Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân 1 Những hạn chế.

Một phần của tài liệu Tình hình đầu tư phát triển tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2002 – 2006. (Trang 40 - 44)

III) Đánh giá chung hoạt động đầu tư phát triển tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

2.Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân 1 Những hạn chế.

2.1. Những hạn chế.

2.1.1. Hoạt động vận tải biển.

- Hạn chế về vốn đầu tư phát triển đội tàu.

Như đã phân tích ở trên, so với qui mô của đội tàu thế giới và đội tàu các nước trong khu vực, qui mô đội tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam còn nhỏ bé, chưa tham gia mạnh mẽ vào thị trường hàng hải thế giới. Mặc dù trong 5 năm qua, các doanh nghiệp trong Tổng công ty đã nỗ lực đầu tư đội tàu theo hướng chuyên môn hoá, phát triển đội tàu trẻ với trọng tải ngày cảng lớn nhưng mức độ vẫn còn rất khiêm tốn và chưa thực sự tạo ra bước đột phá, chưa nâng cao được thị phần vận tải và nâng cao vị thế của Tổng công ty trên thị trường hàng hải thế giới. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do Tổng công ty chưa có điều kiện tập trung đủ khối lượng vốn cần thiết để đầu tư tăng nhanh tấn trọng tải, thay đổi căn bản về cơ cấu đội tàu.

- Hạn chế về nguồn hàng xuất nhập khẩu.

Có thể đánh giá 2 nguyên nhân chính khiến cho phần lớn thị phần vận chuyển hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam lại do các hãng vận tải nước ngoài đảm nhận.

Nguyên nhân thứ nhất là do các chủ hàng Việt Nam có tập quán mua CIF bán FOB. Hơn nữa do cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng nông sản, nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm, giá trị thấp nên sức mạnh đàm phán của các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam không cao. Trong khi đó các chủ hàng nước ngoài thường có xu hướng giành quyền vận tải để chủ động trong việc tiết kiệm chi phí nên nhiều khi nhà xuất nhập khẩu Việt Nam phải nhường quyền thuê tàu cho chủ hàng nước ngoài.

Ngoài ra, theo Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, việc Nhà nước ta cho phép các công ty ngành hàng khép kín qui trình từ khâu sản xuất đến khâu vận chuyển, phân phối và tiêu thụ sản phẩm cũng làm giảm nguồn hàng chuyên chở của đội tàu Việt Nam. Các công ty xi măng lớn như Công ty xi măng Nghi Sơn, Chinfon và Holcim đều có tàu và cảng riêng để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu clinker và vận chuyển hàng trong nội địa. Tổng công ty dầu khí Việt Nam, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam cũng có một đội tàu chở dầu thô, dầu sản phẩm tương đối lớn, không chỉ phục vụ cho nhu cầu vận chuyển của Tổng công ty mà còn tham gia chở thuê trên thị trường vận tải biển quốc tế. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và các chủ hàng xuất nhập khẩu, trong đó các chủ hàng lớn như Tổng công ty Than Việt Nam, Tổng công ty dầu khí Việt Nam bước đầu đã có sự đàm phán, hợp tác nhưng kết quả chưa được như mong đợi.

Mặc dù Chính phủ đã qui định một số cơ chế ưu đãi cho chủ hàng, tuy nhiên, trong thực tế, do các văn bản hướng dẫn cụ thể chưa được ban hành nên những cơ chế này chưa thực sự đi vào cuộc sống.

2.1.2. Hoạt động cảng biển.

- Hạn chế về nguồn vốn đầu tư.

Với một xuất phát điểm thấp, nhu cầu vốn đầu tư để phát triển, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là rất lớn. Các dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư lớn chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ODA và nguồn vốn ngân sách cấp. Việc sử dụng các kênh huy động vốn khác như vốn vay thương mại, vốn liên doanh liên kết, vốn góp cổ phần còn hạn chế và chỉ đủ khả năng đáp ứng các dự án qui mô nhỏ. Trong 5 năm, chính phủ đã tạo điều kiện để Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được sử dụng nguồn vốn vay ODA để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển lớn như Dự án cải tạo, nâng cấp cảng Hải Phòng, Dự án mở rộng cảng Tiên Sa – Đà Nẵng góp phần nâng cao năng lực thông qua của các cảng hiện có. Tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn vốn ưu đãi này còn một số điểm hạn chế. Do nguồn vốn ODA là vốn vay ưu đãi đối với chính phủ nên mặc dù lãi vay thấp, thời gian ân hạn

kéo dài nhưng kèm theo một số ràng buộc. Trong giai đoạn này, một số dự án trọng điểm của Tổng công ty đã được chính phù cho phép vay lại vốn ODA – JBIC. Nguồn vốn này có đặc thù riêng là chi phí tư vấn và giá mua thiết bị thường rất cao. Trong khi đó, các chi phí này có thể được giảm xuống bằng cách sử dụng tư vấn trong nước và sử dụng các thiết bị mà Việt Nam đã sản xuất. Qui trình thủ tục quản lý, sử dụng vốn vay ODA còn nhiều phức tạp, rườm rà. Các chính sách tài chính trong nước như chính sách thuế, cơ chế cho vay lại, các định mức chuyên gia và ban quản lý dự án…chưa có tính nhất quán. Hơn nữa, thời gian trả nợ kéo dài nên các doanh nghiệp còn phải chịu một khoản chi phí chênh lệch tương đối lớn do thay đổi tỷ giá.

- Đầu tư phát triển hệ thống cảng biển chưa hợp lý dẫn đến cạnh tranh giảm giá:

Việc quản lý cảng biển do nhiều cơ quan Bộ ngành, địa phương đảm nhiệm nên việc qui hoạch, xây dựng đầu tư cảng biển manh mún, dàn trải, có quá nhiều cảng tổng hợp nhỏ lẻ nhưng lại thiếu các cảng nước sâu, chuyên dụng. Các bến phao phát triển ngày càng nhiều, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh giảm giá thiếu lành mạnh để giành hàng, kéo dài trong nhiều năm và đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp phù hợp.

- Công tác phục vụ khách hàng và marketing.

Về nguyên nhân chủ quan, do yếu tố lịch sử để lại bộ máy quản lý tại các cảng còn cồng kềnh, dẫn đến chi phí giá thành cao. Công tác marketing, phục vụ khách hàng đã thay đổi và cải tiến nhiều nhưng chưa hiệu quả bằng cảng liên doanh, cổ phần. Ngoài ra, do qui chế quản lý tài chính nên các cảng doanh nghiệp nhà nước không thể áp dụng được những chính sách chi hoa hồng, môi giới uyển chuyển và linh hoạt như những doanh nghiệp liên doanh, cổ phần.

- Các cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng đã được đầu tư xây dựng từ cách đây vài chục năm, trong thời gian dài không được đầu tư nâng cấp nên khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới thì hệ thống cơ sở hạ tầng đã trở nên lạc hậu so với yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

2.1.3. Hoạt động dịch vụ.

Do hạn hẹp về nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực cũng như kinh nghiệm quản lý nên các doanh nghiệp dịch vụ trong Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chưa vươn ra thị trường thế giới. Việc mở rộng sang các ngành nghề kinh doanh khác cũng mang tính tự phát, chưa có qui hoạch tổng thể và định hướng lâu dài nên đóng góp của những ngành nghề này vào kết quả của toàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam còn hạn chế. Ngoài ra, với xu hướng tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường dịch vụ hàng hải trong nước, các doanh nghiệp luôn đứng trước nguy cơ bị mất lao động có kinh nghiệm làm việc, kiến thức chuyên ngành sâu và khả năng ngoại ngữ tốt. Nhiều khi, những lao động chủ chốt khi chuyển sang doanh nghiệp khác còn kéo theo những khách hàng truyền thống.

2.2. Nguyên nhân.

Hoạt động đầu tư phát triển tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong thời gian này tuy đã mang lại nhiều thành tựu đáng kể, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong điều kiện kinh doanh khó khăn, song thực tế vẫn còn một số hạn chế như trên. Có thể kể đến các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế đó như sau:

Các văn bản quản lý còn thiếu, qui trình ra quyết định đầu tư còn nhiều bất cập, đôi khi chồng chéo, chưa rõ ràng. Luật hàng hải đã được ban hành song còn nhiều thiếu sót, thiếu sự tương thích với hệ thống luật pháp quốc tế. Hệ thống tiêu chuẩn, công nghệ trong hoạt động còn thiếu thống nhất, đồng bộ.

Vốn và tài sản còn nhỏ so với nhu cầu đầu tư phát triển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Do đó, trong những năm qua, mặc dù hoạt động sản xuất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có đem lại lợi nhuận, đạt mức tăng trưởng nhưng chưa cao và bền vững. Khi phải đối đầu với khủng hoảng như giá nhiên liệu tăng, chi phí bảo hiểm tăng, dịch bệnh,…,Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có nguy cơ mất khả năng chi trả. Năng lực tài chính còn yếu. Do vậy, trong thời

gian tới, việc tìm ra những giải pháp tạo nguồn vốn là việc làm rất cấp bách đối với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Công tác lập kế hoạch đầu tư và quản lý đầu tư ở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và các đơn vị chất lượng còn thấp. Điều đó dẫn đến quá trình triển khai dự án bị kéo dài dẫn tới vốn đầu tư bị ứ đọng kéo dài trong công đoạn phi sản xuất làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án.

Cơ cấu đầu tư chưa phù hợp. Công tác đầu tư vẫn còn dàn trải, nhiều hạng mục đầu tư cùng đươc triển khai làm nguồn vốn sử dụng bị dàn trải, không đủ vốn tập trung cho những dự án trọng điểm, gây nên tình trạng thất thoát vốn đầu tư. Đó là khó khăn lớn đối với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Trong giai đoạn 2002 – 2006, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tập trung đầu tư phát triển đội tàu biển với khối lượng vốn đầu tư hàng năm phải sử dụng rất lớn dẫn đến thiếu nguồn vốn đầu tư từ các quĩ đầu tư của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ công nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và nhịp độ phát triển.

Một phần của tài liệu Tình hình đầu tư phát triển tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2002 – 2006. (Trang 40 - 44)