7. Kết cấu của luận văn
2.2.2. Một số xu hướng vận động, phát triển chủ yếu của kinh tế tư
nhân ở Việt Nam hiện nay
Dựa trên sự phân tích các yếu tố tác động đến xu hướng vận động, phát triển của kinh tế tư nhân, cũng như qua thực tiễn phát triển của nó trong những năm qua, có thể thấy một số xu hướng vận động, phát triển của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay như sau:
Một là, kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển trong sự gắn liền với việc phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và theo định hướng XHCN.
Trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta, kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân tồn tại và phát triển trong mối quan hệ phụ thuộc, ràng buộc lẫn nhau, đó là những mắt khâu quan trọng, không thể thiếu trong quá trình sản xuất. Bởi vì, do sự phân công lao động xã hội, các thành phần kinh tế không thể tự tiến hành sản xuất và lưu thông hàng hóa một cách bình thường nếu không thực hiện những mối liên hệ kinh tế trong nội bộ từng thành phần kinh tế cũng như giữa các thành phần kinh tế với nhau. Mỗi thành phần kinh tế đều có vị trí, vai trò mà không một thành phần kinh tế nào có thể thay thế được. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, điều tiết, định hướng các thành phần kinh tế khác. Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một động lực của nền kinh tế, hỗ trợ cho việc củng cố, đổi mới kinh tế nhà nước. Các thành phần kinh tế này sẽ cùng tồn tại lâu dài, quan hệ bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ và thúc đẩy nhau cùng phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Kinh tế tư nhân sẽ thực hiện sự liên kết, liên doanh ngày càng chặt chẽ với kinh
tế nhà nước và kinh tế tập thể để phát triển theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, phù hợp với yêu cầu khách quan của thị trường và nguyện vọng của đại đa số nhân dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, CNH, HĐH, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối với kinh tế tư nhân trong quy hoạch kinh tế vĩ mô của Nhà nước, cần xác định phương hướng phát triển về ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, quy mô doanh nghiệp, trình độ kỹ thuật và công nghệ...phải đặt sự phát triển của kinh tế tư nhân trong mối quan hệ phân công lao động xã hội phù hợp với từng trình độ thực tế của nó, trong đó:
- Kinh tế cá thể, tiểu chủ thường hoạt động dưới hình thức kinh
doanh cá thể, được Nhà nước tạo điều kiện hoạt động, giúp đỡ phát triển ở cả nông thôn và thành thị, được khuyến khích liên kết với các hộ thành các tổ chức hợp tác tự nguyện, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp.
- Kinh tế tư bản tư nhân hoạt động dưới các hình thức doanh nghiệp
của tư nhân (DNTN, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp doanh) được Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý, tâm lý xã hội để phát triển rộng rãi trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm, không hạn chế về quy mô, lĩnh vực, địa bàn. Nhà nước khuyến khích các DNTN chuyển đổi thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động, liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước.
Trong những năm sắp tới cùng với mục tiêu tăng số lượng doanh nghiệp, chúng ta cũng phải phấn đấu xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cỡ vừa, đủ sức tiếp cận với công nghệ mới và trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Xu hướng phát triển của kinh tế tư nhân sẽ hướng vào xuất khẩu, góp phần đưa kinh tế đất nước hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Hai là, kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế, không tách rời mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Định hướng chung của Đảng ta trong xây dựng đất nước là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay thì định hướng chung đó cần phải được làm rõ và cụ thể hóa, làm sao để vừa giữ vững được chế độ vừa không làm mất đi cơ hội hợp tác và cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước.
Mặc dù được tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng Đảng ta cũng nhận định rằng, các thành phần kinh tế tư nhân đều thuộc phạm trù kinh tế dễ đi chệch hướng XHCN, tự phát sang CNTB. Tuy nhiên, dưới chế độ ta, với vai trò quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế của Nhà nước XHCN và với vị trí chủ đạo của kinh tế nhà nước thì nguy cơ chệch hướng XHCN của kinh tế tư nhân là khó có thể xảy ra. Điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong việc định vị các thành phần kinh tế và làm sáng tỏ quan điểm về thành phần kinh tế tư nhân. Quan điểm đó không chỉ vạch ra bản chất của kinh tế tư nhân, mà còn phải xác định được các chỉ tiêu về quy mô, số lượng, hình thức vận động, lập trường, thái độ, chính sách phát triển đối với thành phần kinh tế này. Từ đó, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của nó, kết hợp phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế, góp phần giữ vững định hướng XHCN
Ba là, kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển trong mối quan hệ biện chứng với các thành phần kinh tế khác và trở thành một thành phần kinh tế mạnh trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân.
Với tốc độ phát triển như hiện nay, kinh tế tư nhân đã và đang có mặt trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà pháp luật không cấm ở mọi miền tổ quốc từ nông thôn đến thành thị. Sự phát triển vượt bậc của kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, phạm vi, quy mô
sẽ góp phần khai thác tốt hơn mọi tiềm năng của đất nước, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân sẽ ngày càng được khẳng định trong tất cả các mặt, từ quy mô, số lượng doanh nghiệp, tỷ trọng vốn đầu tư, cơ cấu sản phẩm trong nước, kim ngạch xuất khẩu, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khả năng hội nhập và cạnh tranh...góp phần tạo việc làm; cải thiện đời sống nhân dân; thực hiện xóa đói, giảm nghèo; tăng nguồn thu ngân sách quốc gia.
Trong kinh tế tư nhân, các ngành phi nông nghiệp sẽ có tốc độ phát triển nhanh hơn và ngày càng chiếm tỷ trọng cao, đặc biệt là lĩnh vực thương mại và dịch vụ sẽ vẫn thu hút đông đảo các lực lượng lao động xã hội tham gia. Đồng thời, trong thành phần kinh tế này sẽ xuất hiện nhiều ngành nghề và nhiều sản phẩm mới có số lượng lớn, chất lượng cao, giá thành hạ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của toàn xã hội, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng kinh tế đối ngoại. Đặc biệt, sẽ có nhiều lĩnh vực hiện nay thuộc độc quyền sản xuất, kinh doanh của Nhà nước thì trong tương lai sẽ chuyển giao một phần cho kinh tế tư nhân đảm nhiệm.
Hình thức tổ chức kinh doanh của kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển đa dạng, trong đó, kinh doanh cá thể, DNNVV vẫn chiếm ưu thế lớn về số lượng, tỷ trọng vốn đầu tư, cơ cấu GDP, kim gạch xuất khẩu, thu hút lao động, giải quyết việc làm, thỏa mãn nhu cầu đa dạng của xã hội. Sẽ có hàng chục triệu hộ sản xuất kinh doanh cá thể trong nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ nông thôn tới đô thị và sự phát triển của loại hình này và có thể theo hai xu hướng:
- Xu hướng thứ nhất: một bộ phận có khả năng lớn về vốn, TLSX sẽ
hình thành các chủ trang trại trong nông nghiệp hoặc các doanh nghiệp trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu.
- Xu hướng thứ hai: Có thể xảy ra với đại bộ phận hộ sản xuất, kinh doanh cá thể là muốn tồn tại, phát triển trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh quốc tế thì sớm muộn phải liên kết, hợp tác với nhau dưới nhiều hình thức từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ một khâu đến nhiều khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tùy thuộc vào khả năng, trình độ của từng đơn vị, từng ngành nghề cụ thể.
Hai xu hướng trên sẽ đồng thời diễn ra và có quan hệ tác động qua lại với nhau. Tuy nhiên, các xu hướng vận động của kinh tế tư nhân sẽ làm cho các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thành phần kinh tế này có nhiều đột biến. Số hộ sản xuất kinh doanh độc lập dưới dạng sở hữu cá thể sẽ giảm xuống để nhường chỗ cho sự tăng lên của các loại hình kinh tế hợp tác, công ty TNHH, công ty cổ phần. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh sẽ có quy mô ngày càng lớn, trang thiết bị máy móc và công nghệ ngày càng hiện đại, tiên tiến hơn.
Bốn là, trong các DNTN sẽ diễn ra sự đan xen, liên kết với nhau và với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để hình thành kinh tế hỗn hợp vận động theo cơ chế thị trường định hướng XHCN.
Đây là xu hướng khách quan, tất yếu trong nền sản xuất xã hội theo hướng CNH, HĐH ở nước ta. Khi kinh tế nhà nước được sắp xếp lại và thực hiện tốt vai trò chủ đạo của mình thì xu hướng liên kết giữa các hình thức sở hữu để hình thành các loại hình doanh nghiệp hỗn hợp sẽ phát triển mạnh hơn và có thể diễn ra theo các hướng sau đây:
- Các chủ thể sản xuất, kinh doanh cùng tồn tại và phát triển trong sự liên kết, hợp tác để cùng sản xuất ra một loại sản phẩm nhất định.
- Các loại hình DNTN, hộ cá thể có thể làm vệ tinh cho nhau, hoặc làm vệ tinh cho DNNN. Xu hướng này sẽ diễn ra khi tiến trình CNH, HĐH ở trình độ phân công lao động xã hội cao.
- Các DNTN và các hộ cá thể có thể liên kết với nhau hoặc với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hình thành doanh nghiệp hỗn hợp
với nhiều hình thức sở hữu đan xen như công ty liên doanh, công ty hợp doanh.
- Các loại hình DNTN liên kết với nhau để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân với nhiều quy mô khác nhau, nhiều ngành nghề khác nhau trên từng vùng hoặc trong phạm vi cả nước. Đây là xu hướng đang phát triển mạnh khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO.
Hoạt động của kinh tế tư nhân không tách rời kinh tế nhà nước và khi kinh tế tư nhân phát triển ở trình độ cao, tất yếu sẽ dẫn đến sự ra đời và phát triển của hình thức kinh tế tư bản nhà nước. Đây chính là công thức kinh tế mà Lênin đã vạch ra trong chính sách kinh tế mới ở Liên Xô trước đây. Kinh tế tư bản nhà nước có vị trí đặc biệt quan trọng, nó được xem là bước trung gian, quá độ, “là phòng chờ để đi vào CNXH”. Chính vì vậy, cần phải khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng XHCN và hướng sự phát triển này đi vào con đường kinh tế tư bản nhà nước dưới các hình thức thích hợp, với sự điều tiết chặt chẽ của Nhà nước XHCN.
Theo xu hướng đó, kinh tế nhà nước hiện đang tiến hành đổi mới, cơ cấu lại, mà một trong những giải pháp lớn là thực hiện cổ phần hóa DNNN, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia liên kết với DNNN nhằm mở rộng địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các hình thức liên kết cụ thể là: liên doanh giữa DNNN với các DNTN trong nước hoặc DNTN nước ngoài; hình thức các công ty cổ phần với các cổ đông là nhà nước và tư nhân; xây dựng các đặc khu kinh tế, các khu chế xuất; xây dựng các hợp tác xã cổ phần của những người sản xuất nhỏ...Và để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển theo hướng đa dạng hóa sở hữu, đan xen các hình thức sở hữu, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng chỉ rõ: “Đảng ta chủ trương phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đan xen, hỗn hợp nhiều hình thức sở hữu giữa các thành phần kinh tế với nhau, giữa trong nước và nước ngoài; phát triển hình thức tổ chức kinh tế cổ phần nhằm huy động và sử dụng rộng rãi vốn đầu tư xã hội; nhân rộng mô hình hợp tác, liên kết
công nghiệp và nông nghiệp; DNNN và kinh tế hộ nông dân; phát triển các loại hình trang trại với quy mô phù hợp trên từng địa bàn”[17, tr.32].
Có thể nói, các xu hướng phát triển của kinh tế tư nhân kể trên suy cho cùng là kết quả của quá trình xã hội hóa sản xuất, là sự chuyển biến nền kinh tế từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN trên cả ba mặt: LLSX, QHSX, phương thức tổ chức quản lý nền sản xuất xã hội. Tất nhiên, nền kinh tế nước ta sẽ vận động, phát triển theo hướng nào còn “tùy thuộc vào bản chất chế độ chính trị và bản chất của thành phần kinh tế chủ đạo quyết định”[59, tr.27]. Bởi vì, trong điều kiện nhất định, ở một mức độ nào đó, chính trị có ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất và xu hướng phát triển của nền kinh tế. Nước ta xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước XHCN, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, vì vậy kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng XHCN cũng sẽ là một xu hướng tất yếu.