Tăng trưởng đảm bảo môi trường bền vững

Một phần của tài liệu KINH NGHIỆM CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG CỦA MỘT SỐ NƯỚC ĐÔNG Á BÀI HỌC CHO VIỆT NAM (Trang 37 - 38)

V. BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

3. Tăng trưởng đảm bảo môi trường bền vững

Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nhận thấy rằng, kinh tế và môi trường có mối quan hệ chặt chẽ và qua lại lẫn nhau. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song gây thiệt hại về môi trường thì sẽ không duy trì được tăng trưởng lâu dài, ngược lại môi trường được đảm bảo bền vững thì sẽ là điều kiện tiền đề, động lực hỗ trợ cho tăng trưởng tiếp tục duy trì và tăng cao. Do đó, một quốc gia để đạt được mục tiêu trở thành một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, bền vững cần khai thác cũng như sử dụng hợp lý và bảo vệ các nguồn lực tự nhiên, bảo vệ môi trường sống. Từ những kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên, xin đưa ra một số kiến nghị như sau:

- Bảo đảm yêu cầu về môi trường ngay từ khâu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư.

Kiên quyết không cho phép đưa vào xây dựng, vận hành, khai thác các cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Các chủ dự án đầu tư buộc phải cân nhắc, tính toán để xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường. Chế tài này sẽ buộc các chủ dự án đầu tư phải nghiêm chỉnh thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ giải quyết về cơ bản tình trạng lập và phê duyệt mang tính hình thức và đối phó, bảo đảm các cơ sở khi đi vào hoạt động đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Xử lí triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và khắc phục suy thoái môi trường.

Trước đây, vì một số nguyên nhân như chưa có các quy định nghiêm ngặt về phòng ngừa ô nhiễm môi trường

hay xử lý chưa nghiêm các trường hợp vi phạm nên cả nước hiện nay có tới hơn 4000 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc phải đưa vào kế hoạch bắt buộc phải xử lý triệt để do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Tuy đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng nếu tổ chức thực hiện tốt kế hoạch này, về cơ bản sẽ giải quyết được dứt điểm các nguồn tác động xấu gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và đất, góp phần thực hiện thành công mục tiêu bảo vệ môi trường hiện tại cũng như trong tương lai.

Bên cạnh đó, Nhà nước phải tiếp tục thể chế hóa việc áp dụng công cụ kinh tế, ban hành quy định việc thu và sử dụng các loại phí, lệ phí bảo vệ môi trường theo danh mục đính kèm Pháp lệnh phí và lệ phí; xây dựng kế hoạch thực hiện chi ngân sách nhà nước cho mục chi các hoạt động sự nghiệp môi trường và đảm bảo tăng dần hàng năm

theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Đa dạng hóa đầu tư để đảm bảo có đủ nguồn lực bảo vệ môi trường.

- Tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, quản lý và xử lý chất thải rắn, nhất là chất thải nguy hại.

Theo đó, chủ dự án phải lập kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường, bao gồm hệ thống thu gom, xử lý nước thải; hệ thống thu gom, lưu giữ chất thải rắn, các thiết bị giảm thiểu khí thải và lập kế hoạch cũng như bố trí các thiết bị phòng chống sự cố môi trường. Các cơ quan chức năng nhà nước cũng có trách nhiệm lập và tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống thu gom, cơ sở xử lý, tái chế chất thải sinh hoạt cũng như các bãi thải, chôn, lấp chất thải rắn; thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải; phát triển hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải.

- Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Việc khai thác và sử dụng đất cho canh tác, đất cho quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đất nước; cũng như khai thác rừng và các loại tài nguyên khoáng sản khác cần phải được quản lý chặt chẽ, đảm bảo cho việc khai thác và sử dụng tài nguyên có hiệu quả. Đồng thời khai thác cũng phải đi đôi với bảo vệ và khôi phục tài nguyên, đảm bảo giữ vững cân bằng sinh thái và môi trường sống cho con người.

Một phần của tài liệu KINH NGHIỆM CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG CỦA MỘT SỐ NƯỚC ĐÔNG Á BÀI HỌC CHO VIỆT NAM (Trang 37 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(41 trang)
w