Các biến cố bất lợi hay gặp nhất là các biến cố trên đường tiêu hóa (chướng bụng, đầy hơi chiếm 8,70%; tiêu chảy chiếm 2,17%). Ngoài ra, các bệnh nhân trong nghiên cứu cũng hay gặp các triệu chứng đau đầu chóng mặt (chiếm 8,70%). Các biến cố bất lợi này có thể xảy ra do sử dụng các thuốc điều trị ĐTĐ typ 2 như Metformin và Acarbose, các thuốc này thường gây ra tác dụng phụ trên đường tiêu hóa (đầy bụng, chướng hơi, tiêu chảy) hay Gliclazid và Insulin thường gây hạ glucose máu (biểu hiện đau đầu, chóng mặt). Tuy nhiên, không loại trừ khả năng bệnh nhân
sử dụng các thuốc khác hay do bất thường trong chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày mà gây ra những biến cố bất lợi này. Trong 3 bệnh nhân gặp dị ứng thì có 2 bệnh nhân bị mẩn ngứa tại vị trí tiêm Insulin.
Nhìn chung, các biến cố bất lợi này đa phần là thoáng qua và bệnh nhân thường tự khỏi.
4.3.2.2. Tương tác thuốc gặp trong nghiên cứu giữa các thuốc điều trị Đái tháo đường typ 2 với các thuốc điều trị bệnh mắc kèm Tăng huyết áp và Rối loạn lipid máu
Trên thực tế, bệnh nhân ĐTĐ thường mắc kèm các bệnh THA và RLLP nên ngoài thuốc điều trị ĐTĐ, bệnh nhân thường được dùng kèm với các thuốc điều trị 2 bệnh này. Do đó, có thể xảy ra tương tác thuốc trên những bệnh nhân này. Qua thống kê trên các đơn thuốc của bệnh nhân, chúng tôi ghi nhận được có 7 bệnh nhân trong đơn có xuất hiện tương tác thuốc. Các tương tác đó là:
- Sulfonylure + Fenofibrat: Nguy cơ tăng tác dụng hạ glucose máu [35]. Nửa đời của thuốc điều trị ĐTĐ có thể tăng (được nêu với Clorpropamid) và kháng insulin có thể giảm [8].
- Sulfonylure + Ức chế men chuyển: Phối hợp này, trong trường hợp đặc biệt, có thể dẫn đến hạ glucose máu ở người ĐTĐ [8].
- Gliclazid + Indapamid: Thuốc lợi tiểu Thiazid làm tăng glucose máu khi đói và làm giảm tác dụng hạ glucose máu của Sulfonylure. Tác dụng này xuất hiện cùng hiện tượng hạ natri máu sau khi uống thuốc lợi tiểu thiazid vài ngày đến vài tháng. Cơ chế các thuốc lợi tiểu Thiazid làm giảm tính nhạy cảm của mô với insulin, làm giảm tiết insulin hoặc làm tăng đào thải kali, gây tăng glucose máu [8]. Tuy nhiên tác dụng này phụ thuộc liều, ít gặp ở liều thấp khi dùng để điều trị tăng huyết áp [35]. Kết quả cho thấy, không gặp trường hợp nào có các cặp tương tác chống chỉ định hay ở mức độ nghiêm trọng. Phần lớn là các cặp tương tác cần thận trọng hoặc cân nhắc lợi ích nguy cơ, không có nhiều ý nghĩa lâm sàng. Đối với cặp tương tác giữa Indapamid + Gliclazid, liều Indapamid được sử dụng là liều thấp (1,25 mg) do
đó tương tác này ít gặp. Mặc dù vậy, các bác sỹ điều trị vẫn cần phải chú ý trong việc kê đơn để nhằm hạn chế tối đa các tương tác thuốc có thể xảy ra.