Hạt nhân của quan niệm về sinh tử của Phật giáo là không có sống không có chết, vô thường, vô ngã. Phật giáo cho rằng bản chất của vạn vật là không, thân xác giả tạo chẳng qua là sự kết hợp của nhân duyên, vật thể giả hợp của nhân duyên đều không có tự tính, tồn tại độc lập, cũng không thể vĩnh hằng
được. Bởi vậy, cái chết là không thể tránh khỏi, đó là khi nhân duyên tan, các yếu tố tạo nên thân thể con người như sắc, thọ, tưởng, hành, thức không còn kết hợp với nhau được nữa. Đó là sự vô thường của sinh mệnh. Mặt khác, Phật giáo lại cho rằng, sự luân hồi của kiếp sống là có thể vượt qua, nguyên nhân dẫn dắt mọi người chìm đắm trong bể khổ luân hồi là vô minh. Chỉ cần chúng ta dập tắt mọi phiền não, vô minh thì có thể thoát khỏi sinh tử, chứng được cảnh giới Niết bàn [46, 14].
Khi chết là lúc thần thức lìa bỏ xác thân (linh hồn), lúc đó là lúc đã đoạn tuyệt mệnh căn. Chỉ khi nào thần thức thực sự rời bỏ thể xác, toàn thân đều lạnh thì lúc ấy mới gọi là chết. Theo quan niệm của Phật giáo, chết thỉ là một giai đoạn trong vòng sinh tử luân hồi. Sinh có trước tử và tử lại có trước sinh. Sinh và tử chỉ là những tiếng gọi khác nhau nhưng lại có cùng một tiến trình. Sự tương quan giữa chết và sống, sống và chết tương tự như nước bốc hơi, hơi gặp lạnh đông lại thành mây, rồi mây lại sinh ra mưa để cho lại nước. Cái vòng luân chuyển sống chết cứ luân lưu mãi không ngừng. Chết chỉ là sự chấm dứt của một hiện tượng sinh mạng ở một giai đoạn gọi là kiếp người. Chết chỉ là một sự thay đổi như đang ở nơi này phải dọn đến nơi khác. Khi đó chỉ có môi trường sinh sống và địa điểm bị thay đổi. Như vậy, theo quan niệm Phật giáo thì chết không phải là hết, chỉ có thân xác giả tạm là tan rã. Còn nguyên nhân sâu xa của sự chết là do nghiệp (Karma). Vì nghiệp là nguồn gốc gây ra sự sống chết, luân hồi.
Phật giáo cho rằng khi hơi thở chấm dứt là con người sẽ chết, nó là một trong 4 khâu của định luật "thành, trụ, hoại, diệt". “Bất cứ sự vật nào thuộc thế giới hiện tượng, nghĩa là có hình có tướng, đều phải trải qua bốn giai đoạn của hiện hữu: Thành (từ chưa có trở nên có), Trụ (tồn tại một thời gian), Hoại (bị hư hoại, yếu dần, suy thoái), và Diệt (cuối cùng bị tiêu diệt, mất đi, không
còn tồn tại nữa). Chết chính là khâu cuối cùng của 4 giai đoạn hiện hữu trên cho mọi vật sống” [18, 145].
Ðịnh luật “thành, trụ, hoại, diệt” là định luật phổ quát tuyệt đối cho tất cả mọi sự vật vô thường (hay thay đổi) trong thế giới hiện tượng. Theo định luật này, phàm cái gì có sinh thì phải có diệt, chỉ những cái không sinh mới không diệt thôi. Hễ cái nào đã từng sinh ra, nghĩa là trước chưa có mà sau lại có, ắt thuộc loại bất tất, vô thường, hay thay đổi, mà thay đổi tức là phải “thành, trụ, hoại, diệt”, nghĩa là cuối cùng phải bị hủy hoại, tiêu diệt, chết. Không thể có sinh mà không có tử, cũng như không thể có tử mà trước đó đã không sinh. Vì thế, Phật giáo không thể chấp nhận một linh hồn đã được sinh ra mà sau đó lại tồn tại vĩnh cửu, hay một thể xác sống lại để rồi tiếp tục sống mãi. Nếu có một linh hồn bất tử, thì linh hồn đó ắt phải có từ trước muôn đời không do ai sinh ra cả. Mà hễ do một nhân duyên nào sinh ra, ắt phải có ngày hủy diệt: “có hoàn cảnh sinh tồn rồi sẽ có sinh, có sinh rồi sẽ có lão và tử” [62, 226].
Quan niệm về cái chết của Phật giáo thể hiện qua những luận thuyết cơ bản: thuyết vô thường, thuyết vô ngã, thuyết nhân quả, thuyết nhân duyên khởi và thuyết tứ diệu đế.
Thuyết vô thường: Vô thường là không thường còn, là chuyển biến thay
đổi. Luật vô thường chi phối vũ trụ, vạn vật, thân và tâm ta. Sự vật luôn luôn biến đổi không có gì là thường trụ, bất biến. Vạn vật được cấu thành, trụ một thời gian, sau đó chuyển đến diệt, thành, hoại, không. Các sinh vật đều tuân theo luật: Sinh, trụ, di, diệt. Theo luật vô thường, không phải khi sinh ra mới gọi là sinh, khi vạn vật diệt mới gọi là diệt mà từng phút, từng dây, từng Satna, vạn vật sống để mà chết và chết để mà sống. Sống, chết tiếp diễn liên tục với nhau bất tận như một vòng tròn.
Thuyết vô ngã: Vô ngã là không có cái ta. Thực ra làm gì có cái ta
phút, từng giờ, từng Satna. Cái ta mà Phật nói trong thuyết vô ngã gồm có hai phần: cái ta sinh lý và cái ta tâm lý. Trong đó, cái ta sinh lý chỉ là kết hợp của bốn yếu tố của bốn đại là: địa thuỷ, hoả, phong. Những thứ đó không phải là ta, ta không phải là những thứ đó, những thứ đó không thuộc về ta. Khi bốn yếu tố này rời nhau trở về thể của nó thì không có gì ở lại để có thể gọi là cái ta được nữa. Cho nên cái mà ta gọi là cái ta sinh lý chỉ là một giả tưởng, một nhất hợp sinh lý mà thôi. Còn cái ta tâm lý gồm: thụ, tưởng, hành, thức. Bốn ấm này cùng với sắc ấm che lấp trí tuệ làm cho ta không nhận thấy được cái ta chân thực cái ta Phật tính, cái chân ngã của chúng ta. Cái chân lý gồm những nhận thức, cảm giác, suy tưởng, là sự kết hợp của thất tỉnh: Hỷ, nộ, ai, lạc, ái, nỗ, dục.
Hai thuyết vô thường, vô ngã là hai thuyết cơ bản trong giáo lý Phật. Chấp ngã chấp có cái ta còn là nguồn gốc của vô minh mà vô minh là đầu mối của luân hồi sinh tử sinh ra đau khổ cho con người.
Thuyết lý nhân duyên sinh: Với lý thuyết nhân duyên Phật giáo muốn nói
tới một định lý. Theo định lý ấy vạn vật phát triển trên thế gian đều do các nhân duyên hội họp mà thành, sự vật, vạn pháp sẽ kiến diệt khi nhân duyên tan rã. Nhân là năng lực phát sinh, duyên là lực hỗ trợ cho nhân phát sinh. Tất cả mọi hiện tượng đều nương nhau mà hành động. Tất cả các pháp đều sinh, diệt và tồn tại trong sự liên hệ mật thiết với nhau, không một pháp nào có thể tồn tại độc lập tuyệt đối.
Sự vật chỉ “có” một cách giả tạo, một cách vô thường: Nhân duyên hội họp thì sự vật là “có”, Nhân duyên tan rã thì sự vật là “Không”. Thế giới vũ trụ, vạn pháp đều cấu thành bởi hệ thống nhân duyên trùng trùng điệp điệp. Các pháp không có thực thể, chỉ vì nhân duyên hoà hợp mà có, một cách giả hợp mà sinh ra.
Thuyết nhân quả: Thuyết nhân duyên quả báo gọi là thuyết nhân quả là một trong những thuyết cơ bản của giáo lý đạo Phật. Phật giáo chủ trương vạn vật không bao giờ tự nhiên mà có, mà sinh ra và cũng cho rằng không một thần quyền nào hay một đấng thiêng liêng nào tạo ra sự vật. Sự vật sinh ra là có nguyên nhân. Cái nguyên nhân một mình cũng không tạo ra được sự vật mà phải có đủ duyên thì mới tạo ra quả được. Trong nhân lại có mầm mống của quả sau này nhưng quả không nhất định phải đúng như nhân vì duyên có thể mang lại sự biến đổi cho quả - Đó là thuyết “Bất định pháp” trong luật nhân quả. Sự vật là bất định, người tu hành căn cứ vào thuyết này mà tu dưỡng và tiến tới trên con đường giải thoát về nhân. Những luận thuyết cơ bản được trình bày ở trên đã hình thành nên thế giới quan Phật giáo. Phật quan niệm các hiện tượng trong vũ trụ luôn luôn biến chuyển không ngừng theo quy luật nhân duyên. Một hiện tượng phát sinh không phải là do một nhân mà do nhiều nhân và duyên. Nhân không phải tự mà có mà do nhiều nhân duyên đã có từ trước. Như vậy, một hiện tượng có liên quan đến tất cả các hiện tượng trong vũ trụ.
Theo Phật giáo, khi con người chết sẽ tiếp tục đầu thai trong vòng sinh tử luân hồi với thân và tâm được thừa hưởng từ sự tích lũy nghiệp thiện và ác ở kiếp sống vừa qua. Khi nói đến “thân trung ấm (bardo) nên hiểu là sự sống sau khi chết trước khi thần thức người ấy đi tái sinh vào một trong sáu cõi nào đó (Trời, Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh). Thân trung ấm là thân không có xác thịt mà lấy tư tưởng làm thân. Sau khi người ấy chết, thần thức thoát ra khỏi xác thân trụ lại ở thế giới trung gian này từ một đến bảy tuần lễ, rồi sau đó tìm kiếm một nơi thích hợp với nghiệp lực của mình mà đi tái sinh. Nếu trong thời gian này, thân trung ấm chưa tìm thấy một nơi tương ứng với mình để tái sinh thì nó lại chết đi sau mỗi bảy ngày, sau đó thần thức lại chuyển qua một thân trung ấm khác, chu kỳ sinh diệt này cứ lặp lại cho
đến khi thần thức đi tái sinh. Nếu vong linh là người từng tạo phước, tu tập tâm linh, thì luôn có những cảm giác yên bình, thanh thản và dễ dàng để tìm đường tái sinh vào cõi lành. Còn những người từng tạo ra nghiệp ác, có đời sống tiêu cực thì luôn đối mặt với những cảnh tượng đau khổ, kinh hoàng, sợ hãi, thất vọng, chán chường. Họ lang thang một cách tuyệt vọng trong cõi trung ấm và muốn tìm một thân xác để tái sinh tương ứng với nghiệp lực của họ.” [45, 11-12].
“Sự chuyển tiếp sự sống từ đời này sang đời khác là nghiệp lực. Nghiệp (karma) có một năng lực cá biệt và đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cấu tạo tâm tính của con người. Nghiệp được hình thành dưới sự tập hợp của tam độc tham, sân, si hay vô minh và ái dục. Chính vô minh và ái dục là cội rễ của mọi ác nghiệp. Do ác nghiệp này mà khiến con người trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Để thoát khỏi vòng tuần hoàn khổ đau này con người phải nỗ lực tu tập đoạn diệt được cội rễ của vô minh. Khi vô minh bị tận diệt thì ái dục cũng bị tận diệt, ái dục diệt thì sinh, lão, bệnh, tử sầu bi khổ ưu não cũng không còn, và lúc ấy con người mới thật sự thoát khỏi vòng vây của sinh tử luân hồi” [45, 13].