Trong những năm gần đây chăn nuôi lợn giữ một vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp của Việt Nam. Con lợn được xếp hàng đầu trong số các vật nuôi, cung cấp phần lớn thực phẩm cho người tiêu dùng và nguồn phân bón cho ngành trồng trọt. Định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2006 - 2015 của Bộ NN & PTNT chỉ rõ, để tăng nhanh sản lượng thịt lợn và đáp ứng nhu cầu thị trường thì cần phải đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn ngoại hướng nạc. Riêng lợn nái ngoại phải phấn đấu nâng số đầu con từ 372.000 của năm 2005 lên 805.000 con cho năm 2010 và 1.215.000 con cho năm 2015 để góp phần đưa sản lượng thịt lợn ngoại từ 536.000 tấn trong năm 2005 lên mức 1.273.000 tấn cho năm 2010 và 2.083.000 tấn cho năm 2015. Từ thực tiễn chăn nuôi lợn hiện nay cho thấy rằng, chăn nuôi lợn theo hình thức tập trung trang trại là xu hướng phát triển tất yếu. Vì chăn nuôi lợn theo hình thức này sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo ra con giống có chất lượng tốt, cung cấp cho thị trường sản phẩm thịt có chất lượng cao phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, muốn nâng cao hiệu quả chăn nuôi lợn, ta phải quan tâm tới chất lượng con giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi dưỡng và an toàn dịch bệnh. Trong đó, vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh là một yếu tố đóng một vai trò quan trọng quyết định đến thành công của chăn nuôi lợn.
Trong các năm qua, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thú y vào thực tiễn sản xuất chăn nuôi đã giúp chúng ta phòng và khống chế được hầu hết các bệnh dịch nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm. Mặt khác, do mức sống của người dân tăng lên vì vậy nhu cầu về sử dụng thực phẩm sạch đang là vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm đến. Do đó, ngành chăn nuôi nói chung nhất là chăn nuôi lợn nói riêng, ngoài nhu cầu tăng nhanh về số lượng thì cần phải hết sức quan đến chất lượng sản phẩm. Để có được thực phẩm an toàn dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, việc áp dụng những biện pháp kỹ thuật về vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh là hết sức cần thiết.
Trong chăn nuôi lợn theo hình thức tập trung trang trại hiện này, các bệnh truyền nhiễm như dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn, đóng dấu lợn... đều được khống chế một cách triệt để vì đã thực hiện quy trình vệ sinh thú y và phòng bệnh một cách nghiêm ngặt. Nhưng một trong những trở ngại lớn cho hình thức chăn nuôi trang trại là các bệnh ở đường hô hấp, điển hình như bệnh suyễn lợn thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho các trại chăn nuôi lợn. Vì bệnh suyễn là một trong các bệnh đường hô hấp lây lan nhanh và tác động kéo dài đối với cơ thể lợn. Mầm bệnh tồn tại rất lâu trong cơ thể lợn cũng như môi trường bên ngoài làm cho việc phòng trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn, khi lợn bị bệnh chi phí điều trị cao, thời gian và liệu trình điều trị kéo dài. Đặc biệt với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như ở nước ta thì bệnh về đường hô hấp đặc biệt là bệnh suyễn lợn thường xuyên xảy ra và gây ra phổ biến ở lợn ngoại nuôi thịt theo hình thức tập trung trang trại.
Để góp phần giảm bớt thiệt hại về kinh tế do bệnh suyễn gây ra ở lợn và nâng cao chất lượng thịt lợn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện đề tài: “Xác định các yếu tốảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh suyễn của lợn ngoại nuôi thịt tại trại chăn nuôi Thắng Tuyển xã Phú Thịnh - huyện Yên Bình - tỉnh Yên Bái và thử nghiệm một số phác đồđiều trị”.