V. BÀI HỌC CHO VIỆT NAM
4. Nâng cao phúc lợi, công bằng xã hội và xóa đói giảm nghèo
Trong y tế, tài chính y tế còn đóng vai trò “xương sống” trong hoạt động của hệ thống y tế, quyết định tính công
bằng và hiệu quả trong việc thực hiện chức năng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ toàn dân. Hiện nay, tài chính y tế của Việt Nam vẫn đang trông chờ vào 4 nguồn chủ yếu: Ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, viện phí và viện trợ quốc tế. Trong điều kiện đầu tư ngân sách nhà nước cho y tế còn hạn hẹp, viện trợ quốc tế đóng vai trò quan trọng. Do vậy cần có những biện pháp nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư này nhằm tăng cường hoạt động và phát triển ngành.
Trong giáo dục, tăng cường đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp bao gồm cả tái đào tạo nghề nhằm giúp cho
người trong độ tuổi lao động có thể dễ dàng thích ứng với những đòi hỏi thường xuyên biến đổi của thị trường lao động. Cải cách giáo dục toàn diện nhằm làm cho hệ thống giáo dục gắn kết với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Hoàn thiện môi trường pháp lý và thể chế nhà nước nhằm tạo điều kiện để mở rộng xã hội hóa các dịch vụ giáo dục, y tế, dịch vụ lao động - xã hội.
Tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các tầng lớp dân cư, phát triển con người và phát triển nông thôn. Cần tạo ra mặt
bằng pháp lý chung đối với mọi thành phần kinh tế. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước phải được hiểu là sức mạnh tự thân do tính ưu việt của thành phần kinh tế đó so với các thành phần kinh tế khác, do đó mà có lợi thế cạnh tranh trong một môi trường pháp lý như nhau. Các chính sách về thị trường lao động, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm, bao gồm cả hoạt động ngoại thương cần được thống nhất cho mọi thành phần kinh tế.
Nhà nước nên tập trung vào kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội cũng như các ngành và lĩnh vực mang lại những lợi ích dài hạn, cung cấp hàng hóa công cộng, tạo dựng môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đầu tư có mục tiêu xã hội. Chẳng hạn, những khoản đầu tư để duy trì các xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ sẽ được chuyển sang đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn hoặc trợ giúp phát triển nông nghiệp ở
các vùng khó khăn.
Hoàn thiện các chính sách phân phối và phân phối lại thu nhập một cách hợp lý và công bằng, điều tiết quá trình
phân hóa xã hội, trong đó có hai chính sách quan trọng là chính sách thuế và chính sách tiền lương.
Chính sách thuế phải nhằm khuyến khích hoạt động kinh doanh và tạo cơ hội cho các tầng lớp nghèo có khả năng tăng thu nhập. Cần giảm hoặc miễn thuế đối với các hoạt động nông nghiệp, kinh doanh nhỏ hoặc những hoạt động tự làm của những người lao động. Đối với các hoạt động kinh doanh lớn, công cụ thuế có tác dụng không chỉ phân phối lại mà còn có nghĩa là những khoản tái đầu tư trong tương lai.
Chính sách tiền lương, đặc biệt tiền lương trong khu vực hành chính sự nghiệp cần được cải cách sao cho tiền lương phản ánh đúng giá trị sức lao động. Từ đó có thể "chính thức hoá" các nguồn thu nhập, loại trừ các thu nhập không chính thức ngoài lương, vừa không thể kiểm soát được, vừa là kẽ hở cho các loại hình tham nhũng và lãng phí. Lúc đó tiền lương mới thực sự là "đòn bẩy" khuyến khích nâng cao hiệu quả, năng suất và chất lượng lao động, mới có cơ sở kinh tế cho việc duy trì trật tự và kỷ cương trong kinh tế.
Cải cách hành chính, làm trong sạch bộ máy nhà nước nhằm ngăn ngừa sự làm giàu bất hợp pháp; chống tham nhũng và phát huy dân chủ cũng là những giải pháp nhằm tạo lập cơ sở xã hội và thể chế tăng trưởng trong công bằng.
KẾT LUẬN
Kế hoạch nhà nước 2006-2010 đánh dấu bước ngoặt quan trọng về chất trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Mục tiêu trong 5 năm tới Việt Nam sẽ phải phấn đấu để sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển, đưa GDP tính theo đầu người từ khoảng 640 USD hiện nay lên khoảng trên 1000 USD vào năm 2010, hình thành đồng bộ các loại thị trường cơ bản và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới thông qua việc gia nhập WTO. Bên cạnh yêu cầu phát triển nhanh, trong 5 năm tới sẽ nhấn mạnh tới yêu cầu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và hiệu quả của sự tăng trưởng và phát triển. Mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng để tạo tiềm lực phát triển, đi kèm theo đó là một loạt định hướng về hiệu quả và chất lượng các vấn đề xã hội chiếm vị trí quan trọng, trong đó nổi lên các nhiệm vụ giảm nghèo theo chuẩn mới, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường sinh thái6. Tăng trưởng kinh tế của nước ta phải đồng thời đáp ứng cả hai yêu cầu: một mặt phải tăng trưởng với tốc độ cao, mặt khác phải nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng với tốc độ cao không chỉ là tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội khác, mà còn để khắc phục điểm xuất phát thấp và chống tụt hậu xa hơn về kinh tế.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan và khá toàn diện trong phát triển. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao liên tục trong nhiều năm; cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các vấn đề xã hội cũng đã đạt được những tiến bộ khả quan. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa hoàn toàn gắn với đảm bảo và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thông qua việc nghiên cứu thực trạng chất lượng tăng trưởng của Việt Nam căn cứ trên 4 tiêu chuẩn đánh giá về kinh tế, xã hội, môi trường và hiệu lực quản lý của Nhà nước, báo cáo chuyên đề đã tổng hợp và phân tích những thành công và những mặt còn tồn tại trong chất lượng tăng trưởng của Việt Nam. Qua đó cho thấy, nhịp độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng khả năng phát triển, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm và chưa phát huy được lợi thế so sánh trong từng ngành, từng vùng, từng sản phẩm; một số cân đối lớn như ngân sách, cán cân thương mại...chưa thật vững chắc; tài nguyên và môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm, suy thoái trầm trọng; khoảng cách giàu nghèo tăng lên; công bằng xã hội chưa được đảm bảo;… Đồng thời, chuyên đề cũng nghiên cứu kinh nghiệm tăng trưởng gắn với đảm bảo chất lượng trong tăng trưởng của một số nước Đông Á. Trên cơ sở đó, rút ra những bài học thực tiễn có thể áp dụng cho phát triển của Việt Nam.
Giai đoạn tới, để thực hiện mục tiêu phát triển trong kế hoạch nhà nước 2006 – 2010, chúng ta phải chú trọng hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, tiếp tục duy trì tăng trưởng với tốc độ cao và cải thiện phúc lợi, xóa đói giảm nghèo – coi đây là điều kiện quyết định đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi phải có các giải pháp mang tính đồng bộ từ khâu ban hành cơ chế chính sách của Nhà nước đến việc đi vào triển khai thực hiện và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong mọi mặt của đời sống
6 Trích bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ năm 2005.
kinh tế - xã hội. Nguồn lực trong nước là có hạn, do vậy, chúng ta cần xác định rõ mục tiêu cần ưu tiên trong giai đoạn trước mắt để làm tiền đề, động lực thực hiện các mục tiêu còn lại.