Hầu như các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định cấu trúc sở hữu của công ty có tác động đến chi phí đại diện, các doanh nghiệp với mục tiêu giảm chi phí đại diện đến mức tối thiểu có thể chấp nhận được sẽ điều chỉnh cấu trúc sở hữu phù hợp. Bên cạnh đó, các nghiên cứu gần đây cùng kết quả phân tích cho thấy các yếu tố về sở hữu và quản lý có tác động đến hiệu quả hoạt động của công ty.
Các doanh nghiệp Việt Nam với kinh nghiệm hoạt động và quản lý còn non trẻ so với nhiều doanh nghiệp trên thế giới nên hoạt động chưa thực sự hiệu quả, mức độ minh bạch thông tin còn kém nên việc công bố báo cáo tài chính không đúng sự thật của một số công ty cũng ảnh hưởng ít nhiều đến dữ liệu trong quan sát. Mặc dù tác giả đã loại trừ các công ty báo cáo tài chính sai và không phù hợp nhưng có thể vẫn còn trường hợp chưa bị phát hiện.
Sau phân tích phi biến tác giả khẳng định có sự ảnh hưởng của cấu trúc sở hữu đến chi phí đại diện tác giả tiến hành kiểm định bằng phân tích hồi quy. Bằng việc ước lượng theo phương pháp bình phương tối thiểu đối với dữ liệu bảng, tác giả đã thu được kết quả về sự tồn tại của chi phí đại diện là khác nhau giữa hai nhóm công ty có và không có sự kiểm soát của một tổ chức hoặc gia đình và các yếu tố về cấu trúc sở hữu ảnh hưởng đến chi phí đại diện.
Công ty có kiểm soát của một tổ chức hoặc gia đình có chi phí đại diện thấp hơn công ty không có kiểm soát. Trong đó, mức độ tập trung quản lý của hội đồng quản trị có tác động mạnh làm giảm đến chi phí đại diện. Các yếu tố vốn góp của hội đồng quản trị, tiền mặt, quy mô công ty cũng làm giảm chi phí đại diện tuy nhiên mức độ tác động không quá lớn. Độ phân tán sở hữu của công ty càng lớn, chi phí đại diện càng tăng nhưng mức độ tăng là rất nhẹ. Riêng các yếu tố vốn góp của ban điều hành, nợ ngắn hạn, nợ dài hạn tác động làm tăng chi phí đại diện ở mức độ nhẹ. Điển hình như sau:
- Tỷ lệ nợ ngắn hạn (NNH), nợ dài hạn (NDH) có tác động cùng chiều với Asset turnover và ROA, tức là tỷ lệ nợ tăng làm tăng chi phí đại diện, điều này ngược lại với các lý thuyết trên thế giới. Tuy nhiên có thể giải thích tại thị trường Việt Nam các doanh nghiệp thường sử dụng nợ dài hạn để sử dụng cho các mục đích ngắn hạn, không tuân thủ theo cấu trúc vốn mục tiêu làm, sử dụng tiền vay không đúng bản chất dẫn đến các mất mát phát sinh, tốn các chi phí để giám sát các khoản vay vì vậy làm gia tăng chi phí đại diện trong các doanh nghiệp Việt Nam.
- Vốn góp của ban điều hành(VGBDH) có tác động cùng chiều với chi phí đại diện, tức là khi vốn góp ban điều tăng làm cho chi phí đại diện tăng. Điều này có thể giải thích tại thị trường Việt Nam, hầu hết các thành viên hội đồng quản trị đều tham gia điều hành công ty, đặc biệt là nhóm công ty có kiểm soát của một tổ chức hoặc gia đình, họ luôn tham gia điều hành công ty của mình, do vậy, sự gia tăng vốn cổ phần của họ trong hội đồng quản trị đồng nghĩa với sự gia tăng vốn cổ phần trong ban điều hành. Vì vậy, sự gia tăng vốn cổ phần trong ban điều hành không tác động mạnh đến hiệu quả hoạt động của công ty.
- Hầu hết các nghiên cứu về cấu trúc sở hữu tác động đến chi phí đại điện của nhiều tác giả trên thế giới thì vốn góp của cổ đông lớn (VGCDL) có tác động đến chi phí đại diện, tuy nhiên tác giả không tìm được bằng chứng có ý nghĩa thống kê tại thị trường Việt Nam.
- Mức độ đại diện (REP) và độ tuổi (AGE) không có ý nghĩa thống kê trong mô hình.
- Chênh lệch vốn góp của cổ đông lớn và cổ đông nhỏ (DIF) không có ý nghĩa thống kê khi hồi quy với ROA là biến phụ thuộc.