Thông qua các mối đe dọa đã xác định được ở trên và công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên động vật của Khu bảo tồn, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu các mối đe dọa đối với các loài Voọc đen má trắng tại khu vực nghiên cứu.
Vấn đề còn tồn tại:
Săn bắn hiện nay vẫn còn rất phổ biến trong khu vực, đặc biệt là đồng bào dân tộc H' mông. Hàng ngày người dân vẫn mang súng vào rừng đi săn kết hợp với khai thác gỗ. Tuy đã tổ chức tịch thu súng của người dân, nhưng người dân vẫn chưa tự nguyện dao nộp súng, phần lớn người dân đều lén lút cất giữ súng. Vì vậy, súng còn trong dân rất nhiều.
Nhận thức của người dân trong khu vực về công tác bảo tồn còn rất kém. Họ chưa có ý thức về việc bảo tồn nói chung và bảo tồn Voọc đen má trắng nói riêng. Một mắt do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, phần lớn sống phụ thuộc vào rừng. Bên cạnh đó một mặt do phong tục tập quán của người dân.
Công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, do điều kiên địa hình bị chia cắt hiểm trở, địa bàn quản lý rộng mà lực lượng cán bộ kiểm lâm lại mỏng nên không thể kiểm soát hết được tình trạng vào rừng của người dân.
Giải pháp:
Cần có chính sách triệt để việc thu hồi súng săn, nghiêm cấm hoạt động săn bắt các loài thú Linh trưởng, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Tăng cường việc tuần tra, tuần rừng nơi thường xuyên xẩy ra hoạt động săn bắt động vật và đặc biệt là phát triển các chương trình giáo dục bảo tồn cho người dân sống trong và xung quanh Khu bảo tồn. Ưu tiên sẽ dành cho những đối tượng thường xuyên khai thác các loài thú Linh trưởng.
Đối với mối đe dọa phá hủy sinh cảnh Khai thác gỗ:
Vấn đề tồn tại:
Hiện nay nạn khai thác gỗ vẫn xẩy ra thường xuyên tại khu vực với cường độ và diện tích rất lớn. Đối tượng khai thác chủ yếu là gỗ Nghiến, gỗ được xẻ nhỏ thành các thớt hoặc các chân tiện để vận chuyển ra khỏi rừng.
Ngày xưa gỗ thường được khai thác để làm nhà và làm củi đun, nhưng bây giờ gỗ được khai thác và gom bán cho các đầu nậu gỗ vận chuyện về xuôi. Do lợi nhuận kinh tế mang lại cho người dân từ việc đi gỗ là rất cao ( mỗi ngày một người dân vào rừng khai thác gỗ có thể thu được trung bình từ 150.000đ - 200.000đ). Đây là cách kiếm tiền dễ nhất cho người dân trong khu vực nên có rất nhiều người tham gia.
Do đồng tiền mang lại từ khai thác gỗ là rất lớn nên người dân ào ạt đầu tư mua cưa máy (cưa lốc) để khai thác gỗ. Hiện nay số lượng cưa máy trong dân là rất nhiều.
Giải pháp:
Giải pháp nhằm giảm thiểu hoạt động này là nghiêm cấm hoạt động khai thác gỗ, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, tịch thu cưa máy, hỗ trợ và phát triển trồng cây để thay thế cho việc khai thác gỗ trong Khu bảo tồn, khai thác gỗ phục vụ cho việc xây dựng nhà cửa, do vậy có thể sử dụng vật liệu thay thế như xi măng, gạch, đá,...
Phá rừng làm nương rẫy:
Vấn đề tồn tại:
Hiện nay tình trạng phá rừng làm nương rẫy trong khu bảo tồn diễn ra vẫn còn nhiều. Đây là phong tục tập quán canh tác của đồng bào dân tộc miền núi nên việc thay đổi suy nghĩ và phương thức canh tác là rất khó, không thể thay đổi ngay. Số hộ dân sống trong phần lõi của khu bảo tồn là rất nhiều, cuộc sống của họ chủ yếu phụ thuộc vào rừng, đất canh tác nông nghiệp rất ít nên buộc họ phải đốt nương làm rẩy.
Giải pháp:
Cần nghiêm cấm hoạt động đốt rừng làm nương rẫy, quy hoạch, giao đất giao rừng cho người dân trong khu vực để họ tự quản lý, chuyển giao kỹ thuật gieo trồng cho người dân và hướng dẫn họ sử dụng phân bón cũng như
sử dụng giống cho năng suất cao. Đặc biệt là hướng dẫn họ thâm canh tăng vụ không để đất trống thời gian dài trong năm.
Tăng dân số và sống di cư là nguyên nhân tăng diện tích nương rẫy, do đó cần có chính sách kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân việc thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình.
Cháy rừng:
Vấn đề:
Hàng năm trong khu vực vẫn có những vụ cháy rừng xẩy ra, tuy nhiên diện tích những đám cháy là không lớn. Do điều kiện địa hình bị chia cắt mạnh, núi rừng hiểm trở, địa bàn rộng nhưng lực lượng kiểm lâm lại ít nên công tác phòng cháy và chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.
Tình trạng đốt rừng làm nương rẫy vẫn còn. Ý thức của người dân về công tác phòng cháy chữa cháy rừng còn rất thấp. Không thể kiểm soát hết tình trạng người dân mang lửa vào rừng.
Giải pháp:
Cần tăng cường công tác tuần rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, đặc biệt là vào mùa khô. Xây dựng hệ thống phòng cháy và chữa cháy rừng cho khu vực. Tăng cường nhân lực và vật lực cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ chức tuyên truyền giáo dục cho người dân nâng cao ý thức phòng cháy và chữa cháy rừng cho người dân.
Đãi vàng:
Vấn đề tồn tại:
Trong khu vực có một công ty khai thác vàng Hoàng Long vẫn đang hoạt động và một số điểm khai thác nhỏ lẻ tự phát của người dân, nhưng chưa thấy sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn nạn khai thác vàng.
Giải pháp:
Cần nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác vàng trong khu bảo tồn, xử lý nghiêm theo pháp luật những đối tượng vi phạm.