Xác định tầm vóc thích hợp của bò địa phương trong điều kiện chăn nuôi và dinh dưỡng tại khu vực miền nùi phía bắc việt nam
XÁC ĐỊNH TẦM VÓC THÍCH HỢP CỦA BÒ ĐỊA PHƯƠNG TRONG ĐIỀU KIỆN CHĂN NUÔI VÀ DINH DƯỠNG TẠI KHU VỰC MIỀN NÚI PHÍA BẮC VIỆT NAM Đặng Đình Trung, 1 Andre Markemann, Lê Thị Thanh Huyền, 1 Anne Valle Zarate, 3 Boonlom Cheva-Isarakul và Vũ Chí Cương Viện Chăn nuôi (NIAS), Việt Nam; 2 Đại học Hohenheim, Đức; 3 Đại học Chiang Mai, Thái Lan TÓM TẮT Tại huyện Mai Sơn và Yên Châu của tỉnh Sơn La, 41 bò vàng Việt Nam có độ tuổi là 12 tháng, được phân loại thành hai nhóm có tầm vóc to (LFS) và bé (SFS) hoàn toàn ngẫu nhiên theo mô hình thí nghiệm 2x3 nhằm tìm ra sự khác biệt về khối lượng và khả năng tăng khối lượng giữa hai nhóm bò đó với 3 khẩu phần ăn khác nhau. Đồng thời, xác định hiệu quả kinh tế của từng khẩu phần trên mỗi nhóm có tầm vóc khác nhau đó. Ba khẩu phần được áp dụng trong thí nghiệm bao gồm rơm ủ urê (UTRS), bánh dinh dưỡng (UMMB) và khẩu phần ăn hoàn chỉnh. Kết quả cho thấy có sự tương tác đáng kể giữa tầm vóc cơ thể và khẩu phần ăn. Tầm vóc cơ thể đóng góp 31,76% biến động của ADG trong tháng thứ nhất; 74,97% trong tháng thứ hai và 5,7% cho toàn bộ thời gian thí nghiệm. Khẩu phần ăn đóng góp 42,46%; 16,72% và 65,33% cho biến động ADG của tháng thứ nhất, tháng thứ 2 và toàn bộ thời gian thí nghiệm. Tương tác giữa tầm vóc và khẩu phần ăn đóng góp 19,82% biến động của ADG. Nhóm LFS có khối lượng cơ thể lúc 12 tháng tuổi nặng hơn 28,50% so với nhóm SFS. Khi áp dụng UMMB, nhóm SFS có hiệu quả tốt hơn, trong khi áp dụng UTRS, nhóm LFS có hiệu quả cao hơn. Nhóm LFS cần được cung cấp lượng thức ăn nhiều hơn với chất lượng cao hơn so với thực tế để có thể phát huy hết tiềm năng tăng khối lượng của chúng. Từ khóa : bò vàng, khẩu phần, phụ phẩm nông nghiệp, rơm ủ ure, miền núi phía Bắc 1. Đặt vấn đề Nghiên cứu của Lê Thị Thanh Huyền và cs. (2010) tại Sơn La phát hiện ra một nhóm bò có tầm vóc lớn hơn so với bò địa phương. Nhóm bò này đang được ưa chuộng bởi có kích thước lớn hơn và có tốc độ tăng khối lượng (TKL) cao hơn so với bò địa phương. Du Plessis và cs. (2005) cho biết gia súc có tầm vóc lớn thường được ưa chuộng hơn chủ yếu bởi ảnh hưởng nhận thức rằng có mối tương quan thuận giữa tầm vóc lớn và tốc độ tăng khối lượng nhanh. Dinh dưỡng không phù hợp trong thời kỳ phát triển bò cái tơ có cả tác động tiêu cực ngắn hạn và dài hạn đến năng suất bò thịt. Buttram và Willham (1989) cho thấy tầm vóc của giống gia súc trong điều kiện cụ thể thường phụ thuộc vào các phương thức quản lý và điều kiện dinh dưỡng. Ngoài ra, nó còn có tác động của tương tác giữa kiểu gen và môi trường (GxE). Nghiên cứu của Rina (2010) chỉ ra rằng mặc dù nguồn thức ăn cho gia súc ở Sơn La vẫn đang bị thiếu hụt, đặc biệt là trong mùa khô, nhưng các phụ phẩm nông nghiệp vẫn còn bị bỏ phí, chưa được tận dụng làm thức ăn cho gia súc nhai lại. Nguồn thức ăn chăn nuôi không đủ không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ tăng khối lượng thấp và tỷ lệ tử vong cao trong đàn gia súc địa phương, mà còn ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất bò thịt với các giống có tầm vóc lớn do nhu cầu thức ăn của chúng cao hơn so với bò địa phương. Để phát triển ngành chăn nuôi bò thịt, cần thiết phải xác định nhóm gia súc có tầm vóc phù hợp với điều kiện nguồn thức ăn hiện có tại từng địa phương nhằm thiết lập hệ thống sản xuất thịt bò có hiệu quả tối ưu (Vargas, 2000). Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định nhóm bò có tầm vóc phù hợp với điều kiện nguồn thức ăn chăn nuôi và chuyển giao một số phương pháp xử lý, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương hướng tới sự phát triển bền vững của sản phẩm thịt bò trong khu vực. 2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu Ba bản Chiềng Ban, Nà Pản (Yên Châu) và Nam (Mai Sơn) được chọn tham gia vào thí nghiệm vì tập trung nhiều bò và có khu vực đồng cỏ tự nhiên để chăn thả gia súc. Các tiêu chuẩn khác trong việc lựa chọn các bản tham gia thí nghiệm bao gồm quy mô đàn gia súc và tầm vóc của các nhóm bò. Các hộ gia đình được lựa chọn nuôi từ 5 con bò trở lên, áp dụng mô hình sản xuất kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, có đàn gia súc phù hợp với các tiêu chí chọn gia súc thí nghiệm (tầm vóc, độ tuổi và khối lượng) và đồng tình tham gia vào thí nghiệm. Độ tuổi của bò bắt đầu thí nghiệm là 12 tháng tuổi. Bò thí nghiệm được phân thành 2 nhóm theo tầm vóc: tầm vóc lớn (LFS) và tầm vóc nhỏ (SFS). Bò trong cùng một nhóm được lựa chọn đảm bảo có cùng độ tuổi và có khối lượng sống (KL) tương đương nhau. Trước khi tiến hành thí nghiệm, bò được tẩy sạch ký sinh trùng đường ruột. Bò thí nghiệm được phân bố ngẫu nhiên vào các lô thí nghiệm (bảng 1). Thời gian thí nghiệm kéo dài trong vòng 60 ngày, sau khi được nuôi thích nghi trong 7 ngày. Bò thí nghiệm của cả 2 nhóm tầm vóc được cho ăn 3 khẩu phần thí nghiệm, bao gồm: + Khẩu phần 1: bò được nuôi nhốt tại chuồng và cho ăn khẩu phần hoàn chỉnh gồm 5 kg cỏ tự nhiên, 1 kg bột ngô + rơm ủ urê (ăn tự do, lượng thức ăn cung cấp bằng 15% lượng thức ăn thu nhận của ngày trước đó); + Khẩu phần 2: chăn thả tự do ban ngày + bánh dinh dưỡng (0,5 kg /con /ngày); + Khẩu phần 3: chăn thả tự do + rơm ủ urê (ăn tự do, lượng thức ăn cung cấp bằng 15% lượng thức ăn thu nhận của ngày trước đó); + Lô đối chứng: chăn thả tự do không bổ sung gì thêm; Khẩu phần 1 được chia ra cho ăn hai lần mỗi ngày, vào lúc 7h sáng và 5h chiều. Rơm ủ urê (UTRS) và bánh dinh dưỡng (UMMB) chỉ được cho ăn vào buổi chiều. Thức ăn thừa được cân và ghi chép lại trước khi cung cấp thức ăn mới. Lượng thức ăn thu nhận của UTRS được tính toán dựa trên lượng thức ăn cung cấp và phần còn thừa. Mỗi lần cân, tất cả bò thí nghiệm được cân khối lượng liên tục 2 ngày vào buổi sáng trước khi cho ăn, và giá trị trung bình được sử dụng như là khối lượng sống của bò của lần cân đó. Tăng khối lượng trung bình hàng ngày (ADG) được tính toán từ khi bắt đầu thí nghiệm, sau 30 ngày thí nghiệm và khi kết thúc thí nghiệm. Có tổng số 41 gia súc đã được chọn tham gia thí nghiệm. Khối lượng cơ thể 12 tháng tuổi của 41 bò và ADG của 20 bò (12 con tầm vóc nhỏ và 8 con tầm vóc lớn) được sử dụng để đánh giá sự khác nhau về khối lượng sống và khả năng tăng khối lượng của 2 nhóm bò có tầm vóc khác nhau. 2.1. Các phương pháp xử lý phụ phẩm nông nghiệp sử dụng trong thí nghiệm 2.1.1. Rơm ủ urê 4 kg urê và 0,5 kg muối được hòa tan trong 80-100 l nước, phun đều lên 100 kg rơm khô. UTRS sau đó được cho vào trong túi nhựa nén chặt, đảm bảo yếm khí, được bảo quản trong 2-3 tuần trước khi cho ăn. 2.1.2. Bánh dinh dưỡng UMMB chứa 37% rỉ mật đường, 8% urê, 43% cám gạo, 5% xi măng, 5% vôi, 1% muối và 1% premix khoáng-vitamin. Công thức này được dựa trên nghiên cứu của Đoàn Đức Vũ và cs. (2006). 2.2. Xử lý số liệu Số liệu được phân tích bằng chương trình GLM, phần mềm SAS 9.2 (1999). Đối với thí nghiệm thức ăn, mô hình thống kê sau đây đã được áp dụng: y ijk = µ + α i + β j + (αβ) ij + ε ijk Với: y ijk là ADG của bò có tầm vóc i và khẩu phần j, µ là giá trị trung bình, α i là ảnh hưởng của tầm vóc I, β j là ảnh hưởng của khẩu phần j, (αβ) ij là ảnh hưởng của tương tác giữa tầm vóc và khẩu phần và ε ijk là sai số ngẫu nhiên. 3. Kết quả 3.1. Khối lượng sống và khả năng tăng khối lượng của hai nhóm bò vàng có tầm vóc khác nhau Khối lượng (KL) của nhóm bò SFS và bò LFS được cân khi bắt đầu thí nghiệm. Kết quả cho thấy rằng bò LFS nặng hơn 28,5% so với bò SFS trong cùng độ tuổi (P< 0,01). Khối lượng trung bình của bò LFS là 141,2 kg so với bò SFS là 109,9 kg. Điều này phù hợp với kết luận từ Vargas (2000) khối lượng cai sữa của bê từ những con bò SFS thấp hơn so với những con bê sinh ra từ con bò trung bình và bò LFS. Bảng 1. Khối lượng bắt đầu thí nghiệm của 2 nhóm bò có tầm vóc khác nhau Bò SFS Bò LFS n Mean SD n Mean SD Khối lượng bắt đầu thí nghiệm (kg) 24 109,9 a 12,9 17 141,2 b 6,4 Giá trị Mean trong cùng dòng có chữ cái giống nhau thì khác nhau không có ý nghĩa thống kê với p≤0,05. Bò có tầm vóc nhỏ Bò có tầm vóc lớn Kết quả cho thấy bò LFS có ADG cao hơn so với bò SFS. Trong tháng đầu tiên, ADG của bò SFS thấp hơn so với bò LFS (P< 0,05), tương ứng là 216,4 g/ngày và 259,2 g/ngày. Trong tháng thứ hai, khi nhiệt độ không khí giảm thấp, ADG của cả hai nhóm bò bị suy giảm: bò LFS giảm nhiều hơn so với bò SFS, đạt giá trị âm vì bò bị giảm khối lượng. ADG trong toàn thời gian thí nghiệm của bò SFS cao hơn so với bò LFS (P<0,001). Kết quả của Vargas (2000) cho thấy bò LFS có điểm thể trạng thấp hơn so với bò SFS khi mức dinh dưỡng cung cấp không đủ đáp ứng yêu cầu của chúng. Kunkle và cs. (1994) phát hiện ra rằng trong những bò có cùng tầm vóc, cá thể nào có điểm thể trạng thấp hơn thì tạo ra lợi nhuận thấp hơn so với cá thể có điểm thể trạng cao. Vì vậy, nuôi giữ bò LFS không phải lúc nào cũng được lợi nhuận cao và bò LFS cần được cung cấp nguồn thức ăn có chất lượng tốt và số lượng đầy đủ để chúng có thể phát huy hết tiềm năng TKL của chúng. Bảng 2. Tăng khối lượng trung bình ngày (ADG) của hai nhóm bò có tầm vóc khác nhau SFS LFS n Mean SD n Mean SD g/ngày g/ngày g/ngày g/ngày ADG1 12 216.4 a 30.5 8 259.2 b 47.3 ADG2 12 12.5 a 15.3 8 -275.8 b 67.4 ADG3 12 114.4 a 19.3 8 -8.3 b 38.2 ADG1: Giá trị Mean về TKL của tháng thứ nhất; ADG2: TKL của tháng thứ 2; ADG3: TKL của tháng thứ 3. Giá trị Mean trong cùng dòng có chữ cái giống nhau thì khác nhau không có ý nghĩa thống kê với p≤0,05 3.2. Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho 2 nhóm bò có tầm vóc khác nhau Khối lượng bắt đầu thí nghiệm của các bò trong cùng nhóm tầm vóc là tương đương nhau. Khối lượng của bò SFS thấp hơn so với bò LFS ở tất cả các nhóm khẩu phần (P<0,05). Thực tế có thể dễ dàng nhận ra được sự khác biệt về tầm vóc và cấu trúc cơ thể của 2 nhóm bò. Bò LFS có cơ thể lớn hơn, tròn mình và dài thân. Khối lượng bắt đầu của bò thí nghiệm được thể hiện chi tiết trong bảng 3. Bảng 3. Khối lượng bắt đầu của bò thí nghiệm Khẩu phần 1 Khẩu phần 2 Khẩu phần 3 Đối chứng Bò n Mean SD n Mean SD n Mean SD n mean SD Kg Kg kg kg Kg kg kg Kg SFS*** 4 108,0 a 16,7 4 107,3 a 17,4 4 109,3 a 9,1 12 111,7 a 12,7 LFS*** 1 138,7 b - 4 135,6 b 2,5 4 146,9 b 6,3 8 141,5 b 5,9 Giá trị Mean trong cùng dòng có chữ cái giống nhau thì khác nhau không có ý nghĩa thống kê với p≤0,05; *** là p≤0,001 Trong tháng đầu tiên, ADG của bò SFS cho ăn UMMB là tương đương so với bò cho ăn UTRS, với 323,3 g/ngày và 263,3 g/ngày (P>0,05). ADG của nhóm đối chứng tương đương với bò cho ăn UTRS và thấp hơn so với các khẩu phần khác (P<0,01). Trong tháng thứ hai, thời tiết lạnh đã ảnh hưởng mạnh đến tất cả các nhóm bò thí nghiệm và làm ADG giảm mạnh. Bò sử dụng khẩu phần ăn hoàn chỉnh và UMMB có ADG tương đương nhau (P>0,05), với 121,7 g/ngày và 105 g/ngày; và cao hơn so với các khẩu phần ăn khác (P< 0,05). Bò cho ăn UTRS và nhóm đối chứng có mức ADG tương đương nhau là 34,2 g/ngày và 12,5 g/ngày (P>0,05). Tính theo toàn bộ thời gian thí nghiệm, bò sử dụng khẩu phần ăn hoàn chỉnh và UMMB có ADG cao hơn so với bò sử dụng UTRS và nhóm đối chứng (P<0,01). ADG của bò SFS được trình bày chi tiết ở bảng 4. Bảng 4. ADG của bò SFS trong tứng khẩu phần ăn khác nhau Khẩu phần 1 Khẩu phần 2 Khẩu phần 3 Đối chứng n Mean SD n mean SD n Mean SD n Mean SD g/ngày g/ngày g/ngày g/ngày g/ngày g/ngày g/ngày g/ngày ADG1 4 391,7 a 49,3 4 323,3 b 42,6 4 263,3 bc 19,4 12 216,4 c 30,5 ADG2 4 121,7 a 48,3 4 105,0 a 31,1 4 34,2 b 12,6 12 12,5 b 15,3 ADG3 4 256,7 a 14,0 4 214,2 a 32,6 4 148,8 b 11,3 12 114,4 b 19,3 Giá trị Mean trong cùng dòng có chữ cái giống nhau thì khác nhau không có ý nghĩa thống kê với p≤0,05 Trong tháng đầu tiên, ADG của bò cho ăn UTRS cao hơn so với bò ăn UMMB và nhóm đối chứng, đạt 439,2 g/ngày so với 368,3 g/ngày và 259,17 g/ngày (P< 0,01). Dưới tác động của thời tiết lạnh, tất cả bò LFS trong thí nghiệm bị giảm khối lượng trong tháng thứ hai. Nhóm đối chứng có mức giảm khối lượng cao nhất. Bò được cho ăn UMMB cũng bị giảm khối lượng nhưng tốc độ giảm khối lượng thấp hơn so với bò được cho ăn UTRS và nhóm đối chứng (P< 0,01). Trung bình trong toàn bộ thời gian thí nghiệm, khối lượng của nhóm đối chứng bị giảm nhẹ. Hai nhóm bò được cho ăn UMMB và UTRS vẫn tăng khối lượng nhưng mức tăng không cao, đạt trung bình khoảng 125 g/ngày. Mức tăng này cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm đối chứng. ADG của bò LFS được trình bày chi tiết ở bảng 5. Bảng 5. Tăng trung bình hàng ngày (ADG) của bò LFS với các khẩu phần khác nhau Khẩu phần 1 Khẩu phần 2 Khẩu phần 3 Đối chứng n Mean SD n mean SD n mean SD n Mean SD g/ngày g/ngày g/ngày g/ngày g/ngày g/ngày g/ngà y g/ngày ADG 1 - - 4 368,3 b 80,8 4 439,2 c 53,8 8 259,2 d 47,3 ADG 2 - - 4 -111,7 a 57,3 4 -195,8 b 18,1 8 - 275,8 c 67,4 ADG 3 - - 4 128,3 b 52,2 4 121,7 b 32,1 8 -8,3 c 38,2 Giá trị Mean trong cùng dòng có chữ cái giống nhau thì khác nhau không có ý nghĩa thống kê với p≤0,05 Trong thí nghiệm với cả hai nhóm bò có tầm vóc khác nhau, kết quả đều cho thấy tốc độ tăng khối lượng của nhóm đối chứng là thấp hơn so với các nhóm khác. Điều này cho thấy chất lượng và số lượng thức ăn thu nhận của nhóm đối chứng không đủ để đáp ứng nhu cầu của gia súc. Bò LFS cần mức dinh dưỡng cao hơn cho nhu cầu duy trì và sản xuất. Trong mùa khô (mùa đông), chúng không thể tìm đủ thức ăn. Đây là một trong nhũng nguyên nhân thất bại của chương trình Sind hóa đàn bò tại địa phương. Thực tế cho thấy, ADG của bò LFS trong tháng thứ hai giảm và đạt giá trị âm (-). Nguyên nhân là do thiếu thức ăn và tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để duy trì thân nhiệt. Giảm tốc độ tăng khối lượng cũng xảy ra ở nhóm bò có tầm vóc nhỏ, tuy nhiên bò SFS vẫn tăng khối lượng, mặc dù chậm hơn so với tháng trước. Đó là bởi vì tầm vóc nhỏ hơn là lợi thế của chúng để vượt qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu dinh dưỡng. Vì vậy, với nguồn thức ăn cho bò có chất lượng thấp và số lượng hạn chế, bò SFS có khả năng phát triển tốt hơn. Điều này chứng minh cho kết luận của Buttram và Willham (1989) rằng sự tương thích giữa tầm vóc cơ thể của gia súc với nguồn thức ăn đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập một hệ thống chăn nuôi bò thịt có hiệu quả cao. Các phương pháp xử lý phụ phẩm nông nghiệp cho thấy tiềm năng ứng dụng tốt để áp dụng tại địa phương. Cả hai nhóm bò có tầm vóc khác nhau đều cho thấy việc bổ sung thức ăn đã làm tăng tốc độ tăng khối lượng cao hơn so với nhóm đối chứng (trung bình 21,7% cao hơn đối với bò SFS và 69,4% cao hơn đối với bò LFS). Trong tháng thứ nhất, UMMB có tác dụng tăng ADG của cả hai nhóm bò có tầm vóc khác nhau khoảng 45% so với nhóm đối chứng. Trong tháng thứ hai, bổ sung UMMB giúp hạn chế việc bị giảm khối lượng trong nhóm bò LFS và duy trì tăng khối lượng 105,0 g/ngày ở nhóm bò SFS. Trong mùa khô, nguồn thức ăn chính của bò là rơm rạ, việc chăn thả bị hạn chế bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt và nguồn cỏ tự nhiên suy kiệt. Ứng dụng bổ sung UMMB có thể giúp gia súc sử dụng hiệu quả hơn nguồn thức ăn chất lượng thấp và bổ sung năng lượng cho việc giữ ổn định thân nhiệt. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Ünal và cs. (2005) tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết UMMB đã được sử dụng để ngăn chặn việc giảm khối lượng của cừu trong mùa đông. Kết quả tương tự được báo cáo bởi Trạch và Thơm (2004), ADG của bò được cho ăn tự do rơm được phun urê 1% , 2 kg bã bia ướt/con/ngày và 4 giờ chăn thả bên vệ đường mỗi ngày đạt 67% cao hơn so với nhóm đối chứng. Trong tháng thứ hai, dưới tác động của thời tiết lạnh, ADG của bò sử dụng UTRS vẫn cao hơn so với nhóm đối chứng. Điều này cho thấy, việc áp dụng UTRS có thể hạn chế việc giảm khối lượng của gia súc trong mùa đông. Tác giả Mai Văn Sánh (2008) cho biết 25-50% KL cỏ trong khẩu phần ăn hàng ngày của trâu có thể được thay thế bằng rơm ủ urê 4% mà không ảnh hưởng đến lượng thức ăn tiêu thụ và tốc độ TKL. Việc bổ sung UTRS không chỉ bảo vệ gia súc khỏi nguy cơ chết vì đói và rét, mà còn làm tăng lợi ích cho nông dân thông qua việc giảm hao hụt KL. 3.3. Sự tương tác giữa tầm vóc cơ thể và khẩu phần ăn Phương pháp kiểm định t-test đã được sử dụng để xác định ảnh hưởng của tương tác giữa tầm vóc cơ thể và khẩu phần ăn. Kết quả cho thấy ADG của bò thí nghiệm chịu ảnh hưởng đáng kể của tương tác giữa tầm vóc cơ thể và khẩu phần ăn (P< 0,01). Sự biến động giá trị của từng nhân tố biểu thị mức ảnh hưởng của nhân tố đó tới giá trị ADG. Khẩu phần ăn đóng góp 31,76% biến động của ADG trong tháng đầu tiên, 74,97% trong tháng thứ hai và 5,70% cho toàn bộ thời gian thí nghiệm. Yếu tố tầm vóc cơ thể đóng góp phần trăm biến động tưởng ứng là 42,46%, 16,72% và 65,33% cho tháng thứ nhất, tháng thứ 2 và trong toàn bộ thời gian thí nghiệm. Ảnh hưởng của tương tác tầm vóc và khẩu phần đóng góp trung bình 19,82%. Bảng 6. Ảnh hưởng của tầm vóc cơ thể và khẩu phần ăn đến ADG ADG1 ADG2 ADG3 Ảnh hưởng của tầm vóc (%) 31,76 74,97 5,70 Ảnh hưởng của khẩu phần (%) 42,46 16,72 65,33 Ảnh hưởng của tương tác tầm vóc và khẩu phần (%) 13,60 2,74 19,82 Ảnh hưởng của sai số ngẫu nhiên (%) 12,18 5,57 9,15 Kết quả cho thấy cải thiện chất lượng khẩu phần ăn có ảnh hưởng lớn đối với khả năng TKL của gia súc. Như vậy, cải thiện nguồn thức ăn cho gia súc về chất lượng và số lượng có khả năng nâng cao tốc độ tăng khối lượng của bò tại địa phương. Tầm vóc cũng có ảnh hưởng lớn tới ADG của bò. Sử dụng bò có tầm vóc lớn sẽ cho khả năng TKL cao hơn so với bò địa phương. Tuy nhiên, tầm vóc của bò chịu ảnh hưởng rất lớn bởi điều kiện thời tiết. Trong tháng thứ 2 của thí nghiệm, sự thay đổi thời tiết đã dẫn tới sự biến động lớn về ADG của bò. Thực tế cho thấy bò có tầm vóc lớn gặp nhiều khó khăn hơn để thích ứng với điều kiện khắc nghiệt. Kết quả phân tích cho thấy sự tương tác có ý nghĩa thống kê giữa tầm vóc cơ thể và khẩu phần ăn của bò. Như vậy, để đạt được hiệu quả cao trong chăn nuôi bò thịt, ngoài cải thiện dinh dưỡng và tầm vóc gia súc cũng cần quan tâm tới tương tác giữa tầm vóc và khẩu phần ăn của gia súc. Chỉ khi lựa chọn được bò có tầm vóc thích hợp với điều kiện chăn nuôi và dinh dưỡng tại địa phương thì mới có thể phát huy hết tiềm năng năng suất của gia súc. 4. Kết luận Nghiên cứu cho thấy rằng cần lựa chọn bò có tầm vóc phù hợp với điều kiện chăn nuôi và dinh dưỡng tại địa phương để đạt được hiệu quả cao trong chăn nuôi bò thịt. Việc chọn đúng bò có tầm vóc thích hợp với điều kiên dinh dưỡng và quản lí có vai trò quan trọng để thu được hiệu quả kinh tế cao. Nhóm bò LFS có KL cao hơn, tốc độ TKL cao hơn so với các bò SFS ở cùng độ tuổi và chúng cần được cung cấp nguồn thức ăn có chất lượng cao hơn và số lượng đầy đủ hơn để phát huy hết tiềm năng di truyền về KL. Trong điều kiện của địa phương hiện nay, bò có tầm vóc nhỏ đem lại hiệu quả sản xuất và hiện quả kinh tế cao hơn so với bò có tầm vóc to. Để có thể phát triển chăn nuôi bò có tầm vóc lớn, điều kiện kiên quyết cần đặt ra là phải cải thiện cả chất lượng, số lượng nguồn thức ăn và điều kiện chăn nuôi bò. Trong thí nghiệm, tất cả các khẩu phần ăn đều giúp tăng tốc độ TKL của bò. UMMB có hiệu quả cao với bò SFS, kể cả trong thời tiết lạnh, trong khi UTRS cho thấy hiệu quả tốt hơn với bò LFS. Tài liệu tham khảo 1. Buttram, S.T. and Willham, R.L., 1989. Size and management effects on reproduction in first-, second- and third-parity beef cows. Journal of Animal Science, 67: 2191-2196. 2. Vargas, C.A., 2000. Estimation of phenotypic and genetic relationships among hip height and productive and reproductive performance in Brahman cattle. PhD Thesis, University of Florida, USA. 133 pp. 3. Du Plessis, I., Hoffman, L.C., and Calitz, F.J., 2005. Influence of reproduction traits and pre-weaning growth rate on herd efficiency of different beef breed types in an arid sub- tropical environment. South African Journal of Animal Science, 35: 89-98. 4. Huyền, L.T.T., Herold, P., and A. Valle Zárate, 2010. Farm types for beef production and their economic success in a mountainous province of northern Vietnam. Agricultural Systems, 103: 137-145. 5. Kunkle, W.E., Sand, R.S. and Rae, D.O., 1994. Effect of body condition on productivity in beef cattle. In: Fields M.J. and Sand, R.S. (eds.) Factors affecting calf crop. pp 167 &178. CRC Press, Boca Raton, FL. 6. Mai Văn Sánh, 2008. Sủ dụng rơm ủ urê thay thế một phần cỏ xanh trong khẩu phần vỗ béo trâu tơ. Tạp chí Khoa học Công nghệ Chăn nuôi, 11: 48-52 7. SAS, 1999. Proc. GLM. ASA Institute Inc., Cary, NC, USA. 8. Trạch, N.X. and Thơm, M.T., 2004. Responses of growing beef cattle to a feeding regime combining road side grazing and rice straw feeding supplemented with urea and brewers' grains following an oil drench. Livestock Research for Rural Development. Vol. 16, Art. #53. Available at: http://www.lrrd.org/lrrd16/7/trach-16053.htm. Accessed 15/05/2011. 9. Ünal, Y., Kaya, I. and Öncüer, A., 2005. Use of urea-molasses mineral blocks in lambs fed with straw. Revue Méd. Vét., 156 (4): 217-220 10. Vu, D.D., Nguyen, V.T., Nguyen, N.T. and Ha, T.K.L., 2006. Development and use of urea-molasses multi-nutrient block (UMMB) and medicated UMMB (MUMB) for ruminants in Vietnam. In: International Atomic Energy Agency (IAEA) (Ed.), Improving Animal Productivity by Supplementary Feeding of Multinutrient Blocks, Controlling Internal Parasites and Enhancing Utilization of Alternate Feed Resources. IAEA- TECDOC 1495, pp 141-152. . XÁC ĐỊNH TẦM VÓC THÍCH HỢP CỦA BÒ ĐỊA PHƯƠNG TRONG ĐIỀU KIỆN CHĂN NUÔI VÀ DINH DƯỠNG TẠI KHU VỰC MIỀN NÚI PHÍA BẮC VIỆT NAM Đặng Đình Trung, 1 Andre Markemann,. chọn bò có tầm vóc phù hợp với điều kiện chăn nuôi và dinh dưỡng tại địa phương để đạt được hiệu quả cao trong chăn nuôi bò thịt. Việc chọn đúng bò có tầm vóc thích hợp với điều kiên dinh dưỡng. của gia súc. Chỉ khi lựa chọn được bò có tầm vóc thích hợp với điều kiện chăn nuôi và dinh dưỡng tại địa phương thì mới có thể phát huy hết tiềm năng năng suất của gia súc. 4. Kết luận Nghiên