Những nghiên cứu về thảm thực vật rừng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tính đa dạng thực vật của rừng thứ sinh phục hồi tự nhiên tại trạm đa dạng sinh học Mê Linh - Vĩnh Phúc (Trang 27)

6. Đóng góp mới

1.2.2.4.Những nghiên cứu về thảm thực vật rừng

Việt Nam nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa với khu hệ thực vật khá đa dạng, đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về thảm thực vật ở nước ta. Bảng phân loại đầu tiên về thảm thực vật rừng Việt Nam do Viện Điều tra và Quy hoạch Rừng (1960). Theo đó, rừng Việt Nam được chia làm 4 loại hình lớn:

- Loại I: đất đai hoang trọc, những trảng cỏ và cây bụi, trên loại này cần phải trồng rừng.

- Loại II: gồm những rừng non mới mọc, cần phải tra dặm thêm cây hoặc tỉa thưa.

- Loại III: gồm tất cả các loại hình rừng bị khai thác mạnh trở nên nghèo kiệt tuy còn có thể khai thác lấy gỗ, trụ mỏ, củi, nhưng cần phải xúc tiến tái sinh, tu bổ, cải tạo.

- Loại IV: gồm những rừng già nguyên sinh còn nhiều nguyên liệu, chưa bị phá hoại, cần khai thác hợp lí.

Phan Nguyên Hồng (1970), phân chia thảm thực vật ven bờ biển miền Bắc Việt Nam thành rừng ngập mặn, rừng gốc ven biển và thực vật bãi cát trống.

Trần Ngũ Phương (1970) đưa ra bảng phân loại rừng ở miền Bắc Việt Nam và chia thành 3 đai lớn theo độ cao: đai rừng nhiệt đới mưa mùa, đai rừng á nhiệt đới mưa mùa, đai rừng á nhiệt đới mưa mùa núi cao.

Thái Văn Trừng (1978) đã đưa ra 5 kiểu quần lạc lớn: quần lạc thân gỗ kín tán, quần lạc thân gỗ thưa, quần lạc thân cỏ kín rậm, quần lạc thân cỏ thưa và những kiểu hoang mạc.

Phan Kế Lộc (1985) dựa trên bảng phân loại của UNESCO (1973) đã xây dựng thang phân loại thảm thực vật rừng Việt Nam thành 5 lớp quần hệ, 15 dưới lớp, 32 nhóm quần hệ và 77 quần hệ khác nhau.

Nguyễn Hải Tuất (1991) nghiên cứu một số đặc trưng chủ yếu về sinh thái của các quần thể thực vật tại vùng núi cao Ba Vì đã chia ra 3 kiểu rừng cơ bản: rừng hỗn giao ẩm á nhiệt đới, rừng kín hỗn giao ẩm á nhiệt đới núi cao, rừng kín hỗn giao cây hạt kín và hạt trần.

Thái Văn Trừng (1998) khi nghiên cứu hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt Nam đã kết hợp 2 hệ thống phân loại (hệ thống phân loại lấy đặc điểm cấu trúc ngoại mạo làm tiêu chuẩn và hệ thống phân loại thảm thực vật dựa trên yếu tố hệ thực vật làm tiêu chuẩn) để phân chia thảm thực vật Việt Nam thành 5 kiểu thảm với 14 kiểu quần hệ.

Nguyễn Thế Hưng (2003), khi nghiên cứu thảm cây bụi ở huyện Hoành Bồ, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cũng dựa trên nguyên tắc phân loại theo UNESCO (1973) đã xây dựng được 4 trạng thái thảm cây bụi khác nhau: thảm cây bụi cao sau khai thác, thảm cây bụi cao sau nương rẫy, thảm cây bụi thấp sau khai thác và thảm cây bụi thấp sau nương rẫy. Ngoài ra còn một số kiểu thảm khác như: rừng phục hồi sau khai thác, rừng thứ sinh, rừng non phục hồi sau nương rẫy.

Lê Ngọc Công (2004) cũng dựa theo khung phân loại của UNESCO (1973) đã phân chia thảm thực vật của tỉnh Thái Nguyên thành 4 lớp quần hệ: rừng rậm, rừng thưa, thảm cây bụi và trảng cỏ.

Ma Thị Ngọc Mai (2007), nghiên cứu quá trình diễn thế đi lên của thảm thực vật ở trạm Đa dạng sinh học Mê Linh (Vĩnh Phúc) và vùng phụ cận đã kết luận từ độ cao 700m trở xuống, thảm thực vật bị suy thoái nghiêm trọng. Rừng nguyên sinh đã bị phá hủy hoàn toàn, thay thế vào đó là thảm thực vật thứ sinh đang trong quá trình diễn thế đi lên. Theo khung phân loại UNESCO (1973), thảm thực vật tại trạm Đa Dạng sinh học Mê Linh – Vĩnh Phúc và vùng phụ cận có 4 lớp quần hệ: lớp quần hệ rừng kín, lớp quần hệ rừng thưa, lớp quần hệ cây bụi và lớp quần hệ cỏ. Thảm thực vật tai đây đang trong quá trình diễn thế đi lên, quá trình diễn thế qua 4 giai đoạn: thảm cỏ - thảm cây bụi - rừng thứ sinh - rừng thành thục.

1.2.2.5. Một số công trình nghiên cứu về các loài thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tính đa dạng thực vật của rừng thứ sinh phục hồi tự nhiên tại trạm đa dạng sinh học Mê Linh - Vĩnh Phúc (Trang 27)