III. Phân loại theo mục đích sử dụng
2.3.1 Những kết quả thu được.
Trong giai đoạn từ năm 2012- 2014 hoạt động cho vay tiêu dùng tại MB- chi nhánh Đông Anh đã đạt được những kết quả hết sức khả quan:
Thứ nhất: Dư nợ cho vay tiêu dùng tăng trưởng ngày càng nhanh. Năm 2012 dư nợ cho vay là 51.592 triệu đồng, năm 2013 là 65.288 triệu đồng, tăng 26.55%. Năm 2014 dư nợ cho vay tiếp tục tăng ở mức 28.99% so với năm 2013. Không chỉ dư nợ cho vay tăng mà chất lượng các khoản vay cũng được nâng lên đáng kể bằng các quy trình nghiệp vụ nghiêm ngặt, sàng lọc kỹ đối tượng khách hàng chính vì vậy mà nợ xấu phát sinh từ cho vay tiêu dùng tương đối thấp, doanh số thu hồi nợ cho vay tiêu dùng ở mức cao mà ngày càng tăng. Nếu như năm 2012 doanh số thu hồi nợ chỉ là 32.258 triệu đồng thì năm 2013 đã tăng lên 44.319 triệu đồng tương ứng
với mức tăng 37.39%, năm 2014 doanh số thu hồi nợ còn cao hơn và tăng tới 58,9% so với năm 2013. Đây là thành quả hết sức đáng khen ngợi mà đội ngũ nhân viên chi nhánh đã làm được để giảm thiểu tối đa nhất những rủi ro mà cho vay tiêu dùng gây ra cho hoạt động của ngân hàng.
Thứ hai: Cùng với việc gia tăng dư nợ cho vay tiêu dùng thì lãi từ hoạt động cho vay này cũng tăng theo một cách đáng kể. Năm 2012 thu lãi từ cho vay tiêu dùng đạt 10.576 triệu đồng, năm 2013 là 10.772 triệu đồng, tăng 1.85%, năm 2014 tăng 1.62%. Mức tăng này nếu nhìn đơn thuần thì không cao nhưng do trong giai đoạn này lãi suất cho vay có sự biến động rất mạnh theo xu hướng giảm chính vì vậy dù dư nợ cho vay tăng khá cao nhưng nếu xét theo giá trị thu lãi đơn thuần thì sẽ khó thấy được vấn đề. Để thấy được tầm quan trọng của cho vay tiêu dùng thế nào trong tổng cho vay thì cần nhìn qua tiêu chí tỷ trọng lãi cho vay tiêu dùng trên tổng lãi cho vay và dư nợ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ chúng ta sẽ thấy được sự chênh lệch khá lơn do với mỗi đồng cho vay tiêu dùng sẽ thu được nhiều lãi hơn so với cho vay thông thường. Năm 2012 lãi cho vay tiêu dùng đóng góp vào 7,93% tổng lãi vay, năm 2014 tăng lên mức 11,78%. Thực sự hiệu quả đạt được từ cho vay tiêu dùng là rất cao nếu ngân hàng biết cách kiểm soát nó.
Thứ ba: Việc phát triển cho vay tiêu dùng đã giúp cho ngân hàng đã dạng hóa được các sản phẩm cho vay từ đó tạo được những lợi thế cạnh tranh nhất định trong cuộc đua giữa các ngân hàng hiện nay và cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của thị trường. Khách hàng sẽ biết đến ngân hàng Quân Đội nhiều hơn, đó là một ngân hàng không chỉ được biết đến với vai trò chủ yếu là phục vụ đối tượng khách hàng là các sỹ quan, bộ đội mà còn phục vụ rộng rãi tới nhiều đối tượng khách hàng khác. Từ đó nâng cao được uy tín cũng như tầm cỡ của ngân hang lên, khách hàng sẽ đánh giá được đây là một ngân hàng lớn với sản phẩm đa dạng và đảm bảo.
Và cuối cùng, việc mở rộng đối tượng khách hàng vay cũng như là một công cụ gián tiếp giúp thúc đẩy các sản phẩm khác của ngân hàng phát triển theo. Bởi khi nhiều đối tượng khách hàng biết đến ngân hàng Quân Đội hơn thì trong một thời điểm nhất định họ có thể sử dụng sản phẩm cho vay nhưng tại một số thời điểm
khác họ sẽ sử dụng các sản phẩm các của ngân hàng như tiền gửi tiết kiệm, mở tài khoản, mua bán ngoại hối hay chuyển tiền… Đây dù chỉ là những tác nhân gián tiếp nhưng lại phát huy rất hiệu quả đặc biệt là trong dài hạn.
Từ quá trình phát triển cho vay tiêu dùng và phân tích những kết quả đạt được ta có thể rút ra được những lợi thế trong hoạt động cho vay tiêu dùng so với các hoạt động cho vay khác của ngân hàng thể hiện qua các mặt sau:
- Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay cao và ổn định.
- Tỷ lệ thu lãi cao hơn so với vay thông thường.
- Thu nhập từ lãi cho vay tiêu dùng cao hơn.
- Tỷ lệ thu hồi nợ vay khá tốt.
- Tỷ lệ nợ xấu thấp.
Việc nghiên cứu hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng TMCP Quân Đội-chi nhánh Đông Anh bược đầu đã cho thấy được những hiệu quả nhất định, tuy nhiên bên cạnh những thành công đã đạt được thì hoạt động cho vay tiêu dùng ở đây vẫn còn nhiều hạn chế.
2.3.2 Những hạn chế và nguyên nhân.
2.3.2.1 Một số hạn chế.
- Thứ nhất: Việc phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng của ngân hàng Quân Đội hướng nhằm phục vụ tới hầu hết các đối tượng khách hàng tuy nhiên trong thực tế cho vay tiêu dùng của ngân hàng phần lớn là cho vay mua ô tô và cho vay sửa chữa mua nhà đất, trong khi rất nhiều những sản phẩm khác như cho vay đi du học, đi xuất khẩu lao động tín chấp cá nhân… thì phát triển khá chậm. Chính điều này đã làm mất cân đối các nguồn thu nhập từ cho vay tiêu dùng. Và điều này khá nguy hiểm khi không thể đa dạng được các khoản cho vay tiêu dùng thì rủi ro lớn sẽ xảy ra trong trường hợp có các biến động kinh tế- pháp luật xảy ra như nhà nước tăng thuế mua ô tô, thuế cầu đường, ô nhiễm môi trường… Trong khi nhu cầu đi du học, xuất khẩu lao động trong tương lai là rất lớn. Ngân hàng cần có những chính sách phù hợp để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận xin vay.
- Thứ hai: Ngoài việc phát triển không cân đối các sản phẩm cho vay tiêu dùng thì tại ngân hàng Quân Đội các sản phẩm cho vay chưa thực sự đa dạng so với các ngân hàng khác như Tienphongbank, ACB hay Techcombank. Vì vây ngân hàng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của khách hàng. Hơn nữa tại ngân hàng Quân Đội
mới chỉ xây dựng riêng rẽ và chi tiết 2 sản phẩm chính đó là cho vay mua ô tô và cho vay mua, sửa chữa nhà, còn lại các sản phẩm khác thì vẫn được gộp chung và các quy định trong đó chưa rõ ràng. Điều này đã hạn chế khả năng cạnh tranh của ngân hàng so với các ngân hàng khác.
- Thứ ba: Tỷ trọng cho vay đối với các đối tượng không có tài sản đảm bảo và cho vay tín chấp là rất ít, gần như là ngân hàng Quân Đội không khuyến khích cho vay đối với đối tượng này. Mặc dù nó sẽ giúp cho ngân hàng giảm thiểu được rủi ro trong quá hoạt động ngân hàng của mình, có tài sản để thu hồi trong trường hợp khách hàng mất khả năng thanh toán tuy nhiên điều này là khá tiêu cực, và cũng cho thấy kinh nghiệm cũng như năng lực kiểm soát các khoản cho vay này của ngân hàng còn yếu trong khi nhiều ngân hàng khác vẫn thành công trong hoạt động cho vay tín chấp này. Trên thực tế có rất nhiều những đối tượng khách hàng có thu nhập cao, ổn định, họ có nhu cầu vay rất nhiều tuy nhiên do một vài lý do khách quan mà có thể họ chưa có sổ đỏ hay các tài sản lớn khác để cầm cố chính vì vậy mà họ không thể tiếp cận được các khoan vay từ ngân hàng Quân Đội. Đây thực sự là thiếu sót trong hoạt động ngân hàng.
- Thứ tư: Thủ tục cho vay của ngân hàng Quân Đội vẫn khá cồng kềnh, mất nhiều thời gian mới giải ngân được trong khi hiện nay các ngân hàng khác đang ra sức cạnh trạnh cải cách và rút bớt thủ tục hành chính để làm sao đem lại sự phục vụ tốt nhất và tiện ích nhất cho các khách thì tại ngân hàng Quân Đội vẫn chưa theo kịp. Điều này đang làm giảm sự hài lòng của khách hàng đối với ngân hàng.
- Cuối cùng đó là số lượng khách hàng cho vay tiêu dùng còn khá hạn chế mặc dù dư nợ cho vay tiêu dùng là khá cao và tăng trưởng tốt nhưng so với các ngân hàng khác thì thị phần cho vay tiêu dùng của ngân hàng vẫn còn nhỏ. Với tiềm lực tài chính của mình thì ngân hàng Quân Đội hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa để chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới.
2.3.2.2 Nguyên nhân.
Trong quá trình phát triển cho vay tiêu dùng của mình, ngân hàng Quân Đội chi nhánh Đông Anh còn tồn tại nhiều hạn chế do ngân hàng này chịu tác động của rất nhiều những nguyên nhân khác nhau trong đó bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
a. Nguyên Nhân chủ quan từ phía ngân hàng.
- Các sản phẩm cho vay tiêu dùng của ngân hàng còn ít và có nhiều hạn chế. Ngân hàng chỉ chú trọng phát triển một số sản phẩm cốt yếu như cho vay mua ô tô, cho vay sửa chữa, mua nhà đất mà chưa chú trọng phát triển các sản phẩm khác có nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó thì tâm lý ngại rủi ro và không thích các khoản vay nhỏ lẻ cũng là một trở ngại lớn cho sự phát triển của cho vay tiêu dùng.
- Kinh nghiệm trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng của ngân hàng vẫn còn khá khiêm tốn. Do ngân hàng suốt một thời gian dài sau khi thành lập chỉ chú trọng vào phát triển cho vay đối với các đối tượng là doanh nghiệp quân đội, doanh nghiệp nhà nước, mãi tới tận năm 2001 mới chủ trương phát triển cho vay tiêu dùng trong khi một số các ngân hàng khác đã định hướng phát triển dịch vụ bán lẻ, cho vay đối với các cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ từ rất sớm nên họ có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các sản phẩm cũng như chiếm lĩnh được thị trường.
- Một số nghiệp vụ cho vay chưa đồng bộ và rõ ràng, cứ phát sinh đến đâu thì lắp ghép đến đấy. Thêm vào đó là thủ tục cho vay vẫn còn nhiều bất cập gây phiền hà cho khách hàng như việc xác nhận, chứng minh các khoản thu nhập của những đối tượng làm nghề tự do hay những hộ kinh doanh không có hóa đơn bán hàng. Thêm vào đó là các thủ tục hành chính nhà nước vốn dĩ đã phức tạp nữa nên đã tạo ra tâm lý không tốt cho những khách hàng muốn vay, họ trở nên ngại đi vay tại ngân hàng Quân Đội.
- Trong một thời gian dài hoạt động Marketing của ngân hàng còn tồn tại nhiều yếu kém và thực sự không phát huy được nhiều hiệu quả dẫn tới hình ảnh của ngân hàng không được nhiều người biết tới. Hoạt động Marketing này chủ yếu là do hội sở đảm trách trong khi các chi nhánh dưới không chủ động xây dưng hình ảnh cho riêng mình, cũng như thụ động trong quá trình tiếp cận các khách hàng mới, các khách hàng truyền thống của ngân hàng chủ yếu là các sĩ quan, quân nhân, những người đã quen thuộc với ngân hàng.
- Nguồn nhân lực của ngân hàng vẫn còn khá trẻ, nhiều người vừa mới tốt nghiệp nên kĩ năng cũng như kinh nghiệm còn chưa cao, chính vì vậy chưa phát huy được hết hiệu quả công việc của mình. Thêm vào đó nhân lực làm phòng tín dụng vẫn chưa
đáp ứng được hết nhu cầu của ngân hàng, do thời gian gần đây các chi nhánh đang mở rộng quy mô khá nhanh nên nguồn nhân lực tốt vẫn đang rất thiếu.
b. Nguyên nhân khách quan.
- Do đặc điểm hoạt động cho vay tiêu dùng tiềm ẩn rủi ro rất lớn nên trong nhiều trường hợp ngân hàng không thu hồi được các khoản nợ do khách hàng bị thất nghiệp, tại nạn, thương tật dẫn đến mất khả năng trả nợ ngân hàng.
- Hành lang pháp lý cho hoạt động cho vay tiêu dùng còn chưa đầy đủ và nhiều bất cập. Các văn bản còn chưa rõ ràng đầy đủ như quy định về tài sản đảm bảo, về phát mại và xử lý tài sản...Tiến trình thực hiện cũng như cơ chế thực hiện một số văn bản liên quan còn chậm trễ, lỏng lẻo. Chẳng hạn việc cấp số đỏ cho người dân theo luật đất đai, việc quản lý hộ khẩu, việc chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, thời gian chờ đợi để công chứng rất lâu do đó làm ảnh hưởng tới điều kiện tài sản đảm bảo, tiến độ các khoản vay và khả năng xử lý tài sản đảm bảo.
- Trong thời gian qua nền kinh tế phát triển không ổn định, các chi tiêu kinh tế như lạm phát, GDP, tỷ giá… biến động khá thất thường trong khi đây lại là các tiêu chí để xác định các mức lãi suất cho vay cũng như định giá các tài sản đảm bảo. Vì vậy những yếu tố biến động thất thường này đã tác động không nhỏ tới hoạt động của ngân hàng. Và việc nợ xấu tăng cao nên các ngân hàng trong đó có ngân hàng Quân Đội buộc phải rè chừng cho vay tiêu dùng do lo ngại rủi ro quá lớn và ngân hàng sẽ phải trích nhiều hơn cho quỹ dự phòng rủi ro, làm giảm lợi nhuận ngân hàng.
- Tiếp nữa đó là sự cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng lớn. Trong khoảng chục năm trở lại đây nhiều ngân hàng đua nhau thành lập, thêm vào đó là sự xuất hiện nhiều hơn các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các ngân hàng này hầu hết đều tập trung vào phát triển ngân hàng bán lẻ, cho vay tiêu dùng bởi họ đều coi đây là ngách thị trường rất tiềm năng nên hầu hết các ngân hàng đều đưa ra các chương trình khuyến mãi khủng, nghiên cứu các sản phẩm ngày càng đa dạng và tốt hơn dẫn tới ngân hàng Quân Đội hiện tại đang bị yếu thế trong cuộc đua tranh giành thị phần này.