Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong túp lều bác tom của harriet beecher stowe (Trang 36)

6. Cấu trúc khóa luận

2.3.1 Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình

Ngoại hình là hình dáng bên ngoài, là diện mạo của nhân vật. Trong văn học, mỗi chi tiết, hình ảnh đều góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, ngoại hình cũng vậy. Khi xây dựng nhân vật, hầu hết các nhà văn đều có ý chú trọng tạo cho nhân vật của mình một ngoại hình, một diện mạo, góp phần thể hiện đặc điểm tính cách và nội tâm của nhân vật, Hariet Beecher

32

Stow cũng không ngoại lệ. Ngoại hình có thể chỉ giúp người đọc hiểu được một phần nào tính cách của nhân vật, nhưng đó lại là con đường quan trọng, bước đầu giúp ta nắm bắt được nhân vật. Trong Túp lều bác Tom, hầu hết ngoại hình của nhân vật đều được khắc họa thông qua lời miêu tả trực tiếp của nhà văn. Ngoại hình ấy như là một chìa khóa, mà thông qua nó, ta có thể mở được cánh cửa bước vào thế giới nội tâm của nhân vật.

Hãy chú ý vào chân dung đầu tiên được nhà văn khắc họa, đó là Helly. Khi khái quát bản chất của tên buôn người Haley đang cố ngoi lên tầng lớp thượng lưu, nhà văn miêu tả: “Nhân vật này có dáng thấp đậm với những nét thô thiển, mộc mạc của người dân lao động, và điệu bộ cố tỏ vẻ như là một nhà quý tộc thực thụ… Kiểu ăn mặc của hắn hết sức buồn cười, một bộ vét lòe loẹt, nhiều màu sắc, khăn quàng cổ màu xanh, và đi kèm với chúng là một cái nơ khoe khoang… đôi tay của hắn to bè và thô cứng, đeo đầy những nhẫn là nhẫn…” [16,9]. Khác với nhiều nhân vật khác, khi miêu tả ngoại hình, nhà văn chú trọng miêu tả từng đường nét trên gương mặt, nhưng riêng với Haley, nhà văn lại chú ý vào cử chỉ, điệu bộ và trang phục. Và như nhà văn đã nhận xét, thì đây hoàn toàn không phải là một quý ông mặc dù cố tỏ ra mình giàu có và lịch sự. Dưới con mắt tinh tế và sắc sảo của nhà văn, Haley hiện lên đúng như bản chất của hắn, chỉ là một người lao động, đang cố ngoi lên tầng lớp thượng lưu.

Để khắc họa nhân vật chính - bác Tom, nhà văn dụng công miêu tả ngoại hình của bác: “Bác thuộc dạng người sức dài vai rộng; mặt bác rất đen, có những nét điển hình của người châu Phi, với vẻ mặt nghiêm trọng nhưng tốt tính, đầy tình thương con người. Những nét đó tỏ rõ bác là người có lương tri vững vàng, một tâm hồn tốt, một vẻ nghiêm trang đôn hậu.” [16,39]. Chỉ với vài dòng tả ngoại hình ngắn ngủi, nhưng nhà văn đã giúp ta phần nào hiểu được tính cách và con người của bác Tom, giống như nhà văn đã nhận xét

33

“Từ bác Tom toát lên một vẻ gì đó đường hoàng, khiến ta phải kính nể, lại vừa có cái gì chân thành, giản dị, đáng tin cậy”.

Với George Harris - một chàng trai mang tính cách mạnh mẽ, có ý chí phản kháng mãnh liệt, nhà văn miêu tả: “George là một thanh niên khá điển trai và có cung cách cư xử đúng mực, được nhiều người làm cùng nhà máy yêu mến” [16,25], “George có những nét đẹp và tinh thần không bao giờ chịu khuất phục của người châu Âu do anh được thừa hưởng từ một trong những gia đình danh giá nhất bang Kentucky. Anh chỉ hơi giống mẹ ở nước da ngăm đen, nhưng được đền bù bởi đôi mắt đen lanh lợi” [16,152]. Ta có thể phần nào hiểu được nét tính cách mạnh mẽ, có phần hoang dại của Geogre bởi anh mang trong mình tinh thần không bao giờ chịu khuất phục của người châu Âu. Với cá tính ấy, George cương quyết đấu tranh cho tự do, hạnh phúc của mình, nhất định không chịu làm nô lệ, nhất định không chịu sống như súc vật, để mặc người ta đánh mắng. Anh sẵn sàng hi sinh tất cả, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ những người yêu thương và giành lấy tự do cho mình. George là một chàng trai để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc với cá tính riêng biệt của mình.

Mỗi nhà văn khi miêu tả nhân vật thường đều khắc họa ngoại hình và mỗi nhà văn lại có cách miêu tả riêng. Với Harriet Beecher Stowe, nhà văn thường chú trọng vào miêu tả khuôn mặt, đặc biệt là đôi mắt, bởi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là nội tâm của nhân vật. Eliza là một cô gái ngoan đạo, lễ phép và sống theo khuôn thước, cô được nhà văn miêu tả: “có đôi mắt đen, to và tròn ẩn dưới hàng mi dài, mái tóc xoăn gợn sóng…Chiếc váy cô mặc bó chặt lấy người vừa vặn nhất có thể, càng tôn lên thân hình đẹp đẽ, nở nang…” [16,13]. Eliza mang nét đẹp của một cô gái lai, với sự nhẹ nhàng thanh thoát, dịu dàng và tâm hồn tươi đẹp của mình. Cô tiêu biểu cho những người phụ nữ của gia đình, luôn luôn dịu dàng và trìu mến yêu thương.

34

Riêng với thiên thần nhỏ bé Eva, nhà văn chú ý nhiều hơn vào nét dịu dàng, dễ thương của trẻ thơ: “Đứa bé gái có tất cả vẻ dễ thương của trẻ thơ, tuy rằng khuôn mặt nó chẳng được tròn trĩnh và nó có những cử chỉ vụng về của tuổi nhỏ. Trông con bé cái gì cũng dịu dàng, dễ thương. Khuôn mặt của con bé toát lên vẻ đáng yêu biết chừng nào. Đầu con bé lúc nào cũng ngẩng lên, có vẻ gì đó cao sang; mái tóc vàng óng xõa xuống hai bờ vai; dưới đôi mày dài màu sẫm, hai con mắt xanh có cái nhìn trang nghiêm” [16,199]. Nhấn mạnh vào sự dịu dàng, dễ thương của trẻ thơ, Eva mang trong mình một trái tim thánh thiện, trái tim ấy biết yêu thương một cách chân thành, dịu dàng nhưng mãnh liệt. Eva mang tình yêu thương chân thành của mình đến với tất cả mọi người, nhất là những người bạn da đen nhiều bất hạnh. Một điểm cần chú ý khi khắc họa ngoại hình của Eva, đó là đôi mắt, đôi mắt ấy “có cái nhìn nghiêm trang”. Con trẻ thường hồn nhiên, vô tư, nó thể hiện trong ánh mắt trong trẻo, vô tư, bởi ánh mắt là cửa sổ tâm hồn, ánh mắt có thể nói lên tất cả, nói lên được tâm trạng, cảm xúc của một con người. Thế nhưng cô bé như thiên thần ấy lại có cái nhìn “nghiêm trang”. Với đôi mắt ấy, cô bé nhìn thấy hết những bất công ngang trái trong xã hội, và luôn luôn đau khổ vì điều ấy. Một số phận bất hạnh, một hành động nhẫn tâm với người nô lệ da đen, tất cả những điều ấy chìm sâu vào trái tim bé bỏng, và đè nặng lên trái tim ấy. Từ ngoại hình xinh đẹp đến trái tim nhân hậu và một tâm hồn đẹp; từ đôi mắt có cái nhìn nghiêm trang đến nhận thức sâu sắc về những đau khổ trong xã hội, tất cả những điều ấy thu hút sự chú ý của tất cả mọi người, từ nhân vật trong câu chuyện đến người đọc, và điều đó làm nên sự khác biệt của cô bé Eva so với những đứa trẻ khác. Dù chỉ là một cô bé, nhưng suy nghĩ lại quá trưởng thành, nhận thức đi xa hơn nhiều so với một đứa trẻ có thể có được. Chính những suy nghĩ sâu sắc và trưởng thành ấy khiến cho cô bé càng có khao khát yêu thương và che chở cho những người nô lệ.

35

Cứ như thế, mỗi nhân vật một ngoại hình, một tính cách, một số phận, nhà văn đã khéo léo đưa ta vào thế giới của Túp lều bác Tom. Ở đó từng người từng người hiện lên trước mắt người đọc chân thực và sống động như chính cuộc sống. Có thể nói ngoại hình không thể hiện được toàn diện con người nhân vật, nhưng thông qua những nét khắc họa có sự chọn lọc kĩ càng, nhà văn đã giúp người đọc có những nhận định ban đầu cơ bản về một con người. Nếu các nhà văn trung đại của Việt Nam khi miêu tả ngoại hình nhân vật thường dùng biện pháp ước lệ tượng trưng, hoặc vài nét chấm phá; nhà văn hiện thực xuất sắc của Việt Nam là Nam Cao khi miêu tả ngoại hình nhân vật thường hướng tới ngòi bút tả thực thì Harriet Beecher Stowe lại có cách miêu tả riêng của mình. Tùy vào từng nhân vật, nhà văn chọn lọc những chi tiết khác nhau để miêu tả và khắc họa nhân vật. Với cách miêu tả như thế, nhà văn không chỉ khẳng định được tài năng nghệ thuật của mình mà còn giúp ích rất nhiều cho độc giả trong việc bước đầu tiếp cận và tìm hiểu nhân vật. Thông qua mỗi ngoại hình được chọn lọc một cách kĩ càng, nhà văn muốn gửi gắm quan niệm thẩm mĩ và ý đồ nghệ thuật của mình. Qua mỗi một ngoại hình ta thấy thấp thoáng đằng sau đó một tính cách, một số phận, một cuộc đời. Và như thế, việc nắm bắt và theo dõi nhân vật của người đọc cũng trở nên dễ dàng hơn.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong túp lều bác tom của harriet beecher stowe (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(55 trang)