Phát triển sản xuất ở làng nghề thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, song mặt trái của nó là gây ra ô nhiễm môi trường rất lớn. Do hạn chế về điều kiện vốn, thiếu quy hoạch tổng thể nên hầu hết các doanh nghiệp, các hộ gia đình đều không chú ý đến xử lý chất thải, làm cho môi trường trong khu vực sản xuất làng nghề ngày càng ô nhiễm nặng nề. Mặt khác các hoạt động sản xuất diễn ra trong khu dân cư, thậm chí ngay trong nhà nên có ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
Ở làng luôn có một lớp bụi phát tán khắp làng hoặc phủ trên lá cây, trần nhà. Đặc biệt là trong các hạt bụi này có chứa các kim loại nặng gây ô nhiễm môi trường không khí trầm trọng. Khói, bụi và hơi các khi độc phát ra từ các lò cô đúc, cán thép luôn phát ra mùi khó chịu và gây ra một số bệnh về đường hô hấp, bệnh da liễu, bệnh ung thư...
Nhìn chung, các hoạt động sản xuất ở làng nghề hiện nay đều ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường ở các mức độ khác nhau. Đó là sự ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí dưới dạng lý học, hóa học và sinh học, là sự suy thoái tài nguyên thiên nhiên không chỉ ở trong các làng nghề mà còn ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Quá trình sản xuất đa phần là thủ công và có quy trình đơn giản nên tỷ lệ hao hụt nguyên, nhiên liệu, thất thoát trong quá trình vận hành sản xuất tăng lên và đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề ngày càng tăng, môi trường sinh thái có chiều hước xuống cấp, suy giảm từng bộ phận, từng vùng sinh thái bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sức khỏe của nhân dân.
Thực trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới người tham gia lao động sản xuất tại các làng nghề và cộng đồng dân cư trong khu vực và các vùng lân cận. Đặc trưng về ô nhiễm môi trường ở Đa Hội trước hết phải nói đến đó là ô nhiễm không khí bao gồm các loại hơi khí độc do quá trình đốt nhiên liệu, phát thải của các phương tiện giao thông tham gia vận chuyển nguyên nhiên liệu và hàng hóa ngày đã làm cho không khí trong khu vực trở lên ngột ngạt. Theo những số liệu khảo sát và đánh giá mức độ ô nhiễm qua một số năm cho thấy các chỉ tiêu về hơi và khí độc ở khu vực Đa Hội cao hơn
tiêu chuẩn môi trường quy định từ 2,5-8,5 lần so với giới hạn cho phép. Tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,1-1,2 lần, nhiệt độ trong khu vực sản xuất thường cao hơn nhiệt độ môi trường từ 6-8oC.
Một vấn đề đặc trưng khác biểu hiện vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề là tình trạng ô nhiễm môi trường nước đang ở trong tình trạng báo động. Qua kết quả phân tích chất lượng nước thải của khu vực làng nghề cho thấy nồng độ các chất ô nhiễm có trong nguồn nước thải cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 1,5-3,5 lần tiêu chuẩn môi trường Việt Nam quy định. Một thực tế cho thấy toàn bộ nguồn nước mặt của khu vực làng nghề đang bị ô nhiễm nặng, rất khó có khả năng phục hồi, điều đáng lo ngại hơn là nguồn nước ngầm, một nguồn nước đang coi là tài nguyên dự trữ quý giá cũng đã bắt đầu có dấu hiệu bị ô nhiễm do quá trình khai thác nguồn nước ngầm không tuân thủ quy trình, không thực hiện các giải pháp kỹ thuật xử lý trong khi khoan thăm dò và quá trình khai thác sử dụng.
Hoạt động sản xuất của làng nghề tác động lớn đến môi trường tự nhiên và chủ yếu theo hướng tiêu cực, trong đó môi trường không khí và nước chịu sự tác động mạnh nhất. Điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường sống và sức khỏe của người dân trong làng.
Sản xuất ở làng nghề chủ yếu là sản xuất hộ gia đình, hoạt động sản xuất và sinh hoạt được diễn ra trên mặt bằng chặt hẹp. Các hộ dân cư đồng thời cũng là các cơ sở sản xuất. Như vậy, sản xuất không tách rời khỏi khu dân cư mà nó được hình thành và phát triển tại các hộ gia đình, do đó người dân phải chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các chất thải phát sinh ra từ sản xuất.