1. Trang chủ
  2. » Kỹ Năng Mềm

làm thế nào để tự vượt qua nỗi buồn

5 526 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 5
Dung lượng 59,22 KB

Nội dung

Làm thế nào để tự vượt qua nỗi buồn? *Photo: Melania Brescia Ngày hôm nay tôi nói với bạn một sự thật: Đó là bạn phải tập học cách để tự vượt qua những nỗi buồn. Một cách lý tưởng nhất giả thiết rằng bạn có người yêu, tri kỷ, và những người đó có thể cho bạn một cái ôm ấm áp, một nụ hôn, một bờ vai để tựa, một không gian tĩnh lặng để yên tĩnh, những lời động viên an ủi… Thế nhưng có những lúc những cơn căng thẳng hoặc nỗi trầm cảm đến với bạn không thể tác động được từ bên ngoài. Hoặc cũng có thể một ngày đẹp trời nào đó những người được gọi là người yêu hay tri kỷ kia lại chính là nguyên nhân khiến bạn đau khổ thì biết lấy ai mà tựa vào? Hoặc một suy nghĩ đơn giản thế này thôi, đồng ý bạn có những người tốt xung quanh minh sẵn sàng chia sẻ mọi nỗi thống khổ của bạn, nhưng họ không phải là cái thùng nước gạo để suốt ngày suốt tháng bạn muốn trút cái gì vào cũng được. Ngoài ra hãy nhớ kỹ, nếu như bạn suốt ngày kêu ca về tình trạng của mình, tức là bạn đang trút sang những người thân những năng lượng tiêu cực, nếu yêu thương họ thì cũng nên giảm bớt những gánh nặng cho họ. Và thêm nữa, ai cũng có cuộc đời của mình, thế nên chia sẻ chỉ là ở một mức độ nào đó, không được kỳ vọng người khác, dù là những người thân yêu nhất, cũng không thể giải quyết được vấn đề của mình. Thế nên, hãy tập cách tự giải quyết tận gốc các vấn đề trong nội tâm của mình, hay nói cách khác là đôi lúc cần phải tựa vào chính mình. Tôi là người có kinh nghiệm từng bị rơi vào những cơn suy sụp về tinh thần, có những lúc căng thẳng tưởng chừng như mình bị trầm cảm. Những lúc như thế, mọi suy nghĩ tiêu cực ùa đến như rất nhiều sợi dây trói chặt mình lại, dìm mình xuống, mất ngủ và căng thẳng triền miên. Tinh thần yếu dẫn đến một cơ thể yếu, và ngược lại cơ thể yếu không thể chống đỡ nổi một tinh thần yếu. Hãy khoan nói về nguyên nhân, thật ra cuộc sống của tôi đầy đủ về mọi mặt, không có gì đáng phải bàn, những cơn suy sụp đến chẳng qua là mình bị quá căng thẳng vì một áp lực nào đó mình tự tạo, Những người hay bị rơi vào trạng thái trầm cảm đôi khi không hẳn do cuộc sống có một cú sốc hay sự mất mát nào, nó thuộc về tính cách hoặc một số những thói quen xấu trong quá khứ, như bệnh nghĩ nhiều chẳng hạn. Hoặc như trong chương 3 của cuốn “Alain nói về hạnh phúc”, tác giả Émile Chariter còn chỉ ra một nguyên nhân rất trời ơi đất hỡi rằng những người lúc nào cũng có một tâm trạng thất thường và đột nhiên bị suy sụp tinh thần là do lượng thiếu và thừa huyết cầu trong máu. **** Vào năm thứ 3 của đại học, dạo đó, chúng tôi đứng trước một cuộc thi hết sức gay cấn để Đại sứ quán Nhật lựa chọn những thành viên ưu cấp học bổng đi du học tại Nhật. Tất nhiên là tôi đã để cho áp lực đánh bại mình trước kiến thức. Tôi bị chứng đau đầu mất ngủ triền miên và không thể tập trung vào bài học được. Một cảm giác hết sức kinh khủng bao chiếm hết tâm trí mình, những suy nghĩ dằn vặt về bản thân, những tưởng tượng về sự chê cười cho thất bại, hoàn toàn hạ gục tôi. Cảm giác bao trùm là căng thẳng, mỏi mệt, dằn vặt… Tôi không nhớ chính xác mình có đi bệnh viện không, và hình như mình có uống loại thuốc nào đó, nhưng không thể cải thiện được tình hình. Sau đó, tôi quyết định chạy bộ vào những buổi sáng. Sáng nào tôi cũng dậy sớm chạy bộ quanh hồ. Rời xa khỏi sách vở và những áp lực, vào những buổi sáng tinh sương tôi nhìn ngắm những tia nắng mặt trời rực rỡ, những người bán hàng rong, thậm chí, nụ cười của cậu bé bán bánh mỳ quen thuộc cũng làm cho tôi vui. Sự vận động của cơ thể khiến tôi ăn được nhiều hơn và ngủ ngon hơn. Trong suốt một tháng trời như vậy, bệnh đau đầu của tôi hoàn toàn biến mất và tôi trở nên khỏe mạnh cũng như vui vẻ bình thường. Sau này, có một lần nữa tôi bị rơi vào trạng thái suy sụp tinh thần vì bị mất đi một mối quan hệ tốt. Vì suy nghĩ nhiều khiến tâm trí tôi hoàn toàn bị tê liệt. Những lúc như thế tình trạng hết sức kinh khủng đó là tôi tự làm cho mình bị rơi mãi rơi mãi vào cái vấn đề đó không thể thoát ra được. Sự căng thẳng trong tâm trí kéo theo sự mỏi mệt về tinh thần luôn làm cho tôi cảm giác mình cứ nằm đấy mãi, không thể nào dậy được. Sau đó, tôi quyết định thức dậy vào mỗi sáng sớm, đeo tai nghe, đi giầy thể thao vào chạy bộ. Sự trong lành của những buổi sáng tinh sương, âm nhạc và những nhịp điệu chạy đều đều dần dần kéo tâm trí tôi ra khỏi vũng bùn mà tôi tự nhảy xuống. Đều đặn như thế, cả tinh thần và sức khỏe của tôi đều được cải thiện và chỉ trong một tuần thì tôi cảm thấy vấn đề của mình hoàn toàn được tự giải quyết. Như một phương thuốc rất đơn giản và hữu hiệu. **** Về sau này, khi đọc cuốn “Alain nói về hạnh phúc” của Émile Chariter, tôi mới thấm thía được tác dụng của việc vận động cơ thể có ảnh hưởng rất lớn tới việc cải thiện tâm trạng của chúng ta. Có những câu nói hết sức tâm đắc như: “Vào những phút lo lắng, đừng cố tìm cách suy luận, bởi suy luận của bạn sẽ biến thành những mũi kim nhằm vào chính bạn. Tốt hơn hết là bạn hãy thử nâng tay lên rồi gập tay lại, những tác động ngày nay được dạy tại tất cả các trường đại học, hiệu ứng của nó sẽ khiến bạn kinh ngạc. Vậy là ông thầy dạy triết đang bảo bạn đến chỗ ông thầy thể dục mà học đấy.”(trang 66, chương 17) “Ông chỉ ra rằng, mặc dù nằm gọn trong não trạng, cảm xúc vẫn phụ thuộc vào những sự luân chuyển diễn ra trong cơ thể ta; chính những luân chuyển của máu hay dòng đối lưu của một loại chất lỏng nào đó du hành bên trong các dây thần kinh cuốn những ý nghĩ ấy quay trở lại bộ óc của ta, một cách dữ dội hơn trong sự im lặng của đêm. Thường thì chúng ta không nắm bắt được sự náo loạn này của cơ thể, chúng ta chỉ nhìn thấy những tác động này của nó mà thôi, hoặc giả chúng ta nghĩ rằng chính cảm xúc tạo ra sự náo loạn đó, trong khi ngược lại chính sự luân chuyển trong cơ thể mới là cái dung dưỡng cảm xúc.” (Trang 28, chương 6) Trong cuốn sách này còn nói rất nhiều về những thế hoặc sự vận động của cơ thể có tác động tích cực không ngờ đến tâm trạng và cảm xúc của chúng ta. Ví dụ khi ngáp, gãi đầu gãi tai, nhún vai, duỗi thẳng chân tay… Là những hành động khá tự nhiên trong những trường hợp cụ thể của cảm xúc. Kể cả một nụ cười, dù là một nụ cười xã giao cũng đem lại sự chuyển động tích cực cho cơ mặt và đem lại một tâm trạng tốt hơn. Trước kia tôi cứ nghĩa rằng người lúc nào cũng nở nụ cười trên môi hẳn là một người có một tâm hồn hạnh phúc ở bên trong và niềm vui đó toát ra tự nhiên trên khuôn mặt. Nhưng trong cuốn sách này chỉ ra rằng, bạn cứ mỉm cười đi, tự điều đó sẽ khiến bạn vui. Trong sách viết: “Những cử chỉ lịch sự và thiện tâm đều là biểu hiện của sức khỏe” hoặc“Tâm hồn, cái mà ta luôn cho là hào hiệp và nhạy cảm, nếu bị tách riêng ra thì dường như chẳng quan tâm nhiều đến thế. Cơ thể sống động đẹp đẽ hơn nhiều, nó đau đớn bởi ý niệm và nó lành bệnh nhờ vào hành động.” (Trang 35, chương 8) Cơ thể “đau đớn bởi ý niệm và lành bệnh nhờ vào hành động”. Bạn ghi nhớ nhé. Vậy để tránh rơi vào tình trạng buồn chán hoặc suy sụp về tinh thần, việc đầu tiên là bạn hãy vận động thật nhiều. Hồi sống ở Việt Nam, cũng như nhiều người khác, tôi rất ít vận động, đặc biệt là chuyện đi bộ, cứ ra khỏi nhà vài mét cũng thấy người ta đi xe máy. Mọi người dành nhiều thời gian cho màn hình máy tính, lười tập thể dục, ít đi công viên. Khi định cư tại Pháp, tôi hiếm khi rơi vào tâm trạng buồn chán hay trầm cảm. Tôi đi bộ rất nhiều mỗi ngày từ nhà ra siêu thị, công viên, bến tầu điện ngầm. Công viên là những không gian rất mở và rộng lớn với cỏ và cây xanh, làm cho tâm hồn chúng ta cũng rộng mở và khoáng đạt hơn. Ngoài việc vận động cơ thể, bạn nên coi sách là người bạn thân thiết của mình. Sách nói với ta những tiếng không lời. Sách không phải là những thứ ồn ào, phô diễn. Khi đi vào thế giới của sách, ta cảm thấy mình được yên tĩnh, bình yên, đồng cảm. Sách là những tiếng nói tinh hoa và được chắt chiu nhất từ tâm hồn của người viết. Hẳn ta sẽ tìm thấy những gì sâu kín và những giá trị đẹp đẽ từ đó. Ta đọc, chỉ vì ở đó ta có một nơi trú ngụ của tâm hồn. Có rất nhiều điều trong tâm hồn bạn, những suy nghĩ đang còn hỗn độn chưa thể định hình, chính bạn cũng không thể lý giải được, thì hãy tin tôi đi, bạn có thể tìm được điều đó trong những cuốn sách. Khi buồn, hãy đeo tai nghe nhạc, cầm một cuốn sách chạy bộ ra công viên, nằm dài trên bãi cỏ, ngắm trời xanh, và đọc sách, bạn nhé. Đoàn Minh Hằng . Làm thế nào để tự vượt qua nỗi buồn? *Photo: Melania Brescia Ngày hôm nay tôi nói với bạn một sự thật: Đó là bạn phải tập học cách để tự vượt qua. hôn, một bờ vai để tựa, một không gian tĩnh lặng để yên tĩnh, những lời động viên an ủi… Thế nhưng có những lúc những cơn căng thẳng hoặc nỗi trầm cảm đến

Ngày đăng: 17/03/2014, 01:05

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w