Hiện thực trong mảng truyện mang màu sắc “cố sự tân biên”

Một phần của tài liệu TRUYỆN NGẮN LÊ MINH HÀ TRONG DÒNG VĂN XUÔI VIỆT NAM HẢI NGOẠI (Trang 34)

Truyện ngắn "cố sự tân biên" của Lê Minh Hà không nhằm dựng lại trung thực bức tranh đời sống là mục đích của nghệ thuật mà dùng hiện thực như một phương tiện để diễn tả suy nghĩ, chiêm nghiệm và cả sự phiêu lưu bút pháp trong khát vọng chiếm lĩnh thế giới vô cùng rộng lớn và bí ẩn này.

Cảm hứng nhân bản trở thành cốt lõi của những nguyên tắc phản ánh đời sống, quy định hệ quy chiếu của tác phẩm. Điều này càng thấy rõ trong truyện ngắn "cố sự tân biên". Tác giả kể chuyện lại cổ tích không phải để cho người đọc tin vào những sự tích ấy mà là lên tiếng bảo vệ tình yêu trong cuộc sống ngày càng trở nên nặng nề, nhức nhối và lạnh lẽo. Đó là thế giới của những Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Trương Chi mang tính cách khác, sống một số phận khác so với các nhân vật mang tên chúng đã từng sống trong các truyền thuyết và cổ tích… Ở đây, kinh nghiệm cá nhân giữ vai trò quan trọng, tạo ra sự độc đáo thẩm mĩ trong cách nhìn hiện thực của mỗi con người. Vai trò chủ thể của nhà văn tăng lên khi lựa chọn phương thức "nghiền ngẫm về hiện thực". Nhà văn đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động lựa chọn hiện thực, thoát khỏi sự ràng buộc của chủ nghĩa đề tài và chủ động về tư tưởng. Các tác giả xử lý hiện thực quen thuộc bằng cái nhìn riêng của cá nhân. Vấn đề lịch sử, văn học cách mạng thường xử lí đề tài này theo quan điểm sử thi, mang dấu ấn của cộng đồng. Nhưng các tác giả truyện ngắn "cố sự tân biên" lại tiếp cận lịch sử ở góc độ đời tư, nhìn thấy những mặt trái của hiện thực ấy. Lê Minh Hà tiếp cận lịch sử ở nỗi đau của một người cha, vì tham vọng chính trị mà đẩy con gái mình vào chỗ phải lấy cái chết để bảo vệ nhân phẩm. Nguyễn Huy Thiệp lại đối xử với hiện thực trong cái nhìn rất đỗi bình đẳng và dân chủ, trong sự đối lập lịch sử của số đông với lịch sử của cá nhân. Tác giả hoàn toàn mất thực quyền trong tác phẩm, họ chỉ có vai trò tổ chức mà không có quyền lấy phát ngôn của mình để định giá cho các phát ngôn khác.

Hơn nữa, những quan niệm họ đưa ra lại hoàn toàn xuất phát từ những kinh nghiệm cá nhân, nó không có điểm tựa vững chắc của cộng đồng, thế nên người ta có thể hoàn toàn nghi ngờ nó. Và thực ra đó cũng là tâm trạng của chính nhà văn. Trong họ cũng có những dấu hỏi rất lớn, đầy rẫy những ngờ vực, nghi hoặc. Không vội vàng kết luận, đưa những nghi ngờ ấy vào trong tác phẩm, đó là một lời mời đối thoại, phản biện của nhà văn đối với người đọc. Sự hoài nghi ấy là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội và văn học. Nó tạo điều kiện cho văn học phát huy tính dân chủ và hiện đại, mà một trong những biểu hiện của tính dân chủ là sự mở rộng quan điểm và không có chân lí duy nhất.

Vì vậy, trong sáng tác, ta không chỉ thấy có duy nhất một hiện thực được phản ánh. Hiện thực là cái chưa biết hết và không thể biết hết. Nó là đối tượng để chúng ta tiếp tục hoài nghi, khám phá và suy ngẫm. Có hiện thực quen thuộc, vốn đem lại những giá trị thẩm mĩ mới nhờ thái độ trung thực và vốn sống của tác giả thì cũng có những hiện thực mới lạ như trong Ới ơi dâu

bể, Châu Long, An Dương Vương, … Có hiện thực bị chi phối bởi quy luật

nhân quả với ấn tượng về cái tất yếu đơn trị. Có hiện thực bị chi phối bởi vô số những quy luật may rủi ngẫu nhiên với ấn tượng về sự bí ẩn của cuộc sống. Có khi, những điều may mắn đến với con người không phải là dấu hiệu của hạnh phúc. Tấm khi ở ngôi cao giàu có, có vị trí,có kẻ hầu người hạ thì lại “chết” cái chết tâm hồn, trong cảnh chăn ấm đệm êm. Tấm sau khi giết Cám sẽ sống chuỗi ngày dài trong cô độc vì sự xa lánh của vua và tất cả mọi người, sẽ gặm nhấm nỗi ân hận, sẽ ám ảnh bởi tiếng kêu than của những kẻ bị cô trừng phạt. Xu hướng chung, nhà văn không tự trói buộc mình vào trong những quan niệm cứng nhắc, một chiều, nhất thành bất biến. Chị nghi ngờ những trật tự hiện tồn, những tín niệm trở thành chân lí của một thời, nhại lại quan niệm một

Không còn quan niệm một chiều, giản đơn về hiện thực, các nhà văn đã tìm tới những hình thức biểu đạt khác nhau để thể hiện quan niệm của mình.

Với cách quan niệm về hiện thực như vậy, một hiện thực không toàn vẹn, đa chiều, đầy rẫy những rủi ro và nghi ngờ, thì những giá trị mà hiện thực mang lại cũng không còn giống như trước. Trước đây, văn học lấy tiêu chí phản ánh hiện thực lịch sử làm mục tiêu chính, người ta hài lòng với việc khám phá những bình diện lớn lao của thời đại. Người đọc thỏa mãn với hiện thực được mô tả, đó là những điều đã biết trước, luôn toàn vẹn và có xu hướng đi lên. Truyện ngắn viết lại, ngược lại, khiến người đọc không thỏa mãn với những gì được kể, luôn có thái độ ngờ vực và nghiền ngẫm, phân tích hiện thực ấy.

Tác giả luôn tìm cách "lạ hóa" những đề tài, hình tượng quen thuộc. Hình tượng Trương Chi hết sức quen thuộc đối với tư duy của người đọc mọi thế hệ. Câu chuyện về chàng Trương Chi là huyền thoại về sự đổ vỡ của cái tuyệt đối khi tiếp xúc với hiện thực đời thường. Nhưng Trương Chi của Lê Minh Hà lại là một câu chuyện khác. Chàng Trương Chi ở đây trở thành một con người của đời thường, xù xì, thô nhám nhưng có lương tâm. Nhưng cũng đứng riêng ra khỏi trật tự bầy đàn. Chàng không thể hòa nhập với họ, không thể hát những bài hát của đám đông ca ngợi Công danh- Tiền bạc - sự nhẫn nhục. Hiện thực mà Lê Minh Hà đặt ra ở đây là bi kịch của con người, của Tình yêu giữa cuộc đời. Tình yêu hướng về Tuyệt đối, vì thế mà nó trở nên cô đơn, vì nó đứng cao hơn số đông. Không có sự tự hào, ngạo nghễ, ở đó tràn ngập một cảm giác đắng ngắt, tâm trạng của một người không có khả năng làm xoay chuyển xã hội. Và vì thế, những cái thanh cao vẫn chết đơn giản giữa đời thường! Cảm hứng huyền thoại kết hợp với thế sự cùng với những kinh nghiệm cá nhân tạo nên một thế giới với những xung đột riêng của truyện Lê Minh Hà. Đó không phải là xung đột bạo lực mà là xung đột của những ý niệm, quan điểm cũng như tư duy mới cũ khác nhau.

Đồng thời với việc nghiền ngẫm, phân tích hiện thực thì mối quan hệ của nhà văn đối với hiện thực cũng thay đổi. Sự thay đổi liên tục các điểm nhìn trần thuật khiến nhà văn có thể đánh giá sự việc ở nhiều góc độ, song cũng không thể phủ nhận đó cũng đồng thời thể hiện sự không toàn tri đối với hiện thực. Trong tác phẩm, xuất hiện người kể chuyện không toàn tri, thậm chí đứng thấp hơn người đọc. Người ấy không có khả năng định hướng nhận thức cho người đọc mà chỉ có thể làm một việc là đưa ra có sự kiện, các hiện tượng theo cái nhìn của riêng mình và sau đó rủ rê, chờ đợi người đọc đối thoại với mình. Vì thế, hiện thực trong tác phẩm không bị đóng đinh trong một quan điểm mà trái lại lại vô cùng rộng mở và nhiều sự liên tưởng. Nhà văn không còn thực quyền trong tác phẩm, anh ta đồng thời cũng là một bạn đọc và cũng đang suy ngẫm, đang phân tích hiện thực đó. Họ không phải vất vả chạy theo tiêu chí phản ánh như thực hiện thực rộng lớn mà có xu hướng đi vào chiều sâu, khám phá sự bí ẩn của hiện tượng, nhất là ở những góc khuất. Với cách kết thúc mở, hiện thực không bị đóng lại mà mở ra chiều sâu và luôn tạo cho người đọc sự liên tưởng, đồng sáng tạo của người đọc.

Một phần của tài liệu TRUYỆN NGẮN LÊ MINH HÀ TRONG DÒNG VĂN XUÔI VIỆT NAM HẢI NGOẠI (Trang 34)