Xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh và hiệu quả

Một phần của tài liệu Vai trò của nhà nước với phát triển bền vững ở Việt Nam (Trang 87)

Báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 1997 đã có đoạn viết như sau:

‘‘Một nhà nước hoạt động có hiệu quả có thể đóng góp rất nhiều cho sự phát triển bền vững và giảm đói nghèo. Nhưng chẳng có đảm bảo nào cho rằng mọi can thiệp của nhà nước đều sẽ mang lại lợi ích cho xã hội. Độc quyền của nhà nước về cưỡng chế, cái mang lại cho quyền lực nhà nước quyền lực can thiệp một cách có hiệu lực vào hoạt động kinh tế, cũng mang lại cho nhà nước quyền can thiệp một cách độc đoán chuyên quyền. Quyền lực này, cộng với việc thâm nhập nguồn thông tin mà dân chúng bình thường không có được tạo ra những cơ hội cho các công chức xúc tiến những lợi ích của riêng họ hay những bạn bè hoặc đồng minh của họ, làm thiệt hại cho lợi ích chung. Những khả năng kiếm lợi và tham nhũng là rất lớn. Do đó, các nước phải cố gắng thiết lập và nuôi dưỡng những cơ chế mang lại cho các cơ quan nhà nước sự mềm dẻo và sự khuyến khích để hoạt động vì lợi ích chung, đồng thời kiềm chế những hành vi độc đoán tham nhũng trong cách cư xử với các doanh nghiệp và công dân’’ [7, tr.126].

Có nhiều nhân tố đóng góp vào sự PTBV của một quốc gia, trong đó vai trò quản lý hiệu quả của nhà nước là nhân tố chủ quan quyết định nhất. Về cơ bản, các nhà nước đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của nhân dân, khắc phục cơ bản những khuyết tật của nền kinh tế thị trường, thiết lập được cơ sở pháp luật, duy trì trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường....Dưới góc độ Chính trị học, một quốc gia PTBV khi và chỉ khi có một nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu lực và hiệu quả. Thực vậy, ‘‘nhà nước rất cần thiết cho cuộc sống con người. Cho đến hiện nay và một tương lai cho cả sau này, con người không thể sống thiếu nhà nước trong một trạng thái vô chính phủ, ít nhất là cho đến khi xây dựng song chủ nghĩa cộng sản’’, [7, tr.13]. Tuy nhiên, bên cạnh sự cần thiết như vậy thì ta cũng thấy rằng nhà nước luôn luôn có xu hướng lạm quyền. Tham nhũng, độc tài, chuyên chế đã trở thành căn bệnh chung của mọi xã hội có nhà nước. Điều này được lý giải từ trong bản chất của con người. Con người của chúng ta, bên cạnh những đức tính sáng tạo, chăm chỉ, còn chứa đựng cả những đức tính lười nhác, tùy tiện, tính tham lam, ỷ lại, tính thích dựa dẫm vào những người khác, và nhất là tính cách đam mê quyền lực. Con người đam mê quyền lực bởi một khi có quyền lực trong tay, con người có thể đạt được nhiều thứ quyền lợi khác như của cải, danh vọng, quyền được sai khiến người khác...Mà quyền

lực nhà nước lại là lĩnh vực có khả năng nhất trong việc giúp con người đáp ứng được lòng mong mỏi trên. Và khi nắm được quyền lực thì người cầm quyền có xu hướng nghĩ đến quyền lợi riêng của mình, bạn bè mình và gia đình của riêng mình. Do đó, họ luôn có xu hướng lạm quyền và sự lạm quyền này chính là lực cản đối với PTBV của một quốc gia. Do đó, lịch sử nhân loại cho đến ngày nay đã tồn tại rất nhiều hình thức và biện pháp khác nhau để hạn chế bớt hiện tượng xấu này như bằng cách hạn chế nhiệm kỳ được lãnh chức vụ, kiểm tra, đối trọng, bằng cách không bổ nhiệm làm quan tại nơi sinh ra...

Để Nhà nước thực sự hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, người ta tìm cách hạn chế quyền lực nhà nước. Về mặt thể chế, việc xây dựng một hiến pháp tốt là cách hữu hiệu để hạn chế quyền lực đó. Hiến pháp quy định những cơ chế mang tính kìm hãm, ngăn ngừa sự lạm dụng hoặc tùy tiện sử dụng quyền lực của những người cầm quyền. Hiến pháp quy định sự phân chia quyền lực rõ ràng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, giữa trung ương và địa phương, cũng như hạn chế quyền lực với các cơ quan này, quy định các quy tắc bầu cử, đặt ra các thủ tục bầu...Ở nước ta, Hiến pháp không chỉ quy định sự phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan mà còn quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân để họ được pháp luật bảo vệ khỏi sự vi phạm lợi ích từ bất cứ cơ quan công quyền nào.

Về mặt thiết chế, để hạn chế quyền lực nhà nước, bộ máy nhà nước cần phải được tổ chức một cách giản đơn và mỗi cơ quan trong hệ thống đó phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Sự giản đơn trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trước hết tạo điều kiện cho nhân dân, chủ thể nắm quyền lực nhà nước có thể dễ dàng theo dõi, giám sát hoạt động và phát hiện những sai phạm từ bộ phận nào của nhà nước; giúp cho người phải chịu trách nhiệm có khả năng và điều kiện chịu trách nhiệm, việc tổ chức bộ máy nhà nước gọn nhẹ sẽ trao cho chủ thể những quyền hạn rõ ràng, và do đó họ cũng phải chịu trách nhiệm một cách rõ ràng, không thể trốn tránh trách nhiệm; việc đơn giản hóa các hoạt động tổ chức bộ máy nhà nước còn đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế thị trường một cách linh hoạt và mềm dẻo, đáp ứng tốt hơn

nhu cầu dịch vụ công của xã hội...

Nhà nước ta đã có một thời gian dài xây dựng theo mô hình bao cấp với nhiều tầng nấc trung gian. Do đó đến nay, những tàn dư của mô hình tổ chức Nhà nước đó vẫn còn hiện diện. Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Nhà nước còn nhiều bất hợp lý, vẫn còn

nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, phương thức làm việc còn mang nặng tính tập trung quan liêu, thủ tục hành chính còn rườm rà, hiện tượng sách nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc hành chính vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi đã và đang làm suy yếu vai trò, sức mạnh của Nhà nước. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu PTBV trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì:

Nhà nước cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan trong hệ thống hành chính.

Nhà nước cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính, hình thành từng bước Chinh phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Nhà nước tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cả về năng lực và phẩm chất nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi công việc hiệu quả. Hiện nay, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh, trình độ học vấn của nhân dân ngày càng được nâng cao, đòi hỏi mỗi cán bộ công chức phải vươn lên học tập không ngừng đồng thời đổi mới phương pháp, phương cách làm việc gắn liền với thực tiễn đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác. Vì vậy cần xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, từ đó xác định chức danh cán bộ, tăng cường công tác tổ chức, tiến hành rà soát, đánh giá, sắp xếp bố trí những người có đủ năng lực, phẩm chất vào các chức danh phù hợp, nhất là các chức danh chủ chốt sao cho bộ máy gọn nhẹ, phân công kiêm nhiệm một cách hợp lý, tăng cường công tác đào tạo cán bộ, gắn việc đào tạo bồi dưỡng với bố trí số lượng cán bộ.

Tăng cường công tác thanh tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực như thói hách dịch, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, thái độ nhũng nhiễu gây phiền hà…phải cương quyết xử lý và xử lý kịp thời những cán bộ vi phạm, kiểm điểm đồng thời đưa ra khỏi bộ máy của Đảng, chính quyền những người không đủ năng lực, phẩm chất, mất đoàn kết nội bộ, bị suy thoái đạo đức. Thực hiện cải cách chế độ tiền lương, đảm bảo cuộc sống tối thiểu của cán bộ công chức Nhà nước để họ yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ và không mắc phải các tệ nạn nhất là nạn tham nhũng.

Nhà nước cần mở rộng và phát huy hơn nữa dân chủ phải đảm bảo các thể chế dân chủ được chế định bằng nguyên tắc, luật pháp và chuẩn mực văn hóa đạo đức. Đối với xã hội, một mặt, pháp luật ghi nhận và thể chế hóa quyền con người và quyền công dân, và đảm bảo về mặt pháp lý cho các quyền đó được thực hiện, mặt khác, pháp luật

trở thành phương tiện để các thành viên xã hội có điều kiện bảo vệ hạnh phúc của mình. Việc thực hiện dân chủ quan trọng là phải hoàn thiện các chế định dân chủ để buộc các chủ thể cầm quyền dù muốn hay không cũng phải tuân theo. Nếu không có thể chế đó tất yếu sẽ dẫn đến xu hướng lạm quyền. Phải xây dựng các thể chế để đảm bảo cho nhân dân có quyền và khả năng thực tế kiểm tra, giám sát cán bộ cơ quan Nhà nước nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, cường quyền. Dân chủ phải được triển khai trên các lĩnh vực. Về kinh tế, cốt lõi là đảm bảo lợi ích của người lao động, lợi ích đó được thể chế hóa qua các quyền công dân như quyền sở hữu, phân phối làm cho người lao động thực sự làm chủ về tư liệu sản xuất, tạo động lực phát triển sản xuất kinh doanh, là cơ sở để thực hiện tiến bộ xã hội.

Về chính trị, đảm bảo cho người dân có các quyền tham gia các hoạt động quản lý của nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội một cách trực tiếp và qua các đại diện ưu tú do mình lựa chọn, phải đảm bảo quyền dân chủ trong ứng cử, bầu cử….

Về văn hóa tư tưởng, đảm bảo cho nhân dân có quyền thụ hưởng những thành tựu văn hóa tiến bộ và tự do tư tưởng. Nhà nước đảm bảo cho nhân dân có quyền được thông tin, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, sáng tạo, có quyền được thảo luận, phát biểu ý kiến về những vấn đề quan trọng của đất nước. Có vậy mới đảm bảo xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò điều hành, quản lý trong PTBV đất nước.

TIỂU KẾT

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, PTBV trở thành phương thức phát triển mới của các nước trên thế giới. Đảng ta đã khẳng định quan điểm phát triển trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI là phát triển nhanh, bền vững đất nước, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò Nhà nước không những không suy giảm mà còn cần thiết hơn bao giờ hết để quản lý sự phát triển. Do vậy, việc nâng cao vai trò Nhà nước hiện nay cần tập trung vào thực hiện những giải pháp cơ bản là:

Thứ nhất, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN làm nền tảng vật chất để Nhà nước phát huy vai trò đối với PTBV. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các thành phần kinh tế, nhằm khơi dậy và phát

huy mọi nguồn lực trong nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, đồng thời có chính sách nhằm phát huy hiệu quả thành phần kinh tế Nhà nước. Những giải pháp đó sẽ tạo điều kiện vật chất để Nhà nước phát huy vai trò của mình trong quản lý kinh tế vĩ mô, khắc phục khuyết tật của nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho sự PTBV. Trong đó, Nhà nước cần phải nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật sao cho ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan chuyên trách xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật.

Thứ ba, Nhà nước cần kết hợp chặt chẽ chính sách kinh tế, chính sách xã hội và chính sách môi trường trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách, các dự án, kế hoạch phát triển, sao cho chính sách kinh tế cần gắn với mục tiêu xã hội và bảo vệ môi trường; đồng thời chính sách xã hội và chính sách môi trường cần dựa trên tiền đề vật chất của nền kinh tế và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Việc hoàn thiện chính sách kinh tế, cần tập trung vào hoàn thiện chính sách về sở hữu, chính sách về quản lý sản xuất kinh doanh, chính sách về phát triển đồng bộ các loại thị trường, chính sách về phân phối. Việc hoàn thiện chính sách xã hội cần tập trung vào: chính sách về lao động và việc làm, chính sách lương và phụ cấp, chính sách bảo hiểm, chính sách văn hóa, chính sách y tế, chính sách phát triển khoa học công nghệ. Trong lĩnh vực môi trường, Nhà nước cần chú trọng vào xây dựng và thực hiện phòng ngừa là chính, quản lý và khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, lồng ghép các yếu tố môi trường trong phát triển, đồng thời xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.

Thứ tư, cần xây dựng một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh và nâng cao hiệu quả quản lý. Muốn vậy, cần phải kiểm soát quyển lực Nhà nước về mặt thể chế, đơn giản các hoạt động tổ chức bộ máy Nhà nước để xây dựng một Nhà nước dân chủ và tự chịu trách nhiệm.

Các giải pháp trên đây mang tính cơ bản và toàn diện về kinh tế, chính sách, con người, tổ chức và hoạt động bộ máy quản lý lãnh đạo nhằm nâng cao hơn nữa vai trò Nhà nước đối với PTBV ở Việt Nam hiện nay. Việc thực hiện các giải pháp này cần thời gian và trên hết là cần sự nỗ lực, quyết tâm, ham học hỏi, sự linh hoạt, nhạy bén, biết dựa vào dân của đội ngũ lãnh đạo đất nước.

KẾT LUẬN

Sự phát triển của các quốc gia luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu nhằm tìm ra những lý thuyết để cắt nghĩa sự thịnh vượng và phát triển. Đã có giai đoạn, sự phát triển được đồng nhất với tăng trưởng kinh tế về khía cạnh số lượng thông qua các chỉ số GDP hay GNP, sự giàu có của một quốc gia được đo bằng mức độ giàu có và phong phú của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Những quan niệm đó đã dẫn dắt con người đến một cách thức tăng trưởng bằng mọi giá, ra sức khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có. Hậu quả cho những quốc gia phát triển theo mô hình trên là khủng hoảng môi trường tự nhiên, tài nguyên cạn kiệt không thể tái tạo được, đói nghèo, gia tăng khác biệt xã hội, mất ổn định chính trị…điều đó đã đe dọa sự sống còn của nhân loại và tước đi cơ hội phát triển của các thế hệ mai sau.

Ý thức được vấn đề đó, vào nửa cuối thế kỷ XX, Liên Hợp Quốc đã đưa ra ý tưởng phát PTBV như là một sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết và hữu ích cho quan niệm phát triển truyền thống. Tuy nhiên, ngay sau khi được thừa nhận chính thức vào năm 1992, vấn đề này đã gây ra nhiều tranh luận. Trên quan điểm chung nhất, PTBV được hiểu là sự đồng tiến hóa của tự nhiên và xã hội, bao gồm 3 mặt cơ bản là kinh tế, môi trường và xã hội. Và nguyên tắc đầu tiên, quan trọng nhất đó là con người là trung tâm của sự phát triển. Có thể nói rằng, PTBV là thuật ngữ mới trong xã hội hiện đại, nó bao quát nhiều vấn đề về phát triển đang đặt ra nhưng đồng thời nó cũng kế thừa những giá trị trong quan niệm về phát triển trước đó.

Một phần của tài liệu Vai trò của nhà nước với phát triển bền vững ở Việt Nam (Trang 87)