1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

HÌNH ẢNH MƯA TRONG CA DAO pot

8 1,1K 17

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 8
Dung lượng 193,17 KB

Nội dung

139 TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, tập 72A, số 3, năm 2012 HÌNH ẢNH MƯA TRONG CA DAO Nguyễn Thị Quỳnh Hương Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế Tóm tắt. Văn học dân gian là tiếng lòng của những người nghệ sĩ mộc mạc, chất phác bước ra từ thơm thảo của ruộng đồng và ngọt ngào của suối khe. Chính vì khởi nguồn từ cội rễ nông nghiệp nên mưa dễ dàng trở thành hình ảnh quen thuộc, gần gũi trong ca dao Việt Nam. Ở đó, mưa xuất hiện với tần suất dày đặc: mưa mang dấu ấn đặc trưng của vùng miền, xứ sở; mưa là ước nguyện thời tiết thuận hòa trong những bài khấn ca; mưa như là cái cớ để khơi gợi cho những chuyện đời được nối tiếp, Và đặc biệt, mưa còn là đối tượng để so sánh, ví von. Bằng bút pháp tinh tế, hình ảnh mưa không chỉ giấu trong mình nét trong sáng, mỏng manh của người phụ nữ, mà còn ẩn chứa những nỗi niềm buồn vui vô tận của con người. Khai thác hình ảnh mưa với đủ dáng hình, tính chất, người nghệ sĩ dân gian đã một lần nữa sáng tạo để hiểu hơn và khắc họa rõ nét đời sống bằng sắc màu dung dị, thuần khiết. Rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sự am tường về văn học dân gian sẽ đem đến cho mỗi nhân một kho tri thức rộng lớn, một nền tảng vững chắc. Với bản thân người viết, văn học dân gian có thể chỉ đơn giản là một sự trở về quý báu, cho người đọc những khoảng lặng cần thiết để chiêm nghiệm, hoặc cũng có thể là gợi ý cho hành trình phía trước. Ở đó, không chỉ có thuở hồng hoang với câu hỏi “tôi là ai”, hay một cõi mơ với kết thúc của nụ cười viên mãn, mà còn có những bài học được mở ra đầy thú vị. Mưa trong ca dao chưa trở thành một biểu tượng mang mã thẩm mỹ riêng, chưa đủ phổ quát để trở thành một hình tượng mang đậm dấu ấn của dân tộc như trầu cau. Tuy nhiên, ở bài nghiên cứu này, chúng tôi vẫn muốn chọn mưa như một hình ảnh biểu trưng cho sự góp nhặt chịu thương chịu khó và lối sống hài hòa của người Việt với thiên nhiên. Hơn thế nữa, những đặc tính biến hóa mềm mại, nhu mì nhưng cũng rất mãnh liệt của nước, đặc biệt là thứ nước từ “trời rơi xuống, tưởng như không định luật, tưởng như khó nắm bắt” ấy đã kéo mưa đến gần hơn buồn vui của phận người. Chính vì vậy, hình ảnh mưa có sự gắn kết rất riêng với người nghệ sĩ dân gian trong ca dao. Trong bài nghiên cứu này, người viết “ngắm” mưa trong ca dao từ một thực thể trong không gian vũ trụ đến góc nhìn nghiêng từ thẳm sâu tâm hồn của người dân Việt. 140 1. Mưa – thực thể trong không gian vũ trụ Là một quốc gia thuộc vùng nhiệt đới lắm mưa nhiều nắng, Việt Nam chúng ta có được những đặc ân từ thiên nhiên nhưng đồng thời, phải hứng chịu nhiều thiên tai bão lũ. Hơn thế nữa, xuất phát từ nền nông nghiệp lúa nước nên thời tiết, đặc biệt là những cơn mưa, giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Việt. Mưa không chỉ mang tính quyết định con đường làm ăn “Mồng chín tháng chín có mưa,/ Thì con sắm sửa cày bừa làm ăn./ Mồng chín tháng chín không mưa,/ Thì con bán cả cày bừa đi buôn” mà còn thật sự là khởi nguồn cho mọi của cải và ấm no của người nông dân “Lạy trời mưa xuống,/ Lấy nước tôi uống,/ Lấy ruộng tôi cày./ Lấy bát cơm đầy,/ Lấy khúc to”. Do vậy, trong tục ngữ hay ca dao, mưa trở thành đối tượng được quan sát một cách kỹ càng từ dấu hiệu dự báo thời điểm cơn mưa sắp xuất hiện: “Thâm đông thì mưa,/ Thâm dưa thì khú,/ Thâm vú thì nghén”; “Vàng mây thì gió, đỏ mây thì mưa”; “Kiến đen tha trứng lên cao,/ Thế nào cũng có mưa rào rất to”; “Trời hôm mây kéo bối bừa/ Trời còn nắng ráo, ta chưa vội gì./ Bao giờ kéo vẩy tê tê,/ Sắp gồng, sắp gánh, ta về kẻo mưa”; “Én bay thấp, mưa ngập bờ ao,/ Én bay cao, mưa rào lại tạnh”… cho đến “dung mạo” của từng cơn mưa: “Tháng ba mưa đám, tháng tám mưa cơn”; “Tháng tám mưa trai, tháng hai mưa thóc”; “Mống bên đông, vồng bên tây,/ Chẳng mưa dây thì bão giật”, Bắt đầu từ việc phân loại các cơn mưa (mưa đám, mưa cơn, mưa thóc, mưa dây, mưa rào…) bằng những liên tưởng mộc mạc đầy hình tượng, người nghệ sĩ dân gian đã nỗ lực “nắm cái hữu hình” của thực thể này trong lòng bàn tay. Bởi lẽ, biết quy luật như “Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy,/ Cơn đằng nam vừa làm vừa chơi” sẽ giúp họ có thể chắc chắn về một vụ mùa bội thu “Tháng giêng chân bước đi cày./ Tháng hai vãi lúa, ngày ngày siêng năng./ Thuận mưa lúa tốt đằng đằng,/ Tháng mười gặt lúa, ta ăn đầy nhà”. Tuy nhiên, mưa hay không và mưa như thế nào còn tùy thuộc vào ông trời nên cụm từ “lạy trời” được nhắc đi nhắc lại trong những bài khấn ca. “Mưa thuận” là sự ưu đãi cho một năm mùa vàng: “Người ta rượu sớm trà trưa,/ Em nay đi nắng về mưa đã nhiều./ Lạy trời mưa thuận gió đều,/ Cho đồng lúa tốt, cho chiều lòng em”; “Ơn trời mưa nắng phải thì/ Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu”;… Song, cũng bởi mưa nhiều khi không thuận lòng người nên thực thể ấy có khi lại được ẩn dụ cho những vất vả của người nông dân “Trời mưa quả dưa vẹo vọ,/ Con ốc nằm co,/ Con tôm đánh đáo,/ Con cò kiếm ăn ”. Đó không chỉ là sự ngóng trông dài đằng đẵng “Người ta đi cấy lấy công,/ Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề./ Trông trời, trông đất trông mây,/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm./ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời êm, bể lặng mới yên tấm lòng” mà còn là thời gian và chất chồng lo toan trĩu nặng với ruộng đồng. Vì vậy, cụm từ “nắng mưa” đã khiến thực thể mưa trong 141 không gian vũ trụ mang dáng hình lam lũ, chịu thương chịu khó của nhà nông: “Mặt trời tang tảng rạng đông,/ Chàng ơi! Trở dậy ra đồng kẻo trưa./ Phận hèn bao quản nắng mưa./ Cày sâu bừa kỹ, được mùa có khi”; “Trời hè lắm trận mưa rào,/ Gặt sớm, phơi sớm, liệu sao cho vừa/ Khuyên em chớ ngại nắng mưa,/ Của chồng công vợ, bao giờ quên nhau”;… Qua đó, ca dao từ bài học kinh nghiệm trong sản xuất, từ lời nguyện cầu đã dần hóa thân thành những lời động viên, nhắc nhở đồng cam cộng khổ đầy yêu thương của vợ chồng. Thế nhưng, cũng có khi mong ước trời mưa lại không phải là dấu hiệu của sự cần cù, siêng năng mà hoàn toàn ngược lại: “Cái cò lặn lội bờ ao / Hỡi cô yếm đào, lấy chú tôi chăng?/ Chú tôi hay tửu hay tăm,/ Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa,/ Ngày thì ước những ngày mưa,/ Đêm thì ước những đêm thừa trống canh ”. Ở câu ca dao này, bằng vài nét chấm phá cho nhân vật “hay tửu hay tăm, hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa” và sự nhấn nhá trong hai câu cuối “ngày thì… đêm thì…” khiến “ngày mưa” bỗng lộ diện là cơ hội nhàn rỗi rong chơi cho kẻ lười biếng, trốn việc. Và cứ như vậy, không biết tự bao giờ, mưa đã trở nên thật sự gần gũi, quen thuộc. Giữa đất đai của xứ sở, mưa ngọt ngào đẫm thêm hương và vị cho từng sản vật: “Nhờ trời mưa gió thuận hòa,/ Nào cày nào cấy, trẻ già đua nhau./ Chim, gà, lợn, cành cây,/ Mùa nào thức ấy giữ màu nhà quê”. Hay đơn giản, những giọt mưa bé nhỏ trong không gian là một đặc trưng rất riêng của mỗi vùng miền của đất nước: “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong”; “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm,/ Rượu hồng đào chưa nhấm đã say”;… Bên cạnh đó, giữa bộn bề của những hàn huyên tâm sự, mưa trở thành “miếng trầu mềm mại” để bắt đầu câu chuyện. Có lẽ màn mưa âm u với không gian buồn bã đã kéo rèm cho tâm trạng con người được mở lối: “Đêm qua chớp bể mưa nguồn,/ Hỏi người tri kỷ có buồn hay không?”. Hoặc chính cơn mưa lại là không gian thích hợp để khắc họa thêm cho vẻ đẹp của con người đã quen với nắng mưa: “Trời mưa lác đác ruộng dâu,/ Cái nón đội đầu, cái thúng cắp tay./ Bước chân xuống hái dâu này,/ Nuôi tằm cho lớn mong ngày ươm tơ ”. Mặc dù vậy, cũng có những cơn mưa bóng mây bỗng dưng đột ngột đến và đi không dấu vết: “Mưa từ trong núi mưa ra/ Mưa khắp thiên hạ mưa qua chùa Thầy/ Đôi ta bắt gặp nhau đây,/ Như con bò gầy gặp bãi cỏ hoang”; “Ai sang đò ấy bây giờ,/ Ta còn ở lại, ta chờ bạn ta./ Mưa nguồn chớp bể xa xa,/ Ấy ai là bạn của ta, ta chờ”… Mưa đơn thuần chỉ là “tạo đà” cho câu chuyện, không có sự kết nối liền mạch hay giải thích điều gì cho nội dung phía sau. Và đôi khi cùng một cấu trúc câu mở đầu, các nghệ sĩ dân gian thay đổi vế tiếp theo để tiện gieo vần và tạo nên những dị bản cho ca dao: “Trời mưa cho ướt lá cau/ Đôi ta be bé rủ nhau đi bừa”; “Trời mưa cho ướt lá dừa,/ Đôi ta be bé đi bừa đồng trong”; “Trời mưa cho ướt lá bầu,/ Anh làm lính lệ đi hầu ông quan./ Thương người mũ 142 bạc, đai vàng./ Đem thân mà đội mâm cam cho đành!”; “Trời mưa cho ướt lá bầu,/ Vì ai nên phải đi hầu chàng ơi!/ Nhà vua cho lệnh về đòi,/ Đồn rằng chàng trẩy hai mươi tháng này ”;… Hay là sự thay đổi một số từ trong cấu trúc nguyên bản để tạo văn bản khác: “Mưa lâm râm ướt đầm lá cải,/ Em thương người áo vải mỏng manh”; “Mưa lâm râm ướt đầm lá hẹ,/ Em thương người có mẹ không cha”; “Mưa lâm râm ướt đầm lá khế,/ Em thương người ở Huế đấu tranh”;… Cứ như vậy, cơn mưa nối tiếp cơn mưa để bao trùm vạn vật và mở thêm những không gian mới. Riêng với trường hợp của các dị bản: “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong./ Đôi ta như chỉ lộn vồng,/ Đẹp duyên có đẹp, tơ hồng không xe!” [1]. “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong./ Kìa ai lắng đục tìm trong,/ Chứ đây em thủy chung như nhất một lòng sơ giao” [2]. “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong./ Em đây vốn thực chưa chồng,/ Núi cao sông rộng biết gởi lòng cùng ai” [3]. Mặc dù tất cả đều có yếu tố gốc là bài ca dao “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong” nhưng sự nối tiếp và lắp ghép ở các văn bản lại khác nhau. Nếu ở văn bản 1 không có nối kết thì ở văn bản 2 và 3 có ít nhiều sự liên kết về ý nghĩa qua hàm ý được các từ trong câu gợi mở (ví dụ: “trước tròn sau méo” => “thủy chung như nhất”, “nắng đục mưa trong” => “lắng đục tìm trong”). Ngoài ra, cũng có cơn mưa đến từ những hành động của quan tâm trìu mến: “Chàng về để thiếp xin đưa,/ Xin ông trời lại nắng, khoan mưa trơn đường”. Vẫn là mưa trong không gian làm “trơn đường”, ướt áo nhưng mưa ở đây chỉ ẩn hiện trong lời cầu xin như một cái cớ dung dị mà tinh tế. Phải can đảm, và phải yêu thương lắm, người đàn bà này mới lên tiếng cầu xin ông trời cho hành động trái lẽ thường tình ấy: đưa chàng về. Những cơn mưa vạch ngang bầu trời đã rong chơi trong ca dao gần như nguyên hình, nguyên dạng. Đó là kết quả của một quá trình quan sát, chiêm nghiệm và vẽ lại bằng ngôn từ một cách giản dị và chất phác. Hay nói cách khác, không đơn thuần chỉ là “nắm” mưa bằng tay, bằng mắt mà người nghệ sĩ dân gian đã biến hóa những cơn mưa đó để mỗi người đọc đều có thể ngắm mưa, dù mắt không thấy dây mưa rơi, tay không ướt nước. Mưa của ca dao còn lấp loáng bài học kinh nghiệm từ ruộng đồng, giọt mồ hôi của người nông dân, dấu ấn riêng của vùng miền và cả những yêu thương được gởi gắm. Bởi vậy, sau câu nguyện cầu “lạy trời mưa xuống” là vô vàn hình ảnh cuộc sống được phản chiếu trong giọt mưa – thực thể vô tri của vũ trụ. 143 2. Mưa – góc nhìn nghiêng từ thẳm sâu tâm hồn Chúng tôi chọn cụm từ “góc nhìn nghiêng từ thẳm sâu tâm hồn” vì một lẽ: nếu như ở trên là mưa - thực thể nguyên hình nguyên dạng từ không gian thực bước vào ca dao và chỉ mới phản chiếu cuộc sống thì ở đây, mưa đã nép mình vào tâm hồn của con người để chính mưa trở thành một thực thể của cảm xúc. Và chỉ có thể từ một “góc nhìn nghiêng” để khám phá những điều ẩn mình trong mưa. Có thể nói sự gắn kết của cơn mưa với nỗi lòng của con người dường như cũng được các nghệ sĩ dân gian soi chiếu từ những nét đặc trưng của mưa. Không chỉ là gió lùa, sấm dữ trước cơn mưa như giông bão lòng người, mà mỗi đặc trưng về dáng hình, tính chất, không gian của hạt mưa, cơn mưa và sự giao hòa của mưa với vạn vật đều là chất kết dính hài hòa gợi cho những nỗi niềm buồn thương, ngọt ngào, mát lành… của cảm xúc được tỏ bày. Trước tiên, người ta thường ví von mưa như “nước mắt của trời” nên rất dễ liên tưởng để so sánh: “Nhớ ai, em những khóc thầm,/ Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa ”; “Rủ nhau đánh Đồng Nai,/ kia chẳng được một ngày đến trưa./ Sầu em nước mắt như mưa”;… Đây là sự so sánh bắt nguồn từ nét giống nhau về dáng vẻ bên ngoài của mưa và nước mắt, nhưng đồng thời với từ láy “đầm đầm”, hay từ “sầu” cũng chỉ ra mức độ và tầng sâu nỗi đau mà nhân vật trữ tình phải gánh chịu. Hơn thế nữa, như một lẽ tất nhiên, khởi từ dánh hình và nét nhu mì của mưa, người nghệ sĩ dân gian thường quy chiếu mưa vào thân phận người phụ nữ: “Thân em như hạt mưa sa,/ Hạt vào đài cát, hạt ra ruộng cày”; “Thân em như hạt mưa rào,/ Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa”,… Tuy nhiên, những hạt mưa này ngoài đặc tả một cách hoán dụ nét mềm mại, tinh khiết và mỏng manh của người phụ nữ thì còn phản ánh sự phụ thuộc, không có quyền tự chủ, tự quyết định số phận của họ. May mắn ở chốn “đài cát, vườn hoa” hay hẩm hiu ở nơi “ruộng cày, xuống giếng” đều là ngẫu nhiên như hạt mưa rơi xuống đất. Cũng có khi “thân em” lại giống một mưa khác: “Trời mưa nước chảy qua sân,/ Em lấy ông lão móm qua lần thì thôi ”. Ngầm ví “lấy ông lão móm” trong hình ảnh nước mưa chảy qua sân thể hiện sự chịu đựng “qua lần thì thôi” đầy chua chát của nhân vật em. Ngoài ra, mưa còn góp vào nắng để trở thành một nét tính cách của người phụ nữ: “Cô kia má phấn môi son,/ Nắng dầu mưa dãi càng giòn càng ưa./ Cô kia mặt trẽn mày trơ,/ Vàng đeo, bạc quấn cũng dơ dáng người”. Nắng mưa vất vả đã ngấm vào màu da, thân thể của cô gái trong tiếng “giòn” lý thú. Và cái “giòn” ấy toát lên vẻ đẹp chăm chỉ, cần cù, chịu thương, chịu khó khiến “vàng đeo, bạc quấn” cũng phải nhường bước. Ở câu ca dao “Chén tình là chén say sưa,/ Nón tình em đội nắng mưa trên 144 đầu ”, mưa nắng lại là sự điểm trang cho “nón tình” của em. Hay mưa nắng trong câu “Thương em chút phận ngây thơ,/ Lầm than đã trải, nắng mưa đã từng” còn là một phần đời cơ cực đủ để người ta phải xót lòng. Bên cạnh đó, mưa còn ẩn giấu những câu chuyện của tình cảm đôi lứa một cách nhẹ nhàng. “Sóng sầm sịch lưng chừng ngoài biển bắc,/ Hạt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên ”. Và hạt mưa ở đây không phải chỉ là “hạt mưa sa, hạt mưa rào” mà được người nghệ sĩ dân gian kết hợp với một từ khác: “hạt mưa tình”. Có phải chăng là mưa của không gian nhưng nhuốm tình của con người? Hay là mưa của nước mắt cách xa? Cụm từ chỉ nơi chốn “hàng hiên” dễ hướng người đọc vào giả định thứ hai, song từ “rỉ rắc” lại giải đáp cho giả định thứ nhất. Có lẽ mưa của thế gian và cũng là mưa của lòng người thổn thức. Mưa của vũ trụ thánh thót ở hàng hiên trong đôi mắt ngóng trông, thương nhớ đã vô tình hóa thành “mưa tình” ý nhị!? Mưa của sẻ chia, cảm thông và mưa hộ lòng người!? Đúng thật là sự gói gọn mơ hồ rất tài tình của người nghệ sĩ. Duy nhất một chữ “tình” song trĩu nặng và lan tỏa cả bài ca dao. Thế nhưng, đôi khi mưa lại không phải là mưa. Trong những câu ca dao tiếp sau, mưa đã thật sự hóa thân mạnh mẽ: “Gió đưa gió đẩy mây mưa/ Gặp đâu hay đó, kén lừa mà chi!” [1]. “Tạnh trời, mây cuốn về non,/ Hẹn cùng cây cỏ chớ còn mong mưa.” [2]. “Vì sương nên núi bạc đầu,/ Biển lay bởi gió, hoa sầu vì mưa.” [3]. Với câu ca dao “Tạnh trời, mây cuốn về non,/ Hẹn cùng cây cỏ chớ còn mong mưa”, từng có hai cách giải thích: Thứ nhất, theo Vũ Ngọc Phan là “tả cảnh thiên nhiên rất đẹp. Mây và cỏ cây cũng có tình với nhau, thể hiện ở những hạt mưa sa, tắm mát cho cỏ cây, nhưng sự sung sướng chỉ có hạn, và đây là giờ phút mây phải bay về trời” [3, tr. 26]. Thứ hai, xuất phát từ “cái “nghĩa hoang đường” của tiếng mây, người ta gán ghép hai câu này vào Thánh Gióng: dẹp giặc xong, viên tướng tiêu biểu sức kháng chiến của anh hung của dân tộc ta, bay về trời, hẹn với nhân gian đừng trông đợi gì nữa, nhiệm vụ của ông như thế là xong” [3, tr. 26]. Cá nhân người viết cho rằng cả hai cách lý giải trên chưa hẳn đã đầy đủ, bài ca dao không đơn thuần tả thiên nhiên mà còn ngụ tình. Điều đó được thể hiện ở những từ “hẹn, mong”. Tương tự với hai bài ca dao còn lại, chữ tình cũng lấp lánh trong các từ “gặp, kén lừa”, “bạc đầu, lay, sầu”. Không hẳn chỉ bởi những từ mang tính chất nhân hóa cho sự vật mà mối quan hệ giữa các sự vật cũng tạo nên màu sắc đó. Do vậy, với những câu ca dao này, theo thiển ý của người viết, không thể chỉ xác định nghĩa ở nghĩa đen. 145 Từ đó, ở bài ca dao [1], “mây mưa” xét trong mối quan hệ “đưa đẩy”, “kén lừa” của “gió” thì chưa thể rõ đóng vai trò của nam hay nữ. Tuy nhiên, ở bài ca dao [3], quy định bởi nghệ thuật đối chặt chẽ nên các cặp song hành sẽ là “sương – núi”, “biển – gió”, “hoa – mưa” và nếu xét trong mối quan hệ của “vì nên bạc đầu, lay bởi , sầu vì ”, đặc biệt “hoa” thường được ví von cho người phụ nữ thì “mưa” sẽ là chàng trai. Còn ở bài ca dao [2], giữa hai đối tượng là “mây – cây cỏ” thì “mưa” chỉ có thể xem là những gặp gỡ, hẹn hò. Như vậy, ở mỗi bài ca dao, mưa lại giữ một vai trò và vị thế khác hẳn. Sự thay đổi này tạo nên những màu sắc khác cho cùng một cơn mưa, và quả thật mưa không còn chỉ là mưa. Nếu chấp nhận với cách hiểu trên thì bài ca dao [1] có thể là một lời trách cứ hoặc một lời thú nhận rất ngúng nguẩy, đáng yêu; bài ca dao [2] là một lời hẹn hò; và bài ca dao [3] là một lời than. Vì vậy, dường như trong mắt của nghệ sĩ dân gian, thiên nhiên thật sự hữu tình. Trong ca dao, mưa còn mở ra nhiều chiều của những câu chuyện khác. Có lẽ như hàng ngàn hạt mưa tắm mát cho vạn vật và cũng len khẽ trong từng kẽ nhỏ của đất đai, hòa vào mọi mạch ngầm của suối khe ra biển lớn, mưa cũng ngấm vào từng góc cạnh của cuộc sống. Mưa không còn chỉ là một hiện tượng của trời đất, một thực thể trong vũ trụ mà qua những cơn mưa ấy, người nghệ sĩ đã khái quát một cách bình dị những điều của cuộc sống. Với “Năng mưa thì giếng năng đầy,/ Anh năng đi lại, mẹ thầy năng thương” lại hàm chứa một lời khuyên cho các chàng trai đang lấy lòng cha mẹ người yêu. Ẩn ý đó được giấu trong lối so sánh với các vế đối rất cân xứng và logic: “năng mưa – năng đi lại, năng đầy – năng thương”. Hay mối quan hệ dì ghẻ và con chồng cũng được soi chiếu qua cặp hình ảnh quen thuộc “sấm – mưa”: “Mấy đời sấm có trước mưa,/ Mấy đời dì ghẻ có ưa con chồng”. Điệp cấu trúc với cụm từ nhấn mạnh “mấy đời”, sự trái quy luật “sấm có trước mưa” đã chỉ ra việc hi hữu, khó có trong hiện thực của cảnh “dì ghẻ ưa con chồng”. Quy luật nắng mưa của trời đất cũng có nét đồng điệu với miệng lưỡi thế gian: “Mai mưa, trưa nắng, chiều nồm,/ Trời còn luân chuyển, huống mồm thế gian”. Với nhân gian, trời là đấng thiêng liêng, giữ vai trò quyết định vạn vật và đã có những trật tự ổn định riêng. Thế nhưng, câu ca dao như tiếng bật cười đắng cay “trời còn luân chuyển”, mà đó lại là sự thay đổi ba dạng thời tiết trong một ngày đến chóng mặt “mai mưa, trưa nắng, chiều nồm”. Cho nên, miệng lưỡi thế gian ngoa ngạnh cũng là hiển nhiên như trời đất. 146 Có thể nói từ hiện tượng tự nhiên là mưa để nói đến những quan hệ trong xã hội đã bộc lộ khả năng quan sát tỉ mẩn và liên tưởng rất tốt của người nghệ sĩ. Chính bởi điều này nên với góc nhìn nghiêng từ thẳm sâu tâm hồn của người dân Việt, mưa hiện ra với vô vàn dáng hình của con người và các mối quan hệ gần gũi, thân quen. Mưa đã thật sự thấm sâu vào cuộc sống trong từng ngõ ngách. Hình ảnh mưa trong ca dao là một sự “chưng cất” từ hàng vạn hạt mưa rơi, mà mỗi hạt mưa đều góp nhặt, mang trong mình một số phận riêng, một dáng hình riêng từ không gian cuộc sống. Mưa trong ca dao không chỉ dừng lại là những bài học kinh nghiệm về trồng trọt, những lời nguyện cầu cho mùa màng tốt tươi mà còn là những bài học về phận người và cách ứng xử trong cuộc sống. Hạt mưa trong đời thực như những tinh cầu nhỏ phản chiếu vạn vật thì mưa trong ca dao lại là dòng suối ngọt lành để cảm xúc và yêu thương được sẻ chia. Và lấp lánh trong mỗi hạt mưa tinh khiết ấy ẩn chứa sự tinh tế, tài tình của người nghệ sĩ dân gian. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đinh Gia Khánh và cs, Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục và đào tạo, Hà Nội, 2000. 2. Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992. 3. Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978. THE RAIN IN CADAO Nguyen Thi Quynh Huong College of Sciences, Hue University Abstract. Folk literature is the heart of the rustic, simple artists who are from the harvests on the fields and the sweetness of streams. Indispensable for agriculture, the rain easily becomes the familiar and close image in Vietnam cadao. In there, the rain appears with the dense frequency: the rain marks the characteristic of the region, the rain is the dream of having the nice weather in the praying songs, the rain is the interesting way to continue the life story and especially, the rain is the object to compare. With delicate style, the image of rain not only hides in the clear, fragile shapes of woman, but also hides people’s endless sadness and fun. Exploiting images of rain with all shapes and natures, the folk artists have once more presented their creation to understand and draw clearly the life in the simple, pure color. . kéo mưa đến gần hơn buồn vui của phận người. Chính vì vậy, hình ảnh mưa có sự gắn kết rất riêng với người nghệ sĩ dân gian trong ca dao. Trong bài nghiên cứu này, người viết “ngắm” mưa trong ca. dân Việt, mưa hiện ra với vô vàn dáng hình của con người và các mối quan hệ gần gũi, thân quen. Mưa đã thật sự thấm sâu vào cuộc sống trong từng ngõ ngách. Hình ảnh mưa trong ca dao là một. nặng và lan tỏa cả bài ca dao. Thế nhưng, đôi khi mưa lại không phải là mưa. Trong những câu ca dao tiếp sau, mưa đã thật sự hóa thân mạnh mẽ: “Gió đưa gió đẩy mây mưa/ Gặp đâu hay đó, kén

Ngày đăng: 25/03/2014, 08:20

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w