0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (109 trang)

Dấu hiệu xác định tình trạng phá sản

Một phần của tài liệu MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM LUẬN VĂN THS. LUẬT (Trang 28 -28 )

Việc xác định các dấu hiệu doanh nghiệp có bị lâm vào tình trạng phá sản hay không có ý nghĩa hết sức quan trọng; nó là căn cứ để Tòa án ra quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản, tạo tiền đề cho hàng loạt những thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải quyết phá sản sau này. Pháp luật các quốc gia trên thế giới do xuất phát từ những điều kiện kinh tế xã hội khác nhau nên thường đưa ra các tiêu chí khác nhau khi xác định tình trạng phá sản, tuy nhiên tất cả đều có điểm chung là tạo ra các tiêu chí để có thể can thiệp sớm vì tính chất nghiêm trọng về hậu quả có tính dây chuyền của hiện tượng phá sản trong đời sống kinh tế, sự can thiệp này có thể giúp tăng khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đảm bảo khả năng thanh toán cho doanh nghiệp sau khi bị lâm vào tình trạng phá sản.

Ở Việt Nam, ở các thời kỳ khác nhau chúng ta cũng học hỏi kinh nghiệm và có cùng quan điểm với các nhà lập pháp trên thế giới khi khẳng định bản chất tình trạng phá sản là tình trạng không trả được các khoản nợ đến hạn. Luật Phá sản doanh nghiệp 1993 tại điều 2 đã đưa ra khái niệm tình trạng phá sản dường như trên cơ sở kết hợp tiêu chí định lượng và tiêu chí định tính: “Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh sau khi đã áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn mất khả năng thanh toán nợ đến hạn”. Tính định lượng thể hiện ở quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị định 189/CP ngày 23/12/1994 về xác định dấu hiệu lâm vào tình trạng phá sản là “Doanh nghiệp bị thua lỗ trong hai năm liên tiếp tiếp đến mức không trả được các khoản nợ đến hạn, không trả đủ lương cho người lao động theo thỏa ước lao động và hợp đồng lao động trong ba tháng liên tiếp”. Tính định tính thể hiện ở quy định về những tài liệu cần thiết mà con nợ phải gửi cho Tòa án sau khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết tuyên bố phá sản để Tòa án đánh giá tổng số nợ và tổng tài sản của con nợ. Khái niệm phá sản còn phải gắn với lý do khó khăn, thua lỗ trong hoạt động kinh doanh hoặc lý do bất khả kháng. Như vậy, trên thực tế các chủ nợ sẽ không bao giờ thực hiện được quyền nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản đối với con nợ của mình bởi lẽ họ phải chứng minh là con nợ thua lỗ trong hoạt động kinh doanh mà điều này hoàn toàn ngoài khả năng của họ và việc quy định thời điểm để xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là quá muộn [14, tr.10].

Để khắc phục bất cập trên, Luật Phá sản 2004 khi đưa ra khái niệm phá sản đã không đề cập đến nguyên nhân khó khăn, thua lỗ trong hoạt động kinh doanh và thời hạn thua lỗ mà quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu là lâm vào tình trạng phá sản”. Điều này thể hiện sự tiến bộ về mặt lập pháp cũng như sự can thiệp sớm của Nhà nước vào hiện tượng phá sản nhằm tạo

điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, trở lại với thương trường.

Theo Mục 2 Phần I Nghị quyết số 03/2005/NQ-HĐTP ngày 28-4-2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản, thì doanh nghiệp, hợp tác xã bị coi là lâm vào tình trạng phá sản khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Có các khoản nợ đến hạn: Các khoản nợ đến hạn phải là các khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần (chỉ tính phần không có bảo đảm); đã rõ ràng; được các bên xác nhận, có đầy đủ các giấy tờ, tài liệu để chứng minh và không có tranh chấp;

- Chủ nợ đã có yêu cầu thanh toán các khoản nợ đến hạn, nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán. Chủ nợ yêu cầu phải có căn cứ chứng minh là chủ nợ đã có yêu cầu, nhưng không được doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán (như văn bản đòi nợ của chủ nợ, văn bản khất nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã…).

Có thể nhận thấy một doanh nghiệp, hợp tác xã bị coi là lâm vào tình trạng phá sản khi đáp ứng đủ các điều kiện sau

+ Có khoản nợ đến hạn; + Chủ nợ đã yêu cầu;

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mắc nợ không có khả năng thanh toán. Nghiên cứu dấu hiệu mất khả năng thanh toán nợ đến hạn có thể rút ra một số đặc điểm như:

Thứ nhất, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn không đồng nghĩa với

việc doanh nghiệp hay hợp tác xã hoàn toàn cạn kiệt tài sản. Doanh nghiệp có thể còn rất nhiều tài sản nhưng vẫn rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán vì những tài sản đó không thể bán được khiến cho doanh nghiệp không thanh toán được nợ đến hạn.

Thứ hai, mất khả năng thanh toán không chỉ là hiện tượng doanh

nghiệp không thanh toán được nợ mà nó còn thể hiện doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng tài chính tuyệt vọng trừ khi có sự giúp đỡ của Tòa án hoặc của các chủ nợ.

Thứ ba, bản chất của việc mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến

hạn có thể không trùng với biểu hiện bên ngoài là có trả được nợ hay không. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ nhưng điều này chỉ có tính chất nhất thời trong khi mọi hoạt động của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường. Ngược lại, có những doanh nghiệp sự trả nợ chỉ là trá hình, che giấu tình trạng tài chính tuyệt vọng của doanh nghiệp, họ phải sử dụng nhiều phương tiện gian trá để bù đắp ngân quỹ như vay nặng lãi, thế chấp tài sản nhiều lần để vay vốn ngân hàng…

Thứ tư, việc pháp luật không quy định cụ thể khoản nợ là bao nhiêu thì

bị coi là lâm vào tình trạng phá sản là hoàn toàn hợp lý, vì trên thực tế thì tình hình tài chính trong mỗi doanh nghiệp là hết sức khác nhau, có những doanh nghiệp chỉ nợ đến vài chục triệu đồng đã không có cách gì để trả, trong khi đó có những doanh nghiệp nợ đến con số hàng trăm triệu đồng vẫn có khả năng trả bình thường.

Thứ năm, đối với doanh nghiệp tư nhân, nếu trong hoạt động sản

xuất kinh doanh có giao kết hợp đồng nào mà sau đó phát sinh ra các khoản nợ thì các khoản nợ này được coi là cơ sở đánh giá doanh nghiệp có bị phá sản hay không. Trái lại cần phân biệt khoản nợ này với khoản nợ mà chủ doanh nghiệp tư nhân xác lập trên cơ sở những hợp đồng phục vụ cho sinh hoạt cá nhân hoặc gia đình mà không phải vì mục đích sản xuất kinh doanh [11, tr.30].

Như vậy, bản chất của tình trạng phá sản là con nợ không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi có yêu cầu của chủ nợ, điều đó đồng nghĩa với việc khi con nợ ngừng trả nợ thì chủ nợ có quyền làm đơn yêu cầu

Tòa án thụ lý giải quyết vụ việc phá sản đối với con nợ này. Tóm lại, khái niệm phá sản là để chỉ doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản với dấu hiệu cơ bản nhất là mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn; tuy nhiên cần phải hiểu rằng khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì chưa hẳn đã bị phá sản mà chỉ bị coi là phá sản khi đã tiến hành thủ tục tuyên bố phá sản; vì vậy tình trạng phá sản theo quy định của pháp luật Việt Nam là tình trạng pháp lý chứ không phải tình trạng thực tế.

Một phần của tài liệu MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM LUẬN VĂN THS. LUẬT (Trang 28 -28 )

×