thích ứng BĐKH
Thực chất khái nhiệm ứng phó và thích ứng với BĐKH là một cụm từ mới được đưa vào trong truyền thông và các hoạt động của các chương trình và dự án ở Việt Nam cũng như các tỉnh MNPB. Tuy nhiên, bản chất các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu đã được hình thành, tích lũy và lưu truyền nhiều thế hệ trong các cộng đồng dân tộc thiếu số. Với đời sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp là chính nên KTBĐ trong sản xuất nông nghiệp được xác định là phong phú đa dạng và đang đóng một vai trò quan trọng trong phát triển một nền sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH ngày nay.
KTBĐ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay được áp dụng phổ biến và nhiều nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là sử dụng các giống cây trồng và vật nuôi bản địa. Vũ Văn Liết và cs (2011) đã chỉ ra rằng cộng đồng người Thái ở MNPB hiện nay đang sử dụng rất phổ biến các giống bản địa bao gồm: 7 giống cây lương thực thực phẩm, 13 giống cây rau quả, 7 giống gia cầm và 9 giống gia súc. Tác giả cũng cho rằng các cộng đồng dân tộc thiểu số MNPB đang quản lý và sử dụng một tập đoàn giống cây trồng và vật nuối rất phong phú và rất có giá trị cho sản xuất nông nghiệp do có tính chống chịu cao với các điều kiện bất lợi. Ví dụ cộng đồng người Tày ở Bắc Kạn đang sử dụng tới 20 giống cây trồng và 3 giống vật nuôi bản địa phổ biến, trong khi đó cộng đồng người Dao ở Bắc Kạn cũng đang sử dụng tới 19 giống cây trồng và 4 giống vật nuôi bản địa trong phát triển sinh kế của mọi gia đình. Các giống bản địa này đang góp phần quan trọng giúp cho sản xuất của người dân tránh được hiện tượng thời tiết cực đoan xẩy ra mấy năm gần đây.
Kiến thức bản địa còn được ứng dụng nhiều trong kỹ thuật canh tác trong điều kiện thời tiết khí hậu cực đoan. Với điều kiện canh tác chủ yếu trên đất dốc nhiều biên pháp kỹ thuật truyền thống đã được áp dụng để han chế xói mòn đất do mưa to như tạo ruộng bậc thang, xếp đá tạo đường đồng mức, để bang cỏ tự nhiên theo đồng mức, trồng xen canh để che phủ mặt đất. Đặc biệt kỹ thuật bản địa tưới nước và giữ nước trong điều kiên địa hình đồi núi phức
tạp đã được áp dụng rất phổ biến ở nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số như làm guồng, cọn tát nước, ống bương dẫn nước. đào giếng tại ruộng giữ nước... đã giúp cho cây trồng tránh được khô hạn. Đặc biệt những kiến thức về thời vụ gieo trồng và dự báo thời tiết khi hậu bất lợi đã giúp cho các cộng đồng dân tộc thiểu số giảm thiệu thiệt hại do thiên tai. Ví dụ người Dao cho biết “khi thấy trâu đang thả trong rừng mà chạy bỏ về nhà là trời sắp có mưa to chuẩn bị tránh lũ. Hay mặt nước ao đang bình thường chuyển sang màu xanh rêu 2-3 ngày là trời sẽ mưa to...” Kiến thức bản địa thực sự giúp cho việc sản xuất nông nghiệp của cộng đồng các dân tộc thiểu số được phát triển bền vững qua nhiều thế hệ.