Cuộc đời và sự nghiệp nguyễn trãi
Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Trãi Trong tác phẩm của mình Nguyễn Trãi đã từng bộc bạch : Tang tử còn thương tích cố gia (Quy Côn Sơn trùng Cửu ngẫu tác) Thật vậy, Nguyễn Trãi (1380 – 1442) mang trong mình dòng máu cố gia, một dòng dõi danh gia vọng tộc, từng có nhiều người đỗ đạt làm quan, thậm chí lưu danh trong sử sách. Nguyễn Trãi là cháu đích tôn đời thứ mười một của Nguyễn Băc (một trong bốn đại công thần của Đinh Tiên Hoàng). Thời Trần, ông cao, cố của Nguyễn Trãi cũng giữ một số chức quan văn võ trong triều. Gốc quê cha Nguyễn Trãi ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau chuyển về làng Ngọc Ổi (còn có tên khác là Nhị Khê), huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín, Hà Tây). Cha ông tên là Nguyễn Ứng Long (1356 – 1429), từ nhỏ đã rất thông minh, hay chữ, mười một tuổi đã biết làm thơ. Ứng Long mở trường dạy học ở làng Nhi Khê, nổi tiếng tài giỏi nhưng gia cảnh thanh bần. Lúc ấy đang vào thời vua Trần Duệ Tông cai trị, Thái Thượng Hoàng là anh vua, tức cựu hoàng Trần Nghệ Tông. Bấy giờ, nhà Trần cực kỳ suy yếu, vua Trần u mê, gian thần lộng quyền. Trong số tôn thất có một nhân vật ưu tú, có uy tín nhất là quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán (1325 – 1390), hiệu là Băng Hồ, là cháu năm đời của Thái Tông Trần Cảnh, cháu bốn đời của thượng tướng Trần Quang Khải. Trần Công thấy chính sự bê trễ, xã tắc nghiêng ngửa lấy làm đau buồn, không thiết tha gì đến triều chính. Ông có mười một người con (bảy trai, bốn gái), trong đó cô thứ ba tên là Trần Thị Thái (1346 – 1385) rất được ông thương yêu chiều chuộng. Nghe tiếng Ứng Long hay chữ, ông đã mời về tư dinh dạy riêng cho tiểu thư. Tiểu thư Thái cảm thấy rất khâm phục và kính trọng tài năng, đạo đức của Ứng Long. Riêng chàng trai trẻ cũng cảm mến nhan sắc và cá tính của vị tiểu thư quyền quý này. Hơn nữa, quan tư đồ Trần Nguyên Đán coi chàng như khách tri âm, thường trò chuyện, đàm đạo với chàng về văn chương, thế sự chứ không hề xem chàng chỉ là một gã gia sư làm công. Vì thế, đôi trai tài gái sắc càng có điều kiện gần gũi nhau, ngày càng tâm đầu ý hợp. Chuyện gì đến rồi cũng phải đến, môt hôm tiểu thư Thái bảo Ứng Long phải lập tức tạm lánh mặt vì nàng phát hiện mình đã có thai. Biết chuyện quan Tư Đồ không hề bắt tội đôi trẻ. Ngài còn gọi chàng về để gả con gái cho (1373). Nhưng do thể chất yếu ớt, đứa trẻ sinh ra không nuôi được. Năm Giáp Dần (1374), Ứng Long đi thi, chàng đỗ Thái học sinh, song không được làm quan vì cái tội là con nhà bách tính mà dám đèo bòng kết hôn với dòng dõi hoàng tộc. Năm Canh Thân (1380), niên hiệu Xương Phù thứ tư, tại dinh quan tư đồ, tiểu thư Thái sinh được một con trai, đặt tên là Trãi. Chữ Trãi có nghĩa là một loài linh thú, đầu có một sừng, luôn luôn chỉ tiến thẳng về phía trước, biểu tượng cho sự ngay thẳng chính trực của người quân tử. Có lẽ khi đặt tên này cho con, Ứng Long đã gửi gắm vào đó biết bao tin tưởng, kỳ vọng. Nguyễn Trãi có bốn người em trai, tên là Phi Ly, Phi Bảo, Phi Hùng, Phi Bằng. Cái tên đặc biệt so với các anh em dường như dự báo một cuộc đời hoàn toàn khác lạ đang chờ cậu bé Trãi ở phía trước. Vua Nghệ Tông, Duệ Tông tuy hiền lành nhưng bất tài. Quyền hành trong triều rơi vào tay Lê Quý Ly, một kẻ ngoại thích rất được tin dùng. Trong khi đó, gian thần đầy rẫy, chúng ngang nhiên hoành hành, sách nhiễu dân chúng, vơ vét của cải, tăng cường thuế khóa, làm đủ mọi điều tác tệ. Một mình Băng Hồ tướng công không thể làm thay đổi cục diện. Ông đau buồn quyết định lui về ở ẩn. Từ nhỏ, Nguyễn Trãi đã sống với ông ngoại (không ở bên cạnh cha mẹ), để thuận tiện cho ông chăm sóc, bồi dưỡng việc học hành của Nguyễn Trãi. Năm 1385, khi về ẩn dật ở Côn Sơn, ông đưa luôn Nguyễn Trãi đi theo. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng Nguyễn Trãi đã tỏ ra rất thông minh đĩnh ngộ, từng được cha khen : Lục tuế nhi đồng phả ái thư (con thơ sáu tuổi đà ham sách). Côn Sơn vừa là một địa điểm mà từ lâu Trần Nguyên Đán đã chọn để lui về ẩn dật, vừa là quê tổ của nhà họ Nguyễn. Cả dãy núi này thuộc lãnh thổ xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhỡn. Điều đó giải thích vì sao Nguyễn Trãi có cảm tình đặc biệt với nơi này (mười năm bôn ba lưu lạc, Nguyễn Trãi luôn vọng hướng về Côn Sơn, khi bị người tri kỷ bỏ rơi, không tin dùng, niềm an ủi của ông vẫn là Côn Sơn). Năm 1390, Trần Nguyên Đán qua đời, Nguyễn Trãi về Nhị Khê ở với cha. Trần Thị Thái mất sớm (lúc Nguyễn Trãi mới sáu tuổi), Ứng Long phải sống cảnh gà trống nuôi con. Năm 1400, Lê Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, đổi thành họ Hồ, đặt tên nước là Đại Ngu và mở khoa thi đầu tiên. Nguyễn Trãi đã ra thi và đậu Thái học sinh, được giữ chức vụ Ngự Sử Đài Chính Chưởng trong khi mới vừa tròn hai mươi tuổi. Ứng Long đổi tên là Nguyễn Phi Khanh, cũng được nhà Hồ vời ra nhậm chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám, và sau đó là Hàn Lâm Viện học sĩ. Như thế là cả hai cha con đều rất được trọng dụng dưới triều đại mới, mặc dù họ Nguyễn đã mấy đời là quan nhà Trần, nhất là bên ngoại của Nguyễn Trãi vốn dòng hoàng tộc. Hai cha con đã mạnh dạn bước qua những so đo, định kiến thường tình. Tuy Hồ Quý Ly là kẻ cướp ngôi nhà Trần, nhưng thật ra cả hai cha con đều nhận ra rằng triều Trần đã hoàn toàn thối nát, đã trượt dài trên con dốc suy thoái, trong khi Hồ Quý Ly cũng là một người tài. Vừa mới lên ngôi Hồ Quý Ly đã lập tức chiêu hiền đãi sĩ, tiến hành hàng loạt những cải cách hết sức tiến bộ nhằm vực dậy đất nước một thời thịnh trị. Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi rất thấu hiểu và quý trọng tấm lòng và chí hướng ấy, kỳ vọng ở triều đại này một sự biến chuyển, để họ có thể thực hiện được hoài bão, đem hết sức tài của mình giúp ích cho dân cho nước. Nhưng những cải cách của Hồ Quý Ly đã phạm phải sai lầm là quá nóng vội, quá chủ quan độc đoán mà không quan tâm đến lòng dân, quá đi trước thời đại nên đã gây cho nhân dân một số thiệt hại đáng kể. Muôn dân bắt đầu ta thán. Năm Đinh Hợi (1407), lợi dụng lúc lòng dân ta đang rối loạn, mượn cớ giúp nhà Trần khôi phục ngôi vua và lât đổ kẻ soán nghịch, quân Minh kéo sang xâm lược nước ta. Đúng như sự lo sợ của Hồ Nguyên Trừng (không sợ thế giặc dữ, chỉ sợ lòng dân không theo), vì không được lòng dân nên nhà Hồ thất bại thảm hại. Cha con Hồ Quý Ly cùng một số triều thần, trong đó có Phi Khanh, bị quân Minh bắt giải về Kim Lăng. Trong lúc binh biến, tuy đã chạy thoát được nhưng vì Nguyễn Trãi muốn giữ tròn chữ hiếu nên định đi theo phụng dưỡng đỡ đần cho cha lúc tuổi già, và đã khóc theo đến tận ải Nam Quan. Song Nguyễn Phi Khanh đã bảo : “Con hãy về, tìm cách trả thù cho cha, rửa nhục cho nước, đó mới là đại hiếu, hà tất phải đi theo cha khóc lóc như hạng nhi nữ thường tình mới là có hiếu hay sao ?” Nguyễn Trãi nghe lời, trở về, giao lại cho Phi Hùng việc đi sang Kim Lăng. Nguyễn Phi Khanh bị bắt sang Trung Hoa ít lâu sau thì mất vì không hợp thủy thổ. Về phần Nguyễn Trãi, lúc trở về ông bị giặc Minh bắt và giam lỏng ở thành Đông Quan. Nguyên tướng Trương Phụ biết Nguyễn Trãi là người có tài nên có ý thuyết ông ra làm quan cho quân Minh. Nguyễn Trãi kiên quyết chối từ khiến Trương Phụ hết sức nổi giận, định giết chết, song thượng thư Hoàng Phúc thấy Nguyễn Trãi là người khôi ngô tuấn tú lại còn quá trẻ nên có lòng biệt đãi, tha tội chết, chỉ giam lỏng ở thành Đông Quan. Trong thời gian đó, mặc cho bao đe dọa, mua chuộc của kẻ thù, Nguyễn Trãi không hề lay chuyển, vẫn luôn nuôi chí trả cho được thù nhà nợ nước. Tuy thân bị giam cầm, song chí hướng của ông vẫn rất mãnh liệt. Không những nghiền ngẫm sách vở, ông còn quan tâm theo dõi thời cuộc bên ngoài, nhận định sâu sắc về các cuộc khởi nghĩa lúc ấy. Bấy giờ con cháu nhà Trần đã biết là mình bị quân Minh lừa. Đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, tiêu biểu nhất là hai cuộc khởi nghĩa của Trần Quỹ (Giản Định Đế) và Trần Quý Khoáng (Trùng Quang), song đều thất bại (chủ soái bị bắt hoặc nhảy sông tự trầm, các tướng như Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị đều tuẫn tiết). Đất nước ta lại chìm vào vòng nô lệ. Giặc Minh đàn áp dân ta cực kỳ dã man. Tả lại bối cảnh đau thương này, Nguyễn Trãi đã có những lời văn hết sức căm phẫn xót xa trong Bình Ngô Đại Cáo : Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ ………… Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội Nhơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi. Rồi cũng đến một ngày Nguyễn Trãi trốn được khỏi Đông Quan. Năm Bính Thân (1416), Nguyễn Trãi tìm vào Lam Sơn, dâng cho Lê Lợi Bình Ngô sách và tham gia vào hàng ngũ nghĩa quân. Ông rất được Lê Lợi tin dùng, phong cho là Tuyên Phụng Đại Phu Hàn Lâm Thừa Chỉ, có địa vị như một quân sư trong màn trướng. Toàn bộ những sách lược chiến lược của Nguyễn Trãi đều được Bình Định Vương Lê Lợi nghe theo. Lại thêm một chặng đường mười năm – khởi nghĩa chống quân Minh. Thời gian đầu, quân ta còn thế cô sức yếu, Nguyễn Trãi đã cùng “nếm mật nằm gai”, cùng chịu đựng biết bao nhiêu gian khổ. Đến lúc thế quân ta đã mạnh, Nguyễn Trãi càng tiết kiệm sức quân, sức dân, sử dụng chiến thuật tâm công, tức là đánh vào lòng người. Tư tưởng chiến lược này là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên những chiến thắng lẫy lừng của nghĩa quân. Đa số các thành trì vào giai đoạn sau chỉ nhờ vào các bức thư của ông mà lấy được chứ không cần đến sức mạnh của tam quân. Toàn bộ các sắc chỉ, mệnh lệnh, thư từ gửi cho tướng giặc mà Nguyễn Trãi viết thay lời Lê Lợi được tập hợp lại thành Quân trung từ mệnh tập. Còn toàn bộ tiến trình cuộc khởi nghĩa đã được Nguyễn Trãi thuật lại chi tiết trong Bình Ngô Đại Cáo. Sau khi chiến thắng (1427), Nguyễn Trãi lại chủ trương tha chết cho giặc rút quân an toàn về nước để giữ tình hòa hiếu giữa hai nước, tạo cảnh hoà bình lâu dài. Đó cũng là một nghĩa cử hết sức kỳ lạ mà hầu như tất cả các dân tộc thời đó không ai làm được. Cũng vào năm Đinh Mùi (1427), lúc Lê Lợi vẫn còn là Bình Định Vương, Nguyễn Trãi được phong chức Triều Liệt Đại Phu Nhập Nội Hành Khiển, Lại Bô Thượng Thư kiêm Hành Khu Mật Viện Sự. Tháng chạp năm này, toàn bộ quân Minh đã rút hết về nước. Tháng ba năm Mậu Thân (1428), Bình Định Vương lại phong cho Nguyễn Trãi tước Quan Phục Hầu, phong cho Trần Nguyên Hãn (là anh em con cô con cậu với Nguyễn Trãi, cháu nội của Trần Nguyên Đán, cũng là một đại tướng trong hàng ngũ nghĩa quân) làm Tả Tướng Quốc, Phạm Văn Xảo (một người có uy tín lớn ở Thăng Long) làm Thái úy. Ngoài ra Nguyễn Trãi còn được ban quốc tính, gọi là Lê Trãi. Tháng tư năm ấy, Lê Lợi lên ngôi vua, đặt tên nước là Đại Việt, niên hiệu là Thuận Thiên, truyền cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo để công bố thiên hạ. Nhưng đến tháng hai năm Kỷ Dậu (1429), sau khi đã yên vị trên chiếc ngai vàng, người “anh hùng” Lam Sơn lại bắt đầu thay lòng đổi dạ. Đúng với câu thành ngữ “được chim bẻ ná, được cá quên nơm”, Lê Thái Tổ đâm ra nghi kỵ và bội bạc với công thần. Thái úy Phạm Văn Xảo bị giết, Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn bị bức tử (nhảy xuống sông tuẫn tiết). Ngay cả đệ nhất công thần như Nguyễn Trãi cũng bị hạ ngục mà không tài nào hiểu nổi mình mắc tội gì. Mặc dù chẳng bao lâu Nguyễn Trãi cũng được thả ra (vì ông vẫn là người tối cần thiết trong bộ máy chính quyền) nhưng không còn được nhà vua tin dùng như trước nữa. Tháng năm, vua ban danh vị công thần cho chín mươi ba người : Huyện Thượng Hầu ba người, Thượng Hầu một ngừơi, Hướng Thượng Hầu ba người, Đinh Thượng Hầu mười bốn người, Huyện Hầu mười bốn người, Á Hầu hai mươi sáu người …. Lê Sát, Lê Ngân được đứng trong hàng công đầu. Trong khi đó Nguyễn Trãi bị xếp trong hàng Á Hầu, tức là khá xa, khá thấp và bị lẫn lộn trong những vị tướng tầm thường khác. Chưa hết vui mừng vì đã trả được nợ nước thù nhà như lời cha ký thác, Nguyễn Trãi đã phải gánh lấy một nỗi đau buồn lớn là bị tri kỷ trở mặt, khiến ông không thể cống hiến, thi thố được gì cho một đất nước đang rất cần có bàn tay ông kiến thiết. Cảnh sống nhàn nhã, ngồi chơi xơi nước ở tại triều đình làm ông chán nản và xin về trí sĩ tại Côn Sơn. Mặc dù vậy, tấm lòng ưu quốc ái dân của ông vẫn luôn thổn thức, cồn cào không lúc nào vơi cạn. Cho nên khi Lê Thái Tổ sắp qua đời, quyết định mời ông trở lại để gửi gắm thái tử, thì lòng ông lại tràn trề hi vọng. Nhưng hiện thực không như ông mong đợi. Vua Thái Tông tuổi đời còn nhỏ chỉ biết ham chơi. Gian thần Lê Sát, Lê Ngân lộng quyền, trong khi chức quan của Nguyễn Trãi chỉ có nhiệm vụ dạy cho vua học nên ông đành lực bất tòng tâm. Thời gian này là lúc Nguyễn Trãi viết Dư Địa Chí. Trong lần về kinh làm quan này, ông đã cưới một người con gái tài sắc tên là Nguyễn Thị Lộ làm thiếp. Sau này Thị Lộ được phong làm Lễ nghi học sĩ. Một lần nọ, Nguyễn Liễu lớn tiếng mắng giữa triều đình là hoạn quan làm nát thiên hạ. Lúc ấy Nguyễn Trãi cũng có bất đồng trong việc soạn lễ nhạc cùng hoạn quan Lương Đăng. Lê Thái Tông cảm thấy mình bị gián tiếp xúc phạm nên đã cho thích chữ vào mặt Nguyễn Liễu và đày đi biệt xứ. Sự việc này có tác động rất lớn đến Nguyễn Trãi. Ông lại xin về trí sĩ ở Côn Sơn. Trong giai đoạn này, Nguyễn Trãi đã sáng tác bài Côn Sơn Ca nổi tiếng và phần lớn thơ Nôm trong Quốc Âm thi tập. Tuy tự bảo mình đã tránh xa mọi điều thế sự “bảo rằng ông đã đíếc hai tai”, nhưng thật ra tấm lòng ưu quốc ái dân của Nguyễn Trãi vẫn thổn thức không lúc nào nguôi: Bui một tấc lòng ưu ái cũ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông Cho nên khi Thái Tông trưởng thành (1440) biết suy nghĩ, trừ hết gian thần, mời Nguyễn Trãi trở lại làm quan, trọng dụng và phong cho là Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Tri Tam Quán Sự, Hàn Lâm Thừa Chỉ Học Sĩ, Hành Khiển Đông Bắc Đạo Kiêm Môn Hạ Sảnh Tả Ty Giám Nghị Đại Phu, Nguyễn Trãi rất vui mừng. Nỗi niềm ấy ta có thể thấy rõ trong Biểu tạ ơn : Thương thần như ngựa già còn kham dong ruổi Cho thần như thông qua rét còn dạn tuyết sương Khiến cho suy nát Trở lại tốt tươi. Ông và Thị Lộ luôn khuyên nhủ Thái Tông chuyên cần chính sự. Đây cũng là mầm mống của thảm họa sau này. Quá quan tâm đến quốc gia đại sự, Nguyễn Trãi đã gây một mối hiềm khích sâu sắc với bọn gian thần và Nguyên phi Nguyễn Thị Anh. Lúc bấy giờ Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đang có mang. Lo sợ đứa trẻ sinh ra sẽ uy hiếp nghiêm trọng ngôi vị của con trai mình, Nguyên phi vu cho Ngọc Dao đồng lõa với Huệ phi sử dụng tà thuật hãm hại Thái Tông. Ngọc Dao bị tuyên án xử giảo. Thương người hiền vô tội và muốn bảo vệ giọt máu quân vương, Nguyễn Trãi và Thị Lộ ra sức can gián nhà vua. Hai người còn an bài cho Ngọc Dao lánh nạn ở chùa Hoa Văn chờ ngày khai hoa nở nhụy. Cuối năm ấy, Tiệp dư Ngọc Dao hạ sinh hoàng tử Lê Tư Thành (sau này trở thành vua Lê Thánh Tông) trên đường di tản. Thị Anh vô cùng căm tức và chờ dịp báo thù. Tháng chín năm ấy, Lê Thái Tông đi duyệt binh ở núi Chí Linh, trên đường về ghé Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi và nghỉ đêm ở Lệ Chi Viên. Đêm ấy nhà vua trẻ băng hà đột ngột không rõ nguyên nhân. Xung quanh nguyên nhân cái chết này có nhiều giả thuyết. Có người cho rằng ngài mắc chứng bệnh sốt rét ác tính, có người lại cho rằng ngài bị đột quỵ, bị thượng mã phong … gần đây lại có nhà nghiên cứu cho rằng Thái Tông bị hoạn quan Tạ Thanh và Nguyên phi Nguyễn Thị Anh đầu độc (theo Bí mật Vườn Lệ Chi – Hoàng Hữu Đản). Và Nguyên Phi nhân cái chết ấy kết tội Thị Lộ là thủ phạm, Nguyễn Trãi là chủ mưu, xử Nguyễn Trãi phải chịu cái án thảm khốc tru di tam tộc. Cái chết của ba họ nhà Nguyễn Trãi đã gây nên một niềm xúc động sâu sắc và nỗi tiếc thương vô hạn cho toàn dân chúng, bởi đây là một án oan tày đình cho một đại anh hùng dân tộc. Nhưng suy xét sâu xa, cái chết của Nguyễn Trãi không hẳn là uổng phí, có ý nghĩa như một vị thánh tử vì đạo - cái đạo giữ gìn nhân nghĩa, giữ gìn lẽ phải. Nữ sĩ Yveline Féray (Pháp) đã có lời phát biểu : “Tấn bi kịch của Nguyễn Trãi là tấn bi kịch của một người khổng lồ sống giữa đám người lùn”. Cái xã hội quá bé nhỏ ấy không đủ sức chứa đựng một anh hùng, một thiên tài lớn lao như Nguyễn Trãi nên kết cục là thiên tài, anh hùng ấy phải đi đến một thế giới khác. Năm Kỷ Mão (1459), Lê Tư Thành lên ngôi vua, tức Lê Thánh Tông. Năm Giáp Thân (1464), Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi và truy tặng cho ông tước Tán Trù Bá, Tế Văn Hầu, phong chức Thái Sư. Nhà vua còn có một câu thơ rất hay ca ngợi Nguyễn Trãi một cách hoàn hảo và trân trọng : “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”. Phan Minh Thùy