Tiền Giang là tỉnh vừa thuộc vùng ĐBSCL, vừa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN), cách TP Hồ Chí Minh 70 km về hướng Nam và cách TP Cần Thơ 90 km về hướng Bắc; nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền với chiều dài trên 120 km; có tọa độ địa lý 105o49'07'' đến 106o48'06'' kinh độ Đông và 10o12'20'' đến 10o35'26'' vĩ độ Bắc. Về ranh giới hành chính, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Long An và TP Hồ Chí Minh.
Diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 2.481,77 km2, chiếm khoảng 6% diện tích ĐBSCL; 8,1% diện tích vùng KTTĐPN; 0,7% diện tích cả nước; dân số trung bình năm 2009 là 1,67 triệu người, chiếm khoảng 9,8% dân số vùng ĐBSCL; 11,4% dân số VKTTĐPN và 1,9% dân số cả nước. Tiền Giang có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: TP Mỹ Tho; Thị xã Gò Công; và 8 huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, với 169 đơn vị hành chính cấp xã (7 thị trấn, 16 phường, 146 xã). Trong đó, TP Mỹ Tho là đô thị loại 2 - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh, đồng thời là hợp điểm giao lưu kinh tế, văn hoá, giáo dục, đào tạo, du lịch từ lâu đời của các tỉnh trong vùng ĐBSCL.
Tiền Giang có vị trí địa lý kinh tế - chính trị khá thuận lợi, nằm trên các trục giao thông - kinh tế quan trọng như quốc lộ IA, quốc lộ 50, quốc lộ 60, quốc lộ 30, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (Mỹ Tho) - Cần Thơ, trong đó đoạn đến Trung Lương đã đưa vào hoạt động và đoạn từ Trung Lương đến Mỹ Thuận đang triển khai xây dựng nối TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ với các tỉnh ĐBSCL, tạo cho Tiền Giang vị thế của một cửa ngõ của các tỉnh miền Tây về TP Hồ Chí Minh và vùng KTTĐPN. Mặt khác, Tiền Giang còn có 32 km bờ biển và hệ thống các sông Tiền, sông Vàm Cỏ Tây, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo (đang triển
khai nạo vét mở rộng)...nối liền các tỉnh ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và là cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh ven sông Tiền và Campuchia.