinh dưỡng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài thủy sinh vật có nguồn gốc biển, nước lợ theo thủy triều vào rừng sinh sống Thành phần các loài thủy sinh vật ở rừng Cần Giờ rất phong phú, có trên 130 loài Tảo; trên 100 loài Động vật không xương sống; trên 120 loài Cá nước lợ, nước mặn; 9 loài Lưỡng thê; 31 loài Bò sát; trên 150 loài Chim thuộc 47 họ, 17 bộ (trong đó có 51 loài Chim nước và 79 loài không phải là chim nước) sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau; Thú có 19 loài, thuộc 13 họ, 7 bộ (Viện Sinh học Nhiệt đới, 2007)
Trang 33Hiện nay, Cần Giờ với hơn 30 ngàn ha rừng ngập mặn được trồng mới, nhiều loài cây rừng được trồng và thu hút được nhiều các loài động vật trở về sinh sống Đây có thể nói là một điển hình phục hồi HST rừng ngập mặn ven biển, nhằm nâng cao tính ĐDSH và ứng phó với BĐKH
1.2.3 Tổng quan khu vực nghiên cứu
Thanh Hoá có tổng chiều dài bờ biển là 102 km, thuộc địa bàn của 6 huyện, thành phố ven biển: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Thành phố Sầm Sơn, Quảng Xương và Tĩnh Gia; bờ biển chạy dài từ cửa Càn, huyện Nga Sơn đến Hà Nẫm, huyện Tĩnh Gia Có 56 xã tiếp giáp bờ biển và các xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng biển, triều cường
Năm 2008, tổng diện tích rừng ven biển là 2.319,09 ha Trong đó: Rừng ngập mặn là 1.004,65 ha Trong giai đoạn 2000 - 2008, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển rừng phòng hộ ven biển thông qua các chương trình dự án: Dự
án 661 trồng mới 5 triệu ha rừng, Đề án Hội chữ thập đỏ Nhật Bản (JFC Project), Tổ chức Hành động và phục hồi rừng ngập mặn Nhật Bản (ATM Project), dự án CARE Tuy nhiên, do công tác quản lý chưa tốt nên diện tích rừng tăng chậm, một số diện tích rừng ngập mặn bị cây Hà bám chích hút thân cây làm cho cây còi cọc dẫn đến chết
Năm 2010 - 2012, tổng diện tích rừng ven biển là 2.084 ha Diện tích rừng ngập mặn là 1.174 ha Rừng phòng hộ ven biển tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được đầu tư phát triển thông qua các chương trình dự án: Dự án 661 trồng mới 5 triệu ha rừng, dự án trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, Đề án Hội chữ thập đỏ Nhật Bản (JFC Project), dự án Care, dự án trồng rừng phòng hộ ven biển do Quỹ thiên tai miền trung tài trợ, các dự án tu bổ đê, dự án biến đổi khí hậu Tuy nhiên, một số diện tích rừng ngập mặn bị con Hà bám chích hút thân cây làm cho cây còi cọc dẫn đến chết, diện tích rừng phòng hộ giảm so với năm 2008 Đến năm
2015, tổng diện tích rừng ngập mặn còn là: 558,61 ha
Một số giải pháp phục hồi và phát triển rừng ngập mặn tỉnh Thanh Hóa
Trang 34Từ năm 1993 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện chương trình/dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển: Chương trình trồng rừng 327 Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (dự án 661) Dự án trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ kết hợp cải tạo môi trường sinh thái do Chi cục Đê điều và PCLB thực hiện Chương trình trồng rừng ngập mặn phòng ngừa thảm họa do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ Trồng rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, cải thiện sinh kế do tổ chức Care thực hiện Dự án đầu tư phát triển rừng ngập mặn phòng hộ tại các xã ven biển huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa do Quỹ thiên tai miền Trung tài trợ Các dự án, chương trình tập trung vào trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ven biển Bên cạnh đó, có một số đề tài đưa ra các giải pháp về phục hồi và trồng mới diện tích rừng phòng hộ ven biển như:
Chương trình trồng rừng 327
Đây là chương trình do nguồn ngân sách của nhà nước từ năm 1993 - 1997 với các loài cây ngập mặn chủ yếu như trang (trồng bằng trụ mần), bần chua (trồng bằng cây con rễ trần), mắm (trồng bằng cây con rễ trần) thuần loài với mật độ trung bình
là 6.000 - 10.000 cây/ha và trồng hỗn giao trang + bần Tuy nhiên diện tích này đã không thể tồn tại và phát triển được thành rừng
Chương trình trồng rừng ngập mặn do Hội chữ thập đỏ tiến hành
Trồng với mật độ dày đặc từ 10.000 - 20.000 cây/ha với 3 loài cây chủ yếu là trang (trồng bằng trụ mần), Bần chua, Mắm (trồng bằng cây con, rễ trần và trụ mầm) Các biện pháp kỹ thuật sử dụng ở đây chủ yếu là các biện pháp trồng rừng thông thường với các loài cây chủ yếu là Trang, Bần, Mắm (dùng trụ mầm và cây con rễ trần)
Tuy nhiên, mức độ thành công thông qua các diện tích rừng khép tán là không lớn Các diện tích này đa số không tồn tại quá 3 năm sau khi trồng để khép tán rừng Còn các diện tích tồn tại được chủ yếu là ở các diện tích có lập địa thuận lợi, kín gió, thành phần dinh dưỡng trong đất đỡ nghèo và ổn định hơn
Chương trình trồng rừng 661
Trang 35Từ năm 1999 đến năm 2005 tỉnh Thanh Hóa áp dụng trồng Bần (trồng bằng cây con, rễ trần), Trang (trồng bằng trụ mầm), Mắm, Đước vòi, với mật độ 400 cây/ha đến 16.000 cây/ha Tuy nhiên, cũng như chương trình do Hội chữ thập đỏ tiến hành thì tỷ lệ sống cũng rất thấp và diện tích rừng còn lại khép tán thành rừng, có khả năng phòng hộ cao cũng không nhiều
Dự án “Tái trồng rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng tại xã Đa Lộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá” do CARE Việt Nam thực hiện
Dự án được triển khai trên diện tích 120ha ngập mặn và phát triển các hệ thống quản lý bền vững 350ha rừng ngập mặn trong khu vực với sự tham gia chủ yếu của cộng đồng dân cư tại địa phương, từ việc thành lập các nhóm ươm cây giống, trồng rừng và bảo vệ rừng
Cuối năm 2009 Dự án đánh giá kết quả sau 4 năm triển khai, đã trồng được 120ha rừng ngập mặn gồm cây trang trồng xen với cây Bần chua, tỷ lệ cây sống 80%
- 85% Xây dựng được 1 vườn ươm cây giống, hiện còn 1,5 vạn cây con do cộng đồng quản lý, để cung cấp cây giống tiếp tục trồng trên diện tích 30ha của xã Đa Lộc trong năm 2010 Làm được 320m kênh mới cung cấp nước sạch cho vùng gieo cấy lúa và phát triển nuôi trồng thuỷ sản
Dự án “Rừng ngập mặn- Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế
Từ năm 2010 – 2015, dự án thực hiện ở Thanh Hóa với các mục tiêu: Giúp các
xã thực hiện dự án nâng cao được tình trạng an toàn trước thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu Nâng cao kiến thức của cộng đồng về giảm thiểu rủi ro, thảm họa
và tác động của biến đổi khí hậu Đồng thời nâng cao năng lực của cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó thảm họa và năng lực của cán bộ Chữ thập đỏ các cấp về giảm thiểu rủi ro thảm họa, biến đổi khí hậu và quản lý dự án
Kết quả sau 5 năm thực hiện, các nội dung của mục tiêu đều thực hiện đảm bảo theo tiến độ đề ra Năm 2014, Tỉnh Hội đã chỉ đạo 5 đội bảo vệ rừng làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ hơn 539 ha rừng cũ tại 5 xã: Nga Tân, Nga Thủy, Đa Lộc, Hoằng Châu và 10 ha rừng trồng mới tại xã Nga Tân Hiện rừng đang phát triển và
Trang 36khả năng tái sinh rất tốt, nhất là cây Bần chua, không có hiện tượng sâu bệnh và phá rừng Năm 2015, hội đã tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động tại các xã thực hiện
dự án và công tác chăm sóc bảo vệ diện tích rừng ngập mặn với 542 ha ở các xã nói trên
Như vậy trên địa bàn xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã có những nghiên cứu về phục hồi và phát triển RNM Do đó, nó là tài liệu tham khảo khi thực hiện nghiên cứu về phục hồi và phát triển hệ sinh thái RNM cho xã cũng như nghiên cứu về các chính sách, xây dựng các chương trình dự án ứng phó với BĐKH, cũng như giúp cho việc lồng ghép ứng phó với BĐKH vào lập kế hoạch kinh
tế xã hội của chính quyền địa phương và các ngành, lĩnh vực
Trang 37CHƯƠNG II: PHẠM VI, CÁCH TIẾP CẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP
NGHIÊN CỨU
2.1 Phạm vị nghiên cứu
- Phạm vi không gian: Xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa
- Phạm vi thời gian: Từ tháng 2 đến tháng 08 năm 2018 Số liệu được hồi cứu trong thời gian từ năm 1985 – 2017
- Phạm vi chuyên môn: Luận văn đề cấp tới 3 vấn đề: i) Cấu trúc, chức năng, diễn thế HST RNM; ii) Nguyên nhân gây suy giảm hệ sinh thái rừng ngập mặn; iii) Các giải pháp tăng cường tính chống chịu/dịch vụ HST RNM
2.2 Cách tiếp cận
2.2.1 Tiếp cận hệ sinh thái
Tiếp cận hệ sinh thái đặt con người và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của
họ hướng trực tiếp đến trọng tâm của việc ra quyết định Bởi vậy, tiếp cận hệ sinh thái có thể được sử dụng để tìm kiếm một sự cân bằng thích hợp giữa việc bảo vệ và
sử dụng sự đa dạng sinh học ở những vùng có nhiều người sử dụng tài nguyên và các giá trị quan trọng của thiên nhiên Chính vì vậy nó thích hợp đối với các nhà chuyên môn và những người sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, bảo tồn, quy hoạch và nhiều lĩnh vực khác
Tiếp cận hệ sinh thái là một chiến lược để quản lý tổng hợp đất, nước và các tài nguyên sống nhằm tăng cường bảo vệ và sử dụng bền vững theo hướng công bằng khác (theo khung cơ bản cho hành động của Công ước Đa dạng sinh học)
2.2.2 Tiếp cận liên ngành
Trong quá trình phát triển của tự nhiên, bản chất, chức năng và giá trị của bất
kỳ một hệ sinh thái nào cũng vừa phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên, vừa chịu ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế - xã hội và văn hoá của con người Do đó, một hệ sinh thái bất kỳ cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau về tự nhiên (sinh học, sinh thái học, địa lý, địa chất, thủy văn ), về xã hội (văn hoá, phong tục, tập quán, xung đột môi trường), kinh tế, Do đó, để có thể đề xuất được các giải pháp phát
Trang 38triển bền vững cần có sự tích hợp các chuyên ngành, sự phối hợp các chuyên gia thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau như lâm nghiệp, thủy lợi, quản lý,…
2.2.3 Tiếp cận kết hợp Trên xuống – Dưới lên (dựa vào cộng đồng)
Tiếp cận các kiến thức bản địa và kinh nghiệm truyền thống của nhân dân địa phương trong quá trình trồng và khai thác hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển, cũng như các quá trình thay đổi của hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển Cộng đồng dân
cư tại địa phương và trong khu vực cũng là những người được hưởng lợi đầu tiên của việc khôi phục lại hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển
2.2.4 Tiếp cận về phát triển bền vững
Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại
và không làm tổn thương đến khả năng phát triển để thỏa mãn nhu cầu của thế hệ tương lai Phát triển bền vững cần đảm bảo sự bền vững cả về kinh tế, bền vững cả
về môi trường và bền vững cả về xã hội
Cơ sở của phát triển bền vững là giảm đến mức thấp nhất sự cạn kiệt tài nguyên, đảm bảo sử dụng lâu dài tài nguyên không tái tạo (khoáng sản, đất ) Bảo tồn tính
đa dạng sinh học, đảm bảo tài nguyên tái tạo (thực vật, động vật ), giữ cân bằng các
hệ sinh thái tự nhiên, đảm bảo năng suất sinh học cao
Tiếp cận phát triển bền vững hệ sinh thái rừng phòng hộ ven biển là đặt rừng chắn gió, chắn cát, rừng ngập mặn trong mối quan hệ với nhiều nhân tố khác, trong mối quan hệ nhiều mặt với các yếu tố khác, chúng duy trì và kìm hãm lẫn nhau tạo nên một hệ sinh thái cân bằng và khó bị thay đổi hơn
2.3 Phương pháp nghiên cứu
Để đánh giá được hiện trạng rừng ngặp mặn trong thời gian qua, tác giả sử dụng chuỗi số liệu thống kê về diễn biến rừng ngập mặn từ năm 1985 đến năm 2017 của Phòng thống kê huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Nhằm đánh giá tác động tiềm tàng của BĐKH đến rừng ngập mặn, tác giả đã
sử dụng kết hợp cả kịch bản BĐKH của tỉnh Thanh Hóa năm 2016 và kịch bản BĐKH cập nhật cho Việt Nam năm 2016 Kịch bản đã sử dụng cho các yếu tố khí hậu đó là kịch bản về nhiệt độ, lượng mưa và nước biển dâng
Trang 39Để đánh giá tác động của BĐKH đến đời sống, sức khỏe và sinh kế của người dân như thế nào, các phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA) cũng
đã được sử dụng
Nghiên cứu này gồm hai phần: Nghiên cứu tại văn phòng và nghiên cứu thực địa Các phương pháp được sử dụng bao gồm:
2.3.1 Phương pháp hồi cứu, kế thừa số liệu (Desk study)
Thu thập các thông tin liên quan đến các nội dung nghiên cứu từ các luận án, sách, các bài báo khoa học, báo cáo, dự án đầu tư, kết quả nghiên cứu của các công trình đã công bố trên thế giới, Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa Thu thập các thông tin
từ thư viện điện tử, các trang websites trên Internet
Thu thập, kế thừa các công trình nghiên cứu khoa học đi trước và tài liệu, sách báo có liên quan đến vấn đề nghiên cứu của đề tài trên nguyên tắc kế thừa có chọn lọc: + Các báo cáo của xã và huyện được sử dụng là các báo cáo cập nhật nhất, là các báo cáo chính thức của địa phương, được thu thập bằng cách liên hệ trực tiếp với Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng bộ xã như các báo cáo về phát triển KT-XH của UBND xã năm 2017, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế văn hóa
xã hội, an ninh quốc phòng giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 của
xã Nga Thủy
+ Thu thập và kế thừa số liệu thống kê về hiện trạng rừng ngập mặn ven biển
xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa từ năm 1985 đến năm 2017
+ Thu thập và kế thừa số liệu về kịch bản BĐKH của tỉnh Thanh Hóa năm 2015,
2016
+ Báo cáo mức độ thiệt hại của rừng phòng hộ ven biển tỉnh Thanh Hóa bởi tác động của điều kiện tự nhiên
+ Báo cáo về diện tích rừng phòng hộ được phục hồi, trồng mới hoặc mở rộng
tự nhiên qua các năm của tỉnh Thanh Hóa
+ Kịch bản BĐKH cho Việt Nam năm 2016 (bản cập nhật) của Bộ Tài nguyên
và Môi trường do NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam
Trang 40+ Các chính sách và Chương trình quốc gia về ứng phó với BĐKH, Chiến lược quốc gia về phục hồi và phát triển rừng ngập mặn Ngoài ra trong quá trình thực hiện còn tham khảo các thông tin, tài liệu trên mạng internet, sách, báo, truyền hình tỉnh Thanh Hóa, các báo cáo hội nghị khoa học, hội thảo, kỷ yếu hội thảo quốc gia về nâng cao sức chống chịu trước BĐKH v.v…Kết quả thử nghiệm các mô hình phục hồi và phát triển HST rừng ngập mặn tại địa phương
Các tài liệu sau khi thu thập được phân tích, tổng hợp, lưu trữ có hệ thống
để tiện cho việc sử dụng Các thông tin trước khi sử dụng cho nghiên cứu được xem xét và có sự đối chiếu, tham khảo từ nhiều tài liệu khác nhau để đảm bảo
độ tin cậy cao
2.3.2 Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa khu vực
- Điều tra, khảo sát thực địa và thu thập các số liệu về kinh tế - xã hội, điều kiện
tự nhiên khu vực nghiên cứu
- Điều tra khảo sát về thực trạng, nguyên nhân gây suy giảm rừng ngập mặn tại khu vực nghiên cứu Sử dụng phương pháp của Nguyễn Nghĩa Thìn (2007) và Hoàng Chung (2006) như sau:
+ Lập 3 tuyến điều tra tại 3 thôn/xóm của xã Nga Thủy có rừng ngập mặn, 3 OTC đại diện cho rừng trồng Bần chua thuần loài, rừng trồng Trang thuần loài và rừng hỗn giao giữa Bần chua và Trang để điều tra các chỉ tiêu sinh trưởng, mật độ và thành phần loài cây ngập mặn Diện tích OTC là 500m² (20m x 25m)
+ Lập 02 ô dạng bản trong 1 OTC để điều tra, xác định khả năng tái sinh rừng ngập mặn Diện tích ODB là 100m² (10m x10m) Ô dạng bản được bố trí trên các đường chéo, đường vuông góc và các cạnh của OTC
- Tuyến điều tra điển hình được lập căn cứ vào:
+ Bản đồ hiện trạng rừng khu vực nghiên cứu;
+ Số liệu (số liệu Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng ven biển năm 2016, số liệu kiểm kê rừng năm 2015);
+ Ảnh vệ tinh khu vực có rừng trên đất cát với hình thái khu rừng