2. Cách xử lý tình huống:
TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM TRONG CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM “ Mua ủng hộ tép tăm nhân đạo”
“ Mua ủng hộ tép tăm nhân đạo”
GV: ThS. Cao Thành Đon Trường THCS Phú Thuận A
Nhân sự kiện Hội người mù đến liên hệ nhà trường nhờ ủng hộ mua tăm nhân đạo. BGH sau khi tính toán đầu học sinh, đã giao chỉ tiêu lớp 9A1 do tôi chủ nhiệm động viên mỗi học sinh mua ít nhất là một tép ( 1000đ/tép tăm). Đến giờ sinh hoạt lớp, do chủ quan, không lường trước những rắc rối sẽ phát sinh( cứ tưởng có 1000đ, chắc em nào cũng mua ủng hộ), sau khi thuyết giảng ý nghĩa của công việc nhân đạo này, tôi phân phát mỗi em 1tép và yêu cầu thủ quỹ lớp thu tiền. Hầu hết các em đều đồng ý nhưng chỉ duy nhất có em LVT đứng lên và nói: “Thưa thầy, em không ủng hộ mua vì không có tiền”. Nói xong em lên trả lại tép tăm và về chỗ ngồi.
Trước tình huống đầy bất ngờ này, tôi rất lúng túng không biết xử lý ra sao cho ổn thỏa. Bấy giờ, trong đầu với nhiều phương án đưa ra:
1. Phê bình T và dứt khoát yêu cầu em phải mua ủng hộ, còn tiền thì mai trả để đảm bảo uy tín của mình và tạo sự công bằng trước lớp.
2. Kêu gọi các em khác mua thế cho em T.
3. Không nói gì thêm mà lẳng lặng móc tiền ra và mua tép tăm một cách bình thường như không có chuyện gì xảy ra.
4. Hay mình sẽ nói: “Vậy thì em có thể vì thầy mà mua giúp được không?” và khen ngợi những điều tốt đẹp mà bản thân em T đã làm gần đây cho lớp.
Nếu xét một cách khách quan thì câu trả lời đó của em LVT nghe có vẻ có lý, không tiền thì làm sao mà mua ủng hộ được? Cách lập luận này có thể làm tôi hơi sốc vì không ngờ rằng học sinh của mình lại có cách xử sự như vậy. Nhưng điều đó hoàn toàn có thể, vì khi mới chỉ là những cô cậu học trò cấp THCS, các em thường có suy nghĩ khá máy móc và ngây thơ là mình muốn thì mua, mình không muốn thì không mua, có chết ai đâu mà sợ! Dù sao cách suy nghĩ trẻ con này cũng có cái lý của nó, nên không thể và cũng không công bằng khi phê bình gay gắt em T và bắt buột em nó mua. Vì như thế sẽ khiến em LVT cảm thấy bực bội, không vừa lòng. Và có thể có những hậu quả khôn lường nếu “Tức nước thì vỡ bờ”. Đừng tự đẩy mình vào tình huống khó xử thêm.
Kêu gọi các em khác mua thế. Nếu được thì coi như xong, nhưng nếu chẳng may “Hô mà không ứng” thì sẽ thực sự bế tắc ( rõ ràng khả năng này có thể xảy ra, vì tận thâm tâm, hầu hết các em đều gượng mua).Tỏ ra bất lực không thể giải quyết được tình huống trước mặt học sinh là điều tối kỵ.
Thôi thì “vạn bất đắc dĩ” tự mình mua ủng hộ thế T để không rơi vào tình thế như khi chọn hai cách xử lý trên. Có thể trong suy nghĩ đó là việc hết sức nhỏ nhặt chẳng đáng phải bận tâm, thầy sẽ mua ủng hộ thay các em. Chắc chắn trước mặt
học sinh lúc này thầy trở nên rất gần gũi và dễ tính. Nhưng biết đâu đó lại chính là sự mở đường cho học sinh tiếp tục chối từ những sự việc tương tự sẽ xảy ra sau này. Và sự dễ dãi này sẽ khiến học sinh nghĩ rằng ủng hộ cũng được và không ủng hộ cũng không sao! Đến lúc đó thì còn gì là lớp học nữa, tình người nữa.
Cuối cùng tôi chọn cách nói với T: “Vậy thì em có thể vì thầy mà mua giúp được không?” và khen ngợi những điều tốt đẹp mà bản thân em đã làm gần đây cho lớp. Nghe tôi nói, em suy nghĩ một lúc và gật đầu mua ủng hộ ngay. Bầu không khí nặng nề, căng thẳng của cả lớp được giải tỏa. Tôi tự nhận thấy, cách này đã đem lại sự thành công hơn hẳn 3 cách trên. Bởi lẽ, nó giải quyết hài hòa mối quan hệ thầy trò, bảo vệ uy tín của thầy trước lớp, xóa ác cảm trong đầu của các bạn đối với em LVT và nhất là giáo dục cho các em cách đối nhân xử thế đầy tính nhân văn, tình người./.