Trong nền kinh tế thị trường với môi trường cạnh tranh gay gắt, bất cứ một doanh nghiệp nào muốn đứng vững và phát triển trong hoạt động SXKD đòi hỏi doanh nghiệp đó phải không ngừng mở rộng và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình nhằm đáp ứng nhu cầu đặt ra của nền kinh tế một cách tốt nhất.
Khi nói đến mở rộng, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc làm thế nào để tăng quy mô, số lượng, tức là nói đến sự tăng trưởng theo chiều rộng. Vì vậy, ta có thể hiểu mở rộng cho vay là sự đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của khách hàng, hay nói cách khác đó là việc làm tăng tỷ trọng tín dụng trong tài sản có của các NHTM.
Mở rộng cho vay được thể hiện trên các mặt sau:
- Tăng quy mô cho vay: Trong hoạt động của các NHTM, bên cạnh việc tăng trưởng nguồn vốn huy động thì quy mô cho vay cũng chiếm vai trò quan trọng chủ yếu trong mọi hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Đặc biệt là trong điều kiện cho vay vẫn là hoạt động mang lại nguồn thu nhập chính
cho ngân hàng. Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng thì hiện tại hoạt động tín dụng vẫn chiếm từ 80% - 95% thu nhập của các NHTM.
- Đa dạng hóa các đối tượng cho vay, mở rộng đối tượng khách hàng phục vụ, đa dạng hóa phương thức cho vay như: Cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức, cho vay theo dự án đầu tư, cho vay lưu vụ, cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng, cho vay thấu chi qua thẻ ATM…. Việc xây dựng các mức lãi suất cho vay đối với khách hàng một cách linh hoạt, có những chính sách ưu đãi đối với khách hàng, đi đôi với việc cung cấp các loại hình bão lãnh thích hợp cũng góp phần mở rộng cho vay.
Mở rộng cho vay là bảo đảm khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về vốn cho nền kinh tế theo một cơ cấu hợp lí và phù hợp với tốc độ phát triển của xã hội trong từng thời kì. Do vậy, để mở rộng cho vay vấn đề trước tiên là phải huy động được nguồn vốn. Nguồn vốn càng nhiều thì khả năng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế nói chung và HSX nói riêng mới đảm bảo được đáp ứng đầy đủ. Nguồn vốn huy động tăng trưởng qua các năm cũng thể hiện sự tăng trưởng và phát triển của một ngân hàng thương mại trong quá trình cạnh tranh, là cơ sở nền tảng trong việc mở rộng cho vay. Bên cạnh việc mở rộng các hình thức cho vay các Ngân hàng thương mại luôn tìm cách huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội, luôn đa dạng hóa các loại hình huy động như: Tiết kiệm có nhiều kỳ hạn, đa dạng hình thức thanh toán lãi, phát hành chứng chỉ tiền gửi, tiết kiệm dự thưởng, quà tặng, kỳ phiếu, trái phiếu ngân hàng… tạo môi trường thuận lợi để người gửi có thể chọn lựa loại hình phù hợp với nhu cầu gửi tiền của mình, đồng thời cần tăng cường các tiện ích để phục vụ tốt cho nhu cầu thanh toán, không dùng tiền mặt qua ngân hàng cũng góp phần làm tăng số dư tiền gửi tại ngân hàng. Ngoài ra mặt bằng lãi suất huy động cũng là yếu tố quan trọng để xác định “giá” cho vay, điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng đến mở rộng quy mô cho vay.