Các cơ chế thực thi quan hệ lao động

Một phần của tài liệu Quan hệ lao động trong doanh nghiệp cố vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp thành phố Hà Nội (Trang 31)

5. Kết cấu luận văn:

1.2.3.Các cơ chế thực thi quan hệ lao động

1.2.3.1. Cơ chế hai bên

Trong quan hệ lao động tập thể tại một doanh nghiệp, chủ thể của mối quan hệ này bao gồm hai bên: một bên là doanh nghiệp, hay gọi cách khác là người sử dụng lao động hay người thuê lao động và một bên là đại diện cho tập thể người lao động làm thuê cho chủ sử dụng lao động đó.

Khi xuất hiện quan hệ lao động tập thể ở mức độ rộng hơn một doanh nghiệp, tức là ở cấp nhóm doanh nghiệp, cấp nghề, cấp ngành, cấp khu vực, cấp quốc gia và nay đã mở rộng lên đến cấp liên quốc gia, cấp quốc tế thì ở mỗi cấp đó đều có hai chủ thể, bao gồm một là tổ chức đại diện cho tập thể doanh nghiệp (hay người sử dụng lao động) và một là tổ chức đại diện cho người lao động ở những doanh nghiệp ở cấp đó.

Sự tương tác giữa hai bên về quan hệ lao động ở cấp doanh nghiệp hoặc cấp ngành nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của mỗi bên. Đặc điểm cơ bản là: Chỉ có hai bên tham gia là người lao động và người sử dụng lao động; sự tương tác giữa hai bên là trực tiếp. sự thỏa thuận giữa hai bên sẽ ảnh hưởng trực tiếp và nhanh chóng đến quyền và lợi ích của hai bên. Tương tác giữa hai bên thông qua cơ chế hai bên hoạt động độc lập không có sự can thiệp trực tiếp của Chính phủ nhưng luôn vận hành trong khuôn khổ pháp luật và chính sách do chính phủ ban hành. Cơ chế hai bên thường giải quyết các vấn đề mang tính đặc thù của doanh nghiệp, ngành nên tương đối thường xuyên , rất

dễ dẫn tới xung đột hoặc tranh chấp lao động. Cơ chế tương tác là: đối thoại, thương lượng, thỏa thuận và tự định đoạt.

1.2.3.2. Cơ chế ba bên

Theo quan điểm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): “Cơ chế ba bên có nghĩa là bất cứ một hệ thống các mối quan hệ nào trong đó Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động là các nhóm độc lập, mỗi nhóm thực hiện những chức năng riêng”.

Hay “Cơ chế ba bên” là sự tương tác tích cực của chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động (qua các đại diện của họ) như là các bên bình đẳng và độc lập trong các cố gắng tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cùng quan tâm. Một quá trình ba bên có thể bao gồm việc tham khảo ý kiến, thương thuyết hoặc cùng ra quyết định, phụ thuộc vào cách thức đã được nhất trí giữa các bên liên quan. Những cách thức này có thể là đặc biệt theo từng vụ việc hoặc được thể chế hoá”. Về bản chất, cơ chế ba bên là một quá trình dân chủ hoá mối quan hệ lao động, là cơ chế hợp tác, chia sẻ quyền lực và trách nhiệm giữa Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động.

Hoạt động của cơ chế ba bên

Hợp tác ba bên đòi hỏi phải có sự điều hoà nhất định về lợi ích, trong đó Chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động tìm ra được tiếng nói chung để đạt được những lợi ích cho chính họ và cho toàn xã hội. Hình thức hoạt động của cơ chế ba bên thể hiện mức độ tham gia trong việc chia sẻ những lợi ích, cũng như khó khăn mà các bên thường gặp phải. Cơ chế ba bên có nhiều hình thức:

Hình thức cao nhất mang tính chất lý tưởng là có việc chia sẻ trách nhiệm, trong đó chính phủ và các tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động cùng bàn bạc, quyết định những vấn đề có liên quan trong phạm vi thẩm quyền của mình, với tư cách là những đối tác độc lập và bình đẳng thông qua một cơ quan hoặc tổ chức ba bên.

Hình thức trao đổi ý kiến: hình thức này cao hơn mức đối thoại nhưng chưa đến mức có thể cùng quyết định. Trong hình thức này, Chính phủ tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động về vấn đề đang được đưa ra và các vấn đề có liên quan trong phạm vi quyền hạn của mình, để các bên tham gia vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách quốc gia, có thể phủ nhận hoặc chấp nhận các ý kiến đó. Chính phủ là người quyết định cuối cùng sau khi xem xét ý kiến các bên. Ở hình thức này, hai đối tác xã hội không được công nhận là bình đẳng với Chính phủ.

Hình thức thấp nhất của cơ chế ba bên là hoạt động dưới dạng các cuộc đối thoại xã hội. Thông qua diễn đàn có tính chất trao đổi thông tin công khai, Chính phủ có thể tham khảo ý kiến các bên trước khi đi đến những quyết định cần thiết. Đương nhiên, kết quả các cuộc đối thoại ảnh hưởng rất ít tới các quyết định của Chính phủ trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và giải quyết các vấn đề xã hội. Ý kiến của các đại diện trong các cuộc đối thoại cũng không mang màu sắc của một quan điểm chính thống trong tổ chức nên cũng ít có tính hướng dẫn đối với các bên tham gia quan hệ lao động cũng như để giải quyết các tranh chấp phát sinh. Do vậy, hiệu quả của hình thức này thấp hơn hai hình thức trên.

Các hoạt động của cơ chế ba bên cũng phụ thuộc vào từng cấp độ hình thành. Ở cấp cơ sở (cấp doanh nghiệp) chủ yếu chỉ có hai đối tác xã hội tham gia dưới hình thức cùng nhau bàn bạc, thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan đến việc áp dụng pháp luật lao động, chẳng hạn việc cụ thể hoá các quy phạm pháp luật lao động để thực hiện trong thoả ước lao động tập thể, giải quyết các tranh chấp lao động phát sinh... Ở cấp quốc gia, cơ chế ba bên được hình thành chủ yếu dưới hình thức tư vấn, tham khảo ý kiến các đối tác xã hội trong việc hình thành các chính sách quốc gia về lao động và về các phương tiện để đạt

được các mục tiêu chính sách xã hội có liên quan đến lao động, chẳng hạn việc xác định tiền lương tối thiểu hay danh mục bệnh nghề nghiệp...

Tóm lại, cơ chế ba bên là quá trình dân chủ hoá mối quan hệ lao động, chia sẻ quyền lực và cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước, người lao động và người sử dụng lao động trong việc giải quyết các công việc chung thuộc lĩnh vực lao động - xã hội. Cơ chế ba bên ra đời như là một hiện tượng tự nhiên khi nền kinh tế thị trường phát triển đến một mức độ nhất định. Kinh tế thị trường càng phát triển, dân chủ xã hội càng được tôn trọng và bảo đảm… thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ chế ba bên tồn tại và phát triển.

Một phần của tài liệu Quan hệ lao động trong doanh nghiệp cố vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp thành phố Hà Nội (Trang 31)