b) Topography của bề mặt đá mà
1.7.2 Tình hình nghiên cứu trong nước
Tại Việt Nam thì việc ứng dụng các phương pháp mới như trí tuệ nhân tạo vào công nghệ mài còn hạn chế. Trong những năm gần đây, có một số công trình nghiên cứu về mài như công trình [9] của tác giả Nguyễn Huy Ninh nghiên cứu phương pháp đánh giá tính cắt gọt của đá mài. Trong công trình nghiên cứu [15] của tác giả Trần Minh Đức đã xây dựng được các chỉ tiêu để xác định tuổi bền của đá, đã xây dựng được quan hệ giữa tuổi bền của đá mài, các đại lượng mòn với chế độ công nghệ khi sửa đá. Tác giả Trần Đức Quý trong công trình nghiên cứu [16] đã xây dựng được hàm toán học mô tả một số mối quan hệ thực nghiệm khi mài tròn ngoài thép 45, đó là các hàm quan hệ giữa độ nhám Ra, tuổi bền của đá mài T và lực cắt P với các thông số chế độ cắt. Khi nghiên cứu về quá trình mài phẳng thép 45, tác giả Hoàng Văn Điện trong công trình [2] đã xây dựng được hàm toán học mô tả các mối quan hệ thực nghiệm giữa độ mòn, lực cắt và độ nhám bề mặt với chế độ cắt. Tác giả Phùng Xuân Sơn trong công trình nghiên cứu [5] đã thiết lập được các mối quan hệ thực nghiệm của rung động với chế độ cắt, độ nhám, lực cắt và thời gian mài trong quá trình mài phẳng thép 45.
Có thể thấy trong các nghiên cứu trên đều sử dụng vật liệu thí nghiệm là thép Cacbon và dừng lại ở việc tìm ra được hàm quan hệ toán học dựa trên một chỉ tiêu nào đó mà chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập đến vấn đề tối ưu hóa đa mục tiêu khi mài các loại thép hợp kim. Việc xây dựng và giải quyết bài toán tối ưu đa mục tiêu có ý nghĩa rất lớn nhằm khắc phục những khó khăn trong việc điều khiển thích nghi quá trình mài tròn ngoài với mục đích kiểm soát được chất lượng sản phẩm và năng suất gia công. Đặc biệt là khi mài thép hợp kim với sự khác biệt về cơ lý tính so với thép Cacbon thường.