Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua miêu tả hành động

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong túp lều bác tom của harriet beecher stowe (Trang 40)

6. Cấu trúc khóa luận

2.3.2 Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua miêu tả hành động

Một trong những điều làm nên thành công của tác phẩm tự sự, đó là hành động, cử chỉ của nhân vật. Qua việc miêu tả ngoại hình, hành động của nhân vật, nhà văn giúp ta hiểu được tính cách và số phận của nhân vật. Cũng giống như lời nói, hành động góp phần quan trọng trong việc để nhân vật tự bộc lộ tính cách và phẩm chất của mình. Phải đặt nhân vật trong những tình huống nhất định, những xung đột nhất định, nhân vật mới có những hành động nhất định. Mỗi một hành động của nhân vật có ý nghĩa quan trọng trong

36

việc thể hiện tính cách của bản thân nhân vật cũng như bộc lộ được tư tưởng, chủ để của tác phẩm.

Eliza là một cô gái xinh đẹp, ngoan đạo, được gia đình Shelby nuôi dạy tử tế, cô trở thành một người hết sức phải phép và sống trong khuôn khổ, không bao giờ dám làm hoặc dám suy nghĩ sẽ làm điều gì không phải. Nhưng khi đứng trước tình cảnh biết đứa con trai yêu quý của mình đã bị ông chủ bán và sẽ bị đưa đi vào ngày mai, cô đã gạt bỏ tất cả sợ hãi, bất chấp tất cả để đưa con đi trốn. Hành động này được thực hiện bởi một người như Eliza là một hành động hết sức táo bạo và dũng cảm, nó đã vượt lên trên tất cả những nỗi sợ hãi của một con người chưa từng biết đến nơi nào khác ngoài ngôi nhà mà từ nhỏ mình đã lớn lên. Nhưng tình yêu thương của người mẹ đối với đứa con đã lớn hơn mọi nỗi sợ hãi, bởi “một người rất độc ác đã đến định bắt bé Harry của mẹ đi và mang vào đêm tối. Nhưng mẹ sẽ không để hắn làm điều đó. Mẹ mặc quần áo cho con, và cùng nhau chạy trốn khỏi con người ác độc đó, và hắn ta sẽ không thể bắt được mẹ con mình” [16,59,60]. Và không chỉ dừng lại ở hành động cương quyết bảo vệ đứa con của mình, một mình trong đêm bế con đi trốn; mà khi bị kẻ thù truy đuổi, bị dồn vào đường cùng, Eliza không còn cách nào khác đã ẵm con trên tay, vượt qua sông trên những tảng băng trôi nổi trong dòng nước xiết. Đây là một hành động mà không phải ai cũng làm được và “cô đúng là một người phụ nữ da đen dũng cảm”.

Với một người mạnh mẽ, quyết liệt như George Harris thì việc anh bỏ trốn khỏi tên chủ độc đoán, nhỏ nhen, thô lỗ là điều hiển nhiên. Một chàng trai mang trong mình tính cách mạnh mẽ, có phần hoang dại như George thì chắc chắn không thể cam chịu số phận nô lệ, cam chịu cuộc sống phụ thuộc, chính vì thế anh đã can đảm bỏ trốn. Với khẩu súng trong tay mình, anh sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ tự do, bảo vệ vợ con. Với anh, chỉ có hai con đường thôi, hoặc là tự do, hoặc là anh sẽ chết, anh sẽ

37

không bao giờ chịu sống tiếp cuộc đời nô lệ. Hành động cải trang rồi ngang nhiên bước chân vào quán rượu, xem tờ giấy truy nã mình một cách hiển nhiên khiến cho không ai có thể nghi ngờ anh và cũng cho thấy đây là một con người hết sức táo bạo. Thông thường những người nô lệ, thường có thái độ nhút nhát, e dè, sợ sệt, nhưng George không vậy. Anh là một chàng trai đầy bản lĩnh, tự tin, luôn chắc chắn vào việc mình sẽ làm, vào con đường mình sẽ đi. Hành động rút súng bắn trả khi bị truy đuổi của anh cho thấy được tính cách này của anh. Một chàng trai dũng cảm, dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh đến cùng cho cuộc đời của mình. George chính là một chàng trai như thế.

Khắc họa bản chất của tên chủ nô độc ác tàn bạo, mất hết nhân tính, nhà văn đơn giản chỉ cần khái quát qua một vài hành động: “lão xem xét các nô lệ rất tỉ mỉ và thô bạo… lão tóm lấy hàm bác Tom, bắt bác há miệng ra để kiểm tra răng, bắt bác xoay người, kiểm tra các bắp tay, bắt bác nhảy lên để xem bác có nhanh nhẹn không” [16,433]. Chỉ qua hành động này thôi cũng đủ cho ta thấy bản chất cục cằn, thô bạo của Legree. Thực chất, Legree không hề coi những người da đen là người, mà chỉ giống như một món hàng để hắn ta lựa chọn. Với hắn, những người nô lệ chỉ là công cụ lao động, giúp hắn kiếm tiền mà thôi. Đồng thời, khi miêu tả những cuộc đối thoại của Legree với bác Tom, nhà văn thường tả kèm một số hành động như “vớ cái roi gân bò, vụt như mưa xuống khắp người bác”, “hắn vừa quát tháo vừa đá bác Tom”, “đá bác và quát”… tất cả những hành động của Legree đã cho thấy đây là một người hết sức thô bạo, tàn nhẫn, đối xử với nô lệ rất bất công, thường xuyên đánh đập và chà đạp họ.

Cũng chỉ một hành động vẫy qua vẫy lại và rung sợi dây xích bằng vàng chiếc đồng hồ của Haley ta có thể nhận ra ngay đây là một người khoe của, lố bịch, một hành động thường thấy ở những kẻ muốn chứng tỏ mình là

38

một quý ngài. Lớp vở bọc cao quý mà Haley cố gắng tạo ra nhanh chóng bị tháo bỏ khi hắn “nhảy bổ vào phòng khách” và kêu: “Ông Shelby, thế là thế nào, ông làm ăn kiểu gì thế hả? Hình như con bé da đen đã bỏ đi cùng với đứa con của nó có phải không?” [18,66]. Những kẻ như Haley, bản chất là một kẻ thô lỗ, hám tiền, cho dù có cố gắng phô trương, khoe của và hợm hĩnh thế nào đi chăng nữa cũng không thể nào bắt chước được dáng vẻ và điệu bộ của một quý ngài. Bởi, đó là khí chất cao quý tự nhiên vốn có toát lên từ chính bản thân con người chứ không phải do trang phục lòe loẹt và phục sức đắt tiền.

Cô bé đáng yêu Eva luôn có những hành động khiến mọi người phải ngạc nhiên và suy nghĩ. Cô bé là một người nhân hậu và đầy lòng trắc ẩn, chỉ với một hành động “đi qua đám người nô lệ bị xiềng xích, vẻ mặt buồn, tư lự. Cô bé đi xung quanh họ, đôi khi lấy đôi tay nhỏ nhắn của mình nhấc các sợi dây xích lên và thở dài rất buồn bã và bước đi”. [16,200]. Chỉ với hành động ấy cũng đủ cho ta thấy cô bé có suy nghĩ trưởng thành và sâu sắc như thế nào. Một đứa trẻ bé nhỏ, vô tư trước cuộc đời không thể có hành động đầy lòng trắc ẩn như thế. Khi tả Eva trong các cuộc đối thoại với mọi người, nhà văn thường miêu tả kèm theo hành động và thường là những hành động thân mật. Khi chơi cùng bác Tom, cô bé ngồi lên đùi bác, rồi đọc Kinh thánh cho bác nghe, khi gặp bác Mammy, cô bé choàng tay ôm lấy cổ bác rồi hôn bác, hỏi han sức khỏe của bác… Khi nói chuyện với mẹ, cô bé nhẹ nhàng đến bên mẹ, quàng tay ôm lấy cổ mẹ… đặc biệt là khi cô bé sắp về với Chúa, cô bé đã cắt mái tóc vàng xinh đẹp của mình, rồi chia cho mọi người mỗi người một lọn để mọi người không quên cô bé, bởi vì cô bé yêu họ quá và cô bé cũng biết tất cả mọi người đều yêu quý mình.

Cậu chủ George Shelby, sau khi biết người bạn già của mình - bác Tom bị bán đã vội vàng phi ngựa đuổi theo, đưa tiễn người bạn của mình cùng lời hứa nhất định sẽ đưa bác về nhà. Nhưng khi cậu tìm được bác Tom, lúc bác

39

cận kề cái chết và những lời nói thiếu tôn trọng của Legree đã khiến cậu không kìm nén được giận dữ và đã đáp trả bằng hành động: “George quay lại và giáng một cú vào mặt Legree khiến hắn ngã sõng soài” [16,530]. Hành động trả tự do cho tất cả nô lệ của mình đã nói lên tất cả. George là một người xuất thân từ gia đình danh giá, cậu được kế thừa gia sản, bao gồm cả nô lệ, nhưng trong thâm tâm cậu chưa bao giờ ủng hộ cũng như muốn có chế độ nô lệ, cho nên, ngay khi có quyền lực, cậu đã trao trả tự do cho tất cả nô lệ. Hành động của George cho thấy đây là một chàng trai thẳng thắn, dũng cảm và biết yêu thương, biết căm ghét.

Chỉ bằng một hành động thôi, nhà văn cho ta thấy được bản chất giả dối của Marie: “Marie mắt ráo hoảnh đút khăn mùi xoa vào túi giống như một tên tội phạm vừa giả vờ khóc và bây giờ không còn ai trông thấy nữa” [16,230]…

Tất cả mọi hành động của các nhân vật đều được nhà văn quan sát tỉ mỉ, nắm bắt tâm lí và đưa vào tác phẩm một cách hết sức hợp lí và lôi cuốn. Thông qua hành động, nhà văn để cho nhân vật tự bộc lộ tính cách và suy nghĩ của mình, khiến cho mỗi nhân vật hiện lên đều có hồn và để lại ấn tượng sâu sắc. Khi xây dựng hành động của nhân vật đòi hỏi nhà văn phải đặt nhân vật của mình vào những hoàn cảnh nhất định. Nhưng trong một hoàn cảnh, thì mỗi người lại có một cách giải quyết và một hành động khác nhau, nó thể hiện cá tính cũng như nhận thức của nhân vật. Việc nhà văn xây dựng một hệ thống nhân vật mà mỗi người đều có những hành động cụ thể, nhiều lúc khác biệt tạo cảm giác sinh động và khách quan. Với việc quan sát tỉ mỉ, chọn lọc kĩ lưỡng và có tài nắm bắt tâm lí nhân vật, nhà văn đã để cho các nhân vật có những hành động của mình, và qua các hành động ấy khắc họa phẩm chất, tính cách và cá tính riêng biệt, khiến cho thế giới nhân vật trong Túp lều bác Tom hết sức sinh động và có hồn.

40

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong túp lều bác tom của harriet beecher stowe (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(55 trang)