1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Xứ Đông với kinh đô Thăng Long doc

7 306 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 7
Dung lượng 232,25 KB

Nội dung

Xứ Đông với kinh đô Thăng Long Nói về người xứ Đông với sự nghiệp xây dựng kinh đô Thăng Long, trước hết nói về tầng lớp quan lại, trí thức qua các thời kì lịch sử. Xứ Đông Kinh đô của một quốc gia là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nơi đào tạo nhân tài, đồng thời cũng là nơi thu hút tinh hoa của cả nước. Được sống và làm việc ở kinh đô là niềm ngưỡng vọng của mọi thế hệ xưa cũng như nay. Cư dân của kinh đô mỗi quốc gia ban đầu chỉ là dân bản địa, số đó thường không nhiều. Trong quá trình tồn tại và phát triển, dân nhập cư ngày một đông, nhiều khi áp đảo dân bản xứ về số lượng, nhưng phong tục tập quán thường phải tuân thủ như người bản địa, đồng thời cũng góp phần tạo nên tinh hoa có tính khu biệt cho kinh đô. Một kinh đô lâu đời thường có mặt cư dân các địa phương, thậm chí cả kiều dân một số nước, nhưng thời phong kiến, dân Tứ trấn (Đông, Nam, Đoài, Bắc) kế cận với kinh đô có vai trò quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp xây dựng cũng như hình thành cư dân Thăng Long, mà dân gian vẫn gọi là Tứ chiếng. Biệt danh Tứ chiếng lúc đầu thường ám chỉ dân tứ trấn kế cận kinh đô, quá trình tồn tại nó trở thành từ chỉ những người ngoại lai tứ xứ đến kinh đô này, nhiều khi được dùng với nghĩa xấu, như loại người giang hồ. Nói vậy, Thăng Long không thể thiếu dân tứ trấn, trước hết là lực lượng bảo vệ trực tiếp, sau là lực lượng phục vụ trên các phương diện. Người đến kinh đô làm việc cho triều đình, buôn bán hay làm thợ thủ công là thành phần tinh túy nhất, ca dao có câu: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Tràng An ở đây chỉ đất kinh kỳ. Nói vậy không có nghĩa là, dân kinh đô người nào cũng tốt mà có một bộ phận cơ hội, ăn theo, bất hảo, nơi thượng vàng, hạ cám, những thành phần này chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng cũng gây cho kinh đô không ít phiền hà. Người tứ trấn cũng như các địa phương đến kinh đô do nhiều yêu cầu khác nhau của cuộc sống và nghĩa vụ đối với quốc gia, trong đó có một bộ phận ở lại, định cư, từ đời này qua đời khác rồi trở thành công dân kinh đô mà thời Lê Trung Hưng gọi là Kẻ Chợ. Khi nói đến Thăng Long ngàn năm văn hiến thì cũng phải hiểu các địa phương theo lịch đại ngàn năm tương ứng. Xứ Đông ở đây là nói đến vùng đất Hải Dương dưới thời đại phong kiến, tức Hồng lộ, Nam Sách lộ thời Lý – Trần, thừa tuyên, rồi xứ, trấn Hải Dương thời hậu Lê, tỉnh Hải Dương thời Nguyễn. Khi đó không gian Hải Dương gấp đôi hiện nay, bao gồm Hải Dương đương đại, thành phố Hải Phòng; huyện Đông Triều, Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh; Mỹ Hào, một phần các huyện: Yên Mĩ, Ân Thi của tỉnh Hưng Yên và một phần huyện Gia Bình của tỉnh Bắc Ninh. Với không gian và vị thế địa lí như vậy, nên khi soạn Địa dư chí, Nguyễn Trãi có nhận định xác đáng: “Hải Dương là Bộ Dương Tuyền ngày xưa, là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn, đứng đầu phên dậu phía đông”. Đứng đầu ở đây không chỉ về phương diện quân sự mà còn các mặt nhân tài, vật lực cho đất nước, mà trước hết là cho kinh đô. Nói về người xứ Đông với sự nghiệp xây dựng kinh đô Thăng Long, trước hết nói về tầng lớp quan lại, trí thức qua các thời kì lịch sử. Quan lại xứ Đông đến Thăng Long không chỉ trong thời kỳ nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010, mà ngày từ thời tiền Thăng Long, thời kỳ dành quyền tự chủ từ đầu thế kỷ X, tiêu biểu là Khúc Thừa Dụ, một hào kiệt đất Hồng Châu, đã mưu lược chiếm thành Đại La vào năm 905, giành quyền tự chủ sau ngót một nghìn năm Bắc thuộc, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập dân tộc. Trong 1000 năm, kể từ khi Thăng Long được kiến tạo, quan lại, trí giả xứ ĐôngThăng Long có lẽ vào những địa phương đông nhất và giữ nhiều trọng trách, kể cả thời kinh đô đã chuyển vào Huế và thời Pháp đô hộ. Trong số trên 640 tiến sĩ nho học dưới thời đại phong kiến, có tới trên 90% làm quan ở Thăng Long, Hà Nội ở các cấp bậc khác nhau. Cùng với văn quan là đội ngũ võ quan và quân đội bảo vệ thủ đô qua các thời, trong số này nhiều người cùng gia đình đã định cư ở Thăng Long. Sau đó là thợ thủ công và thương nhân, rồi công nhân thời Pháp thuộc. Họ làm ăn, buôn bán nhiều đời ở kinh đô, tuy còn gia bản ở cố hương, nhưng nay đã là cư dân Hà Nội. Thợ thủ công và thương nhân tập trung vào từng phố, phường như: Phố Hàng Bạc phần lớn là người Châu Khê lên kinh đô đúc bạc nén cho nhà vua thế kỉ XV, sau chuyển làm nghề mỹ nghệ vàng bạc, định cư tại Hà Nội, tạo thành phố, phường. Hàng Đào được hình thành từ những người thợ nhuộm màu cao cấp ở Đan Loan (Huyện Bình Giang ngày nay) từ thời Lê. Hài Tượng là phố của những người thuộc da, đóng dày từ Tam Lâm (Huyện Gia Lộc ngày nay) Thợ khắc ván in ở Liễu Tràng có mặt ở hầu khắp các đền miếu ở kinh đô, chuyên khắc ván in cho nhà nước và nhà chùa. Năm 1909, họ thực hiện cuốn đại từ điểm bằng tranh do Hăng-ri Ô-giê chủ trương. Thợ khắc bia ký và tạo tác các công trình bằng đá đều là người An Hoạch (tỉnh Thanh Hóa) và Kính Chủ ( tỉnh Hải Dương). Đầu thế kỷ XX, họ tham gia xây dựng các công trình hiện đại, trong đó có cầu Long Biên và các hè phố. Sau Cách mạng Tháng Tám, số người Hải Dương, Hải Phòng lên Hà Nội làm ăn, buôn bán trong đó có đội ngũ công nhân, viên chức khá đông đúc, số lượng này phải tính theo đơn vị vạn. Người ta không chỉ lập đồng hương tỉnh, mà còn có đồng hương làng ở thủ đô Hà nội, đủ biết người xứ Đông định cư ở đây đông như thế nào. Người xứ Đông định cư ở Hà Nội nhiều đời vẫn không quên nguyên quán, coi đó là một thứ thiêng liêng và cả tự hào. Gia đình luật sư Vũ Đình Hòe, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, định cư ở Hà Nội 6 đời, vẫn nhận là người Bình Giang. Gia đình Giáo sư Phạm Huy Thông ở Hà Nội từ đầu thế kỷ XX, vẫn ghi trong hồ sơ của mình quê Hải Dương, bởi Đào Xá, nguyên quán của ông, cuối thế kỉ XIX vẫn thuộc huyện Đường An. Gia đình Giáo sư Vũ Ngọc Phan cũng vậy. Nhiều quan lại ở Thăng Long, khi hưu trí trở về nguyên quán, vui thú điền viên, sống cùng họ hàng, làng xóm, coi trọng cố hương hơn cả đất kinh kỳ. Dưới đây là một vài điển hình. Người làng Mộ Trạch hầu như có mặt ở hầu hết các bộ phận của triều đình, hàng năm họ họp đồng hương ngay trong nội phủ, xin dẫn chứng một vài nhân vật điển hình: Đông các đại học sĩ Vũ Phương Đề; Quốc Lão, Thượng thư Lại bộ, Quốc công Vũ Duy Chí; Thượng thư Lễ bộ Vũ Duy Hài; Thượng thư Công bộ, Bá tước Vũ Công Đạo; Thượng thư Công bộ Vũ Duy Đoán; Bồi tụng, Tế tửu Quốc tử giám Vũ Huy Đĩnh; Bồi tụng, Á tướng, Tế tửu Quốc tử giám Vũ Huy Tấn. Thượng thư Lục bộ Vũ Hữu là người trực tiếp xây dựng những công trình trọng yếu của kinh đô. Đây chưa kể hàng nghìn vị ở các làng xã khác của 4 phủ, 18 huyện của trấn Hải Dương đương thời, từng giữ trọng trách trên nhiều lĩnh vực ở Thăng Long như: Đại danh y Lê Hữu Trác (Đường Hào); Bảng nhãn Đào Công Chính (Vĩnh Lại, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo), ông không chỉ là một quan lại xuất sắc mà còn là nhà y học dự phòng nổi tiếng ở kinh thành. Vào thời kì này, không ít phụ nữ nổi tiếng của xứ Đông có mặt ở Thăng Long: cung nữ Điểm Bích ở thế kỉ XIV, Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, Chiêu nghi Đặng Thị Cúc, Cung tần Nguyễn Thị Ngọc Chén ở thế kỉ XVII… Thời Nguyễn (1802 – 1945), tuy kinh đô đã chuyển vào Huế, nhưng phần lớn những trí thức tiêu biểu của Hải Dương vẫn ở đất cố đô, nhiều người làm nên sự nghiệp, kiến tạo những gia đình trí thức lớn ở Hà thành như: - Phạm Quý Thích (1759 – 1825), tuy nguyên quán ở làng Hoa Đường (Đường An) nhưng vẫn có nhà riêng ở phường Báo Thiên. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Kỉ Mùi (1759), từng làm quan một thời, cuối đời ông từ quan, giữ đạo cương thường, nghiên cứu lịch sử, sưu tầm biên tập văn học, sáng tác thơ văn và đào tạo nhân tài lừng danh một thuở. - Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) , quê làng Đan Loan (Đường An), nhưng có nhà riêng tại phường Hà Khẩu, từ nhỏ đã ôm ấp mộng văn chương. Tuy chỉ có bằng Tú tài nhưng tài năng siêu việt, từng giữ chức Tế tửu Quốc tử giám. Tuy nhiên, làm quan không phải là mục đích của cuộc đời, vì vậy ông đã từ quan, về Thăng Long viết sách và trở thành một trong những nhà trước tác tiêu biểu đầu thế kỷ XIX. - Vũ Tông Phan (1800 – 1851), quê Lương Ngọc (Đường An). Tuy đỗ tiến sĩ, từng làm quan nhưng ở tuổi 39, ông đã từ quan, về Hà Nội, ở thôn Tự Tháp, bên hồ Hoàn Kiếm, mở trường Hồ Đình, một ngôi trường nổi tiếng đất Bắc lúc bấy giờ, nơi đào tạo nhiều danh sĩ nổi tiếng. Vũ Tông Phan còn là người có công chấn hưng văn hóa Thăng Long, khi nhà Nguyễn đã dời kinh đô đi nơi khác. Ông để lại nhiều trước tác có giá trị về văn học và lịch sử nước nhà. Di duệ họ Vũ ở đây đã nhiều đời, đời nào cũng có những nhân tài xuất chúng. Thời kì Pháp xâm lược (1883 – 1945), thành Thăng Long bị tàn phá nhưng người Pháp không tìm được đâu hơn đất này để lập thủ đô cho cả Đông Dương thuộc địa, đó cũng là một cơ hội cho Thăng Long phát triển theo một chiều hướng mới, trong hoàn cảnh mất chính quyền. Nhân tài giai đoạn này đã có ảnh hưởng Tây học và không tránh khỏi những khuynh hướng chính trị khác nhau: - Trần Văn Cận (1858 – 1938), người Từ Ô (huyện Thanh Miện ngày nay), sinh trưởng trong một gia đình 4 đời có người đỗ đại khoa. Ông có bằng cử nhân nhưng không ra làm quan mà dạy học, viết sách tại Hà Nội, góp phần đào tạo nhiều nhân tài. Sự nghiệp của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến người con trai là học giả Trần Văn Giáp. - Nguyễn Văn Ngọc (1890 – 1942), quê Hoạch Trạch (Huyện Bình Giang ngày nay), một trong những làng quê có nhiều cử nhân, tiến sĩ của Hải Dương. Ông là một học giả xuất sắc của Hải Dương đầu thế kỉ XX. Tuy là người Hải Dương, nhưng phần lớn cuộc đời sống ở Hà Nội, sự nghiệp của ông cũng thành danh ở nơi này. Khi trưởng thành, ông đã đảm đương nhiều trọng trách: vừa làm thầy giáo, vừa nghiên cứu, trước tác và tham gia nhiều công tác xã hội. Ông là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu văn nghệ dân gian, có công lớn trong việc truyền bá quốc ngữ đầu thế kỉ XX. - Nguyễn Trọng Thuật (1883 – 1940), một học giả nổi tiếng đầu thế kỉ XX, quê Nam Sách, sống nhiều năm ở Hà thành, là hội viên Hội khai trí tiến đức, cộng tác với nhiều tờ báo và nhà xuất bản lớn ở đây. - Phạm Quỳnh (1892 – 1945) quê Lương Ngọc (Huyện Bình Giang ngày nay). Ông là một học giả lớn, tác phẩm và công trình nghiên cứu, dịch thuộc nhiều thể loại, góp phần quan trọng đưa nền văn hóa phương Tây vào Việt Nam cũng như đưa văn hóa Việt Nam sang phương Tây một cách có hệ thống trên một nhận thức hiện đại. Gia đình định cư ở Hà Nội nhiều đời, con cháu thành đạt trên nhiều lĩnh vực khác nhau. - Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý (1908 – 1978), quê làng Đan Loan, trưởng thành ở Hà Nội. Ông là một nhà văn, nhà báo lớn, từng cộng tác với nhiều báo chí ở Hà thành trước khi vào Sài Gòn hoạt động. - Ba anh em nhà văn Nhất Linh (1905 – 1963), Hoàng Đạo (1907 – 1948), Thạch Lam (1910 – 1942), tuy nguyên quán huyện Quảng Nam, nhưng sinh trưởng nhiều đời ở thị trấn Cẩm Giàng. Các ông là những người được học hành đến nơi đến chốn, quan tâm đến dân sinh, thành đạt trong sự nghiệp văn chương, là những người sáng lập nhóm văn học Tự lực văn đoàn, một văn phái có công lớn trong nền văn học hiện đại, chủ trương đổi mới trên một số lĩnh vực văn hóa nước nhà. - Vũ Đình Liên (1913 – 1995), quê làng Châu Khê ( huyện Bình giang ngày nay), là người sớm trưởng thành ở Hà Nội. Ông là một nhà giáo, nhà báo, nhà văn để lại những vần thơ bất hủ. - Gia đình Phạm Huy Thông, nguyên quán Đào Xá, Đường An, ông cha từng có cửa hàng vàng Chấn Hưng nổi tiếng, đồng thời cũng là một gia đình trí thức vang bóng một thời ở thủ đô. - Gia đình nghệ sĩ Nguyễn Văn Thịnh (1883 – 1973), quê Bến Trại (huyện Thanh Miện ngày nay), sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời làm nghề chèo hát, gánh chèo của gia đình nghệ sĩ từng làm xôn xao khán giả đất Hà thành đầu thế kỉ XX, thường xuất hiện trên Khán Nhiên đài. - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, nguyên quán làng Châu Khê (huyện Bình Giang ngày nay), cây cao bóng cả trong làng nhiếp ảnh Việt Nam ở thế kỷ XX. Sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều nhà chính trị, quân sự, khoa học, văn nghệ sĩ có điều kiện phát triển cùng với hàng vạn công nhân viên chức định cư tại Hà Nội, họ góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng và phát triển thủ đô. Không chỉ người các địa phương góp phần kiến tạo Thăng Long mà văn hóa Thăng Long có ảnh hưởng rất lớn đến các địa phương, nhất là những vùng kế cận, trong đóXứ Đông. Mỗi một người, một gia đình ở Thăng Long, khi trở lại cố hương thường ít hay nhiều có ảnh hưởng tích cực đến văn minh của làng xã trong kiến trúc nhà cửa, trang trí nội thất, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ, giao tiếp, ứng xử… Nếp sống thanh lịch của Thăng Long là mật hoa của mọi miền, sau khi tinh luyện nó trở thành tinh hoa của dân tộc. Cái tinh hoa đó lại lan tỏa về mọi miền quê. Hạnh phúc cho nơi nào tiếp nhận được nó. Nghiên cứu thấu đáo, người ta thấy rằng, xưa cũng như nay, không chỉ có một luồng, người các địa phương, di cư đến kinh đô mà còn có chiều ngược lại, tuy không nhiều, có thể lấy Xứ Đông làm ví dụ: Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Chẩn đều là những quan lớn trong triều, nhưng các vị đều có thái ấp và nhà riêng ở Hồng lộ. Trần Nguyên Đán, Chu Văn An, Nguyễn Trãi ….cuối đời đều về Xứ Đông sống thanh thản những năm tháng cuối đời. Chính những năm tháng cuối đời ở làng quê hay chốn lâm tuyền, các danh nhân lại có những trước tác giá trị. Điển hình như tiến sĩ Nguyễn Súc, sinh trưởng ở phường Báo Thiên, huyện Vĩnh Xương, nay thuộc phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm đã di cư về làng Liêu Xá, huyện Đường Hào. Ngày nay, nhiều cán bộ trung cao cấp, cuối đời lại về cố hương. Họ mang theo nền văn hóa Thăng Long, sống những năm tháng đầy hương vị quê hương, nơi họ đã ra đời, hy vọng góp ít nhiều nếp sống văn minh của Hà Nội cho làng quê. Trên đây chỉ là một sự khái lược về con người Tứ trấn với Thăng Long và ngược lại, cụ thể ở đây là Xứ Đông, hy vọng góp phần làm sáng tỏ lịch sử Thăng Long ngàn năm văn hiến. . Xứ Đông với kinh đô Thăng Long Nói về người xứ Đông với sự nghiệp xây dựng kinh đô Thăng Long, trước hết nói về tầng lớp quan lại, trí thức qua các thời kì lịch sử. Xứ Đông Kinh đô của. từ khi Thăng Long được kiến tạo, quan lại, trí giả xứ Đông ở Thăng Long có lẽ vào những địa phương đông nhất và giữ nhiều trọng trách, kể cả thời kinh đô đã chuyển vào Huế và thời Pháp đô hộ phía đông . Đứng đầu ở đây không chỉ về phương diện quân sự mà còn các mặt nhân tài, vật lực cho đất nước, mà trước hết là cho kinh đô. Nói về người xứ Đông với sự nghiệp xây dựng kinh đô Thăng

Ngày đăng: 25/03/2014, 04:21

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w