Việc sử dụng hợp lý quyền tác giả đã được các văn bản pháp lý trước đây và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 hiện hành sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ Vi
Trang 1ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
NGUYÊN THỊ KIM CHÂU
QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG HỢP LÝ ĐỐI VỚI QUYỀN TÁC GIẢ TRONG PHÁP LUẬT
SỞ HỮU TRÍ TUỆ VIỆT NAM
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP Giảng viên hướng dẫn: TS Trần Kiên
Hà Nội – 2018
Trang 2LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Khóa luận là công trình nghiên cứu của riêng tôi Các kết quả nêu trong Khóa luận chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong Khóa luận đảm bảo tính chính xác, tin cậy và trung thực
Vậy tôi viết Lời cam đoan này đề nghị Khoa Luật xem xét để tôi có thể bảo vệ Khóa luận
Tôi xin chân thành cảm ơn!
NGƯỜI CAM ĐOAN
Nguyên Thị Kim Châu
Trang 3MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1 Mục đích nghiên cứu 1
2 Tình hình nghiên cứu 2
3 Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu 2
4 Đối tượng, phương pháp nghiên cứu 3
5 Kết cấu của khoá luận 3
NỘI DUNG 4
Chương 1 Một số vấn đề lý luận về vấn đề sử dụng hợp lý quyền tác giả 4
1.1 Khái quát chung về quyền tác giả 4
1.2 Tổng quan về sử dụng hợp lý quyền tác giả 7
1.2.1 Khái niệm sử dụng hợp lý 7
1.2.2 Cơ sở lý luận của việc sử dụng hợp lý quyền tác giả 9
1.2.3 Nội dung sự sử dụng hợp lý 10
1.2.4 Vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng hợp lý 14
1.3 Quy định của pháp luật một số nước về vấn đề sử dụng hợp lý 15
1.3.1 Theo Luật bản quyền của Hoa Kỳ 15
1.3.2 Theo pháp luật Anh 22
Chương 2 Quy định của pháp luật Việt Nam về sử dụng hợp lý quyền tác giả 27
2.1 Sự hình thành và phát triển của quy định về sử dụng hợp lý quyền tác giả trong pháp luật Việt Nam 27
2.2 Quy định của pháp luật Việt Nam đối với việc sử dụng hợp lý quyền tác giả và bình luận 30
Trang 42.2.1 Các trường hợp sử dụng tác phẩm được liệt kê là sử dụng hợp lý quyền 30
2.2.1.1 Sử dụng hợp lý quyền sao chép tác phẩm 32
2.2.1.2 Sử dụng hợp lý quyền tác giả: trích dẫn tác phẩm 36
2.2.1.3 Sử dụng hợp lý quyền thông tin tác phẩm đến công chúng 38
2.2.1.4 Sử dụng hợp lý quyền làm tác phẩm phái sinh 39
2.2.2 Điều kiện để được coi là sử dụng hợp lý 40
2.2.3 Tiểu kết về cách thức quy định của pháp luật Việt Nam đối với vấn đề sử dụng hợp lý quyền tác giả 43
2.2.3.1 Ưu điểm 43
2.2.3.2 Nhược điểm 44
Chương 3 Kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ về quy định sử dụng hợp lý 45
3.1 Thay thế các quy định mang tính chất định lượng bằng quy định định tính 45
3.2 Bổ sung các điều kiện để được coi là sử dụng hợp lý tác phẩm 48
3.3 Chủ sở hữu quyền tác giả tự bảo vệ mình 49
3.4 Xây dựng, hoàn thiện, phát triển hệ thống án lệ về sử dụng hợp lý 50
KẾT LUẬN 52
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 53
Trang 5MỞ ĐẦU
1 Mục đích nghiên cứu
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, các tài sản sở hữu trí tuệ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và trong đời sống xã hội Điều này đòi hỏi các nước một mặt phải xây dựng và hoàn thiện các quy chế pháp lý nhằm bảo
vệ và thực thi có hiệu quả các quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu trí tuệ, mặt khác cũng phải quy định và tìm các giải pháp nhằm đảm bảo cho công chúng tiếp cận và khai thác các đối tượng sở hữu trí tuệ, đặc biệt ở các quốc gia kém hoặc đang phát triển, tránh sự lạm dụng quyền của các chủ sở hữu trí tuệ Một trong số những giải pháp để đảm bảo công chúng được tiếp cận một cách chính đáng và hợp lý đối với các tri thức của nhân loại đó là các quy định về việc được sử dụng hợp lý quyền tác giả Việc sử dụng hợp lý quyền tác giả đã được các văn bản pháp lý trước đây và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 hiện hành (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam) ghi nhận dưới tên gọi là các trường hợp được sử dụng quyền tác giả không phải xin phép (phải trả/không phải trả nhuận bút, thù lao), hay trong khoa học pháp lý gọi đây là một giới hạn của quyền tác giả) Sự sử dụng hợp lý quyền tác giả được ghi nhận trong pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam chính là một nỗ lực của các nhà làm luật nhằm có thể nội luật hoá các quy định trong các Điều ước quốc tế về vấn đề này mà Việt Nam đã kí kết, gia nhập, đồng thời thể hiện tham vọng muốn pháp luật luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam có thể tương thích với các thông lệ quốc tế và các hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ tiến bộ trên thế giới
Với tuổi đời ít cũng như kỹ thuật lập pháp còn hạn chế, các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam về vấn đề sử dụng hợp lý quyền tác giả còn có một số các quy định bất cập, chưa bao quát được hết các trường hợp sử dụng hợp lý, mặc dù đã có những nỗ lực thể hiện qua việc thay đổi, bổ sung các quy định này qua các lần sửa đổi,
Trang 6bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cũng như việc ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết Do
đó, với mong muốn có thể đưa ra những nhận định chi tiết về quy định sử dụng hợp lý quyền tác giả trong pháp luật Việt Nam cũng như đề xuất các kiến nghị của mình để
góp phần hoàn thiện và phát triển các quy định ấy, người viết đã chọn đề tài “Quy định
về sử dụng hợp lý quyền tác giả trong pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam” để làm báo
cáo cho Khoá luận tốt nghiệp của mình tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
2 Tình hình nghiên cứu
Theo sự tìm hiểu của người viết, một số ý kiến đánh giá sự hạn chế, bất cập của các quy định về sự sử dụng hợp lý quyền tác giả đã xuất hiện trên các diễn dàn luật học, các bài viết trên các trang điện tử, báo cáo, hội thảo1, tuy nhiên vẫn chưa có một nghiên cứu riêng biệt về quy định sử dụng hợp lý trong pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và
đề xuất cách thức quy định mới đối với các quy định này Do đó, đề tài khoá luận này thể hiện được tính mới khi đưa ra các nhận định, phân tích một cách chi tiết các quy định về sử dụng hợp lý trong pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật sở hữu trí tuệ của một số các quốc gia khác và đề xuất cách thức quy định mới về vấn đề này
3 Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
Với mục đích được đề cập ở trên, mục tiêu nghiên cứu của người viết bao gồm: (1) Đưa ra được góc nhìn toàn diện đổi với các quy định về vấn đề sử dụng hợp lý theo pháp luật Việt Nam và so sánh với các quy định về vấn đề này ở một số nước khác trên thế giới Mục tiêu này đi kèm với nhiệm vụ đó là phân tích đầy đủ các quy định pháp luật để nhận định những hạn chế, lỗ hổng pháp lý trong việc quy định và thực thi quyền
1 (1) Phạm Thị Hồng Đào, Những bất cập, hạn chế của pháp luật sở hữu trí tuệ và kiến nghị hoàn thiện,
( http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1955 ); (2) Phòng thương mại và công
nghiệp Việt Nam, Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương
(TPP) về Sở hữu trí tuệ, Nxb Công Thương; (3) Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU về Sở hữu trí tuệ, Nxb Công
Thương; (4) Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo Quyền tác giả trong hoạt động thư viện tại
Trang 7sử dụng hợp lý trong luật; (2) Nâng cao hiệu quả áp dụng Luật sở hữu trí tuệ đối với những trường hợp được sử dụng quyền tác giả Nhiệm vụ đi kèm với mục tiêu này là phân tích quy định pháp luật nước ngoài về sử dụng hợp lý, từ đó kiến nghị các thức quy định “định tính” đối với các quy định này
4 Đối tượng, phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là các quy định về vấn đề sử dụng hợp lý tác phẩm trong và ngoài nước; các vụ việc cụ thể về vấn đề sử dụng hợp lý trên thực tế Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài bao gồm phương pháp so sánh, đối chiếu; phương pháp phân tích, tổng hợp, đánh giá
5 Kết cấu của khoá luận
Để giải quyết các vấn đề đã đề cập ở trên, khoá luận này có kết cấu gồm 03 Chương
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về vấn đề sử dụng hợp lý quyền tác giả;
Chương 2: Quy định của pháp luật Việt Nam về sử dụng hợp lý quyền tác giả;
Chương 3: Kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ về quy định sử dụng
hợp lý
Trang 8NỘI DUNG
Chương 1 Một số vấn đề lý luận về vấn đề sử dụng hợp lý
quyền tác giả
1.1 Khái quát chung về quyền tác giả
Những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học (sau đây gọi là tác phẩm) được tạo ra
có thể mang những đặc điểm khác nhau về ngôn ngữ, hình thức, địa lý, lịch sử, nhưng tựu chung lại chúng đều là sản phẩm sáng tạo của trí tuệ con người và mang đặc điểm phi vật thể Theo đó, các tác phẩm có thể được dễ dàng phổ biến và khai thác Điều này dẫn đến việc các tác giả và chủ sở hữu của các tác phẩm đứng trước nguy cơ bị mất độc quyền khai thác giá trị kinh tế đối với những sản phẩm trí tuệ của mình Vì thế, yêu cầu đặt ra là cần có một hệ thống pháp luật để có thể bảo hộ được những quyền lợi của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm Xuất phát từ mục đích này, pháp luật về quyền tác giả
ra đời Quyền tác giả (hay bản quyền) thường được coi là “quyền của tác giả kiểm soát việc tái sản xuất tài sản trí tuệ của anh ấy” 2 Quyền tác giả còn có thể hiểu là quyền lợi
vật chất và tinh thần mà tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học kĩ thuật đem lại cho người trực tiếp sáng tạo ra nó3 Chúng ta cũng có thể quyền tác giả theo nghĩa hẹp hoặc nghĩa rộng
Theo nghĩa rộng, quyền tác giả là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các
quan hệ xã hội phát sinh từ việc cá nhân sáng tạo ra tác phẩm, có nghĩa là: “Quyền tác giả là một chế định pháp luật dân sự, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật xác nhận và bảo hộ các quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và các quy định trình tự thực hiện
2 Register of Copyrights, Report on the general revision of the U.S Copyright Law 3-6 (1961), tr 66
Trang 9và bảo vệ các quyền đó khi có hành vi xâm hại” 4 Như vậy theo nghĩa rộng, quyền tác
giả không chỉ ghi nhận quyền năng của tác giả, người sáng tạo ra tác phẩm mà con mở rộng ra các vấn đề khác như đối tượng quyền tác giả, giới hạn quyền tác giả, thừa kế quyền tác giả, hợp đồng sử dụng tác phẩm.5
Còn theo nghĩa hẹp, quyền tác giả là là quyền của người sáng tạo đối với tác phẩm của mình, nó bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm của
họ Những quyền này giúp cho tác giả có thể kiểm soát việc sử dụng tác phẩm của mình
Quyền nhân thân của tác giả là những quyền không thể chuyển giao, bao gồm những quyền gắn liền với tác giả như: quyền đặt tên cho tác phẩm, đứng tên cho tác phẩm, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm Nếu chúng ta coi tác phẩm như là một đứa con tinh thần của tác giả, thì quyền nhân thân này giống như quyền được đặt tên cho con, bảo
vệ và chăm sóc con cái Quyền nhân thân chỉ dành cho tác giả, nó tồn tại độc lập với quyền tài sản
Các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm thuộc quyền tác giả có thể được chuyển nhượng, thừa kế hoặc các hình thức chuyển giao khác theo quy định pháp luật Thực chất quyền tài sản chính là các đặc quyền của tác giả/chủ sở hữu mà khi sử dụng quyền
đó, họ sẽ có được cho mình những giá trị kinh tế nhất định Các quyền mà có thể đem lại lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu quyền tác giả có thể bao gồm: quyền làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; quyền sao chép tác phẩm; quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; quyền truyền đạt tác phẩm đến công
Trang 10chúng; quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, công trình máy tính6 Tựu chung lại ta có thể tóm tắt lại quyền tài sản của gồm các quyền:7
(1) Sao chép tác phẩm: hành vi sao chép có thể bao gồm sao chép toàn bộ tác phẩm hay một phần quan trọng của tác phẩm Sao chép khác với trích dẫn Trích dẫn là việc sử dụng một phần tác phẩm (không đáng kể) của người khác để nêu bật ý tác giả Việc trích dẫn phải không đơn thuần vì mục đích kinh doanh, không làm ảnh hưởngđến việc
sử dụng bình thường tác phẩm và phải nêu nguồn gốc tác phẩm Các hành vi sử dụng không phải là trích dẫn đều có thể bị coi là sao chép và phải được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả Sao chép có thể tiến hành dưới dạng trực tiếp (thí dụ thu băng đĩa, photocopy, sao phần mềm trên ổ cứng máy vi tính) hay dưới dạng gián tiếp (thí dụ dùng máy ghi âm, máy quay phim để ghi âm, ghi hình buổi hoà nhạc hay một bộ phim chiếu ở rạp)
(2) Công bố, phổ biến, phát thanh, truyền hình: quyền này còn được gọi là quyền
"truyền thông đến công chúng" (communication to the public) bao gồm các hành vi trình diễn, phân phối tác phẩm đến một số lượng đáng kể người sử dụng Thí dụ bao gồm trình diễn một vở kịch hay một buổi hoà nhạc, phát hành một đĩa nhạc Việc đưa một tác phẩm lên mạng ngày nay cũng được coi là truyền thông đến công chúng
(3) Dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, tuyển tập, chú giải (còn gọi là làm tác phẩm phái sinh) Khi một người muốn dịch, cải biên, chuyển thể một tác phẩm, họ phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả gốc, bởi vì những hành vi kể trên là những hành vi sử dụng tác phẩm, mà chủ sở hữu quyền tác giả có quyền cho hay không cho Ngoài ra, khi một nhà xuất bản muốn phát hành một tác phẩm viết, cũng phải xin chấp thuận của chủ sở hữu quyền tác giả Mọi hành vi sử dụng tác phẩm mà không được sự đồng ý từ
Trang 11trước của chủ sở hữu quyền tác giả đều bị coi là xâm phạm quyền tác giả (trừ các trường hợp sử dụng hạn chế do pháp luật quy định) Tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể được coi là những tác phẩm riêng, khác với tác phẩm gốc
Ngoài ra, quyền phân phối, nhập khẩu lại bản gốc hoặc bản sao tác phẩm cũng là một quyền tài sản
1.2 Tổng quan về sử dụng hợp lý quyền tác giả
1.2.1 Khái niệm sử dụng hợp lý
Trên thế giới có hai mô hình chính về quy định việc sử dụng hợp lý Một là mô hình của Hoa Kỳ: quy định các điều kiện để được coi là sử dụng hợp lý (fair use); hai là các quốc gia khác trong đó có Anh, Canada, Liên minh Châu Âu,…: liệt kê các trường hợp được coi là sử dụng hợp lý quyền tác giả, hay còn gọi là mô hình fair dealing
Tại Hoa Kỳ, sự bảo vệ bản quyền được ban hành để “thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học
và kỹ thuật có ích” 8 bằng cách tạo ra một hệ thống trong đó các tác giả và nghệ sĩ có
thể gặt hái lợi ích từ sự đóng góp sáng tại của mình Học thuyết sử dụng hợp lý được tạo ra để đóng vai trò làm đối trọng với bản quyền bằng cách “cho phép Toà án tránh
áp dụng cứng nhắc luật bản quyền khi, thỉnh thoảng, nó bóp nghẹt sự sáng tạo mà luật được tạo ra để thúc đẩy”.9 Thuật ngữ sử dụng hợp lý lần đầu tiên được pháp điển hoá trong Luật bản quyền của Hoa Kỳ năm 1976 (Copyright Act) tại Điều 107 Điều luật này quy định việc sử dụng hợp lý bao gồm “việc sử dụng thông qua việc sao chép hoặc bản ghi âm, hoặc bất cứ phương tiện nào được quy định trong điều này cho mục đích bình luận, phê bình, đưa tin, báo cáo, giảng dạy (bao gồm cả việc sử dụng nhiều bản sao cho lớp học), nghiên cứu, học tập là không vi phạm quyền tác giả” 10 Trong Luật
Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng không có quy định nào định nghĩa sử dụng hợp lý nhưng
8 Section 8 Article I, The Constitution of the United States
9 Stewart v Abend, 495 U S 207, 236 (1990) (internal quotation marks and citation omitted)
10 §107, Copyright Act 1976
Trang 12tại điều 25, 26, 32, 33 có liệt kê các trường hợp được sử dụng các tác phẩm đã công bố, quyền liên quan không phải trả thù lao/phải trả tiền nhuận bút, thù lao Có thể gọi những hành vi sử dụng này là hành vi sử dụng hợp lý quyền tác giả Như vậy, chưa có một định nghĩa chính thống nào nêu ra nội hàm của việc sử dụng hợp lý
Sử dụng hợp lý thường được các nhà luật học định nghĩa giống như “một đặc quyền của những người khác so với chủ sở hữu để sử dụng các tài liệu có bản quyền một các hợp lý mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu, bất kể độc quyền được cấp cho chủ sở hữu”11 Về bản chất thì sử dụng hợp lý là sự bảo vệ một cách chắc chắn các hành vi xâm phạm bản quyền.12 Theo nghĩa chung nhất, sử dụng hợp lý là việc sử dụng bản sao tác phẩm đã được bảo hộ mà không xin phép cho những mục đích giới hạn và biến đổi (tranformative), ví dụ như để bình luận, phê bình, học tập Nói cách khách, sử dụng hợp lý giống như một biện pháp phòng thủ để chống lại các khiếu nại về vi phạm bản quyền13 Cũng có quan điểm khác cho rằng đó là một quyền: “sử dụng hợp lý là quyền
sử dụng các tác phẩm đã được bảo hộ bản quyền theo một số điều kiện nhất định mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm”14
Theo quan điểm của người viết, có thể hiểu đơn giản là, sử dụng hợp lý quyền tác giả
là việc cá nhân, tổ chức được sử dụng các tác phẩm đã được bảo hộ quyền tác giả mà không cần có sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm với những mục đích có điều kiện được quy định trong pháp luật của mỗi quốc gia
11 Rosemont Enters., Inc v Random House, Inc., 366 F.2d 303, 306 (1966)
12 Thomas Froehlich, supra note 2, at 5 (Holger Postel, The fair use doctrine in the U.S American Copyright Act
and similar regulations in the German law, Chicago-Kent Journal of Intellectual Property, tr 144)
13 What is fair use?, Getting Permission (October 2010) by Richard Stim,
tại https://fairuse.stanford.edu/overview/fair-use/what-is-fair-use/
14 Copyright and Fair use: A guide for the Havard University, Last update on 31 May 2016,
Trang 131.2.2 Cơ sở lý luận của việc sử dụng hợp lý quyền tác giả
Có nhiều học thuyết đã ghi nhận sự cần thiết phải bảo hộ quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung, như là thuyết về quyền tự do sáng tạo (của Emmanual Kant và George Hegel)15, học thuyết giá trị lao động của John Locke16 Theo triết học của Kant và Hegel (thế kỷ 18 và 19), con người được tự do về tinh thần và ý chí Để thực hiện quyền tự do của mình, con người cần phải có quyền sở hữu (để toàn quyền định đoạt một vật theo ý chí của mình) Như vậy quyền sở hữu là công cụ để đạt được
tự do Theo triết học của Locke (thế kỷ 17), bất cứ tài sản gì là thành quả lao động của người nào thì người đó làm chủ sở hữu Người lao động có thể cho, bán, trao đổi tài sản của mình Lao động trí óc cũng không phải là ngoại lệ, vì thế người lao động trí óc
có quyền sở hữu đối với thành quả lao động sáng tạo của mình Ngoài ra học thuyết về lợi ích xã hội (Utilitarianism) cũng có nhận định cho rằng, người sáng tạo ra các sản phẩm trí tuệ thì đem lại lợi ích cho xã hội, do vậy họ xứng đáng được nhà nước trao thưởng bằng cách công nhận cho họ thông qua pháp luật các độc quyền khái thác tài sản từ sản phẩm trí tuệ đó, ai muốn khái thác thì phải trả phí
Thế nhưng nếu chỉ hướng tới mục đích bảo vệ các tác giả, các chủ sở hữu trí tuệ thì có thể dẫn đến sự lạm dụng độc quyền của chủ sở hữu trí tuệ và ảnh hưởng đến việc tiếp cận tri thức, tiếp cận thành quả khoa học kỹ thuật của đông đảo công chúng Đối với công chúng, ngoài các quyền cơ bản như: quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, tự do ngôn luận… họ còn có một quyền hết sức quan trọng và chính đáng là quyền quyền được thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của nó17 Hay nói một cách đơn giản hơn, ai cũng có quyền được tiếp cận với những tri thức mới và giá trị nghệ thuật của nhân loại Như vậy ở đây đã xuất hiện sự
Trang 14mẫu thuẫn về lợi ích giữa chủ sở hữu quyền tác giả và công chúng Thế nhưng mâu thuẫn lợi ích của hai đối tượng này không triệt tiêu lẫn nhau, bởi mục đích cuối cùng
mà họ hướng tới cũng là những giá trị của tác phẩm Và có một nguyên tắc trong pháp luật luật sở hữu trí tuệ để có thể giải quyết những mâu thuẫn này, đó là nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội18 Bản chất của nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích xã hội là sử dụng hài hoà quyền lợi giữa các bên nhằm tạo ra điều kiện tồn tại và phát triển cho chính các bên, cao hơn nữa là thúc đẩy sự phát triển của văn học, khoa học và kỹ thuật Chủ sở hữu quyền tác giả sẽ phải hi sinh một phần quyền lợi của mình để hướng tới lợi ích chung lớn hơn mà sâu xa hơn chính là tạo ra một xã hội phát triển bền vững, công bằng và bình đẳng
Việc sử dụng hợp lý quyền tác giả chính là sự thể hiện rõ ràng nhất của nguyên tắc này Bởi nhằm mục đích khuyến khích sáng tạo cũng như công bằng xã hội, trong mối quan
hệ sử dụng hợp lý, các chủ sở hữu đã không được hưởng lợi ích kinh tế (hoặc được hưởng rất ít) đối với việc các cá nhân, chủ thể khác sử dụng tác phẩm của mình Hay nói cách khác, cơ sở lý luận của việc sử dụng hợp lý chính là xuất phát từ nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ với lợi ích của xã hội
1.2.3 Nội dung sự sử dụng hợp lý
Về chủ thể được sử dụng hợp lý, bất kì cá nhân, tổ chức nào cũng được sử dụng hợp
lý quyền tác giả nhằm những mục đích chính đáng, nhưng những hành vi sử dụng ấy phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo luật định để không gây ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến các quyền tác giả
Về đối tượng, đối tượng của sự sử dụng hợp lý là các tác phẩm văn học, nghệ thuật và
khoa học được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Tuy nhiên không phải tất cả các tác phẩm
có bản quyền đều là đối tượng của sự sử dụng hợp lý Bởi có những tác phẩm bản thân
18 Lê Thị Nam Giang, Nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội, Tạp chí Khoa
Trang 15nó để có thể trở thành một tác phẩm có giá trị (đặc biệt là giá trị kinh tế - một lợi ích quan trọng của quyền tác giả) thì cần phải có sự bảo mật nghiêm ngặt (ví dụ như tác phẩm kiến trúc, chương trình máy tính) Hơn những loại tác phẩm này là các tác phẩm được thể hiện dưới một khối thống nhất, không thể tách rời, nếu có sự sử dụng hợp lý thì cũng phải sử dụng toàn bộ tác phẩm Như vậy việc một người không phải chủ sở hữu của nó được sử dụng tác phẩm thì ngay lập tức toàn bộ giá trị lợi ích mà tác phẩm mang lại cho chủ sở hữu sẽ bị xâm phạm nghiêm trọng
Về phạm vi và thời hạn sử dụng hợp lý
Phạm vi sử dụng hợp lý bao gồm các nội dung về việc giới hạn số lượng được sử dụng hợp lý (ví dụ như được tạo ra bao nhiêu bản sao tác phẩm, trình diễn tác phẩm trước bao nhiêu đối tượng thì được coi là sử dụng hợp lý), mức độ được sử dụng hợp lý (lượng tác phẩm được phép lấy ra sử dụng so với toàn bộ tác phẩm) Bản thân việc sử dụng hợp lý quyền tác giả đã làm hạn chế một phần quyền tác sản của tác giả, do đó sự giới hạn về phạm vi được sử dụng hợp lý là vô cùng cần thiết để tránh các hành vi lạm dụng quy định này nhằm mục đích tạo ra các khoản lợi nhuận bất chính Phạm vi sử dụng hợp lý trong pháp luật mỗi quốc gia lại có những quy định khác nhau, tuỳ vào hoàn cảnh và điều kiện trên thực tế
Đề cập đến thời hạn sử dụng hợp lý có vẻ như là một nội dung “thừa thãi” Tuy nhiên
có một điều cần lưu ý ở đây, đó là chỉ trong thời hạn bảo hộ tác phẩm thì mới xuất hiện một thuật ngữ gọi là “thời hạn sử dụng hợp lý”, bởi khi tác phẩm hết thời gian bảo hộ, thì việc sử dụng những tác phẩm đó sẽ không xem xét như là hành vi sử dụng hợp lý nữa, mà nó là sự sử dụng miễn phí (free use) Cần phân biệt sử dụng hợp lý và sử dụng miễn phí Sử dụng hợp lý là một ngoại lệ của độc quyền tác giả, tức là các chủ thể được
sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép chủ sở hữu ngay cả trong thời gian tác phẩm
ấy được bảo hộ, còn sử dụng miễn phí là việc sử dụng hợp pháp toàn bộ tác phẩm và nhằm bất cứ mục đích gì khi tác phẩm ấy đã hết thời hạn bảo hộ
Trang 16Về các hành vi được sử dụng hợp lý, như đã đề cập ở trên, cụ thể của sự sử dụng hợp
lý quyền tác giả chính là sử dụng hợp lý các quyền tài sản của quyền tác giả Do vậy các hành vi sử dụng hợp lý quyền tác giả có thể được xem xét thành các nhóm dưới đây:
(1) Sử dụng hợp lý quyền sao chép tác phẩm Các hành vi sử dụng hợp lý quyền sao chép bao gồm các hành vi sao chép tác phẩm phục vụ mục đích giáo dục, thư viên và lưu trữ
(2) Trích dẫn tác phẩm Hành vi này bao gồm việc trích dẫn tác phẩm của người khác
để bình luận, đánh giá, giảng dạy các tác phẩm của mình nhưng không làm sai ý tác giả
có tác phẩm được trích dẫn
(3) Sử dụng hợp lý quyền truyền thông đến công chúng Việc sử dụng bao gồm các hành vi trình diễn, truyền hình, chụp ảnh vì lợi ích xã hội Ví dụ như hoạt động biểu diễn các bài hát có bản quyền của các sinh viên tình nguyện tại buổi sinh hoạt văn hoá cho các em nhỏ ở vùng núi Mục đích của buổi biểu diễn này hoàn toàn phi lợi nhuận, mục đích của nó chỉ nhằm động viên tinh thần và tạo ra không gian văn hoá cho các
(5) Sử dụng hợp lý quyền nhập khẩu: Các cá nhân được nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng
Trang 17Như vậy, có thể tóm lại rằng, có năm nội dung chính về sự sử dụng hợp lý đó là : (1) sử dụng hợp lý quyền sao chép, (2) trích dẫn tác phẩm; (3) sử dụng hợp lý quyền truyền thông đến công chúng; (4) sử dụng hợp lý quyền làm tác phẩm phái sinh (5) Sử dụng hợp lý quyền nhập khẩu
Về điều kiện của sử sự dụng hợp lý, có thể đứng dưới nhiều góc độ khác nhau để đưa
ra các điều kiện cho việc sử dụng hợp lý quyền tác giả Dưới góc độ của chủ thể có quyền sở hữu trí tuệ, các điều kiện có thể khắt khe, thậm chí họ muốn loại bỏ hoàn toàn; dưới góc độ là các chủ thể có nhu cầu sử dụng, họ lại muốn nới lỏng quy định; còn dưới góc độ nhà làm luật thì lại phải cân bằng cả hai nhu cầu trên Và để các quốc gia có thể xây dựng được một khung pháp lý phù hợp cho riêng mình, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO đã đề xuất “phép thử 3 bước” (three-step-test)19 và sau này nó đã được ghi nhận trong Khoản 2 Điều 9 công ước Berne (và cũng có thể thấy sự xuất hiện của phép thử này trong Điều 13 Hiệp định TRIPs) để giới hạn sự sử dụng hợp lý, bao gồm: chỉ là trường hợp cá biệt nhất định, không phải là tổng quát; không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm; không gây phương hại đến quyền của chủ sở hữu Để không làm ảnh hưởng đến quyền khai thác bình thường tác phẩm, việc
sử dụng hợp lý phải không được xung đột với lợi ích kinh tế mà chủ sở hữu có thể khai thác được từ tác phẩm Theo quan điểm của người viết, đây là điều kiện quan trọng nhất Bởi xuất phát từ đây, nếu xem xét thấu đáo điều kiện này, thì một hành vi muốn được coi là sử dụng hợp lý phải đáp ứng rất nhiều những yếu tố “con” khác nữa Ví dụ như trong trường hợp một cá nhân trích dẫn một lượng thông tin rất ít trong tác phẩm, người sử dụng có thể nại ra rằng việc trích dẫn này không đáng kể và cũng chỉ nhằm
19 Mr Roger Knights (2001), Limitations and excpetions under the “three-step-test” and in
national legislation–differences between the analog and digital environments, regional
workshop on copyright and related rights in the information age, ognazied by WIPO
Trang 18bình luận để tạo ra sự sinh động trong tác phẩm của mình, nên nó được là sự sử dụng hợp lý Tuy nhiên nếu phần trích dẫn đó là điểm sáng duy nhất trong tác phẩm đã được trích dẫn thì sâu xa nó đã là ảnh hưởng đến việc khai thác giá trị kinh tế từ tác phẩm
đó, bởi khi người ta đã biết nột dung cốt lõi của tác phẩm đó, liệu ai còn bỏ một khoản chi phí ra mua những tri thức mình đã được tiếp cận? Vì thế, hành vi trích dẫn này không thoả mãn điều kiện là không ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của tác phẩm, nên không được xét là trường hợp sử dụng hợp lý Đối với các điều kiện đủ, bởi lý do thể loại, hình thức, cách thức, tính chất của tác phẩm là rất đa dạng, nên thật khó để có thể khái quát được những điều kiện đủ chung nhất cho mọi loại tác phẩm Vì thế, tuỳ vào từng loại tác phẩm khác nhau có thể có những điều kiện khác nhau để xem xét hành vi
sử dụng nó có phải hợp lý hay không
1.2.4 Vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng hợp lý
Vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của sự sử dụng hợp lý chính là nó đã điều tiết một cách hài hoà lợi ích giữa chủ sở hữu quyền tác giả và quyền được tiếp cận các tài sản trí tuệ của công chúng nhằm mục đích khuyến khích sự sáng tạo văn hoá, nghệ thuật Vai trò tiếp theo, là hệ quả của vai trò thứ nhất, đó là sử dụng hợp lý sẽ tạo ra sự công bằng trong xã hội, bởi bất kể chủ thể nào ở bất cứ tầng lớp nào trong xã hội cũng sẽ được tiếp cận những tri thức, những giá trị văn học nghệ thuật của nhân loại, tất nhiên
là ở trong một chừng mực nhất định và hợp lý
Việc sử dụng hợp lý các quyền tác giả có những ý nghĩa không nhỏ đối với xã hội Một
là, sử dụng hợp lý sẽ thúc đẩy sự tạo ra các thành tựu văn hoá, văn học, nghệ thuật mới Bởi khi được tiếp cận với những sản phẩm trí tuệ đã được tạo ra, các cá nhân và tổ chức trong xã hội sẽ có thêm nhiều chất liệu mới cho tri thức của bản thân, thôi thúc ra những sự sáng tạo mới mẻ khác dựa trên những sự sáng tạo đã có Hai là, sử dụng hợp
lý thể hiện tính nhân văn, nó giúp cho tất cả các chủ thể dù không có điều kiện kinh tế
Trang 19cũng có thể được hưởng thụ những giá trị văn hoá của nhân loại ở mức tương đối nhất định
1.3 Quy định của pháp luật một số nước về vấn đề sử dụng hợp lý
Pháp luật quyền tác giả của tất cả các nước đều quy định một số giới hạn hoặc ngoại lệ nhằm cho phép tự do sử dụng tác phẩm trong một số trường hợp nhất định, hoặc sử dụng mà không cần phải xin phép chủ sở hữu nhưng vẫn phải trả phí.20
Mỗi nước sẽ có những quy định cụ thể khác nhau về vấn đề này, nhưng nhìn chung, các ngoại lệ và giới hạn thường bao gồm việc sử dụng các đoạn trích từ một tác phẩm
đã được công bố (có nghĩa là sử dụng các đoạn trích ngắn nhằm minh họa hay làm tư liệu cho một tác phẩm được sáng tạo một cách độc lập khác); sao chép ở một mức độ nhất định phục vụ mục đích cá nhân (ví dụ, nghiên cứu và học tập); tạo bản sao ở thư viện và cơ quan lưu trữ (ví dụ, các tác phẩm đã hết số lượng bản gốc, và nếu cho công chúng mượn sẽ rất nhanh hỏng); giáo viên sao chụp một số đoạn trích tác phẩm, hoặc các tác phẩm ngắn để phục vụ sinh viên trong lớp học; hay tạo các bản sao đặc biệt để
sử dụng cho người tàn tật (ví dụ, sách chữ nổi hoặc sách nói)
Dưới đây tác giả đề cập đến hai trong số các hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ lớn nhất của thế giới là Hoa Kì và Anh, điển hình cho hai mô hình quy định về sự sử dụng hợp
lý là Fair Use (Hoa Kỳ) và Fair Dealing (Anh)
1.3.1 Theo Luật bản quyền của Hoa Kỳ
Sử dụng hợp lý là thành phần trung tâm của Luật Bản quyền Hoa Kỳ Tại Hoa kỳ có một học thuyết có có tên là Học thuyết sử dụng hợp lý (Fair use Doctrine) để nói về những giới hạn của độc quyền tác giả và sau này đã được pháp điển hoá trong Luật Bản
20 Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, Quyền tác giả và quyền liên quan, Bài 5,
tại http://noip.gov.vn/html/panorama/documents/pdf/ip_panorama_5_learning_points.pdf
Trang 20quyền Hoa Kỳ năm 1976 với nội dung quy định các trường hợp hạn chế của độc quyền tác giả và quy định yếu tố để xem xét các hành vi sử dụng hợp lý
Khi Quốc hội Hoa Kỳ giới thiệu quy chế Sử dụng hợp lý vào năm 1976, Quốc hội đã
nêu trong báo cáo của mình rằng học thuyết sử dụng hợp lý “đã được nêu lên như là một sự bảo vệ trong vô số hành động bản quyền trong nhiều năm, và có rất nhiều trường hợp các vụ án công nhận sự tồn tại của học thuyết và áp dụng nó.” 21 Học
thuyết này áp dụng lần đầu tiên ở Mỹ trong quan điểm của Thẩm phán Story trong vụ Folsom kiện Marsh khi ông cho rằng khi quyết định về vấn đề có sử dụng hợp lý hay không, chúng ta cần phải luôn nhìn vào bản chất và mục đích của đối tượng được sử dụng, số lượng và giá trị của phần được sử dụng, và mức độ của việc sử dụng có thể ảnh hưởng đến việc bán hàng và giảm lợi nhuận, hay có làm thay đổi những mục đích của tác phẩm gốc hay không22
Sự sử dụng hợp lý trở nên cụ thể hơn khi nó được pháp điển hoá trong Luật Bản quyền của Hoa Kỳ năm 1976 Mặc dù đã tổn tại được hơn 40 năm nhưng quy định về Fair use của các nhà làm luật Hoa Kỳ tỏ ra rất hiệu quả Từ Điều 108 đến Điều 112, các nhà làm luật đã đưa ra các trường hợp hạn chế của các độc quyền tác giả (Limitations on exclusive rights) bao gồm: tái bản nhằm mục đích lưu trữ và dùng trong thư viện, chuyển nhượng các bản sao và các bản ghi cụ thể, quyền trình diễn và trình bày, truyền sóng thứ cấp, các bản ghi thử Tuy đã mô tả khá chi tiết các hành vi ngoại lệ này, các nhà làm luật vẫn bao quát các trường hợp khác vẫn có thể được coi là sử dụng hợp lý nếu nó được cân nhắc và thoả mãn 4 yếu tố được quy định ở Điều 107 luật này Điều
107 được quy định giống như một “bản hướng dẫn theo mẫu” cho các Toà án Hoa Kỳ khi xem xét một hành vi có được coi là sử dụng hợp lý hay không dựa trên cơ sở các yếu tố không loại trừ sau đây:
21 House of Representatives, Copyright Law Revision, Report No 94-1476, tr 65-66
22 Folsom v Marsh, 9 F Cas 342 (C.C.D Mass 1841),
Trang 21(1) Mục đích và tính chất sử dụng, bao gồm sự sử dụng đó có tính chất thương mại hay mục đích giáo dục phi lợi nhuận;
(2) Bản chất của các tác phẩm được bảo hộ bản quyền;
(3) Số lượng và thực chất của phần được sử dụng so với toàn bộ tác phẩm được đăng
và một số tiêu chí áp dụng cho nó, các tòa án phải được tự do để áp dụng học thuyết này với các tình huống cụ thể theo từng vụ việc cụ thể.23
Thứ nhất, về yếu tố mục đích và tính chất sử dụng Thông thường, các toà án Hoa Kỳ
sẽ xem xét bên tuyên bố việc sử dụng hợp lý đang sử dụng các tác phẩm có bản quyền như thế nào, và có xu hướng kết luận rằng việc sử dụng cho mục đích giáo dục phi lợi nhuận và sử dụng phi thương mại là sử dụng hợp lý Tuy nhiên điều này không có nghĩa là tất cả việc sử dụng cho giáo dục phi lợi nhuận và sử dụng phi thương mại đều
là hợp lý và tất cả việc sử dụng có mục đích thương mại đều là không hợp lý; thay vào
đó, các toà án sẽ cân bằng yếu tố mục đích sử và tính chất sử dụng với các yếu tố còn
23 House of Representatives, Copyright Law Revision, Report No 94-1476
Trang 22lại Ngoài ra, việc sử dụng “biến đổi” (tranformative) cũng được xem xét như là một hành vi sử dụng hợp lý Sự biến đổi là một khía cạnh suy xét được tạo ra tư phương diện pháp lý nhưng không hề xuất hiện trong nguyên văn của đạo luật Mục đích chính
của tiêu chí này là “đề xem liệu rằng tác phẩm mới liệu có chỉ đơn thuần thay thế các đối tượng của tác phẩm gốc” hay “thay vào đó còn thêm cái gì mới, với mục đích xa hơn hay tính chất khác đi, thay đổi phiên bản ban đầu bằng cách biểu đạt, ý nghĩa hay thông điệp mới Nói các khác, nó đặt ra câu hỏi liệu rằng tác phẩm mới có bị “biến đổi” hay không và đến mức độ nào” 24 Tiêu chí này giúp kết luận một điều: “các tác phẩm mới càng thay đổi bao nhiêu thì tầm quan trọng của các yếu tố khác càng giảm
đi, ví dụ như tính thương mại, ảnh hưởng đến kết luận về việc sử dụng hợp lý” 25
Thứ hai, về yếu tố bản chất của tác phẩm có bản quyền Yếu tố này phân tích tới mức
độ mà tác phẩm được sử dụng liên quan tới mục đích của bản quyền đó là khuyến khích sự thể hiện sáng tạo Do đó, khi xét đến yếu tố thứ hai, chúng ta cần xem xét tới hai khía cạnh của tác phẩm: mức độ sáng tạo và tác phẩm này đã được công bố hay chưa Các tác phẩm chưa được công bố thì thường được bảo vệ nhiều hơn các tác phẩm
đã được công bố Vì một trong những quyền nhân thân của tác giả đó là quyền được
công bố tác phẩm Thực tế rằng một tác phẩm đã được công bố nhưng không còn được
tiếp tục tái bản nữa có thể là một tình tiết thuận lợi đối với hành vi sử dụng hợp lý vì rõ ràng là tác phẩm không thể tiếp cận được26 Tòa án giải thích yếu tố bản chất của tác phẩm có bản quyền có nghĩa là tác phẩm gốc càng sáng tạo hơn thì nó càng được bảo
vệ bản quyền hơn.27 Do đó sử dụng các tác phẩm mang tính thực tiễn và kém sáng tạo
24 Campbell v Acuff-Rose Music, Inc., 510 U.S 569 (1994), tr 579
25 Campbell v Acuff-Rose Music, Inc., 510 U.S 569 (1994), tr 579
26 Copyright and Fair use: A guide for the Havard University, Last update on 31 May 2016,
tại https://ogc.harvard.edu/files/ogc/files/ogc_copyright_and_fair_use_guide_5-31-16.pdf, tr.10.
Trang 23thì sẽ dễ dàng được cân nhắc là sử dụng hợp lý hơn các tác phẩm giàu trí tưởng tượng
và sáng tạo
Tuy nhiên, yếu tố thứ hai này thường là yếu tố ít quan trọng nhất trong bốn yếu tố xác định sự sử dụng hợp lý
Thứ ba, về yếu tố số lượng và thực chất của phần được sử dụng so với toàn bộ tác
phẩm có bản quyền Với yếu tố này, các toà án đã tiếp cận cả yếu tố định lượng và định tính trong việc đánh giá sự ảnh hưởng của việc sử dụng số lượng và thực chất các tác phẩm được bảo hộ bản quyền Không có một định mức cụ thể về phần trăm mà các tác phẩm gốc đã được sử dụng, nhưng thường thì tỉ lệ phần trăm càng cào thì yếu tố này càng có nhiều khả năng được đặt nặng để chống lại sự sử dụng hợp lý Các tòa án đã áp dụng yếu tố này bằng việc xem xét xem bao nhiêu phần "trái tim của tác phẩm có bản quyền” đã được sử dụng
Tuy nhiên, kể cả là phần trăm tác phẩm gốc được sử dụng là rất nhỏ, nhưng phần mà tác phẩm bị sử dụng là vô cùng quan trọng, thì yếu tố này vẫn được đặt ra để chống lại
sự sử dụng hợp lý Bởi thế, các Tòa án đã áp dụng yếu tố này bằng việc xem xét xem bao nhiêu phần "trái tim của tác phẩm có bản quyền” đã được sử dụng28 Ví dụ như trong vụ án Tạp chí The Nation đã xuất bản một trích đoạn, tổng cộng chỉ có khoản 300-400 từ được trích dẫn nguyên văn từ cuốn hồi ký (có độ dài như một cuốn sách) sắp được ra mắt của Gerald Ford, Toà án tối cao đã tuyên bố rằng yếu tố thứ ba được cân nhắc để chống lại sự sử dụng hợp lý, bởi những trích đoạn này bao gồm cuộc thảo luận của Ford về sự tha thứ của ông danh cho Nixon và những đoạn quan trọng khác
mà toà án cho rằng đó là “trái tim” của tác phẩm.29
Một điều quan trọng nữa trong việc áp dụng yếu tố thứ ba này đó là sự liên quan giữa mục đích của việc sử dụng hợp lý và lượng thông tin đã được lấy ra từ tác phẩm gốc
28 New EraPubl'ns.v CarolPubl'g.Group, 904 F.2d 152, 158 (2nd Cir 1990)
29 Harper v Row Publishers, Inc v Nation Enters., 471 U.S 539 (1985)
Trang 24Phạm vi sao chép được cho phép lại phụ thuộc vào mục đích và tính chất của việc sử dụng Ví dụ như sử dụng một bức ảnh, trong một số trường hợp, để đặt được mục đích
là sử dụng hợp lý thì cần phải sử dụng toàn bộ bức ảnh ấy Điều này sẽ dẫn đến việc Toà án khi xem xét trường hợp này phải tuyên bố rằng yếu tố thứ ba là trung lập, nó không có lợi nghiêng về phía chủ sở hữu tác phẩm hay người đang được cho là sử dụng hợp lý Hay nói cách khác, khi có sự liên quan rõ ràng giữa mục đích sử dụng và lượng thông tin lấy ra thìcho dù lượng thông tin được lấy có nhiều đến mức nào, thì yếu tố thứ ba không còn giữ vai trò quan trọng trong việc xem xét nữa
Yếu tố cuối cùng được cân nhắc đó là ảnh hưởng của sự sử dụng đối với thị trường tiềm
năng và giá trị của các tác phẩm được bảo hộ bản quyền
Yếu tố này cũng liên quan đến yếu tố thứ nhất (mục đích và tính chất sử dụng), vì nếu
sự sử dụng một tác phẩm không xin phép mà hướng tới mục đích thương mại thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh tác phẩm của chủ thể có quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm đó Việc sử dụng mà có ảnh hưởng xấu hoặc có khả năng ảnh hưởng xấu đến thị trường tiềm năng của tác phẩm được bảo hộ thì không được xem xét như là một việc sử dụng hợp lý, đặc biệt là nếu sự sử dụng đó dẫn đến kết quả làm mất doanh số bán hàng của chủ sở hữu30 Do đó, bị đơn phải chứng minh được rằng tác phẩm mới của mình không có tác động đến thị trường thực tế hoặc trên thị trường tiềm năng của tác phẩm ban đầu 31
Sau đây người viết phân tích một vụ án tại Mỹ liên quan tới việc xem xét một hành vi
có thể được coi là sử dụng hợp lý hay không, đó là vụ kiện giữa Monge và tạp chí
30 Ethan Kolodny (07/2017), Best Practices Information On Copyright Law And Avoiding Copyright Infringement, tại https://www.massbar.org/publications/section-review/section-review-article/section-review- 2017-july-august/section-review-best-practices-information-on-copyright-law-and-avoiding-copyright-
infringement
31 Holger Postel, The fair use doctrine in the U.S American Copyright Act and similar regulations in the
Trang 25Maya32 Monge và vợ (hai nhân vật nổi tiếng trong giới âm nhạc) đã đệ đơn kiện tạp chí Maya về việc vi phạm bản quyền khi tạp chí này đã xuất bản các bức ảnh chưa được công bố của cặp đôi về đám cưới bí mật của họ và Toà án phúc thẩm đã bác bỏ phán quyết rút gọn của Toà sơ thẩm cho rằng hành vi của Maya cấu thành sự sử dụng hợp lý theo điều 107 Luật Bản quyền Hoa Kỳ Lập luận cho phán quyết của mình, Toà
án phúc thẩm đã phân tích các yêu tố cấu thành sự sử dụng hợp lý đối với hành vi của Tạp chí Maya Đối với yếu tố (1) về mục đích và tính chất sử dụng, Toà án xem xét đến ba nội dung: thường thuật tin tức, sự biến đổi và sử dụng có tính chất thương mại hay không Toà đã nhận định rằng: bài báo của Maya có yếu tố đưa tin (phù hợp với fair use); sự sử dụng các bức ảnh của Maya - sao chép toàn bộ nhưng có kèm theo những lời bình luận rải rác – cùng lắm chỉ tạo ra sự biến đổi rất nhỏ, do đó không biến đổi những bức ảnh thành một tác phẩm mới (không thoả mãn yếu tố biến đổi); sự sử dụng của Maya về bản chất rõ ràng có tính chất thương mại Đối với yếu tố (2) bản chất của tác phẩm có bản quyền, Toà án xem xét đến mức độ sáng tạo và việc nó đã được công bố hay chưa: rõ ràng tác phẩm này chưa công bố; các bức ảnh công bố không giàu tính nghệ thuật Như vậy hai yếu tố này bù trừ cho nhau, nhưng toà án xác định thêm rằng bản chất không được công bố của tác tác phẩm là một yếu tố quan trọng, do vậy nó “nặng hơn” là khẳng định Maya sử dụng hợp lý Yếu tố thứ (3), Toà
án cho rằng số lượng và tính đáng kể của phần được sử dụng đã nghiêng về hướng chống lại sử dụng hợp lý vì tòa án thấy rằng "trái tim" của mỗi bức ảnh đã được xuất bản Yếu tố này đã kiến quyết chống lại sự sử dụng hợp lý Đối với yếu tố thứ (4), trong khi Toà án sơ thẩm đồng ý với nhận định của Maya rằng các bức ảnh đó không
có thị trường tiềm năng vì cặp vợ chồng này không có ý định bán các quyền xuất bản các bức ảnh, Toà án phúc thẩm nhận định ngược lại rằng có một thị trường thực sự cho những bức ảnh cưới này tồn tại và các bên tham gia có thể mua bán nó, do đó hành vi
32 Monge v Maya Magazines, Inc (688 F.3d 1164, 9th Cir 2012)
Trang 26xuất bản của Maya đã làm cho thị trường tiềm năng thực sự của bức ảnh bị tổn hại đáng kể Kết luận là, sự sử dụng hợp lý của Maya không được cấu thành
Như vậy, ta có thể kết luận rằng, tại pháp luật Hoa Kỳ, các nhà làm luật đã quy định rõ
có 4 yếu tố để xem xét xem một hành vi có được coi là sự sử dụng hợp lý hay không Tuy nhiên, có một điều dễ dàng nhận thấy, dù quy định như vậy nhưng kết quả của những vụ án về sự dụng hợp lý lại luôn phụ thuộc rất nhiều vào nhận định của Thẩm phán trong từng vụ việc cụ thể, đặc biệt là việc xem xét đến “sức nặng” của các yếu tố
kể trên trong từng vụ án Thậm chí là Toà án có thể xem xét đến các yếu tố khác ngoài yếu tố đã nêu Điều này có nghĩa là không có một công thức chung nào cho tất cả các
vụ án về sử dụng hợp lý Các Thẩm phán khi xem xét đã cân nhắc tổng hoà các yếu tố
lên hành vi sử dụng: “tất cả sẽ được đưa ra xem xét và kết quả sẽ được cùng cân nhắc với nhau, theo mục đích của bản quyền” 33 , đồng thời đưa ra các nhận định dựa trên
những án lệ đã có
1.3.2 Theo pháp luật Anh
Trong đạo luật về quyền tác giả (và cũng là đạo luật về bản quyền đầu tiên trên thế giới): đạo luật Anne 1709/1034 được ban hành bởi nữ hoàng Anh bên cạnh quy định tác giả có độc quyền in ấn với các tác phẩm của mình, thì cũng đã quy định các tác phẩm chỉ được bảo hộ trong một thời gian nhất định35 Điều này cho thấy các nhà lập pháp thời đó đã xác định yếu tố “cân bằng về lợi ích giữa tác giả và công chúng” đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hộ quyền của tác giả Ngày nay, các quy định về sử dụng hợp lý – sự thể hiện mở rộng của yếu tố cân bằng lợi ích giữa tác giả và công chúng,
33 Campbell v Acuff-Rose Music, Inc., 510 U.S 569 (1994), tr 579
34 Có nhiều quan điểm khác nhau về năm ra đời của đạo luật này,
xem thêm tại https://www.law.berkeley.edu/files/Bentley.pdf
35 Người viết dịch đại ý, nguyên văn: “…the Author of any Book or Books already Printed, who hath notTransferred to any other the Copy or Copies of such Book or Books, Shareor Shares thereof, or the Bookseller
or Booksellers, Printer orPrinters, or other Person or Persons, who hath or have Purchased orAcquired the Copy
or Copies of any Book or Books, in order to Print orReprint the same, shall have the sole Right and Liberty of Printing suchBook and Books for the Term of One and twenty Years, to Commence fromthe said Tenth Day of
Trang 27hay còn được biết đến giống như những ngoại lệ của quyền tác giả đã được quy định đầy đủ và chi tiết trong Đạo luật bản quyền, kiểu dáng và sáng chế năm 1988 của Anh (the Copyright, Designs and Patents Act 1988, as amended)
Nhìn chung, quy định về sử dụng hợp lý của trong đạo luật này ở Anh vô cùng chi tiết chi tiết Các nhà làm luật đã dành hẳn một chương để quy định về vấn đề này36 Các quy định ở đây mang tính liệt kê và được đặt thành từng nhóm có tên gọi riêng như: giáo dục, thư viện và lưu trữ, hành chính công, chương trình máy tính, cơ sở dữ liệu, kiểu dáng,…Dưới đây người viết đưa ra một số nhóm hành vi chính
Thứ nhất, là các quy định về hành vi sử dụng quyền tác tác giả để nghiên cứu phi thương mại và học tập cá nhân Quy định này cho phép mọi người được sao chép một vài phần của tác phẩm nhằm những mục đích trên, nhưng phải là để nghiên cứu thực sự (ví dụ như người sao chép đang theo học tại trường đại học thì lý do nghiên cứu là chính đáng) Sự sao chép toàn bộ tác phẩm trong trường hợp này thì thường không được coi là sự sử dụng hợp lý Mục đích của quy định này là cho phép sinh viên và những nhà nghiên cứu có thể tạo ra các bản sao chép (hạn chế) của tất cả các loại tác phẩm có bản quyền phục vụ cho mục đích học tập và nghiên cứu Khi một người muốn được sử dụng tác phẩm theo quy định này, họ cần phải đánh giá xem việc sử dụng của mình liệu có làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của chủ sở hữu hay không, nếu có thì
họ sẽ không được phép Tuy nhiên, nếu sự ảnh hưởng này là rất nhỏ thì việc sử dụng này vẫn có thể được chấp nhận Và có một điều cần lưu ý đó là khi sử dụng tác phẩm, thông tin về nguồn gốc của tác phẩm phải được đưa ra
Thứ hai, đó là các hành vi sao chép đề phân tích dữ liệu và văn bản cho các nghiên cứu phi thương mại Điều này cho phép các nhà nghiên cứu tạo ra các bản sao của bất cứ tài liệu nào nhằm mục đích phân tích, tính toán khi họ có quyền được tiếp cập hợp
36 Chương 3 (Các hành vi được cho phép liên quan đến các tác phẩm bản quyền), Phần 1 (Bản quyền), Luật Bản quyền, kiểu dáng và sáng chế Anh năm 1988 (đã sửa đổi)
Trang 28pháp các tài liệu đó Các nhà nghiên cứu vẫn phải trả phí để có thể được tiếp cận tài liệu trước khi được quyền sao chép nó theo quy định này Các nhà xuất bản và nhà cung cấp nội dung có thể áp dụng các phương thức hợp lý để đảm bảo tính bảo mật của tài liệu, tuy nhiên các biện pháp này không được ngăn chặn hoặc hạn chế khả năng đánh giá được văn bản và dữ liệu của nhà nghiên cứu Các điều khoản hợp đồng ngăn chặn các nhà nghiên cứu tạo bản sao để phân tích văn bản và khai thác dữ liệu sẽ vô hiệu
Thứ ba, các hành vi sao chép tác phẩm nhằm mục đích bình luận, nhận xét hoặc đưa tin các sự kiện Việc sử dụng này được cho phép với tất cả các loại tác phẩm, ngoại trừ tác phẩm ảnh bởi các nhà làm luật muốn ngăn chặn các tờ báo hoặc tạp chí sao chép lại các bức ảnh để báo cáo các sự kiện mà đã xuất hiện trong các ấn phẩm của đối thủ cạnh tranh
Thứ tư là các hành vi sử dụng cho mục đích giáo dục Một số các hành vi sử dụng quyền tác giả được coi là sử dụng hợp lý (nhằm mục đích giao dục) có thể được kể đến như: ghi chương trình truyền hình hoặc chương trình phát sóng vô tuyến cho mục đích giáo dục phi thương mại trong một cơ sở giáo dục; tạo bản sao bằng cách sử dụng máy photocopy hoặc thiết bị tương tự thay mặt cho cơ sở giáo dục vì mục đích hướng dẫn phi thương mại, với điều kiện là không có các quy định về cấp phép tại chỗ; sao chép các phần của tác phẩm để minh hoạ cho luận điểm của mình,…
Thứ năm là các hành vi sử dụng quyền tác giả để giúp đỡ người khuyết tật, có hai ngoại lệ của bản quyền ở đây Những trường hợp ngoại lệ sẽ cho phép một người có sự suy giảm về thể chất hoặc tinh thần khiến họ không thể truy cập được các tài liệu bản quyền ở phiên bản gốc của nó Ngoại lệ thứ nhất cho phép một người hoặc đại diện của người đó được tạo ra bản sao tác phẩm nếu việc tạo ra bản sao đó giúp đỡ người khuyết tật có thể tiếp cận được tác phẩm ấy, ví dụ như chuyển từ dạng văn bản thường sang dạng chữ nổi Ngoại lệ thứ hai cho phép các cở sở giáo giục và các tổ chức từ
Trang 29thiện được tạo ra các phiên bản sao chép mà giúp người khuyết tật có thể tiếp cận được Tuy nhiên hai ngoại lệ này sẽ được coi là sử dụng hợp lý nếu nó đáp ứng được một số điều kiện theo luật định
Thật khó để có thể liệt kê, phân tích được hết các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Anh về vấn đề sử dụng hợp lý bởi sự quy định vô cùng chi tiết, rõ ràng trong từng trường hợp của đạo luật này Tuy vậy, các nhà làm luật cũng rất thận trọng khi quy định rằng một hành vi không nằm trong các quy định của chương nói về sự sử dụng hợp lý không có nghĩa rằng nó không được quy định tại điều khoản khác37
Có thể tóm gọn lại các quy định của pháp luật Anh về sự sử dụng hợp lý như sau: Một là, các quy định về sử sụng hợp lý vô cùng chi tiết, cụ thể, chặt chẽ; thậm chí trong một điều luật, các nhà làm luật không chỉ đưa ra các ngoại lệ của quyền tác giả được coi là sử dụng hợp lý mà ngay sau đó còn đưa các đặc điểm cho các hành vi không phải là sử dụng hợp lý cũng cho cho chính các ngoại lệ này Ví dụ như đối với trường hợp sao chép tác phẩm nhằm mục đích học tập cá nhân thì được coi là sử dụng hợp lý, tuy nhiên đối với trường hợp sao chép để kiểm tra cách thức hoạt động của chương trình máy tính nhằm mục đích xác định nguyên lý hoạt động của nó, thì dù dó
có là để sử dụng học tập cá nhân, cũng không được coi là sử dụng hợp lý.38
Hai là, dù có được quy định chi tiết, nhưng khi toà án xem xét một hành vi có được coi
là sử dụng hợp lý hay không thì vẫn căn cứ vào các yếu tố:39 (1) việc sử dụng có làm ảnh hưởng đến thị trường tiềm năng của tác phẩm gốc hay không Nếu việc sử dụng đó đóng vai trò gần như thay thế cho tác phẩm gốc, làm cho chủ sở hữu mất doanh thu, thì thông thường nó sẽ không được coi là sử dụng hợp lý; (2) lượng tác phẩm được lấy ra
có phù hợp và hợp lý hay không, liệu có cần thiết phải sử dụng lượng tác phẩm mà đã
37 Điều 28.4, Chương 3, Phần 1 Luật bản quyền, kiểu dáng và sáng chế Anh năm 1988
38 Điều 29.4, Chương 3, Phần 1 Luật bản quyền, kiểu dáng và sáng chế Anh năm 1988
39 Intellectual Property Office (November 2014), Exceptions to copyright,
tại https://www.gov.uk/guidance/exceptions-to-copyright
Trang 30lấy ra không Và tuy vào vụ án cụ thể mà các yếu tố khác có thể được xem xét để kết luận một hành vi có phải là sử dụng hợp lý hay không
Ví dụ như trong vụ án Công ty trách nhiệm hữu hạn Fraser-Woodward kiện tổ chức phát sóng Anh (BBC)40, đài BCC đã phát sóng một chương trình có tên là “Tabloid Tales” và để minh hoạ cho những bình luận trong chương trình này, BBC đã sử dụng một số bức ảnh của Victorira Beckham - vợ của cầu thủ bóng đá David Beckham Các nhiếp ảnh gia đã kiện sự vi phạm bản quyền và nhà đài đã nại ra việc sử dụng của họ là
sử dụng hợp lý tác phẩm nhằm mục đích bình luận và nhận xét Thẩm phán Mann trong vụ án này đã có những nhận định có lợi cho phía bị đơn, khi ông tuyên bố rằng không có quá nhiều sự sử dụng tác phẩm, và hơn nữa mỗi bức ảnh chỉ xuất hiện trong vài giây Và mặc dù toàn bộ tác phẩm đã được sao chép lại, Thẩm phán Mann cũng lưu
ý rằng bất cứ sự sử dụng hợp lý nào một bức ảnh nhằm mục đích bình luận và nhận xét thì cũng kéo theo việc phải sao chéo một phần lớn tác phẩm
Việc có thể quy định các điều luật mang tính liệt kê nhưng vẫn rất đảm bảo tính bao quát trong pháp luật sở hữu trí tuệ Anh cho thấy một trình độ lập pháp cao Và cũng phải thừa nhận rằng, các án lệ ở Anh cũng đã giúp cho việc pháp điển hoá các quy định được hiệu quả và có thể dễ dàng áp dụng các quy định để giải quyết các tranh chấp trên thực tế