Tình hình đô thị hóa ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của đô thị hóa đến tình hình sử dụng đất thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ (Trang 25)

Quá trình ĐTH ở Việt Nam diễn ra khá sớm, trước thời kỳ đổi mới ĐTH hầu như không có biến động, quá trình diễn ra chậm chạp, mức độ phát triển dân cư thành thị thấp.

Thời kỳ sau đổi mới mở ra bước phát triển mới của ĐTH ở Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Quốc Hội Việt Nam ban hành Luật Doanh nghiệp (năm 2000), Luật Đất Đai năm 2003), Luật Đầu tư (năm 2005); Chính phủ ban hành Nghị định về Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất (năm 1997 )… khiến cho nguồn vốn đầu tư trong nước và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước

ngoài tăng vọt, gắn theo đó là sự hình thành trên diện rộng, số lượng lớn, tốc độ nhanh các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới và sự cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng ở cả thành thị và nông thôn. Làn sóng ĐTH đã lan tỏa, lôi cuốn và tác động trực tiếp đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Trong 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, quá trình ĐTH diễn ra hết sức nhanh chóng nhất là trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 1990 các đô thị Việt Nam bắt đầu phát triển, lúc đó cả nước mới có khoảng 500 đô thị (tỷ lệ ĐTH vào khoảng 17 - 18%), đến năm 2000 con số này lên đến 649 và năm 2003 là 656 đô thị. Tính đến tháng 12 năm 2013, cả nước có khoảng 770 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt : TP. Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội; 14 thành phố là đô thị loại I (trong đó có 3 thành phố trực thuộc trung ương), 10 đô thị loại II, 52 đô thị loại III, 63 đô thị loại IV và 629 đô thị loại V. Theo đó, năm 2013 đạt tỷ lệ ĐTH xấp xỉ 33,47%, tăng 1,02% so với năm 2012 tương đương dân số đô thị tăng khoảng 1,3 triệu người/năm. Tổng diện tích sàn nhà năm 2013 đạt khoảng 79 triệu m2 sàn. Trong đó tại đô thị khoảng 36,5 triệu m2 sàn, tại nông thôn khoảng 42,5 triệu m2 sàn, nhà ở xã hội khoảng 1 triệu m2 sàn.

Tuy nhiên, dân cư đô thị phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn (khoảng 50% dân số đô thị tập trung tại 16/770 đô thị trên cả nước). Đây là thách thức lớn đối với các đô thị về nhà ở, lao động việc làm, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

ĐTH là con đường để phát triển kinh tế xã hội của mỗi Quốc gia, ĐTH mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, điều kiện sống, lao động, học tập trở nên tốt hơn. Bên cạnh đó cũng mang lại những mặt tiêu cực, vấn đề đặt ra là cần những chiến lược cụ thể, hiệu quả của nhà nước để phát huy nhiều nhất những lợi ích của quá trình ĐTH, đồng thời phải giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của nó, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của đô thị hóa đến tình hình sử dụng đất thành phố Việt Trì - tỉnh Phú Thọ (Trang 25)