Thực trạng giải quyết phá sản và tuyên bố các hành vi pháp lý vô hiệu liên quan đến phá sản

Một phần của tài liệu Các hành vi pháp lý vô hiệu theo pháp luật phá sản ở Việt Nam (Trang 42)

VỀ CÁC HÀNH VI PHÁP LÝ VÔ HIỆU LIÊN QUAN ĐẾN PHÁ SẢN

VÀ CÁC KIẾN NGHỊ

2.1. Thực trạng giải quyết phá sản và tuyên bố các hành vi pháp lý vô hiệu liên quan đến phá sản vô hiệu liên quan đến phá sản

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản ở Việt Nam còn rất ít, chúng ta có thể phân các giai đoạn cụ thể như:

Giai đoạn 1993 - 2003: là chặng đường dài 10 năm thực hiện luật phá sản doanh nghiệp, tuy nhiên theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao số lượng đơn yêu cầu giải quyết tuyên bố phá sản doanh nghiệp chưa nhiều, bình quân mỗi năm toàn ngành chỉ nhận được và thanh lý chưa đầy 30 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, trong số này có khoảng 1/2 bị đình chỉ, tạm đình chỉ. Đến tháng 09/2001 theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao trên phạm vi toàn quốc có 58 doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản [21].

Số lượng vụ việc phá sản đang thụ lý và giải quyết qua các năm theo báo cáo tổng kết của tòa án nhân dân tối cao như sau:

Năm 1994: Tòa án nhân dân địa phương thụ lý 05 vụ việc liên quan tới yêu cầu phá sản, cả 5 doanh nghiệp bị yêu cầu tuyên bố phá sản đều là doanh nghiệp tư, và tập trung ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, trong năm này tòa án chưa giải quyết song vụ nào.

Năm 1995: Số đơn yêu cầu tuyên bố phá sản có tăng hơn, thành phần cũng đa dạng hơn, theo thống kê đã có 17 tỉnh thành phố thụ lý 27 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, trong đó có 09 doanh nghiệp tư nhân, 08 công ty trách nhiệm hữu hạn, 06 doanh nghiệp nhà nước, 01 công ty cổ phần

và 02 hợp tác xã, 01 doanh nghiệp thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài. Các tòa đã giải quyết xong 21 vụ (kể cả số vụ đã thụ lý năm 1994) trong đó hòa giải thành và tạm đình chỉ giải quyết phá sản 10 vụ, đình chỉ giải quyết phá sản 6 vụ, tuyên bố phá sản 5 vụ.

Năm 1996: Tòa án đã thụ lý được 22 đơn yêu cầu giải quyết tuyên bố phá sản, đã thực hiện xong 11 vụ trong đó có 7 doanh nghiệp tư nhân, 2 công ty trách nhiệm hữu hạn, 2 doanh nghiệp nhà nước trong đó các vụ đã giải quyết có 4 quyết định của tòa án kinh tế cấp tỉnh bị khiếu nại, kháng nghị, tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao đã thụ lý và giải quyết 4 vụ (hủy 3 cải sửa 1 vụ).

Năm 1997 tổng số đơn yêu cầu tuyên bố phá sản mà tòa án thụ lý là 22, các tòa án giải quyết song 15 vụ trong đó đã giải quyết tuyên bố phá sản 12 vụ và ra quyết định tạm đình chỉ 3 vụ.

Năm 1998 chỉ có 15/61 tỉnh thành phố thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp với tổng số 23 trường hợp, trong đó chỉ có 3 trường hợp được tòa án tuyên bố phá sản (2 doanh nghiệp nhà nước và 1 doanh nghiệp tư nhân).

Năm 1999 tòa án nhân dân đã thụ lý 22 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, ra quyết định tuyên bố phá sản 7 doanh nghiệp. Riêng Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý 5 vụ giải quyết 3 vụ.

Năm 2000 Tòa án nhân dân các địa phương đã thụ lý được 8 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp (cộng 1 đơn yêu cầu từ năm 1999 chuyển sang) tòa án đã ra quyết định phá sản 8 doanh nghiệp.

Năm 2001 toàn ngành Tòa án chỉ thụ lý được 6 vụ, số vụ cũ còn lại 4 vụ, cộng phải giải quyết là 10 vụ, đã giải quyết xong 6 vụ.

Năm 2002 thì toàn ngành Tòa án chỉ thụ lý 8 vụ đã giải quyết xong 7 vụ (trong đó 1 vụ không mở thủ tục 1 vụ tạm đình chỉ hòa giải thành, 5 vụ tuyên bố phá sản).

"Năm 2005, toàn ngành Tòa án đã thụ lý mới 11 vụ. Năm 2004 chuyển qua 3 vụ, tổng cộng 14 vụ. Tòa án đã giải quyết được 01 vụ (đạt

7,14%); còn tồn chuyển sang năm 2006 là 13 vụ" [10]. Như vậy lượng đơn xin phá sản gửi Tòa án tăng hơn 2004 (2004 chỉ thụ lý 5 vụ).

Năm 2006 ngành Tòa án có 48 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, trong đó tuyên bố phá sản được 11 doanh nghiệp, nhiều trường hợp tuyên bố phá sản doanh nghiệp nhưng Tòa án không thể ra quyết định mở thủ tục phá sản vì không đủ tài liệu để tiến hành kiểm toán xem có đúng là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản hay không. Do đó giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản còn gặp nhiều khó khăn trở ngại.

Báo cáo tổng kết 2007 Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án đã thụ lý được 175 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, trong đó quyết định mở thủ tục phá sản là 164 đơn. Quyết định không mở thủ tục phá sản là 10 đơn. Trong những trường hợp mở thủ tục phá sản có 28, ra quyết định tuyên bố phá sản trong trường hợp đặc biệt 4 vụ tiến hành mở thủ tục thanh lý tài sản và 10 vụ đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản, còn lại 11 vụ đang giải quyết theo trình tự luật định.

Tình hình trên cho thấy tuy các vụ phá sản được thụ lý giải quyết ở tòa án không nhiều nhưng việc áp dụng Luật phá sản tại các tòa án được giải quyết còn nhiều vướng mắc.

Như vậy, so với số lượng 151 vụ giải quyết phá sản trong gần 10 năm thực hiện Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, thì tình hình thụ lý và giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp theo Luật Phá sản năm 2004 đã được cải thiện nhưng còn gặp nhiều khó khăn; hiệu quả giải quyết việc phá sản ở các cấp Tòa án vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản của Tòa án như nêu trên là quá ít so với thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã nhưng các Tòa án đã gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản mà nguyên nhân một phần là từ những quy định của pháp luật phá sản.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cho đến thời điểm này, việc sửa đổi, bổ sung một cách căn bản, toàn diện Luật Phá sản năm 2004 là cần thiết để nhằm nâng cao hiệu quả thực thi thủ tục phá sản trong thực tiễn.

Theo tinh thần Báo cáo số 207/BC-BTP ngày 29-12-2008 của Bộ Tư pháp về rà soát, đánh giá thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2004, thì:

Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Phá sản năm 2004) và các bộ, ngành khác có liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phá sản năm 2004 vào Chương trình chuẩn bị của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007 - 2012) [24, tr. 86]. Trong gần hai thập kỷ qua, pháp luật phá sản Việt Nam được hình thành và phát triển. Luật Phá sản năm 2004 được ban hành đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng những quy định của Luật Phá sản năm 2004 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung. So với với tình hình thực hiện Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993, tình hình thụ lý và giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp theo Luật Phá sản năm 2004 đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn; hiệu quả giải quyết việc phá sản ở các cấp Tòa án vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Pháp luật phá sản nói chung và vấn đề giải quyết các vụ phá sản trên thực tế nói riêng vẫn còn nhiều bất cập, và do vậy những vụ việc yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản vẫn còn quá ít so với số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản trên thực tế. Theo ước tính, hiện nay Việt Nam có khoảng 40.000 doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, vậy nhưng số lượng nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản so với số lượng trên sự thực là quá khiêm tốn.

Vấn đề phá sản còn gặp nhiều khó khăn đến vậy, nhưng vấn đề tuyên bố hành vi pháp lý vô hiệu của doanh nghiệp phá sản còn hầu như vẫn còn nằm ở trong các điều luật.

Nguyên nhân của việc áp dụng kém hiệu quả các quy định của pháp luật phá sản về tuyên bố giao dịch vô hiệu:

Nguyên nhân trước hết của việc áp dụng kém hiệu quả các quy định của pháp luật phá sản về giao dịch vô hiệu chính là các khiếm khuyết của pháp luật về vô hiệu hóa các giao dịch theo Luật phá sản. Ngoài nguyên nhân từ khiếm khuyết của pháp luật còn có một số nguyên nhân khác như:

- Nguyên nhân từ những nhận thức chưa đầy đủ về phá sản

Phá sản là hiện tượng đặc trưng của nền kinh tế thị trường, là cơ chế quan trọng nhằm tái cơ cấu lại nguồn tài chính trong nền kinh tế, là một trong những cơ chế cơ bản gạt bỏ các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, giúp những doanh nghiệp này rút khỏi thương trường một cách trật tự, tạo lập công bằng và bình đẳng trong cạnh tranh. Tuy nhiên, xã hội nói chung vẫn chưa nhận thức được đầy đủ vai trò và ý nghĩa tích cực của phá sản trong đời sống kinh tế. Trong khi pháp luật về phá sản đã ngày càng được quan tâm bổ sung theo xu hướng hợp lý khách quan hơn thì sự tuyên truyền, giải thích và phổ biến pháp luật về phá sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Các chủ thể kinh doanh và cả các cơ quan nhà nước thường chỉ quan tâm nhiều đến các thông tin pháp luật khi doanh nghiệp được thành lập chứ chưa quan tâm đúng mức đến các thông tin về doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Không ít đối tượng không nắm được nội dung và quy định của pháp luật phá sản để vận dụng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, lợi dụng điều đó một số doanh nghiệp đã cố tình có những hành vi tẩu tán tài sản mà rất khó để phát hiện và xác định để vô hiệu hóa nó.

- Nguyên nhân từ sự thiếu đồng bộ trong các quy định của pháp luật phá sản và các văn bản pháp luật có liên quan

Luật phá sản ra đời giải quyết được nhiều vướng mắc, hạn chế của Luật phá sản doanh nghiệp 1993, đi vào quỹ đạo chung của pháp luật phá sản

Thế giới như: đơn giản hóa khái niệm tình trạng phá sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiến hành thủ tục phá sản; mở rộng đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu mở tình trạng phá sản; quy định nhiều loại thủ tục áp dụng cho con nợ lâm vào tình trạng phá sản… Tuy nhiên, những quy định có liên quan đến Luật phá sản vẫn còn khiếm khuyết, chưa đầy đủ và sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng là nguyên nhân quan trọng khiến việc thực thi các quy định về vô hiệu hóa các giao dịch theo Luật phá sản gặp khó khăn. Chẳng hạn: sự kém hoàn thiện của pháp luật về đăng ký tài sản. Theo pháp luật hiện hành, bất động sản nói riêng và tài sản nói chung ở nước ta được quản lý theo nhiều có chế khác nhau, phân tán ở nhiều cơ quan, không thống nhất về một mối nên việc nắm thông tin về tài sản của Doanh nghiệp mắc nợ vừa khó vừa không chính xác; chính sự phân tán này tạo khó khăn cho quá trình xác định tài sản của Doanh nghiệp, phát hiện các giao dịch bất hợp pháp và cũng như thực hiện một số biện pháp thu hồi tài sản của doanh nghiệp bị phá sản.

- Do năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ thực hiện Luật phá sản và thực thi việc quản lý tài sản phá sản.

Quá trình thực thi Luật phá sản và thực hiện việc quản lý, xử lý tài sản phá sản trong thời gian qua cho thấy, năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ nói chung và đặc biệt là các thẩm phán, chấp hành viên còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được những đòi hỏi của việc giải quyết phá sản. Nhiều Thẩm phán, chấp hành viên vẫn làm việc theo lề lối cũ, chưa thực sự bám sát vào những điểm mới của Luật phá sản để giải quyết, từ đó nảy sinh những vi phạm thủ tục không đáng có. Trong khi đó Luật phá sản vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nhiều quy định cứng nhắc nên việc vận dụng để áp dụng chúng là rất khó khăn đối với Thẩm phán, chấp hành viên. Chưa kể do tính phức tạp và tính liên quan vốn có của Luật phá sản, Thẩm phán và chấp hành viên cần am hiểu sâu sắc không chỉ các lĩnh vực chuyên ngành mà còn cần nắm chắc cả các ngành luật khác như Luật Hành chính, Luật Thương Mại, Luật Dân sự,

Luật đất đai… để có thể phát hiện và giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến giao dịch vô hiệu trong Luật phá sản. Không phải Thẩm phán, chấp hành viên nào ở nước ta cũng được đào tạo và có kiến thức tổng quát, chuyên sâu như vậy. Chính vì những yếu kém về trình độ, năng lực của đội ngũ Thẩm phán, Chấp hành viên … phụ trách giải quyết phá sản ở nước ta hiện nay đã khiến cho các quy định về giao dịch vô hiệu theo Luật phá sản dù có ý nghĩa rất to lớn nhưng chưa thực sự phát huy được hiệu lực.

- Nguyên nhân từ yếu tố tâm lý

Với tính phức tạp vốn có, thủ tục phá sản đã tạo nên một tâm lý e ngại, không yên tâm cho các chủ thể có liên quan.

Về phía doanh nghiệp mắc nợ, do tâm lý chung coi phá sản là một điều gì đó tồi tệ, hơn nữa việc quản lý và xử lý tài sản phá sản theo quy định hiện hành làm cho con nợ sợ mất hết tài sản của mình nên đa số các Doanh nghiệp, hợp tác xã dù đã lâm vào tình trạng phá sản nhưng không muốn đặt tài sản của mình vào trạng thái bị quản lý và xử lý theo trình tự chặt chẽ. Mặt khác, khi Doanh nghiệp bị phá sản sẽ ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín và đặc biệt là làm giảm sút khối tài sản của doanh nghiệp nên họ có xu hướng muốn tìm cách thực hiện các giao dịch nhằm tẩu tán tài sản của doanh nghiệp.

Đối với các chủ nợ, với bản chất của thủ tục xử lý tài sản phá sản là thủ tục đòi nợ tập thể và việc thanh toán nợ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên, nên các chủ nợ sẽ không thu hồi được nợ hoặc nếu có cũng chẳng đáng là bao nhiêu nếu Doanh nghiệp con nợ bị phá sản. Mặt khác, với các yêu cầu chặt chẽ về điều kiện nộp đơn cũng như thời hạn, thủ tục giải quyết phá sản dẫn đến các chủ nợ đều muốn tìm mọi cách, kể cả "luật rừng", để thu hồi nợ.

Các nguyên nhân được phân tích trên đây chỉ ra yêu cầu đối với Nhà nước cần có các biện pháp sửa đổi không chỉ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phá sản mà còn cần tạo ra các thay đổi trong hành chính, giáo dục, xã hội… để qua đó tác động đến toàn bộ quá trình lập pháp,

thực thi và xét xử liên quan đến phá sản, yêu cầu đó càng cấp thiết hơn trong thời kỳ hội nhập kinh tế Thế giới như hiện nay.

Một phần của tài liệu Các hành vi pháp lý vô hiệu theo pháp luật phá sản ở Việt Nam (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)