nông nghiệp bền vững cần làm như thế nào?
Nông nghiệp là một ngành sản xuất đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia bởi nó là ngành sản xuất khởi đầu của quá trình sản xuất vật chất của xã hội loài người. Ngày nay, nhờ có sự phát triển của khoa học công nghệ, nông nghiệp đã ngày càng trở nên hiện đại, tiên tiến hơn.
Nông nghiệp đóng góp vào sự phát triển theo nhiều cách: là một hoạt động kinh tế, một sinh kế và một nơi cung cấp các dịch vụ môi trường.
Với vai trò là hoạt động kinh tế, nông nghiệp đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, cung cấp các cơ hội đầu tư cho khu vực tư nhân và tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp liên quan tới nông nghiệp, bao gồm cả công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản (phục vụ đầu ra cho nông nghiệp) và cả công nghiệp hóa chất, cơ khí (phục vụ đầu vào cho nông nghiệp). Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong các nước đang phát triển, nông nghiệp đóng góp 29% GDP và giải quyết việc làm cho 65% lực lượng lao động xã hội. Không những thế, các ngành công nghiệp và dịch vụ gắn kết với nông nghiệp trong các chuỗi giá thị trường chiếm hơn 30% GDP trong các quốc gia chuyển đổi và đô thị hóa.
Theo Ngân hàng Thế giới, nông nghiệp là sinh kế cho 86% dân số nông thôn, tạo việc làm cho 1,3 tỷ nông hộ nhỏ và những nông dân không có ruộng đất. Trong 5,5 tỉ người của thế giới đang phát triển, 3 tỉ người sống ở các vùng nông thôn chiếm gần một nửa nhân loại. Trong số dân cư nông thôn, ước tính 2,5 tỉ dân thuộc các hộ gia đình làm nghề nông và 1,5 tỉ dân ở các nông hộ nhỏ.
Nông nghiệp là công cụ hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Tăng trưởng nông nghiệp có ảnh hưởng tích cực và mạnh tới công tác giảm nghèo tại tất cả các quốc gia. Tại các quốc gia dựa vào nông nghiệp (hầu hết ở châu Phi Hạ Sahara), nông nghiệp có vai trò chủ yếu trong giảm nghèo; Tại các nền kinh tế đang chuyển đổi (châu Á, Bắc Phi, Trung Đông), tăng trưởng nông nghiệp và ngành nghề phi nông nghiệp giúp giảm nghèo và giảm khoảng cách giàu nghèo nông thôn – thành thị; Tại các nền kinh tế đã đô thị hóa (Đông Âu, Mỹ Latinh), nông nghiệp giúp xóa nghèo ở nông thôn nhờ tạo ra việc làm cho người nghèo.
Nông nghiệp còn là nơi cung cấp các dịch vụ môi trường. Hiện nay, nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nước nhất và làm cho nguồn nước ngày càng khan hiếm nhưng nông nghiệp cũng là ngành cung cấp chính các dịch vụ môi trường, như cố định các-bon, quản lý lưu vực sông và bảo tồn đa dạng sinh học.
Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững để đạt giá trị lớn hơn về kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và hạn chế ô nhiễm môi trường là một vấn đề cấp thiết đối với các quốc gia. Tại hầu hết các nền kinh tế mà nông nghiệp còn đóng vai trò chi phối thì đẩy mạnh phát triển nông nghiệp được coi là nền tảng của tăng trưởng kinh tế ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng nông nghiệp chính là yếu tố tiên phong của các cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra trên thế giới (ở Anh vào giữa thế kỹ XVIII và ở Nhật vào cuối thế kỷ XIX) và tốc độ tăng trưởng nhanh của nông nghiệp tại một số quốc gia châu Á những năm gần đây như tại Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam ... cũng đã tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp.
Để phát triển bền vững nền nông nghiệp ở ĐBSCL cần đảm bảo lợi ích xã hội, môi trường, lợi ích cộng đồng. Từ đó thực hiện một số mục tiêu và giải pháp đột phá sau đây:
► Ở ĐBSCK hiện nay cần phát triển về giống, xúc tiến thị trường, phát triển khoa học công nghệ, các hệ thống canh tác thân thiện môi trường, thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc tái cơ cấu nền nông nghiệp cần tập trung mạnh vào tái cơ cấu đầu tư công và dịch vụ công trong nông nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi cho hình thành có hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; tiếp tục tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng; nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất và chế biến nông sản, tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ; đa dạng hóa thị trường, cả thị trường trong nước và xuất khẩu; đầu tư phát triển nhân lực trong nông nghiệp.
Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; có cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp, hình thành cánh đồng mẫu lớn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Xây dựng môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.
Thứ hai, thực hiện quy hoạch nông nghiệp theo hướng dựa vào thị trường mở, không nên cố định diện tích lúa, nên bảo tồn diện tích đất nông nghiệp. Cần thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp cả trong mục tiêu trung hạn và dài hạn (50 hay 100
năm), để có chiến lược bảo tồn và sử dụng đất nông nghiệp trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị. Đối với loại đất nông nghiệp, cần tạo điều kiện cho người sử dụng đất quyết định phương thức sử dụng từng loại đất phù hợp theo tín hiệu thị trường hơn là cố định phương thức sử dụng cho từng loại đất. Khi giá lúa giảm, nông dân có thể chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, rau màu, các nông sản khác có giá trị hơn theo tín hiệu thị trường.
Thứ ba, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, nhất là ở vùng sâu và xa. Chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh dinh dưỡng hơn là chỉ tập trung vào phát triển lương thực, thực hiện các giải pháp tạo việc làm. Gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Cần đầu tư phát triển hệ thống chợ bán buôn, bán lẻ, phát triển và hỗ trợ thương mại, nhất là ở các vùng nông thôn hẻo lánh; hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp áp dụng tốt bộ quy chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt và tăng cường quản lý ở khâu chế biến và lưu thông để bảo đảm lương thực, thực phẩm an toàn.
Thứ tư, để chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cần tập trung vào các lĩnh vực: nâng cao năng lực quản lý và ứng phó rủi ro liên quan đến thời tiết và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như các rủi ro về thị trường. Cải thiện hệ thống dự báo, cảnh báo sớm và gắn kết hệ thống này với dịch vụ tư vấn nông nghiệp; thay đổi phương pháp canh tác và lựa chọn giống phù hợp với các vùng đất có những biến đổi khác nhau về khí hậu; xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển để có thể giải quyết được những thách thức mới nảy sinh của quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy thị trường bảo hiểm nông nghiệp, tăng cường khả năng ứng phó của nông dân đối với rủi ro, bảo đảm nông nghiệp ít có sự tác động xấu của biến đổi khí hậu; các địa phương, nhất là các tỉnh ở vùng thấp cần có kế hoạch ứng phó kịp thời, bố trí sản xuất nông nghiệp phù hợp.
Thứ năm, thực hiện các biện pháp như tăng cường đầu tư công vào các công trình phòng, chống thiên tai, giảm tác động bất lợi về môi trường, tăng cường quản lý nước thải nông nghiệp, tăng cường áp dụng các biện pháp giảm khí thải nhà kính; quán triệt tư duy nền kinh tế xanh trong phát triển nông nghiệp. Tư duy kinh tế xanh đòi hỏi thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh trong nông nghiệp./.
CHƯƠNG 6: NGOẠI THƯƠNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ